Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 3-8-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.       

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 3-8

Sự kiện trong nước

- Ngày 3-8-1954, thị xã Sơn Tây được giải phóng.

Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, những “đốm lửa” cách mạng đầu tiên đã được nhóm lên ở Sơn Tây. Tháng 4-1946, Tỉnh ủy Sơn Tây thành lập Chi bộ Đảng thị xã Sơn Tây để lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân hòa cùng với sự phát triển cách mạng của cả nước. Trong những ngày lịch sử hào hùng ấy, ngay tại sào huyệt của kẻ thù, nhân dân Sơn Tây với hình thức đấu tranh biến hóa đã tổ chức thành công những trận chống càn quét, phục kích, tập kích ở các địa danh: Bến xe, Mai Trai, phố Mía, Phù Sa và các phố xung quanh Thành cổ Sơn Tây làm quân địch hoang mang, lo sợ. Chỉ riêng xã Đường Lâm và Viên Sơn đã tổ chức được 66 trận đánh, tiêu diệt hơn 200 tên địch. Những chiến công của quân và dân Sơn Tây đã góp phần cùng cả nước hỗ trợ, chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ nhanh chóng giành thắng lợi.

Toàn cảnh thị xã Sơn Tây nhìn từ trên cao. Ảnh: sontay.hanoi.gov.vn 

Ngày 20-7-1954, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Đông Dương được ký kết ở Geneve (Thụy Sĩ) đánh dấu thắng lợi to lớn cuộc kháng chiến chống Pháp của nước ta. Trước tình hình này, quân địch co cụm về trung tâm thị xã Sơn Tây chờ ngày 5-8-1954 rút quân theo quy định. Nhưng trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, với sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, các huyện trong tỉnh Sơn Tây đã lần lượt được giải phóng. Quân đội viễn chinh Pháp buộc phải rút khỏi Sơn Tây vào ngày 3-8-1954, chấm dứt 71 năm kể từ khi thực dân Pháp đặt chân xâm lược đất Sơn Tây (1883-1954). Ngày 3-8-1954 trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Đảng bộ và quân dân Sơn Tây. Từ đây, Sơn Tây hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân; xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột, nhân dân lao động vĩnh viễn đứng lên làm chủ vận mệnh của mình và phấn khởi xây dựng xã hội mới.

- Ngày 3-8-1864 nổ ra cuộc bạo động chống Pháp ở kinh thành Huế do Nguyễn Vǎn Viện (người tỉnh Bình Định) khởi xướng. Chủ trương bạo động được một số người trong hoàng tộc hưởng ứng. Nhưng do tổ chức không chặt chẽ, quân nội ứng không phối hợp kịp thời nên cuộc bạo động này bị dập tắt. Những người lãnh đạo cuộc bạo động Giáp Tý (ngày 3-8-1864) bị triều đình Huế xử chém.

- Tính đến ngày 3-8-1946 là tròn một nǎm nhân dân ta chống giặc dốt. Trong cả nước có 34.450 giáo viên, đã mở được 60.510 lớp, xoá mù chữ cho 1.320.870 người. Các tỉnh tiên phong về chống nạn mù chữ là Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

- Ngày 3-8-1950, đoàn cố vấn quân sự đầu tiên của Hoa Kỳ (MAAG - Military Assistance Advisory Group) gồm 35 người đến miền Nam Việt Nam để huấn luyện quân ngụy Sài Gòn tiếp nhận vũ khí viện trợ của Mỹ.

- Ngày 3-8-1968, quân và dân tỉnh Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 500. Nhân dịp này, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì và gửi thư khen quân dân tỉnh Quảng Bình.

Sự kiện quốc tế

- Pie Đơ Phécma (Pierre de fermat) sinh ngày 3-8-1601 trong một gia đình buôn nhỏ nước Pháp. Ông được coi là một nhà toán học lớn. Cùng với đồng nghiệp Phécma đã đặt nền móng cho nhiều bộ môn như lý thuyết số, hình học giải tích, giải tích toán học, lý thuyết xác suất... Nhưng phát kiến ưu tú nhất của ông là về lĩnh vực lý thuyết số. Một cống hiến quan trọng nữa của Phécma là Định lý nhỏ Phécma. Định lý này là một định lý cơ bản cho lý thuyết số. Phécma mất ngày 15-1-1665.

 Nhà toán học Pierre de Fermat. Ảnh: baotintuc.vn

Theo dấu chân Người

- Ngày 3-8-1919, Nguyễn Ái Quốc gửi tới Giăng Agianbéc (Jean Ajalbert), một nhà văn Pháp đã từng đến và có cảm tình với nước ta, nhiều tài liệu như “Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam”, bài báo “L’ Humanité” viết về các yêu sách đó, một số bản tin trong đó có tin cụ Phan Châu Trinh đã từ trần.

- Ngày 3-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đẩy mạnh vận động hành lang chính giới và báo chí Pháp, gặp gỡ nhiều nhà báo trong đó có tờ báo “L’ Ordre” (Trật Tự) vốn hay công kích Việt Nam. “Nhật ký hành trình” chép: “Nhưng khi ông Buré (của tờ L’ Ordre - BT) gặp Cụ Chủ tịch thì thái độ ông rất nhã nhặn. Hồ Chủ tịch đem tình hình nước ta và nguyện vọng dân ta nói chuyện rõ ràng, thì nhà viết báo lão thành kia tỏ ý cảm động. Sau đó, ông Buré phái một người đến yết kiến Hồ Chủ tịch, rồi đăng một bài báo đứng đắn và có lợi cho ta”.

