Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 27-5-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 27-5
Sự kiện trong nước
- Ngày 27-5-1936, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo phát động cuộc đấu tranh đòi thả tù chính trị. Đại diện cho các tù nhân, đồng chí Phạm Hùng đã trao cho giám ngục yêu sách của cuộc đấu tranh đòi thực hiện “đại xá tù chính trị” mà Chính phủ Pháp đã đề ra. Cuộc đấu tranh kéo dài, đỉnh điểm là 3 ngày tuyệt thực của tù nhân khiến thực dân Pháp phải lùi bước. Hơn 200 chiến sĩ cách mạng đã lần lượt trở về đất liền. Cuộc đấu tranh có tiếng vang lớn và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân cả nước cũng như của các lực lượng tiến bộ ở Pháp. Nhà tù Côn Đảo được biết đến như một địa ngục trần gian. Đây là nơi thực dân Pháp giam giữ và đày đọa những chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
- Ngày 27-5-1947, thành lập Học viện Khoa học Quân sự, tiền thân là Trường Đại học Ngoại ngữ Quân sự. Đây là trung tâm hàng đầu đào tạo ngoại ngữ và quan hệ quốc tế về quốc phòng trong quân đội.
- Ngày 27-5-1949, ngày truyền thống Bệnh viện Quân y 354.
Bệnh xá Quân y Trần Quốc Toản, tiền thân của Bệnh viện Quân y 354 (BVQY) được thành lập tại thôn Mỹ Trạng, xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên với nhiệm vụ đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh, cho dân công, nhân dân tại chiến khu Việt Bắc. Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Quân y xá Trần Quốc Toản trở về Thủ đô Hà Nội và mang phiên hiệu là Quân y Trung đoàn 354 và sau đó phát triển thành bệnh viện loại B khu vực, có nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, khám bệnh thu dung, điều trị cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên cơ quan Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh, các cục, tổng cục và các đơn vị đóng quân trên địa bàn Hà Nội. Dù ở chiến khu hay trở về Thủ đô, BVQY 354 luôn hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và quân đội giao cho.
 |
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thượng tướng Phan Văn Giang (nay là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) gắn Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì lên Quân kỳ Quyết thắng của BVQY 354. Ảnh:TUẤN LINH/Qdnd.vn
|
Trong suốt 73 năm qua, các thế hệ thầy thuốc BVQY 354 luôn nêu cao tinh thần phục vụ, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu chữa thương bệnh binh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, từng bước vươn lên khẳng định là một trong những cơ sở khám, chữa bệnh tin cậy trên địa bàn Thủ đô, xứng đáng là bệnh viện hạng I, được Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, BVQY 354 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.
- Ngày 27-5-1959, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa I đã thống nhất chủ trương đưa nông thôn miền Bắc đi theo con đường hợp tác hóa nông nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội. Quốc hội nhận định: Hợp tác hóa nông nghiệp là khâu chính trong toàn bộ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và nhất trí tán thành những quy định về mục đích, yêu cầu và phương pháp tiến hành.
- Ngày 27-5-1977, Chính phủ ban hành điều lệ phạt vi cảnh. Điều lệ gồm 33 điều quy định những hành vi phạm pháp vi cảnh, quyền hạn phạt vi cảnh và quyền khiếu nại của người bị phạt.
- Ngày 27-5-1978, Ngày thành lập Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân.
 |
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ngày 26-5-2018, Chuẩn Đô đốc Ngô Sỹ Quyết trao Bằng chứng nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì tặng Lữ đoàn 127. Ảnh: Baohaiquanvietnam.vn
|
- Ngày 27-5-1978, ngày thành lập Hải đoàn 129 (Công ty TNHH một thành viên Hải sản Trường Sa) - doanh nghiệp trực thuộc Quân cảng Sài Gòn, Bộ tư lệnh Hải quân.
- Ngày 27-5-1994, ngành điện lực nước ta bắt đầu vận hành đường dây tải điện 500kV Bắc Nam. Công suất truyền tải điện cao nhất đạt 630MW, góp phần chấm dứt tình trạng thiếu điện trầm trọng ở miền Trung và miền Nam trước đây.
- Ngày 27-5-1997, ngày truyền thống Lữ đoàn 971, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 27-5-1660, Thụy Điển và Đan Mạch ký kết Hòa ước Copenhagen, kết thúc cuộc chiến kéo dài hai năm giữa hai quốc gia.
