Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 25-8-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 25-8

Sự kiện trong nước

- Ngày 25-8-1883, Chính phủ Pháp và triều Nguyễn ký kết Hòa ước Quý Mùi, xác lập quyền bảo hộ lâu dài của Pháp trên toàn bộ Việt Nam.

Giành chính quyền ở Sài Gòn ngày 25-8-1945. Ảnh: Tư liệu

- Sáng ngày 25-8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã thắng lợi hoàn toàn, giành chính quyền về tay nhân dân. Từ 5 giờ sáng ngày 25-8-1945, hàng vạn đồng bào Nam bộ, mà số đông là đồng bào Sài Gòn cùng các tỉnh xung quanh đã tập trung về các điểm trung tâm như: Nhà hát lớn, Vườn Ông Thượng… để chuẩn bị cho ngày giành chính quyền của nhân dân Nam Bộ. Đoàn người hô vang như sấm dậy khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập!”, “Tất cả chính quyền về tay Việt Minh!”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm!”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, “Độc lập hay là chết!”. Cờ đỏ sao vàng tràn ngập đường phố, phấp phới bay trên các công sở.

- Ngày 25-8-1966, quân giải phóng Thủ Dầu Một chặn đánh nhiều tiểu đoàn thuộc sư đoàn bộ binh số 1 của Mỹ ở Bông Trang - Lò Gạch (quận Bến Cát). Sau 12 giờ liên tục chiến đấu, quân giải phóng đã đẩy lùi 34 đợt tiến công của địch, diệt một tiểu đoàn bộ binh Mỹ, tiêu hao nặng 2 tiểu đoàn khác, tiêu diệt và làm bị thương hơn 700 tên, phá hủy 14 xe tǎng, xe bọc thép và bắn rơi 4 máy bay.

Lực lượng thiết giáp Lữ đoàn 22 phối thuộc với Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 31, Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4) thực hành cơ động chiếm lĩnh trận địa. 

- Lữ đoàn tăng thiết giáp 22, Quân đoàn 4 được thành lập ngày 25-8-1975, tiền thân là Tiểu đoàn tăng 20 thuộc Trung đoàn tăng 203 và Tiểu đoàn tăng 21 thuộc Trung đoàn tăng 215 Binh chủng Tăng thiết giáp. Trong suốt quá trình chiến đấu, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 22 đã tham gia hàng chục chiến dịch như chiến dịch Nguyễn Huệ xuân hè năm 1972, chiến dịch tiến công đường 14 Phước Long tháng 1 năm 1975…, đánh hơn 300 trận lớn, nhỏ.

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn luôn chủ động nâng cao trình độ mọi mặt, làm chủ vũ khí trang bị, giữ gìn tốt các mối quan hệ đoàn kết, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, chấp hành nghiêm kỷ luật, xây dựng Lữ đoàn chính quy mẫu mực, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 25-8-1609, Galileo Galilei trưng bày chiếc kính viễn vọng đầu tiên của mình trước những nhà lập pháp Venice.

- Ngày 25-8-1825, Uruguay tuyên bố độc lập, tuy nhiên phải sau 3 năm chiến tranh với Brazil, năm 1828, Uruguay trở thành nước độc lập.

- Ngày 25-8-1944, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, thành phố Paris được quân Đồng minh giải phóng.

Theo dấu chân Người 

 Kiến trúc của ngôi nhà 48 Hàng Ngang vẫn được lưu giữ nguyên vẹn. Ảnh tư liệu

- Ngày 25-8-1945, tại làng Ga (Từ Liêm, Hà Nội), Bác nghe 2 đồng chí Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh báo cáo tình hình Thủ đô. Tiếp đó, Tổng Bí thư Trường Chinh đón Bác vào nội thành và trú tại ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang của gia đình thương gia yêu nước Trịnh Văn Bô.

- Ngày 25-8-1950, Bác Hồ viết “Thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc” nhấn mạnh: “Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết: Yêu Tổ quốc, thương đồng bào, chuộng lao động, giữ kỷ luật, biết vệ sinh, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng (chớ nên làm cho chúng hóa ra những “người già sớm”. Nhiều thư các cháu gửi cho Bác Hồ, viết như người lớn viết; đó là một triệu chứng già sớm cần nên tránh). Trong lúc học, cũng cần cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, ở trong trường, ở xã hội, chúng đều vui đều học... Ngày nay chúng là nhi đồng. 11 năm sau chúng sẽ là công dân... Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Vậy các bạn phải cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, để tiến bộ mãi. Nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc”.

