Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 8-12-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 8-12

Sự kiện trong nước

Ngày 8-12-1973, đoàn 24 công nhân xây dựng Cuba đầu tiên do Đảng Cộng sản và Chính phủ Cuba cử sang xây dựng đã đến Việt Nam. Đội xây dựng quốc tế xã hội chủ nghĩa Cuba đã tham gia xây dựng nhiều công trình quan trọng ở miền Bắc Việt Nam. Trong nhiều nǎm liền các công nhân xây dựng Cuba, với tình cảm anh em, đã góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị sâu sắc Việt Nam - Cuba. Nhiều công trình đã phát huy tốt, góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Ngày 8-12-1585 ngày mất của danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Vườn tượng mô phỏng cảnh người dân đón Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về làng trong khuôn viên quần thể Khu di tích danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Ảnh: VŨ DUY.

Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh nǎm 1491 và qua đời ngày 8-12-1585, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Ông học giỏi, đỗ trạng nguyên, làm quan dưới triều nhà Mạc. Ông đã dâng sớ vạch tội và xin chém đầu 10 tên lộng thần. Vua không nghe, ông từ quan, về dạy học. Học trò có nhiều người nổi tiếng như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ... Trong khi ông ở ẩn, vua nhà Mạc và các Chúa Trịnh, Nguyễn có nhiều việc hệ trọng vẫn cho người đến hỏi ý ông. Ông thường kín đáo khuyên vua chúa cố gắng tránh chiến tranh để nhân dân khỏi khổ. Lúc mất ông được vua Mạc truy phong Trình quốc công, do đó có tên gọi là Trạng Trình.

Nguyễn Bỉnh Khiêm còn để lại hai tập thơ chữ Hán và chữ Nôm là: Bạch vân am thi tập và Bạch vân quốc ngữ thi tập. Ông được xếp vào hàng những nhà thơ lớn của dân tộc.

Ngày 8-12-1998, Binh đoàn 16 được thành lập với chức năng, nhiệm vụ chính là: Phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với đảm bảo quốc phòng - an ninh ở địa bàn chiến lược biên giới; làm nòng cốt hỗ trợ nhân dân sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Đồng thời, thông qua hoạt động tổ chức sản xuất theo mô hình “nông - lâm - công nghiệp, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm; đơn vị có nhiệm vụ tổ chức lại dân cư tại chỗ và bố trí định canh, định cư cho đồng bào du canh, du cư tự do đến sinh sống theo quy hoạch sản xuất và mục tiêu lâu dài về quốc phòng - an ninh, hình thành các cụm làng, xã biên giới, tạo vành đai biên giới vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc”.

Trải qua hơn 20 năm xây dựng, phát triển, được sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước và Quân đội; sự quan tâm giúp đỡ của các địa phương và sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động, Binh đoàn 16 đã đạt được nhiều thành tích quan trọng trong xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và phát triển các khu kinh tế - quốc phòng.

 

 

Cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 16 giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn huyện Tuy Đức (Đắk Nông). 

Binh đoàn 16 vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2008), Huân chương Lao động hạng Nhì (2013); Huân chương Lao động hạng Nhất (2018). Trung đoàn 717 và 720 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Bệnh viện Quân dân y 16 được tặng Huân chương Lao động hạng Ba và Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuấn, Tư lệnh Binh đoàn 16 được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2020... Nhiều đơn vị của binh đoàn được cấp trên và địa phương tặng thưởng cờ, bằng khen và các phần thưởng cao quý khác

Sự kiện quốc tế

Đêm 7 rạng ngày 8-12-1941 không quân của hạm đội Nhật bất ngờ tập kích vào Trân Châu Cảng, một cǎn cứ chiến lược Mỹ ở Ha Oai (Thái Bình Dương) gây cho quân Mỹ những thiệt hại nghiêm trọng. Ngày 8-12, Nhật tuyên chiến với Mỹ, Anh, Úc và Canada, đồng thời cho quân đội đổ bộ lên đảo Boocnéo (thuộc địa Anh ở Đông Nam Á), chiếm tô giới Anh ở Thiên Tân, Thượng Hải. Cùng Ngày, Mỹ, Anh, Úc, Canada và Pháp cũng tuyên chiến với Nhật. Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ.

 Một vài hình ảnh trong cuộc chiến. Ảnh tư liệu.

Nhà máy điện nhờ trữ không khí nén đã được Hǎntophơ (Huntorf) - người Đức - giới thiệu trước công chúng ngày 8-12-1978. Các nhà máy điện nhờ trữ không khí nén cho phép thay nhà máy thuỷ điện ở vùng đồng bằng. Một bể chứa được tạo thành từ những hang ở độ sâu 500 mét, được chứa đầy không khí nén. Nó có thể tạo ra công suất khoảng 220 mêga oát.

