Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 9-12-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast  tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Ngày 9-12 còn có rất nhiều sự kiện trong nước và quốc tế đáng nhớ như Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh về chế độ báo chí, Lech Wałęsa trở thành Tổng thống Cộng hòa Ba Lan…

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 9-12

Sự kiện trong nước

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn. Ảnh tư liệu 

Ngày 9-12-1993: Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn qua đời tại Hà Nội. Ông sinh năm 1905 ở Nghệ An. Ông là một học giả uyên thâm, có kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực: Sử học, vǎn học, triết học, ngôn ngữ học, dân tộc học, giáo dục học, cùng vốn hiểu biết phong phú về vǎn hóa phương Đông và phương Tây.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm cho báo chí và các nhà báo. Ảnh tư liệu: TTXVN

Ngày 9-12-1956: Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh về chế độ báo chí, nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận của nhân dân và ngǎn cấm những kẻ lợi dụng báo chí hại đến công cuộc đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của nước nhà.

Ngày 9-12-1909: Ngày sinh bà Lê Thị Xuyến tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Năm 1928, bà tốt nghiệp bậc Thành Chung vừa đỗ bằng sư phạm và là phụ nữ đầu tiên ở Quảng Nam có được tấm bằng ấy. Sau đó, bà được giữ lại làm giáo viên của Trường Đồng Khánh.

Bà Lê Thị Xuyến - Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ảnh tư liệu 

Tháng 1-1946, bà được Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Nam giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khoá I (1946-1960) và đã trúng cử với số phiếu cao, trở thành một trong 15 đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Quảng Nam và là một trong 10 người nữ đầu tiên của cả nước được bầu làm đại biểu Quốc hội.

Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, bà là đại biểu nữ duy nhất được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội, phụ trách Ủy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội. Sau đó, bà Lê Thị Xuyến liên tục là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV, V và cũng được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ các khóa IV, V; Ủy viên Ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội.

Bà Lê Thị Xuyến được bầu làm Hội trưởng tại Ðại hội lần thứ I diễn ra vào tháng 4-1950 tại Ðại Từ, Thái Nguyên. Bà là một trong những cán bộ lãnh đạo đầu tiên và có thời gian công tác lâu nhất (32 năm) của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kể từ khi thành hợp nhất các tổ chức phụ nữ thành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Sự kiện quốc tế

 Lech Wałęsa - Tổng thống Cộng hòa Ba Lan. Ảnh tư liệu

Ngày 9-12-1990: Lech Wałęsa trở thành Tổng thống Cộng hòa Ba Lan trong cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên sau chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở khắp Đông Âu.

John Milton - nhà thơ nổi tiếng của Anh thế kỷ 17. Ảnh tư liệu 

Ngày 9-12-1608: Ngày sinh John Milton, là nhà thơ Anh thế kỷ 17. Sự nghiệp sáng tác của ông rất phong phú với các tác phẩm như: Niềm vui; Trầm tư; Nhạc kịch thơ Comus. Ông mất ngày 8-11-1674, thọ 66 tuổi.

Theo dấu chân Người

Ngày 9-12-1919, báo cáo theo dõi của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc có 2 lần đến Thư viện Thánh Giơnơvievơ (Sainte Genevieve) ở Pari.

Ngày 9-12-1927, nhận sự phân công của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc có mặt trong ngày khai mạc Đại hội đồng của Liên đoàn chống đế quốc họp tại Brúcxen (thủ đô Vương quốc Bỉ). Cũng tại hội nghị này, nhà cách mạng Việt Nam đã gặp một số nhân vật như: Môlitan Nêru (thân sinh Thủ tướng Ấn Độ G.Nêru sau này), Xucácnu (sau trở thành Tổng thống Inđônêxia), Tống Khánh Linh (vợ Tôn Trung Sơn), Katayama Xen (chính khách cánh tả Nhật Bản)...

Bài thơ “Đáo Liễu Châu 9-12” trong “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu 


Ngày 9-12-1942, Hồ Chí Minh bị giải đến giam ở Liễu Châu và làm bài thơ chữ Hán “Đáo Liễu Châu 9-12” (Đến Liễu Châu ngày 9-12) được Nam Trân dịch:

Muôn cay nghìn đắng đâu vô hạn,

Mồng chín ta vừa đến Liễu Châu;

Ngoảnh lại hơn trăm ngày ác mộng,

Tỉnh ra, trên mặt vẫn vương sầu”.

 Quang cảnh phiên họp khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, ngày 2-3-1946. Ảnh tư liệu: TTXVN

Ngày 9-12-1958, tại lễ khai mạc kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khoá I, thay mặt Ban sửa đổi Hiến pháp, Bác “hứa với Quốc hội sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Quốc hội đã giao phó cho: dự thảo một bản Hiến pháp xứng đáng với sự tiến bộ của nhân dân ta, của Tổ quốc ta”.

Bác Hồ với các đại biểu phụ nữ các dân tộc Việt Bắc, năm 1959. Ảnh tư liệu 

Ngày 9-12-1959, chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ thảo luận về việc soạn thảo Luật hôn nhân và gia đình, Bác đã phát biểu Dự luật hôn nhân gọi nôm na là dự luật lấy vợ lấy chồng, nhằm xây dựng hạnh phúc chung, nhưng trước hết là nhằm giải phóng chị em phụ nữ, cho nên khi giải thích, tuyên truyền, chị em phụ nữ phải ra sức hoạt động nhiều để tinh thần luật được thấm nhuần đến mọi tầng lớp trong xã hội, đến từng người, từng địa phương...

