Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 24-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 24-6
Sự kiện trong nước
- Ngày 24-6-1936: 60 thủy thủ Việt Nam làm trên các tàu buôn của Pháp đã họp hội nghị tại Mácxây (Marseille) đưa ra bản yêu sách với giới chủ.
- Ngày 24-6-1954: Quân đội Việt Nam tiêu diệt toàn bộ Binh đoàn cơ động 100 quân viễn chinh Pháp trong trận Đắk Pơ.
Trận Đắk Pơ là trận phục kích của bộ đội chủ lực Liên khu 5 đánh quân Pháp rút chạy trên Quốc lộ 19, từ An Khê về Pleiku. Đây là trận đánh lớn cuối cùng trong kháng chiến chống Pháp và cũng là chiến thắng lớn nhất của ta trên chiến trường Liên khu 5. Trận đánh do Trung đoàn 96 (Liên khu 5) tiến hành...
 |
Đồng chí Nguyễn Minh Châu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96, quán triệt nhiệm vụ cho đơn vị trước khi thực hiện nhiệm vụ. Ảnh tư liệu |
Nhờ sử dụng lực lượng hợp lý, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu từ phục kích tại chỗ đến vận động phục kích, đánh địch phản kích, truy kích địch rút chạy; phát huy tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, kiên cường, vừa chiến đấu, vừa thu vũ khí địch để đánh địch, ta đã tiêu diệt toàn bộ Binh đoàn 100 - lực lượng cơ động mạnh của quân viễn chinh Pháp vừa rút từ chiến trường Triều Tiên về tăng cường cho Tây Nguyên. Trận đánh để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật quân sự cần nghiên cứu, vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
- Ngày 24-6-1962: Khánh thành Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ), một xí nghiệp hoá chất lớn do Liên Xô giúp ta xây dựng.
- Ngày 24-6-1966: Viện Bảo tàng Mỹ thuật (nhà số 66 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội) bắt đầu đón khách tham quan.
- Từ ngày 24-6 đến ngày 3-7-1976: Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp kỳ thứ Nhất tại thủ đô Hà Nội.
- Ngày 24-6-1988: Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái qua đời. Ông sinh ngày 1-9-1920. Ông vẽ nhiều đề tài và là hoạ sĩ của Hà Nội 36 phố phường với những sinh hoạt bình dị của người Thủ đô. Ông để lại hàng ngàn tác phẩm và nhiều minh hoạ trên sách báo, trong đó có nhiều tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội và bảo tàng nhiều nước khác.
 |
Danh họa Bùi Xuân Phái bên giá vẽ. Ảnh: vietnamarts.vn |
Sự kiện quốc tế
- Ngày 24-6-1859: Tại trận Solferino, trận đánh đóng vai trò quan trọng đối với sự thống nhất nước Italy, quân đội Pháp dưới quyền chỉ huy của Napoleon III đánh bại người Áo tại miền Bắc Italy.
- Ngày 24-6-2002: Tại Tanzania, gần 300 hành khách đã thiệt mạng khi con tàu chở 1.200 người mất lực đẩy ở một khúc cua trên ngọn đồi gần thủ đô Dodoma và lao ngược trở lại với tốc độ cao, đâm vào một tàu chở hàng.
- Ngày 24-6-2004: Tại New York, án tử hình được công bố là không phù hợp với Hiến pháp Hoa Kỳ.
Theo dấu chân Người
Ngày 24-6-1922, tờ “L’ Humanité” (Nhân Đạo) đăng bài “Lời than vãn của Bà Trưng Trắc” của Nguyễn Ái Quốc. Qua câu chuyện kể về một giấc mơ của Khải Định gặp Trưng Trắc, tác giả mượn lời của vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc nguyền rủa Khải Định là tên vua “đớn hèn, bất lực và ngu dốt”, đã cam tâm làm tôi tớ cho thực dân Pháp, phản lại tổ tiên, đồng thời lên án nặng nề chế độ phong kiến Nam triều.
Ngày 24-6-1942, leo lên vùng núi Lũng Dẻ thuộc khu núi đá Lam Sơn (Cao Bằng), Bác tức cảnh làm bài thơ “Thượng sơn” (Leo núi):
“Lục nguyệt nhị thập tứ,
Thướng đáo thử sơn lai.
Cử đầu hồng nhật cận,
Đối ngạn nhất chi mai”
(Tố Hữu dịch:
Hai mươi tư tháng Sáu,
Lên ngọn núi này chơi.