Theo dấu chân Người

Ngày 8-12-1919, báo cáo của mật thám Pháp chuyên theo dõi cho biết Nguyễn Ái Quốc đang sống ở Pari vừa nhận được một bức thư của Phan Chu Trinh gửi tới. Cũng trong tháng 12-1919, báo cáo của mật thám cho biết Nguyễn Ái Quốc bày tỏ ý muốn lập một Hội tương tế Đông Dương nhằm giúp những người dân thuộc địa đang sống ở Pháp giữ gìn và phát triển tốt những kiến thức thu lượm được ở đây.

Tháng 12-1940, từ Nam Ninh (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đóng vai một nhà báo, cùng Phạm Văn Đồng, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp đi tìm Vũ Anh từ trong nước sang rồi đi tiếp tới Tĩnh Tây (Trung Quốc). Tại đây, có thêm Võ Nguyên Giáp bàn việc mở lớp huấn luyện, gặp Lê Thiết Hưng giao nhiệm vụ quân sự. 

Ngày 8-12-1961, Bác về thăm quê hương Nam Đàn. Nói chuyện với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Bác nhấn mạnh: “Tất cả cái gì về quốc kế dân sinh ở Nghệ An là các cô, các chú phụ trách. Muốn như thế thì phải nắm vững nguyên tắc gì? Một là, nguyên tắc đoàn kết nội bộ. Hai là, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

 Bác Hồ về thăm quê ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An năm 1961. Ảnh tư liệu.

Muốn làm tốt việc ấy, còn phải gì nữa? Phải dân chủ nội bộ. Muốn dân chủ nội bộ tốt thì cần gì nữa? Phải phê bình, tự phê bình. Cái này nó dính cái khác”. Bác đặc biệt quan tâm đến vấn đề: “Trồng cây gây rừng là rất quan trọng... Bác có kinh nghiệm trồng cây trong 5 năm là có thu hoạch... Nếu trồng cây nào tốt cây ấy thì trong 5 năm lợi rất to... Nông thôn của ta, nhà ở của đồng bào phần nhiều đang ọp ẹp, tối tăm, chẳng ra sao... Dân sinh là cái gì? Là cái ăn, cái mặc, cái ở. Ba cái đó đều quan trọng. Ăn, mình tăng gia sản xuất được. Mặc, mình tăng gia sản xuất được. Chứ còn nhà ở thì sao? Muốn làm nhà ở phải có cái gì? Gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Nếu bây giờ trở đi không trồng cây cho tốt thì lấy gỗ đâu?”. 

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010 )

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.   

(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.453.)

Đây là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 2 Trường Đại học nhân dân Việt Nam”, Người nói ngày 08 tháng 12 năm 1956.

Thấm nhuần tư tưởng mácxít và trải qua quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, Người đánh giá rất cao vai trò, sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân trong tư tưởng, tình cảm của Hồ Chí Minh vừa là một tập hợp đông đảo quần chúng, vừa là mỗi con người cụ thể.

Đó là người nông dân, công nhân, nhà trí thức, các chiến sĩ, các cháu thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ, học sinh, sinh viên, các bậc phụ lão, các dân tộc, tôn giáo, kiều bào ta ở nước ngoài… Bác cho rằng, tất cả đều là nhân dân và dưới bầu trời này, không gì quý bằng nhân dân; trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Lời khẳng định của Bác tuy ngắn gọn, nhưng vô cùng sâu sắc, mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho Đảng và Nhà nước ta trong quá trình lãnh đạo nhân dân qua các thời kỳ cách mạng.

Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (Ảnh minh họa. Nguồn: Hanoimoi.com.vn) 

Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người về sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp cách mạng, đồng thời phát huy sức mạnh toàn dân tộc là nguồn lực chủ yếu để đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra những chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân nhằm phát huy vai trò và tập hợp rộng rãi lực lượng của quần chúng nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhờ phát huy vai trò của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, công cuộc đổi mới của chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

 Cán bộ, đảng viên Đồn Biên phòng Na Cô Sa cắm bản giúp dân.

Trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng và quân đội trong tình hình mới, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn nhận thức sâu sắc về vai trò của nhân dân, về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chuẩn mực đạo đức của người quân nhân cách mạng, tiêu chí phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; tăng cường mối quan hệ đoàn kết máu thịt quân dân, tham gia xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh; kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 8-12-1968, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đăng bức điện của Ủy ban chấp hành phong trào dân tộc tự trị Tây nguyên kính gửi Hồ Chủ Tịch.

 

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 8-12-1983 đăng trang trọng bức ảnh Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với Đại hội lần thứ 3 Hội Nhà báo Việt Nam (1962).

 
 

Duy Hoàn (tổng hợp)