Bác Hồ nói chuyện tại buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính ở cơ quan Trung ương (6-2-1953). Ảnh: Tư liệu 

- Trong bài nói chuyện ngày 25-8-1953 với Lớp chỉnh huấn cho cán bộ, công nhân, viên chức các cơ quan Khu I, Bác khẳng định: “Vậy bất kỳ làm việc gì, cố mà thi đua, giúp anh em thi đua đều là anh hùng của dân tộc, không nên nghĩ chỗ này thì tiến bộ, chỗ khác không tiến bộ. Bất kỳ làm việc gì cũng phải cố gắng, kiên quyết an tâm công tác, sẽ vẻ vang và có thể trở nên anh hùng được”.

- Ngày 25-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư trả lời Tổng thống Mỹ Risát Níchxơn (Richard Nixon) đưa ra thông điệp: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ, để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình… Trong thư, Ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng. Muốn vậy, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới. Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự. Với thiện chí của phía Ngài và phía chúng tôi, chúng ta có thể đi tới những cố gắng chung để tìm một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam”. Đây cũng là văn kiện cuối cùng của Bác viết chỉ một tuần lễ trước khi qua đời.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Trong “Thư gửi Hội nghị các cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc” (ngày 25-8-1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “... Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Vậy các bạn phải cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, để tiến bộ mãi. Nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc”.

 Bác Hồ với các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: tư liệu

Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra gay go, ác liệt; Việt Bắc được lựa chọn là căn cứ địa (ATK) hoạt động lãnh đạo cách mạng của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù cuộc sống và công việc ở chiến khu bộn bề khó khăn, vất vả, hiểm nguy, nhưng Bác Hồ vẫn luôn theo sát phong trào thiếu nhi và công tác chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, lớp “công dân đặc biệt”, “…người chủ tương lai của nước nhà”. Tình thương yêu trẻ luôn thường trực trong tâm can của Bác; sự quan tâm của Bác đối với trẻ em gắn chặt với những trăn trở về tương lai của dân tộc, của đất nước, đặc biệt là vai trò của các cô giáo trực tiếp nuôi dạy, chăm sóc các cháu nhi đồng.

Thấu triệt chỉ huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục và đào tạo nước ta luôn xác định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục mầm non - bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng ban đầu cho việc giáo dục lâu dài, nhằm hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em. Niềm tin, hy vọng của từng gia đình và cả xã hội về tương lai của trẻ, của đất nước trông chờ ở sự phát triển hằng ngày ở lứa tuổi măng non. Những kỹ năng mà trẻ được tiếp thu qua chương trình chăm sóc, giáo dục mầm non sẽ là nền tảng cho việc học tập và thành công sau này của trẻ. Do vậy, phẩm chất đạo đức, trình độ, kỹ năng, tính mô phạm trong cuộc sống hằng ngày, sự say mê yêu nghề, yêu trẻ của đội ngũ giáo viên mầm non có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của các cháu.

Trẻ em luôn là đối tượng được toàn xã hội quan tâm, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ. Ảnh: TTXVN 

Thực hiện chức năng đội quân công tác, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta phát huy truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ tham gia cùng cả hệ thống chính trị và cộng đồng chung sức, đồng lòng quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em. Các nhà trẻ, trường mầm non thuộc các đơn vị doanh nghiệp, học viện, nhà trường trong quân đội thực sự là những điểm sáng kiểu mẫu về mô hình giáo dục thế hệ mầm non của đất nước. Đặc biệt, nhiều đơn vị Bộ đội Biên phòng đã nhận nuôi dưỡng, cưu mang nhiều trẻ nhỏ con em đồng bào dân tộc thiểu số mồ côi cha mẹ hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Nhiều đồn, trạm Bộ đội Biên phòng đã trở thành ngôi nhà thứ hai, là điểm tựa nuôi dưỡng và thắp sáng tương lai cho những trẻ em kém may mắn; qua đó thắt chặt hơn tình quân dân nơi phên giậu của Tổ quốc, để không trẻ em nào bị để lại phía sau. Đây chính là những việc làm thiết thực về học tập và làm theo Bác Hồ kính yêu, thiết thực góp phần làm cho phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ sáng mãi trong niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 25-8-1969 đã đăng Điện của Hồ Chủ tịch gửi các đại biểu tham dự "Cuộc gặp gỡ thế giới của thanh niên và sinh viên vì thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam".

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 25-8-1969  

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3329 ra ngày 25-8-1970 đăng Lời khẳng định của Hồ Chủ tịch: "Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn".

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3329 
 

THÙY ANH (tổng hợp)