Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 27-8-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 27-8

Sự kiện trong nước

 - Ngày 27-8-1996: Căn cứ 696, Vùng 2 Hải quân được thành lập. Với nhiệm vụ bảo quản, giữ gìn, kiểm tra, chuẩn bị và sắp xếp trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí, khí tài cho các loại tàu tên lửa, phóng lôi, chống ngầm và các trang bị đặc chủng thuộc Quân chủng Hải quân, ngay từ những ngày đầu thành lập, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, căn cứ đã nhanh chóng ổn định, củng cố tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ, kiểm tra, khắc phục, sửa chữa toàn bộ máy móc, trang bị, tiếp nhận hàng trăm tấn máy móc thiết bị, vận chuyển về căn cứ đảm bảo an toàn tuyệt đối. Căn cứ cũng đã triển khai lắp đặt và đưa vào huấn luyện sử dụng các dây chuyền chuẩn bị đạn; thường xuyên bảo quản, bảo dưỡng tốt vũ khí trang bị.

Căn cứ 696, Vùng 2 Hải quân đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì năm 2016. Ảnh: qdnd.vn 

Trải qua 26 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Căn cứ 696, Vùng 2 Hải quân luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, dũng cảm, kiên cường, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng và nâng cấp các loại đạn đặc chủng cho Quân chủng Hải quân tại khu vực phía Nam, sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các nhiệm vụ khác.

Căn cứ đã triển khai kịp thời có hiệu quả các mặt công tác kỹ thuật, giáo dục cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt các nội dung chỉ tiêu của cuộc vận động “Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông”, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tích cực chủ động tổ chức huấn luyện để bộ đội nhanh chóng tiếp thu làm chủ các vũ khí trang bị mới tiếp nhận, xây dựng nên truyền thống “Đoàn kết kỷ luật, khắc phục khó khăn, làm chủ an toàn, chính quy quyết thắng”.

Với những thành tích đạt được, Căn cứ 696 đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.

- Ngày 27-8-1946, Chính phủ ký Sắc lệnh số 172/SL cho phép Nha Bưu điện Việt Nam in và phát hành bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Bộ tem gồm 5 mẫu thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên chiếc tem thuần chất của nước ta mang trên mình hai chữ “Việt Nam” cùng với vị lãnh tụ vĩ đại sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bộ tem do họa sĩ Nguyễn Sáng thiết kế. Ảnh tư liệu 

Người có vinh dự được vẽ mẫu tem đầu tiên này là cố họa sĩ Nguyễn Sáng. Ông đã tập trung tài trí vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng yêu cầu tem thư: Chi tiết, đặc trưng và chính xác cao, đúng chất đồ họa, phù hợp với điều kiện in tem khó khăn, thiếu thốn của những ngày đầu dựng nước. Đây là bộ tem đầu tiên của Nhà nước cách mạng, ban hành trong nước và đi toàn thế giới, có ý nghĩa lịch sử gắn với lịch sử của cách mạng Việt Nam.

- Ngày 27-8-1995, bắt đầu xây dựng Nhà máy xi mǎng Bút Sơn (tỉnh Hà Nam). Khi hoàn thành, nhà máy có thể sản xuất 1,4 triệu tấn xi mǎng một nǎm. Nhà máy xi mǎng Bút Sơn là công trình đầu tiên thực hiện theo phương thức: Ta tự huy động vốn các nguồn, tự chịu trách nhiệm về xây dựng và áp dụng quy chế đấu thầu.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 27-8-1770 là ngày sinh Phơriđrich Hêghen (Friedrich Hegel) triết gia nổi tiếng người Đức, người đề xướng ra phép biện chứng trong sự phát triển sự vật. Ông học triết học tại Chủng viện Thần học của Hội Giáo hội Tin lành. Sau khi tốt nghiệp, ông dạy đại học.

Phơriđrich Hêghen là triết gia nổi tiếng người Đức. Ảnh tư liệu 

Các tác phẩm nổi tiếng của ông là: "Khoa học của lôgic", "Cơ sở triết học", "Từ điển Bách khoa các khoa học về triết học", "Nguyên lý triết học của luật pháp", "Mỹ học", "Lôgic"... Với các tác phẩm của mình, tên tuổi ông được truyền tụng trong các giờ giảng về triết học. Triết học của ông đã có ảnh hưởng lớn đến nền vǎn hóa thế giới ở thế kỷ 19 và 20. Tư tưởng triết học của ông phân định rõ hai mặt: Phép biện chứng phát triển trên cơ sở duy tâm và hệ thống triết học duy tâm khách quan. Phép biện chứng của ông là mặt tiến bộ trong triết học, là một thành quả vĩ đại của triết học cổ điển Đức. Mác và Ǎngghen đã tiếp thu có phê phán phép biện chứng duy tâm của Hêghen, đề ra phép biện chứng duy vật.

Nǎm 1831, dịch tả lan tràn tới nước Đức. Phơriđrich Hêghen đã mắc bệnh và qua đời ngày 14-11 nǎm đó.

Theo dấu chân Người

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII họp ở Thành phố Tours tháng 12 năm 1920. Ảnh tư liệu  

- Ngày 27-8-1922, mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí cộng sản trong chi bộ Quận 17, Paris đi dạo tại khu rừng Phôngtennơblô (Fontainebleau) .

Chính phủ lâm thời (9-1945). Ảnh: TTXVN 

- Ngày 27-8-1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập phiên họp đầu tiên của Ủy ban Dân tộc Giải phóng đưa ra đề nghị cụ thể về chính sách đại đoàn kết dân tộc để thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia bao gồm cả những đại diện các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ không đảng phái, những nhân vật có danh vọng trong xã hội. Hưởng ứng đề nghị trên, nhiều ủy viên Việt Minh xin rút lui để nhường ghế cho những thành phần khác. Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong Chính phủ có ba ghế cho Đảng Dân chủ, một cho công giáo và nhiều bộ trưởng không đảng phái.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật 2010; Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB Chính trị quốc gia).

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Chủ nghĩa Mác - Lê nin dạy chúng ta rằng: Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, phải thực hiện thêm bạn, bớt kẻ thù”.

Đây là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác mặt trận” vào cuối tháng 8 năm 1962.

Lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước đã nhắc nhở dân tộc ta phải kiên định thực hiện nhất quán quan điểm “thêm bạn, bớt thù” và được Đảng, Nhà nước ta vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới với việc đổi mới tư duy từ “bạn và thù” sang “đối tác và đối tượng” - cái mới, bước đột phá khẳng định trí tuệ, bản lĩnh của Đảng ta trong đổi mới, hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và phát biểu tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kế tục sự nghiệp của Mặt trận Liên Việt, ngày 5-9-1955, tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN 

Học tập và làm theo lời Bác dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục để bộ đội nhận rõ “đối tác, đối tượng”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không dao động trước các tác động tiêu cực, khó khăn, hiểm nguy; có thái độ phân biệt đúng, sai, bạn, thù đúng đắn, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Dấu ấn Bác Hồ trên báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 373, từ ngày 27-8 đến ngày 29-8-1957 có đăng hình ảnh nhân dân thủ đô Xô-phi-a nồng nhiệt chào mừng Hồ Chủ tịch trong dịp Người đến thăm nước Cộng hòa nhân dân Bun-ga-ri.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 373, từ ngày 27-8 đến ngày 29-8-1957. 
 

TUẤN ĐIỆP (tổng hợp)