Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 23-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 23-6

Sự kiện trong nước

Bộ luật Lao động được Quốc hội khoá IX, Kỳ họp thứ 5 thông qua vào ngày 23-6-1994. Ảnh: nld.com.vn

- Ngày 23-6-1952: Hội nghị lần thứ ba Ủy ban Liên Việt toàn quốc khai mạc tại Việt Bắc.

- Ngày 23-6-1953: Khai mạc lớp chỉnh quân chính trị cho cán bộ trung cao cấp do Tổng quân ủy trực tiếp phụ trách tại Việt Bắc.

- Ngày 23-6-1994: Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, Kỳ họp thứ 5 đã thông qua Bộ luật Lao động. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-1995.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 23-6-1868: Christopher Latham Sholes nhận bằng phát minh chiếc máy đánh chữ đầu tiên.

- Ngày 23-6-1956: Gamal Abdel Nasser được bầu làm Tổng thống Ai Cập.

- Ngày 23-6-1985: Một quả bom phát nổ trên chuyến bay 182 của Air India, khiến chiếc Boeing 747 rơi xuống Đại Tây Dương gần Ireland, làm 329 người trên chuyến bay thiệt mạng.

- Ngày 23-6-2016, Vương quốc Anh tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, với kết quả gây chấn động khi 52% số người tham gia bỏ phiếu đã chọn Brexit.

Ảnh minh họa. Nguồn: Council on Foreign Relations

Theo dấu chân Người

- Ngày 23-6-1924, đại biểu Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại diễn đàn của phiên họp thứ 8 của Đại hội V Quốc tế Cộng sản: “Tôi đến đây để không ngừng lưu ý Quốc tế Cộng sản đến một sự thật là: Thuộc địa vẫn đang tồn tại, và vạch ra để Quốc tế Cộng sản thấy rằng: Cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Song, tôi thấy rằng hình như, các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng cho rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa. Vì vậy, tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có được, sẽ gợi ra những vấn đề và nếu cần tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa”.

Với một tinh thần thẳng thắn, Nguyễn Ái Quốc đã vạch rõ sai lầm là “muốn đánh chết rắn đằng đuôi. Tất cả các đồng chí đều biết rằng, hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng... Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng, các đồng chí lại khinh thường thuộc địa...”.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản. Ảnh tư liệu

Cuối cùng, Người kết luận: “Bàn về khả năng và các biện pháp thực hiện cách mạng, đề ra kế hoạch của cuộc chiến đấu sắp tới, các đồng chí Anh và Pháp cũng như các đồng chí ở các đảng khác hoàn toàn bỏ qua luận điểm cực kỳ quan trọng có tính chiến lược này. Chính vì thế, tôi hết sức kêu gọi các đồng chí: Hãy chú ý!”

- Ngày 23-6-1946, tiếp tục cuộc thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Tổng tham mưu trưởng Quân đội Pháp, tiếp bà con Việt kiều trong đó có nhiều cháu nhi đồng.

- Ngày 23-6-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc trưởng Campuchia Nôrôđôm Xihanúc nhân dịp nước ta và Vương quốc Campuchia chính thức lập quan hệ ngoại giao và đánh giá “đó là một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, một nhân tố tích cực trong việc giữ gìn hòa bình ở Đông Dương và Đông - Nam Á”.

- Ngày 23-6-1969, Bác gửi thư tới Đại sứ quán Liên Xô nhờ chuyển lời cảm ơn tới nữ Anh hùng Liên xô Irina Levtchenko đã tặng sách và qua Tổng Lãnh sự Ấn Độ cảm ơn bà Inđira Ganđi đã gửi biếu Bác một quả xoài Ấn Độ. Buổi chiều ngày hôm đó, mặc dù sức khoẻ đã yếu, Bác đến thăm tận nơi ở của Phái đoàn Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc. Trong câu chuyện thân tình với Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Bác cho biết: “Tôi đã bỏ thuốc lá rồi, cụ ạ!... Tôi cũng phải đấu tranh với bản thân ghê gớm lắm mới bỏ được thuốc lá đó, cụ ạ!”.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 23-6-1939, dưới bút danh P.C. Lin, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Về chủ nghĩa Tơrốtxki” trong loạt bài “Thư từ Trung Quốc”, gửi về nước đăng trên tờ “Notre Voix”, cơ quan hoạt động công khai của Đảng tại Hà Nội. Trong bài viết, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ hoạt động của phái Tơrốtxkít ở Trung Quốc, chỉ rõ: “Bọn Tơrốtxkít không chỉ là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản, mà còn là kẻ thù của nền dân chủ và tiến bộ. Đó là bọn phản bội và mật thám tồi tệ nhất”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và bạn bè quốc tế. Ảnh tư liệu

Ở Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (năm 1930), một số người theo xu hướng Tơrốtxkít chủ yếu từ Pháp về mưu đồ lập một đảng riêng để chống lại đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản. Trong bầu cử Hội đồng quản hạt Nam Kỳ, một số đồng chí đã coi nhẹ công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, hợp tác vô nguyên tắc với các phần tử Tơrốtxkít và với những khẩu hiệu lừa bịp, các phần tử Tơrốtxkít đã lôi kéo được quần chúng bỏ phiếu cho họ. Đó là khuyết điểm và là bài học trong sự lãnh đạo của Đảng.

Trong bối cảnh đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, bằng kinh nghiệm hoạt động quốc tế và sự nhạy cảm về chính trị, đã sớm nhận rõ bản chất và mưu đồ của những phần tử Tơrốtxkít. Để chống lại âm mưu khiêu khích, phá hoại của những thế lực thù địch, nhất là những phần tử Tơrốtxkít, trước khi đi thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi đồng bào Nam Bộ. Trong thư, Người nêu rõ: “Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”, “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”.

Theo đó, trong phong trào cách mạng 1936-1939, Đảng đã thành công trong sự kết hợp đúng đắn chiến lược và sách lược cách mạng, nắm vững mục tiêu chiến lược lâu dài là giành độc lập dân tộc và đi tới chủ nghĩa xã hội; đồng thời đề ra những mục tiêu dân sinh, dân chủ cụ thể trước mắt phù hợp với điều kiện thực tiễn và lợi ích của quần chúng; kết hợp nhiều hình thức tổ chức và hình thức, phương pháp đấu tranh thích hợp, có hiệu quả. Cuộc đấu tranh chống thế lực thù địch là những phần tử Tơrốtxkít được Đảng tiến hành kiên quyết, kịp thời, do đó, đã bảo vệ hệ tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bảo vệ đường lối của Đảng và công tác tổ chức cán bộ của Đảng, rút ra những bài học cần thiết trong lãnh đạo của Đảng và củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đồng thời cũng chỉ rõ: “Công tác bảo vệ chính trị nội bộ có mặt còn hạn chế; chưa nắm và giải quyết tốt vấn đề chính trị hiện nay, trong khi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội”. Do đó, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị hiện nay chính là nội dung và giải pháp cơ bản làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 597 ra ngày 23-6-1959 đăng bài xã luận về sự kiện Tổng thống Indonesia Xu-các-nô thăm Việt Nam nhân lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 597 và 5442. 

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 5442 ra ngày 23-6-1976 đăng thông tin về sự kiện Đoàn Đại biểu Hội đồng cố vấn và Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt nam vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

MINH ANH (tổng hợp)