Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 29-5-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 29-5

Sự kiện trong nước

Ngày 29-5-1937: Báo L'Avant Gardel (Tiền phong) - cơ quan của lao động và nhân dân Đông Dương ra số đầu tiên tại Sài Gòn.

Ngày 29-5-1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 75/SL thành lập Nha Ngân khố Quốc gia thuộc Bộ Tài chính, tiền thân của Kho bạc Nhà nước ngày nay. Ngày 26-9-2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg, lấy ngày 29-5 hằng năm là Ngày truyền thống của ngành Kho bạc Nhà nước.

Ngày 29-5-1955: Chính quyền và đồng bào phật tử thủ đô đã hoàn thành khôi phục chùa Một Cột, một di tích lịch sử vǎn hóa đã bị địch dùng mìn phá hủy trước khi rút khỏi Hà Nội.

Ngày 29-5-1976: Chủ tịch nước ký sắc lệnh số 45/LCT thành lập Quân khu 1 (trên cơ sở sáp nhập Quân khu Tây Bắc và Quân khu Việt Bắc), tái lập Quân khu 3 (trên cơ sở hợp nhất Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn), mở rộng Quân khu 4 (gồm Quân khu 4, Quân khu Trị - Thiên và tỉnh Thanh Hóa). 

Ngày 29-5-1981: Ngày thành lập Trung tâm Đo lường (Cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng, Bộ Tổng Tham mưu).

Ngày 29-5-2007: Hiệp định về phân định ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia có hiệu lực.

Ngày 29-5-2008: Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng được thành lập, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng đang phục vụ trong quân đội và các đối tượng liên quan do pháp luật quy định; bảo hiểm y tế đối với thân nhân quân nhân, thân nhân người làm công tác cơ yếu và thân nhân công nhân và viên chức quốc phòng; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

leftcenterrightdel
Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày truyền thống Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng (29-5-2008/29-5-2018) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Ảnh: Qdnd.vn 

Sự kiện quốc tế

Ngày 29-5-1736: Leonhard Euler dùng ký hiệu Pi vào toán học lần đầu tiên. Ông là nhà toán học nổi tiếng của nước Thụy Sĩ, sinh ngày 15-4-1707 và mất ngày 18-9-1783.

Ngày 29-5-1948: Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua quyết định thành lập Tổ chức Giám sát đình chiến của Liên hợp quốc (UNTSO), nhằm giám sát quá trình đình chiến tại Palestine, đánh dấu sự ra đời của các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ngày 11-12-2002, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết lấy ngày 29-5 hằng năm là Ngày Quốc tế Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đây là dịp để tôn vinh tính chuyên nghiệp, sự cống hiến và lòng dũng cảm của các nhân viên gìn giữ hòa bình, những người phục vụ trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đây cũng là dịp để tưởng nhớ những nhân viên gìn giữ hòa bình đã hy sinh dưới ngọn cờ của Liên hợp quốc từ năm 1948.

leftcenterrightdel

Việt Nam rất tích cực trong việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ảnh: Qdnd.vn 

Theo dấu chân Người

Ngày 29-5-1921, Nguyễn Ái Quốc tham gia cuộc biểu tình do Đảng Xã hội Pháp tổ chức tại Nghĩa trang “Pôre Lachaise” ở Pari để tưởng niệm “Tuần lễ Đẫm máu” (tức là tuần lễ mà thợ thuyền và nhân dân Paris bị lực lượng phản động Versailles tàn sát đẫm máu khi đứng lên chiến đấu bảo vệ thành quả của Công xã Paris năm 1871).

Ngày 29-5-1922, báo “La Vie Ouvrière” (Đời sống công nhân) đăng bài “Dưới cuộc khai hóa cao cả” của Nguyễn Ái Quốc, tố cáo những chính sách cai trị và thủ đoạn bóc lột tinh vi của thực dân đối với dân thuộc địa để công kích ý kiến của Bộ trưởng Thuộc địa tại Hạ nghị viện.

Ngày 29-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Đại hội thành lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) và được bầu làm Hội trưởng danh dự.

leftcenterrightdel

Ngày 29-5-1946, Hội Liên hiệp Quốc dân (gọi tắt là Liên Việt) được thành lập tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN 

Cùng ngày, Bác họp Hội đồng Chính phủ chuẩn bị cho chuyến đi thăm Pháp dài ngày, phân công trách nhiệm cho những thành viên chính phủ ở nhà. Về việc bổ nhiệm đồng chí Vũ Đình Huỳnh làm thư ký riêng kiêm cận vệ đặc biệt (aide camp particulier), Bác nói: “Trước đây ta phong cho Huỳnh chức đại úy, đi đường gặp quan tư của Pháp phải chào, nay tôi nhân danh Chính phủ phong cho anh Huỳnh chức đại tá (colonel), như thế anh Huỳnh chỉ phải chào có một Salan thôi”. Cũng trong ngày, Bác cùng tướng Salan đến thăm Sư đoàn thiết giáp số 2 của quân đội Pháp và phát biểu: “Tôi đi Pháp, tới đất nước tươi đẹp, Tổ quốc của các bạn. Tôi sẽ nói với các bà mẹ, các chị, các em và những người yêu của các bạn rằng, các bạn đều khỏe mạnh, đều là những người lính xứng đáng với danh dự của nước Pháp”.

