Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 31-7-2022 được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 31-7
Sự kiện trong nước
- Ngày 31-7-1946, họp Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ. Ảnh: hochiminh.vn |
- Ngày 31-7-1949 tại Định Hóa, Thái Nguyên, Cục Thông tin liên lạc thuộc Bộ Tổng tư lệnh Quốc gia và Dân quân, tự vệ Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 123/NĐ của Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Tổng tư lệnh. Phòng Quân sự, một trong 5 đầu mối cơ quan, đơn vị thuộc Cục Thông tin liên lạc được hình thành, với nhiệm vụ làm tham mưu cho Bộ Tổng tư lệnh về tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc từ Bộ đến các liên khu, các chiến trường, đơn vị trong toàn quân. Từ đó ngày 31-7 trở thành Ngày truyền thống của Bộ Tham mưu, Binh chủng Thông tin liên lạc.
 |
Bộ Tham mưu Binh chủng Thông tin liên lạc đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba năm 2019. Ảnh: thiduakhenthuongvn.org.vn |
Trải qua 73 năm xây dựng, phục vụ chiến đấu, chiến đấu và trưởng thành, cơ quan tham mưu đã không ngừng lớn mạnh, lớp lớp cán bộ, nhân viên, chiến sĩ tiếp bước cha anh nối tiếp nhau phát huy truyền thống, cống hiến công sức và tài năng, xây đắp nên truyền thống vẻ vang, đáng trân trọng và tự hào của Bộ Tham mưu, Binh chủng Thông tin liên lạc.
Cùng với những chiến công vẻ vang trong các cuộc kháng chiến, sau ngày thống nhất đất nước, cơ quan tham mưu đã có nhiều đề xuất sáng tạo thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc quân sự. Đã tham mưu, đề xuất để Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh chỉ đạo nâng cấp, mở rộng hệ thống thông tin liên lạc quân sự theo hướng đi thẳng vào công nghệ tiên tiến, có bước phát triển mới về chất ở cả ba cấp: Chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Đầu tư, đổi mới trang bị vô tuyến điện hiện đại có tính năng thông minh đáp ứng yêu cầu bảo đảm thông tin liên lạc trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Triển khai đồng bộ, tiết kiệm, hiệu quả mạng thông tin vệ tinh VSAT nhằm bảo đảm thông tin liên lạc, truyền hình cho các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và biên giới quốc gia. Triển khai và phủ sóng rộng khắp mạng thông tin di động quân sự (Trunking) tại các khu vực tỉnh, thành phố trọng điểm, phục vụ nhiệm vụ A2, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai bão lụt và các nhiệm vụ khác đã góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ thường xuyên, các hoạt động lớn của Đảng, Nhà nước, các cuộc diễn tập lớn của Bộ quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trải qua những năm tháng chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Bộ Tham mưu, Binh chủng Thông tin liên lạc đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập (31-7-1949/31-7-2019), Bộ Tham mưu vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.
Sự kiện quốc tế
 |
Frederie Wohler (1800-1882). Ảnh tư liệu. |
- Ngày 31-7-1800: Ngày sinh nhà hóa học nổi tiếng người Đức Frederie Wohler, người sáng lập hóa học hữu cơ.
Theo dấu chân Người
- Ngày 31-7-1925, Nguyễn Ái Quốc được Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân phân công phụ trách công tác vận động nông dân ở Trung Quốc, Đông Dương, Miến Điện (Myanmar), Xiêm (Thái Lan), Đài Loan và Philippines với nhiệm vụ: Nắm bắt tình hình, gây dựng tổ chức để gia nhập Quốc tế Nông dân.
 |
Ngục Victoria ở Hongkong, nơi giam giữ Nguyễn Ái Quốc (khi đó lấy tên là Tống Văn Sơ) gần 20 tháng (từ 6-6-1931/22-1-1933), trong thời gian Người hoạt động tại đây. Ảnh tư liệu/TTXVN |
- Ngày 31-7-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, phiên tòa thứ nhất diễn ra xét xử Tống Văn Sơ và Lý Phương Thuận. Các luật sư bảo vệ cho hai nhà cách mạng Việt Nam do Công ty luật của Luật sư Loseby đã phân tích những sai trái trong thủ tục tố tụng của nhà cầm quyền Anh khi bắt và thẩm vấn những người bị bắt. Đồng thời, các luật sư cho rằng sự vắng mặt của hai “bị cáo” tại phiên tòa là vi phạm “Luật bảo thân” của nước Anh. Đây là những luận chứng cơ bản buộc chính quyền Hồng Kông phải trả tự do cho những nhà cách mạng Việt Nam.