 Nhân dân Nghệ An chào đón Bác Hồ về thăm lần thứ 2, ngày 9-12-1961; Bác Hồ nói chuyện với bà con làng Sen (xã Kim Liên), thăm hợp tác xã Vĩnh Thành (Yên Thành) và Nông trường Đông Hiếu (Nghĩa Đàn). Ảnh: Tư liệu

Ngày 9-12-1961, Bác về thăm Nghệ An, tại xã Kim Liên quê nhà, Bác căn dặn: “Nay dân đã là chủ. Nhưng phải cho ra người chủ, chứ không thể phất phơ được. Mọi người đều có trách nhiệm làm cho dân giàu nước mạnh, quốc phòng vững mạnh”.

Tại nhà máy Cơ khí Vinh, Bác nhấn mạnh: “Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, phải làm thế nào xứng đáng là lãnh đạo để người ta tin cậy... Công nông liên minh chứ không phải “nông công liên minh””. Còn tại trường Sư phạm miền núi Nghệ An, Bác nói: “...Bây giờ các dân tộc đều là anh em cả. Dân tộc nào đông hơn, nhiều người hơn, tiến bộ hơn thì phải giúp đỡ các dân tộc khác để đều tiến bộ như nhau, đều đoàn kết như anh em một nhà”.

 Bác Hồ chụp ảnh với gia đình cán bộ Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh tư liệu

Cùng ngày, gặp mặt với cán bộ, đảng viên lâu năm, Bác căn dặn: “Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ... Như thế đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa... Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt… Người ta thường nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Khi phát triển Đảng cần phải chọn lọc rất cẩn thận, phải xem trọng chất lượng quyết không nên làm một cách ồ ạt, không nên tham nhiều... Đảng viên tốt thì Đảng mới mạnh. Đảng mạnh thì mới làm trọn nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang...”. Đó là lời Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết “Tiêu chuẩn của người đảng viên”, đăng trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 9-12-1959.

(Sách Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)

Là người sáng lập và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển Đảng, bởi theo Người, đây là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa quyết định sự tồn tại và phát triển của Đảng ta. Lời dạy của Bác có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần chỉ đạo, định hướng công tác phát triển đảng viên của Đảng đúng hướng, có chất lượng.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần II, tháng 2-1951. Ảnh tư liệu

Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng và làm tốt công tác phát triển Đảng, thu hút được những người ưu tú, tiêu biểu nhất về phẩm chất, năng lực, trí tuệ trong giai cấp công nhân, nông dân, trí thức và các thành phần xã hội khác.

Nhờ đó, Đảng ta đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, đủ sức lãnh đạo nhân dân ta hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

 Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn. Ảnh: baochinhphu.vn

Ngày nay, đất nước ta bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc phát triển Đảng đi đôi với củng cố tổ chức đã và đang được Đảng ta đặc biệt quan tâm trong công tác xây dựng Đảng. Lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, là kim chỉ nam định hướng đúng đắn cho công tác phát triển đảng viên của Đảng.

Để thực hiện tốt lời dạy của Bác, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện tốt nhiều khâu, nhiều bước theo một quy trình chặt chẽ, nghiêm túc: Từ tuyên truyền, giáo dục, tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đến giúp đỡ đảng viên dự bị trở thành đảng viên chính thức, trong đó khâu tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; phải xác định và vận dụng đúng đắn tiêu chuẩn đảng viên, đồng thời thực hiện tốt phương hướng phát triển Đảng; phát triển đảng viên phải tích cực, thận trọng, phát triển phải luôn đi đôi với củng cố Đảng và phải thực hiện tốt các bước phát triển Đảng...

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.  Ảnh: TTXVN

Thực hiện lời dạy của Bác, mỗi cấp ủy và tổ chức đảng trong quân đội phải đặc biệt coi trọng công tác phát triển đảng viên, góp phần xây dựng đội ngũ đảng viên có chất lượng cao, có số lượng hợp lý, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và Đảng bộ Quân đội, lãnh đạo toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực sự là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương gặp mặt các đại biểu điển hình tiên tiến toàn quốc trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh giai đoạn 2009 - 2019 tại Trụ sở Trung ương Đảng, ngày 19-12-2019. 


Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

 Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9-12-1965. 


Ngày 9-12-1965, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1694 có đăng bài “Hồ Chủ tịch trả lời phỏng vấn nhà báo Anh Phê-lích Gơ-rin”.

Trang hai Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9-12-1983.  


Ngày 9-12-1983, trên trang hai Báo Quân đội nhân dân số 8088 có đăng bài “Bác Hồ nói về báo chí quân đội” nhân Đại hội lần thứ IV Hội Nhà báo Việt Nam: “Vệ quốc quân là quân đội của nhân dân, để bảo vệ đồng bào, giữ gìn Tổ quốc. Báo Vệ quốc quân là cốt để nâng cao tinh thần và kỷ luật của bộ đội...”.

 


HUYỀN TRANG (tổng hợp)