- Ngày 27-5-1937, khánh thành Cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge). Đây là cây cầu treo dài nhất trên thế giới, và đã trở thành một biểu tượng quốc tế của thành phố San Francisco, bang California, Hoa Kỳ. Golden Gate Bridge cũng được Hiệp hội kỹ sư dân dụng Hoa Kỳ (American Society of Civil Engineers) tuyên bố là một trong những kỳ quan thế giới hiện đại.
 |
Cầu Cổng Vàng. Ảnh: Kyluc.vn
|
- Ngày 27-5-1964, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru qua đời. Ông là người bạn lớn thân thiết của nhân dân Việt Nam. Ông không chỉ là một nhà hoạt động chính trị lỗi lạc của thế kỷ XX, mà còn là một nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học và nhà triết học tài năng.
Theo dấu chân Người
- Ngày 27-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội đồng Chính phủ và quyết định giao quyền Chủ tịch nước, trong thời gian đi thăm nước Pháp cho Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, người cao niên nhất trong Chính phủ.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, thứ nhất từ phải sang) trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ảnh tư liệu
|
- Ngày 27-5-1947, Bác viết thư “Gửi nam nữ chiến sĩ, dân quân, tự vệ và du kích toàn quốc” khẳng định vai trò: “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã. Các chiến sĩ dân quân, tự vệ và du kích ở Nam bộ, ở Thủ đô, ở miền duyên hải và ở các nơi, đã chứng tỏ sự thực đó một cách rất anh hùng. Từ đây về sau, lực lượng ta càng ngày càng vững, kinh nghiệm ta càng ngày càng nhiều thì ta càng tỏ cho địch quân biết, tỏ cho thế giới biết rằng dân quân, tự vệ và du kích Việt Nam là những người ái quốc sắt đá, là những chiến sĩ anh hùng...”.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với bộ đội chủ lực và dân quân du kích Cao Bằng có nhiều thành tích tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh: Baoquankhu4.com.vn
|
- Ngày 27-5-1959, Bác dự phiên thảo luận về Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình tại Quốc hội: Dự luật hôn nhân và gia đình gọi nôm na là dự luật lấy vợ, lấy chồng, nhằm xây dựng hạnh phúc chung, nhưng trước hết là nhằm giải phóng chị em phụ nữ. Việc nghiên cứu bổ sung cho dự luật được hoàn chỉnh là một nhiệm vụ mà Chính phủ phải làm... Nhưng vấn đề này quan hệ mật thiết đến phụ nữ, cho nên khi giải thích tuyên truyền, chị em phụ nữ phải ra sức hoạt động nhiều để tinh thần luật được thấm nhuần đến tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, đến từng người, từng địa phương.
- Ngày 27-5-1965, Bác gửi thư khen quân dân miền Bắc bắn rơi chiếc máy bay thứ 300, cùng lời nhắc nhở phải cảnh giác cao độ trước những bước leo thang chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.
 |
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960). Ảnh tư liệu
|
- Ngày 27-5-1969, Bác làm việc với Phó chủ tịch Ủy ban thiếu niên nhi đồng Trung ương Lê Thu Trà để nghe về tình hình công tác chăm sóc thiếu niên, nhi đồng; căn dặn việc nuôi dạy và chăm sóc các cháu phải có sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy đảng và chính quyền, nhất là cấp cơ sở và cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội; đồng thời bàn việc viết bài báo nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6-1969.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử.)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc”.
(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2011, t.5, tr. 158)
Nhân dịp Hội nghị dân quân, tự vệ và du kích toàn quốc diễn ra tại Việt Bắc, ngày 27-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư “Gửi nam nữ dân quân, tự vệ và du kích toàn quốc”. Trong thư Người khen ngợi và đánh giá cao vai trò của lực lượng dân quân, tự vệ, du kích. Người viết: “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân quân tự vệ và du kích là một lực lượng chiến lược trong chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ địa phương.
 |
Nâng cao chất lượng huấn luyện của lực lượng dân quân xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Huy Cường/ Qdnd.vn
|
Để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Đảng, Nhà nước đã ban hành đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, đặc biệt là Luật Dân quân tự vệ để thống nhất trong công tác quản lý, chỉ huy, điều hành. Hiện nay, lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo phương châm "vững mạnh, rộng khắp", chú trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở khu vực biên giới, biển đảo, các địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, an ninh với số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở; tổ chức biên chế tinh gọn, chặt chẽ; trang bị vũ khí phù hợp; được giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự toàn diện, thiết thực; khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao, đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tham gia phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, xứng đáng là công cụ sắc bén và tin cậy bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân ở cơ sở, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng ở cơ sở, xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ kính yêu.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
- Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 2878, ngày 27-5-1969 đăng tin Hồ Chủ tịch vừa thưởng huy hiệu cho những người có thành tích xuất sắc.
 |
Trang ba Báo Quân đội nhân dân số 2878, ngày 27-5-1969. |
- Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 3239, ngày 27-5-1970 đăng đoạn thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến ban nhạc Vệ quốc quân.
 |
Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 3239, ngày 27-5-1970. |
PHẠM LANH (tổng hợp)