Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 23-8-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.       

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 23-8

Sự kiện trong nước

Ngày 23-8-1907, nhà viết kịch bản tuồng Đào Tấn qua đời. Ông sinh nǎm 1845 ở xã Tuy Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cuộc đời ông có nhiều nét đặc biệt: 3 lần làm tổng đốc, 4 lần làm thượng thư, nhưng cuối cùng ông là một nghệ sĩ lớn của Việt Nam ở thế kỷ XIX.

Là một người yêu nước ông có quan hệ mật thiết với các lãnh tụ của phong trào Cần Vương chống Pháp xâm lược nước ta. Đào Tấn là một diễn viên xuất sắc, một đạo diễn tài nǎng, một nhà thơ độc đáo và là một trong những nhà lý luận sân khấu đầu tiên ở nước ta. Ông để lại mấy trǎm bài thơ và từ, 30 vở tuồng, trong đó có nhiều vở mẫu mực, có vở dài 10 hồi, diễn tới 100 đêm và "Hí trường tùy bút" là tập lý luận sân khấu rất có giá trị. Tỉnh Bình Định có một nhà hát tuồng mang tên Đào Tấn.

Nhà viết kịch bản tuồng Đào Tấn. Ảnh: cand.com.vn

- Bút Tre tên thật là Đặng Vǎn Đǎng, sinh ngày 23-8-1911 tại xã Đồng Lương, Sông Thao, Phú Thọ. Trước cách mạng, ông dạy học ở Tuyên Quang. Tháng 6-1946 ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ những người cộng sản. Nǎm 1947, ông làm báo Giải phóng khu X. Nǎm 1956 ông về Bộ Ngoại giao làm Bí thư cho Thứ trưởng Ung Vǎn Khiêm. Nǎm 1960 trở về quê làm Trưởng phòng thông tin Ủy ban hành chính tỉnh, sau đó ông phụ trách Báo Phú Thọ. Nǎm 1962 ông được bổ nhiệm Trưởng ty vǎn hóa Phú Thọ và nǎm 1968 làm Phó ban Tuyên giáo tỉnh ủy. Ông nghỉ hưu nǎm 1970.

Tác phẩm thơ đã xuất bản: "Rừng cọ đồi chè"; "Phú Thọ lớn lên"; "Sông Lô - sông Chảy"; "Đồng Tâm thắm thịt thay da"; "Một ngày của Phú Thọ" v.v... Ông được Nhà nước thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì và huy hiệu 40 nǎm tuổi Đảng. Thơ Bút Tre độc đáo bởi một lối thể hiện chân thật, với hình thức ngân nga hoặc kéo dài. Nét đặc biệt của ông là khả nǎng ứng tác. Chính khả nǎng này đã tạo ra lối thơ Bút Tre mà nhiều người đôi khi lầm tưởng hoặc mô phỏng cho những bài thơ khác, thậm chí mô phỏng theo lối đùa tếu rồi lại gán cho sáng tác của ông. Bút Tre mất ngày 18-5-1987.

Ông Đặng Văn Đăng. Ảnh: cand.com.vn 

Bảo tàng lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh (đặt trong Thảo Cầm Viên của thành phố) được thành lập ngày 23-8-1979. Với 2.000m2 diện tích trưng bày, bảo tàng gồm có các phòng chính: Phòng giới thiệu khái quát đất nước, con người Việt Nam; Phòng trưng bày các di vật, công cụ bằng đá; Phòng nói về giai đoạn chống ngoại xâm qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước; Phòng dân tộc học bày một số hiện vật và hình ảnh về sinh hoạt vật chất và tinh thần của 54 dân tộc ở Việt Nam; Phòng giới thiệu về Sài Gòn xưa, về các chuyên đề, các hiện vật như đồ gốm thời Lý, Trần (thế kỷ XI - XIV), đồ mỹ nghệ dân gian, di vật vǎn hóa Óc Eo, v.v...

Bảo tàng lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh trong Thảo Cầm Viên. Ảnh: cand.com.vn

Sự kiện quốc tế

- Ngày 23-8-1866: Chiến tranh Áo-Phổ kết thúc bằng Hòa ước Praha.
- Ngày 23-8-1939: Liên Xô và Đức Quốc xã ký kết Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau, trong đó bao gồm việc phân chia ảnh hưởng tại Đông Âu.

Theo dấu chân Người

- Ngày 23-8-1945, từ chiến khu Tân Trào, Bác về Thủ đô Hà Nội, lúc này Tổng khởi nghĩa đã thành công. Từ huyện Đa Phúc (khi đó thuộc Phúc Yên), Bác vượt sông Hồng tại bến đò Phú Xá và tạm trú tại gia đình một cơ sở cách mạng ở làng Ga (Phú Thượng, Từ Liêm).