- Ngày 3-8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư “Gửi các chiến sĩ và nhân dân Nam Dương (Indonesia)” bày tỏ sự đồng tình “tin chắc rằng cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Nam Dương sẽ thắng lợi, cũng như tin chắc rằng cuộc kháng chiến, cứu quốc của nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thành công”.

- Ngày 3-8-1953, Báo “Cứu Quốc” đăng bài viết của Bác “Tiêu chuẩn đảng viên Đảng Lao động Việt Nam” (ký bút danh Đ.X) gồm: “Không bóc lột người…; Suốt đời kiên quyết đấu tranh cho nhân dân, cho chủ nghĩa; Luôn luôn rèn luyện tư tưởng của giai cấp công nhân...; Đặt lợi ích của Đảng, tức là lợi ích của nhân dân, lên trên hết, trước hết; phải tuyệt đối chấp hành những nghị quyết của Đảng, giữ gìn kỷ luật của Đảng và của Chính phủ; Phải liên hệ chặt chẽ với quần chúng…; Phải thường xuyên thật thà tự phê bình…”.

Thư của Bác Hồ gửi Đội Phòng cháy và chữa cháy Sở Công an Hà Nội. Ảnh. daihocpccc.edu.vn 


- Ngày 3-8-1966, Bác Hồ gửi “Thư khen Đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Sở Công an Hà Nội” nêu rõ: “Trong việc phòng cháy, chữa cháy, các đồng chí đã bình tĩnh, tích cực và dũng cảm. Các đồng chí đã phối hợp tốt với lực lượng quần chúng... Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật 2010; Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB Chính trị quốc gia)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Tình báo là một khoa học. Người làm tình báo ắt phải có 4 đức tính: Bí mật - cẩn thận - khôn khéo - kiên nhẫn”.

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến lực lượng tình báo quốc phòng, ngoài những lần gặp gỡ, trò chuyện thân ái với cán bộ, chiến sĩ, Bác còn gửi thư thăm hỏi, động viên; tại Hội nghị tình báo quốc phòng lần thứ 2, đầu tháng 8 năm 1949 Bác đã gửi thư và ân cần căn dặn những điều tâm đắc đối với ngành tình báo.

 Nhóm đặc vụ OSS của Mỹ chụp ảnh cùng Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tháng 8-1945. Ảnh: tư liệu

Theo Bác, tình báo là một khoa học; do vậy, phải bí mật, tức là tuyệt đối tránh sơ suất; phải cẩn thận, tức là tuyệt đối tránh cẩu thả; phải khôn khéo, tức là tuyệt đối tránh luộm thuộm; phải kiên nhẫn, tức là tuyệt đối tránh hấp tấp. Đây là những nguyên tắc cơ bản của công tác tình báo và cũng là những đức tính cần phải có của mỗi cán bộ, chiến sĩ tình báo, chi phối toàn bộ quá trình tổ chức và hoạt động của tình báo quốc phòng. Hoạt động tình báo là hoạt động bí mật, quan hệ trong hoạt động tình báo là “cự ly, đơn tuyến”. Không giữ được bí mật thì không còn hoạt động tình báo. Có cẩn thận, khôn khéo, kiên nhẫn mới bảo đảm được bí mật để hoạt động lâu dài và ngược lại. Thực tế đã chứng minh, nhờ có giữ tốt bí mật mà nhiều cán bộ, chiến sĩ tình báo của ta đã thâm nhập được vào các cơ quan đầu não của địch, hoạt động trong thời gian dài. Nhờ có khôn khéo, cẩn thận, kiên nhẫn nên đã tác động, chuyển hóa được quần chúng tham gia phục vụ cho cách mạng, kể cả những người đứng trong hàng ngũ địch, cung cấp những tin tình báo có giá trị, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Học tập và làm theo lời dạy của Bác, cán bộ, chiến sĩ tình báo quân đội phải luôn quán triệt, học tập, tu dưỡng rèn luyện nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm bí mật trong mọi công việc, trong mọi tình huống. Làm việc phải cẩn thận, tỉ mỉ, cụ thể, chu đáo, không chủ quan mất cảnh giác, trước mọi công việc, phải luôn thận trọng, hiểu thật rõ, phải xem xét mọi mặt, phải dự tính, lường trước mọi tình huống, đặc biệt là tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, nguyên tắc… Phải thật khôn khéo, sáng suốt, linh hoạt, chủ động, sáng tạo, nhanh nhạy, tinh thông, nâng cao cảnh giác cách mạng, tuyệt đối không để địch mua chuộc, lôi kéo, khống chế. Phải kiên trì, nhẫn nại, bền gan, vững chí, tin tưởng vào chính mình, vào đồng đội và tin vào chiến thắng góp phần giữ vững, tô thắm truyền thống 16 chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, độc lập sáng tạo, bí mật khôn khéo, đoàn kết quyết thắng”, xứng đáng là “tai, mắt” tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 3-8-1970 trích dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Để bảo đảm thắng lợi của cách mạng, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải nâng cao hơn nữa sức chiến đấu của toàn Đảng ta, phát huy hơn nữa tác dụng lãnh đạo của Đảng ta trên mọi mặt công tác".

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 3-8-1970. 
 

DUY HOÀN (tổng hợp)