Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 28-5-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 28-5
Sự kiện trong nước
28-5-1948: Diễn ra lễ thụ phong Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tại một địa điểm thuộc khu cǎn cứ địa Việt Bắc
28-5-1946: Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam gọi tắt là Liên Việt được Nguyễn Ái Quốc thành lập.
28-5 đến 20-6-1951: Chiến dịch Quang Trung (Chiến dịch Hà Nam Ninh).
28-5-1956: Thành lập Bộ Tư lệnh Pháo binh trên cơ sở Bộ chỉ huy Pháo binh.
28-5-1964: Ngày truyền thống Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng
Ngày 28-5-1964, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Cục Liên lạc Đối ngoại (tiền thân của Cục Đối ngoại), với nhiệm vụ “Giúp Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quản lý và giải quyết mọi công việc có liên quan đến nước ngoài của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Là cơ quan đầu ngành của Bộ Quốc phòng về công tác đối ngoại, gần 60 năm qua, Cục Đối ngoại luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cục đã và đang thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng trong bối cảnh hội nhập, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bằng biện pháp hòa bình.
 |
Cục Đối ngoại đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống. Ảnh: Thiduakhenthuongvn.org.vn
|
Cục thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng nhiều chủ trương, đối sách quan trọng về công tác đối ngoại quốc phòng, không để bị động bất ngờ, nhất là về chiến lược. Đồng thời, tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng, triển khai thực hiện tốt các kế hoạch, chương trình, đề án, hoạt động đối ngoại quốc phòng trong từng giai đoạn, phù hợp với sự phát triển đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Qua đó, thúc đẩy mở rộng, đa dạng hóa nội dung, hình thức đối ngoại quốc phòng; đưa quan hệ quốc phòng cả song phương và đa phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, bền vững; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào xây dựng lòng tin chiến lược, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Ghi nhận những đóng góp to lớn trong công tác đối ngoại quân sự, quốc phòng, Cục Đối ngoại đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống.
28-5 đến 20-7-1965: Chiến dịch Ba Gia - đánh dấu sự phá sản của chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở miền Nam.
28-5-1981: Viện Lịch sử quân sự Việt Nam và ngành lịch sử quân sự Việt Nam được thành lập.
Sự kiện quốc tế
28-5-1999: Sau 21 năm phục chế, bức hoạ kiệt tác Bữa ăn tối cuối cùng của Leonardo da Vinci tiếp tục được đưa ra trưng bày tại Milan, Ý.
Theo dấu chân Người
Ngày 28-5-1923, Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc mít tinh kỷ niệm Công xã Paris tổ chức tại Nghĩa trang “Pốre Lachaise” và phát truyền đơn cho các thành viên Câu lạc bộ Ngoại ô (Club de Faubourg).
Ngày 28-5-1948, Bác chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ và lễ tấn phong quân hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp. Trong ký ức của Bộ trưởng Lê Văn Hiến nhớ lại: Trong một căn nhà dựng bên cạnh suối lớn, dựa một bên núi, cây cối che phủ kín... Một phòng trưng bày đặc biệt. Có bàn thờ Tổ quốc, chung quanh băng đỏ ghi các khẩu hiệu: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Thống nhất độc lập nhất định thành công”. Sự trưng bày đơn giản mà trang nghiêm.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (22-12-1962). Ảnh: hochiminh.vn.
|
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm bộ đội diễn tập (1957). Ảnh: hochiminh.vn.
|
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953). Ảnh: hochiminh.vn.
|
Đến giờ làm lễ, Hồ Chủ tịch và cụ Trưởng ban Thường trực Quốc hội lên đứng 2 bên bàn thờ, toàn thể nhân viên chánh phủ đứng sắp hàng trước bàn thờ. Hồ Chủ tịch tay cầm sắc lệnh gọi Võ Nguyên Giáp lên truớc bàn thờ, rồi Cụ nín lặng, sụt sùi rơi nước mắt mà không nói được tiếng gì... Giây lâu, Hồ Chủ tịch mới cất được tiếng mà tuyên bố: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”. Võ Nguyên Giáp nhận sắc lệnh... Cụ Trưởng ban Thường trực thay mặt Quốc hội tuyên bố mấy lời, Ông Phan Anh thay mặt Chính phủ nói mấy câu chúc mừng. Cuối cùng Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhân danh bộ đội tỏ lời mừng của toàn thể bộ đội.... Sau cùng, Võ Nguyên Giáp đứng lên cảm ơn Hồ Chủ tịch, Quốc hội và Chánh phủ và tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực làm tròn nhiệm vụ để đem lại độc lập và thống nhất cho đất nước... Sau khi hết lễ, ai nấy ngồi chung quanh Hồ Chủ tịch và nghe Cụ nói sự xúc cảm của Cụ trong buổi lễ...