Ngẩng đầu: mặt trời đỏ,
Bên suối một nhành mai.)
Ngày 24-6-1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp hơn 100 đại biểu trí thức Nam bộ đến chào và bày tỏ tinh thần thống nhất quốc gia. Cùng ngày, Bác tiếp Bộ trưởng Hải ngoại Mariúyt Mutê và J. Xanhtơny cùng một số nhân viên cấp cao trong Chính phủ Pháp và Đô đốc Đácgiăngliơ (D’ Argenlieu) và Ban trị sự Hội Pháp-Việt hữu nghị mới thành lập... Trong số những Việt kiều đến chào Bác còn có triết gia Trần Đức Thảo.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I, năm 1952. Ảnh tư liệu |
Ngày 24-6-1959, Bác đón tiếp Tổng thống Indonesia sang thăm Việt Nam. Trong diễn văn chào đón tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) Bác chân tình nói: “Được đón tiếp Tổng thống Sukarno, nhân dân Việt Nam có cảm tưởng vui sướng như được ôm ấp vào lòng mình 88 triệu anh em Indonesia anh dũng. Có mối tình thương yêu ấy, vì hai dân tộc ta cùng có một hoàn cảnh giống nhau, cùng có một lịch sử vẻ vang kháng chiến oanh liệt chống bọn thực dân cướp nước, giành lại độc lập tự do. Hai dân tộc ta đều phải tiếp tục đấu tranh để giải phóng hoàn toàn đất nước và trong cuộc đấu tranh đó, hai dân tộc ta thông cảm lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau”.
Ngày 24-6-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ chuẩn bị các văn bản trình Quốc hội gồm: Báo cáo của Hội đồng Chính phủ, Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án Nhân dân tối cao, Luật tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân. Phát biểu tại cuộc họp, Người nhấn mạnh rằng luật phải có sự phân công rành mạch giữa công an, viện kiểm sát và tòa án.
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Trong bài viết: “Phải đẩy mạnh hơn nữa công việc vệ sinh”, với bút danh T.L. đăng trên Báo Nhân dân, số 2288, ngày 24-6-1960, Hồ Chủ tịch có viết: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải lao động tốt. Muốn lao động tốt thì phải có sức khỏe. Muốn có sức khỏe thì phải giữ gìn vệ sinh”.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy in Tiến Bộ năm 1959. Ảnh: hochiminh.vn |
Sinh thời, Bác Hồ luôn đề cao giá trị của lao động đối với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và vai trò quan trọng của sức khỏe, của việc giữ gìn vệ sinh đối với sức khỏe của xã hội, cộng đồng và mỗi con người. Thực hiện lời dạy của Bác, nhân dân ta từ miền xuôi cho đến miền núi, thành thị cho đến nông thôn trong khắp cả nước đã tích cực thi đua lao động sản xuất, rèn luyện thể lực, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, phòng chống bệnh tật, đóng góp công sức, tài trí cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Ngày nay, đất nước ta đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vấn đề môi trường, lao động và sức khỏe con người đang đặt ra những thách thức mới; do đó, việc học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy có ý nghĩa thực tiễn to lớn, đồng thời là cơ sở để Đảng ta nghiên cứu, vận dụng trong xác định chủ trương, đường lối xây dựng lực lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa; quan tâm bảo đảm môi trường và điều kiện để phát triển con người Việt nam toàn diện, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó, hoạt động quân sự là lao động đặc biệt, cần phải có sức khỏe tốt để đáp ứng yêu cầu cao trong thực hiện nhiệm vụ.
 |
Sản xuất pháo hoa tại Nhà máy Z121. Ảnh: Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng |
Quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác, mỗi quân nhân trong quân đội phải ra sức học tập, huấn luyện, rèn luyện, không ngừng nâng cao thể lực, trình độ, năng lực, đi đôi với cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xây dựng doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp; tích cực xây dựng cơ quan, đơn vị có môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú… hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Dấu ấn bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 5080 ra ngày 24-6-1975 đăng tin về sự kiện người dân Sài Gòn náo nức xem triển lãm về thân thế và sự nghiệp Hồ Chủ tịch tại Thư viện quốc gia Sài Gòn, nơi trưng bày những tấm ảnh quý, di vật quý về thân thế và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch kính yêu.
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 5080 và 7506. |
Trang Nhất Báo Quân đội nhân dân số 7506 ra ngày 24-6-1982 đăng thông tin về sự kiện Đại biểu Quốc hội vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
MINH ANH (tổng hợp)