- Ngày 31-7-1946, tiếp tục tận dụng thời gian lưu lại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp xúc với nhiều nhân vật như Đô đốc Marseilles, nữ nhà báo nổi tiếng Andree Viollis, một nhà khoa học nổi tiếng Langevin và dự sinh nhật của ông Raymond Aubrac.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo Nhân Dân tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh: hochiminh.vn |
- Ngày 31-7-1952, Báo Nhân Dân đăng ba bài viết của Bác. Bài thứ nhất, “Anh hùng chế mìn và anh hùng đánh mìn” biểu dương tấm gương của Nguyễn Văn Kim, một cán bộ chính trị được giao tổ chức nhà máy quân giới đã sáng chế ra vũ khí và cách đánh có hiệu quả. Bài thứ hai “Mâu thuẫn giữa Mỹ và Pháp” phân tích những khác biệt về lợi ích và đường lối của hai đế quốc trong chiến tranh Việt Nam để biết khoét sâu vào những mâu thuẫn của đối phương: “Ta càng thắng lợi thì mâu thuẫn giữa bọn địch càng to, chúng càng bị chia rẽ, thế chúng càng yếu, thế ta càng mạnh, chúng càng thua, ta càng thắng. Thế tức là: Khéo dùng tình hình địch để làm lợi cho tình hình ta”. Bài thứ ba “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí” vạch rõ: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc. Đó là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi người chúng ta”.
- Ngày 31-5-1965, tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về kế hoạch đấu tranh với Mỹ, Bác đề nghị nên tuyên bố để giới cầm quyền Mỹ và thế giới rõ về quyết tâm của ta là: Mỹ đưa 5 vạn quân chứ 50 vạn, ta cũng quyết tâm đánh. Mỹ muốn thương thuyết với ta trên thế mạnh, vì thế, cố gắng bổ sung quân số, nhưng đó là thất bại của Mỹ. Chúng ta phải giải thích cho nhân dân cả miền Nam và miền Bắc thấy được điều đó. Mỹ to xác, trang bị tốt nhưng không dai đâu. Phải nghiên cứu xem có phải thay đổi cách đánh...
- Ngày 31-7-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư khen cán bộ và nhân viên quân y cùng với những lời biểu dương là nhắc nhở: “Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh...”.
(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc”.
Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí”, đăng trên Báo Nhân dân, số 68, ngày 31-7-1952. Đây là thời kỳ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta bước sang giai đoạn gay go, ác liệt, đòi hỏi phải đoàn kết chặt chẽ, thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tuy nhiên, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên xuất hiện biểu hiện tham ô, lãng phí, quan liêu, đã được nhân dân phê bình nhưng còn có dấu diếm, chưa kiên quyết kiểm thảo và sửa chữa không những làm thiệt hại về kinh tế mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ; rối loạn kỷ cương pháp luật, hư hỏng cán bộ. Ngày nay, tham nhũng, lãng phí được Đảng ta coi là giặc nội xâm, là đồng minh của chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, cần phải kiên quyết đấu tranh để bài trừ khỏi đời sống xã hội.
 |
Trích lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí”, đăng trên Báo Nhân dân, số 68, ngày 31-7-1952. Ảnh tư liệu |
Những tư tưởng về chống tham ô, lãng phí của Bác Hồ mang tầm chiến lược và có giá trị thực tiễn vô cùng sâu sắc. Thấu triệt tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, quy định và các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; mở rộng dân chủ rộng rãi ở cơ sở; tăng cường công tác thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng, gắn với phát động và động viên sự giám sát của nhân dân theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên quyết, kiên trì đấu tranh không khoan nhượng, không có vùng cấm để loại bỏ thứ giặc nội xâm ra khỏi đời sống xã hội đã trực tiếp củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với chế độ góp phần vào thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và thành công trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Học tập và làm theo lời Bác dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp thông qua việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Qui định trách nhiệm của người cán bộ chủ trì và tổ chức cho cán bộ, đảng viên đăng ký cam kết chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước; thực hiện nghiêm, có chất lượng quy định về kê khai tài sản với các đối tượng theo quy định; phát huy dân chủ rộng rãi thông qua sinh hoạt Đảng, sinh hoạt đơn vị, thực hiện tài chính công khai ngày, tuần, tháng; tổ chức có nền nếp, chất lượng Ngày Chính trị, văn hóa tinh thần; Ngày Pháp luật ở đơn vị. Đồng thời, tích cực triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành hành tiết kiệm, chống lãng phí trên mọi lĩnh vực học tập, công tác, sinh hoạt ở đơn vị tạo bầu không khí dân chủ, tin cậy, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1894 ra ngày 31-7-1966 đăng bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Nghệ An.
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1894 ra ngày 31-7-1966. Ảnh: Qdnd.vn |
ĐẶNG CƯỜNG (tổng hợp)