Ngày 28-5-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo Cờ Đỏ, và lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp tàn bạo đồng bào theo đạo Phật ở miền Nam và yêu cầu: “đế quốc Mỹ phải rút khỏi miền Nam để nhân dân Việt Nam tự giải quyết lấy công việc của mình, theo tinh thần của Hiệp định Giơnevơ”.
Ngày 28-5-1969, Bác viết thư cảm ơn đồng bào, chiến sĩ cả nước, bạn bè quốc tế đã chúc mừng sinh nhật và đây cũng là lời chúc cuối cùng Bác để lại: “Chúc đồng bào, chiến sĩ, cán bộ, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên nhi đồng và bà con Hoa kiều cả hai miền Nam Bắc, đoàn kết chặt chẽ, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, công tác tốt, học tập tốt, giành thêm nhiều thắng lợi mới to lớn hơn nữa trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước... Chúc tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bạn, ngày càng củng cố và phát triển”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Còn chủ nghĩa đế quốc, còn thực dân, thì còn nguy cơ chiến tranh”.
Trong bài “Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đoàn kết, đấu tranh, thắng lợi”, các đại biểu của 81 đảng cộng sản và công nhân họp ở Moskva đã nhất trí thông qua một bản Tuyên ngôn. Bổ sung và phát triển nội dung của bản Tuyên ngôn năm 1957, Tuyên ngôn này là cương lĩnh cách mạng chung cho tất cả các đảng Mác - Lênin toàn thế giới. Bản Tuyên ngôn hơn hai vạn chữ, gồm có lời nói đầu và sáu đoạn. Câu nói “Còn chủ nghĩa đế quốc, còn thực dân, thì còn nguy cơ chiến tranh” nằm ở đoạn thứ 3 nói về chiến tranh và hòa bình.
(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, t.12, tr.729)
Câu nói trên được trích trong bài trả lời các nhà báo của Hồ Chủ tịch, đăng trên báo Cứu Quốc, số 1827, ra ngày 28-5-1951.
(Nguồn: Bqllang.gov.vn)
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Trong thời đại ngày nay còn chủ nghĩa đế quốc, thực dân thì còn nguy cơ xảy ra chiến tranh, chiến tranh bắt nguồn từ chính bản chất của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, chiến tranh là bạn đường của chủ nghĩa đế quốc. Chiến tranh không phải bắt nguồn từ bản năng sinh vật của con người, không phải là định mệnh và cũng không phải là hiện tượng xã hội tồn tại vĩnh viễn, mà chiến tranh có nguồn gốc từ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, có đối kháng giai cấp và có áp bức bóc lột. Câu nói này là lời cảnh giác cho đồng bào, cán bộ và chiến sĩ trước những chiêu trò, thủ đoạn lừa bịp mà đế quốc Mỹ thực hiện trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam; để toàn dân, toàn quân nâng cao cảnh giác cách mạng, đoàn kết, nhất trí anh dũng, kiên cường đấu tranh xóa bỏ sự áp bức, bóc lột của đế quốc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và giàu mạnh, văn minh.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (1951). Ảnh: hochiminh.vn.
|
Trong thời đại ngày nay, chủ nghĩa tư bản nói chung, chủ nghĩa đế quốc nói riêng luôn tìm cách thích nghi trước sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp của các mối quan hệ kinh tế, chính trị quốc tế, nhưng bản chất của chúng vẫn không thay đổi. Đường lối chính trị của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch vẫn luôn chứa đựng nguy cơ chiến tranh. Câu nói của Người vẫn là tiếng chuông cảnh báo, để thức tỉnh những ai vẫn đang mơ hồ trước những chiêu trò lừa mị của các thế lực thù địch. Trong quá trình đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế, chúng ta phải đề cao cảnh giác, nhận rõ đối tượng, đối tác, chủ động đấu tranh phòng, chống và làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quyết tâm giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuyengiao.vn |
Là công cụ bạo lực sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thấm nhuần lời dạy của Người về bản chất của chủ nghĩa đế quốc, nguy cơ của chiến tranh, không ngừng vươn lên, nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng chiến đấu, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; quyết tâm làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 347, ngày 28-5-1957 đăng Chỉ thị của Hồ Chủ tịch trong Hội nghị chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1527, ngày 28-5-1965 đăng Thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào và bộ đội nhân dịp quân và dân ta đã bắn rơi 300 máy bay Mỹ.
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 28-5 các năm 1957, 1965, 1969 và 2011. |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2879, ngày 28-5-1969 đăng Lời cảm ơn của Hồ Chủ tịch nhân dịp sinh nhật.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 18002, ngày 28-5-2011 đăng ảnh Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng xã hội Pháp, ủng hộ Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên (12-1920) và bài viết: “Mãi mãi đi theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.”
TƯỜNG VY (tổng hợp)