Ngày 29-5-1952, Bác gửi thư cho đồng bào các tỉnh có đê, nêu rõ: “Mấy năm liền ta đã tránh được nạn lụt, do đó mà tránh khỏi nạn đói. Thành công đó là nhờ sự cố gắng chung của toàn thể đồng bào... Năm nay mực nước có thể to hơn... Mấy năm trước ta đã thắng giặc lụt. Năm nay, ta cũng quyết thắng. Đồng bào hãy thi đua góp công góp của, đắp đê, giữ đê”.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm kè bảo vệ sông Đà ở Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), ngày 8-7-1958. Ảnh tư liệu 

Cùng ngày, Báo Nhân dân đăng bài “Giữ bí mật bảo vệ cán bộ”, với bút danh C.B, Bác biểu dương tấm gương của em Dĩnh ở Tiên Lãng, Hải Phòng, mới 10 tuổi đã làm liên lạc, bảo vệ cán bộ, góp phần đánh giặc cứu nước. Kết luận bài báo, Bác viết: “Cháu Bác Hồ thật là oanh liệt/ Giữ bí mật, dù chết không khai/ Cứu cán bộ khỏi giặc Tây/ Các em kháng chiến càng ngày càng hăng”.

Ngày 29-5-1960, trong bài “Những bước tiến của các hợp tác xã thủ công nghiệp” đăng trên Báo Nhân Dân, Bác chỉ rõ những điều kiện rất quan trọng để củng cố và phát triển hợp tác xã là: “Cán bộ cần phải chí công vô tư; lãnh đạo phải dân chủ; quản lý phải chặt chẽ toàn diện; phân phối phải công bằng và các hợp tác xã phải giúp đỡ học hỏi lẫn nhau”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Du kích như cá, dân chúng như nước. Cá không có nước thì cá chết, du kích không có dân chúng thì du kích chết”.

(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, t. 3, tr. 500.)

Đây là lời của Bác trong bài viết “Cách đánh du kích” Người viết tháng 5- 1944, gồm 13 chương. Đây là tài liệu quan trọng thể hiện sự sáng tạo của Bác trong sử dụng từ ngữ quân sự và vận dụng tài tình nghệ thuật đánh giặc của cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước để huấn luyện cho du kích ta đánh giặc. Trong đó, Bác đã viết về mối quan hệ cá - nước giữa du kích và nhân dân rất mộc mạc, nhưng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Mối quan hệ giữa du kích với nhân dân là mối quan hệ tự thân, bởi du kích là cách đánh giặc của dân tộc bị áp bức chống đế quốc. Chiến tranh du kích là một phương thức để phát động toàn dân, mà chủ yếu là nông dân tham gia kháng chiến, nó được sinh sôi, nảy nở giữa vùng địch chiếm đóng, tạo điều kiện thuận lợi để cho mọi người dân tham gia đánh giặc giải phóng quê hương, đất nước. Với lực lượng tại chỗ, vũ khí tại chỗ, thông thuộc địa hình, địa thế, thời tiết, khéo lợi dụng đêm tối, mưa nắng… với những lối đánh giặc chưa từng có trong từ điển quân sự, thoắt ẩn, thoắt hiện, xuất quỷ, nhập thần… làm cho địch khiếp đảm, kinh hoàng đã góp phần làm nên thắng lợi trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với bộ đội chủ lực và dân quân du kích Cao Bằng có nhiều thành tích tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh tư liệu

Từ mối quan hệ giữa du kích và nhân dân, được Bác nhân lên trong quan hệ giữa bộ đội với nhân dân, Người khẳng định: “Không có dân thì không có bộ đội”. Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của dân, do dân và vì dân. Cội nguồn sức mạnh, sự trưởng thành và chiến thắng của Bộ đội Cụ Hồ cũng đều bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân. Thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, nhất là thông qua công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, toàn quân đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình dân vận khéo; tiêu biểu như: “Tết Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Tết quân dân”, “Nâng bước em tới trường”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”… đã và đang góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 29-5-1967, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đăng Lời cảm ơn của Hồ Chủ tịch nhân dịp sinh nhật của Người ngày 19-5. Trong đó có đoạn:“Tôi thân ái gửi lời cảm ơn chung và chúc các đồng chí, đồng bào và chiến sĩ luôn luôn đoàn kết phấn đấu, không sợ hy sinh, gian khổ, nâng cao lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hăng hái thi đua giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa trong sản xuất và chiến đấu để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Chúc đồng bào và các chiến sĩ miền Nam yêu quý, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng vẻ vang, đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng, lập thêm nhiều chiến công oanh liệt.”

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 29-5-1967.

Ngày 29-5-1975, trang ba Báo Quân đội nhân dân đã đăng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Tiểu đoàn tên lửa 61 (ngày 26-8-1965) cùng bài viết “Bộ đội Tên lửa làm theo lời Bác”.

leftcenterrightdel
Trang ba Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 29-5-1975. 

Ngày 29-5-2018, trang nhất và trang hai Báo Quân đội nhân dân đã đăng "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
Trang nhất và trang hai Báo Quân đội nhân dân  số ra ngày 29-5-2018.
leftcenterrightdel
 

KIM GIANG (tổng hợp)