- Ngày 23-8-1953, đến thăm và nói chuyện với Lớp Chỉnh huấn Quân khu I, Bác đề cập vấn đề gia đình: “Cố nhiên gia đình ai cũng có, không có không được. Nhưng mình là người cách mạng, người kháng chiến được Đảng giáo dục phải trông xa thấy rộng hơn. Mình có gia đình, gia đình to nhất là giai cấp... nếu giai cấp chưa được giải phóng hoàn toàn thì mình chưa được giải phóng hoàn toàn... Phải cân nhắc kỹ: hy sinh lợi ích gia đình nhỏ cho gia đình to, hay hy sinh gia đình to cho gia đình nhỏ của mình. Các cô các chú tự cân nhắc đúng thì sẽ ít thắc mắc về tiểu gia đình của mình. Phải hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung... Người ta ai chẳng có gia đình và thương gia đình. Nhưng cũng có người hy sinh gia đình nhỏ cho đại gia đình. Thí dụ các liệt sĩ nước ta. Cũng có người biết như thế không muốn có tiểu gia đình để toàn tâm toàn ý cho đại gia đình”.

- Ngày 23-8-1958, Bác đến thăm Trường Đảng Lê Hồng Phong của Đảng bộ Hà Nội, căn dặn cán bộ và học viên nhà trường: “Học tập lý luận cốt là để áp dụng vào thực tế. Học đi đôi với hành, có học mới làm được việc”.

Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (Thành phố Hà Nội). Ảnh: lyluanchinhtri.vn 

- Ngày 23-8-1965, Báo Nhân Dân đăng bài “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua” của Bác (với bút danh là “Chiến Sĩ”). Bài báo lên án việc Tổng thống Mỹ L.B. Giônxơn (L.B.Johnson) vừa tăng cường chiến tranh vừa đưa ra chiêu bài thương lượng hòa bình. Bài báo đưa ra thông điệp: Bao nhiêu lính Mỹ vào Việt Nam sẽ trở thành bấy nhiêu cục chì đè nặng lên cổ đế quốc Mỹ và làm nó sa lầy càng sâu thêm... “Chúng thêm 5 vạn hay là 50 vạn lính Mỹ, chúng cũng sẽ thua, ta cũng sẽ thắng”. Cách giải quyết “hòa bình trong danh dự” là Mỹ phải thực hiện đúng Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, như bốn điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và năm điều của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã nêu rõ”.

 (Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Nghĩa vụ một người dân là phải yêu Tổ quốc”.

Đó là lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong bài “Hãy yêu thương nhau và cùng nhau đoàn kết”, Người viết tại Quảng Châu, Trung Quốc, đăng trên Báo Thanh niên, số 9, ngày 23-8-1925. Đây là giai đoạn phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân đang diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp trên thế giới cũng như ở Đông Dương.

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua những chặng đường đầy gian lao thử thách, nhưng vẫn trường tồn và phát triển bởi đã rèn đúc nên bản lĩnh vững vàng, mang đậm tính cách và khí phách của dân tộc, hình thành và hun đúc nên truyền thống yêu nước Việt Nam. Truyền thống ấy đã thấm sâu vào trong mỗi người dân, tạo nên tâm hồn, bản lĩnh và trí tuệ của các thế hệ người Việt và sức mạnh to lớn của dân tộc để chiến đấu, chiến thắng thiên tai, địch họa. Lời kêu gọi của Hồ Chí Minh đã tập hợp, quy tụ người Việt Nam không phân biệt đàn ông, đàn bà, già, trẻ, đảng phái, tôn giáo, dân tộc… đoàn kết, đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn mài sắc lý tưởng chiến đấu, yêu nước,
yêu chế độ, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Ảnh: dangcongsan.vn

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn mài sắc lý tưởng chiến đấu, yêu nước, yêu chế độ, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; đề cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí vượt qua khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, gan dạ, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu và công tác; đoàn kết nội bộ tốt, tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn, gắn bó máu thịt với nhân dân; tính kỷ luật tự giác, nghiêm minh, tinh thần quốc tế cao cả...

Phẩm chất, truyền thống tốt đẹp ấy phản ánh bản chất cách mạng và là sức mạnh nội sinh được tích hợp ở một trình độ cao trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ, với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 23-8-1970 trích dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Phải ra sức phát động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ trị an, giáo dục quần chúng nâng cao tinh thần cảnh giác đối với kẻ thù của nhân dân, tích cực phòng và chống gián điệp biệt kích".

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 23-8-1970 


 


DUY HOÀN (tổng hợp)