Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 22-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 22-6

Sự kiện trong nước

- Ngày 22-6-1953, Chính phủ ban hành chính sách dân tộc của Nhà nước Việt Nam, trong đó khẳng định đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để kháng chiến, kiến quốc, giúp nhau tiến bộ về mọi mặt.

Công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc luôn có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng Việt Nam. Ảnh: tuyengiao.vn

- Ngày 22-6-1965, người thợ điện yêu nước 24 tuổi Trần Văn Đang bị Mỹ sát hại. Anh hùng biệt động Trần Văn Đang, sinh năm 1942, trong một gia đình nông dân nghèo khổ tại xã Long Hồ, Châu Thành Tây, nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Ngày 20-3-1965, chiến sĩ biệt động Trần Văn Đang sa vào tay giặc. Đúng 5h30 sáng ngày 22-6-1965, Trần Văn Đang bị địch đưa ra pháp trường, gần bùng binh chợ Bến Thành, ngay vách của Nha Hỏa xa. Trong những giây phút cuối cùng, anh đã noi gương người thợ điện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hô to: Hồ Chí Minh muôn năm… và gọi tên con trai: Cảnh ơi…

- Ngày 22-6-1798, thi sĩ Nguyễn Gia Thiều qua đời. Ông sinh nǎm 1741, quê ở xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, là quan dưới triều chúa Trịnh. Ông sáng tác nhiều thơ chữ Hán, nổi tiếng hơn cả là tập thơ chữ Nôm “Cung oán ngâm khúc”.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 22-6-1815, Napoléon buộc phải thoái vị lần thứ hai. Ông tìm đường chạy trốn sang Hoa Kỳ bằng đường biển nhưng không thành.

Một bức tranh vẽ về hoàng đế Napoléon. Ảnh: Alamy

- Ngày 22-6-1940, Chính phủ Pétain của Pháp đã phải ký hiệp định đình chiến với Đức.

- Ngày 22-6-1941, Đức quốc xã đã mở màn chiến dịch Barbarossa, bất ngờ tấn công xâm lược Liên Xô.

- Ngày 22-6-1984, hãng Virgin Atlantic Airways khởi hành chuyến bay đầu tiên từ sân bay London Gatwick.

Theo dấu chân Người

- Ngày 22-6-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp. Từ Biarritz, máy bay hạ cánh xuống sân bay Lơ Buốcgiờ (Le Bourget) của thủ đô Paris nơi diễn ra lễ đón tiếp trọng thể với những nghi thức quốc gia. Bộ trưởng Hải ngoại Pháp cùng nhiều thành viên trong Chính phủ, đông đảo nhân dân Pháp và bà con Việt kiều đã nghênh tiếp. Đoàn lưu lại tại khách sạn “Royal Monceau”.

Ngay tại sân bay, Bác đã nói đại ý: “Cảm ơn Chính phủ và dân chúng Pháp tiếp đãi một cách long trọng, mong sau này hai dân tộc Pháp và Việt cộng tác một cách bình đẳng, thật thà và thân thiện”.

Chính phủ Pháp tổ chức trọng thể Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sân bay Le Bourget, Thủ đô Paris ngày 22-6-1946. Ảnh tư liệu

- Ngày 22-6-1947, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài về vai trò của trí thức, Bác khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế... Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam sẽ là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc”.

- Ngày 22-6-1948, Báo Cứu quốc đăng thư của Bác gửi các khu về dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến: “Ngày 23-9-1945, đồng bào toàn quốc đã đứng dậy làm một khối sau lưng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chống lại bọn thực dân Pháp xâm lăng vào bờ cõi miền Nam đất nước ta. Để nhớ đến bao nhiêu chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ và miền Nam Trung bộ đã bỏ mình vì nước trên bãi chiến trường hoặc dưới sự tàn sát của quân giặc; để ghi công những chiến sĩ đã tiên phong giữ vững nền độc lập và thống nhất của nước nhà, toàn quốc sẽ long trọng kỷ niệm 1.000 ngày chiến đấu của đồng bào miền Nam”.

- Báo Nhân Dân ra ngày 22-6-1954 đăng bài “Cần phải xem báo Đảng”, trong đó Bác nhắc nhở: “Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, suốt từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất... Tờ báo Đảng như là những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hằng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta. Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc”.

- Ngày 22-6-1955, rời Hà Nội đi thăm chính thức Liên Xô và Trung Quốc, Bác tuyên bố: “Tin chắc rằng cuộc đi thăm này sẽ thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với nhân dân và chính phủ hai nước bạn”.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 22-6-1947, Bác Hồ khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc... Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam sẽ là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc”.

Bác Hồ với trí thức Việt Nam năm 1964. Ảnh tư liệu

Xuyên suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định trí thức là một bộ phận quan trọng của dân tộc Việt Nam: “Trong các tầng lớp xã hội, người sĩ phu chiếm vị trí hàng đầu”. Khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi trí thức cùng các tầng lớp nhân dân khác hãy ủng hộ Đảng, gia nhập Đảng để đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, công nông là gốc cách mạng, còn trí thức là bầu bạn của cách mạng. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta khẳng định trong xây dựng chính quyền, tiến hành vừa kháng chiến vừa kiến quốc, trong việc quân sự, cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, đều cần những người thông thạo về công nghệ, nông nghiệp, y tế, văn hóa, giáo dục...

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng sử dụng nhân tài từ các thành phần xã hội khác nhau, trong đó rất chú ý mời gọi sử dụng các trí thức yêu nước tham gia bộ máy chính quyền từ Trung ương tới cơ sở và đề cao vị trí, vai trò của trí thức trong xây dựng và triển khai đường lối, chính sách của Đảng.

Lễ tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang. Ảnh: vanlanguni.edu.vn

Ở cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần gũi, tin yêu, quý trọng trí thức Việt Nam và khẳng định: “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn nhiều”.

Bên cạnh đó, Người đã đề ra nhiều biện pháp và quyết tâm biến tư tưởng đó thành chính sách cụ thể, thành hiện thực trong cách mạng. Trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng việc tìm kiếm, phát hiện người có tài, có đức, mạnh dạn sử dụng những trí thức do chế độ cũ đào tạo nhưng có tinh thần dân tộc và lòng yêu nước. Có nhiều trí thức tự nguyện đi theo cách mạng và trở thành những nhà cách mạng lỗi lạc, giữ trọng trách trong bộ máy của Đảng, Chính phủ như các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Lê Văn Hiến, Tố Hữu...

Trong mọi thời đại, trí thức luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn vong, hưng thịnh của mỗi quốc gia. Xuyên suốt tiến trình cách mạng, Đảng ta luôn nhất quán chủ trương tôn trọng, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc phát huy vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức với những giải pháp đột phá là một đòi hỏi cấp thiết.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang Nhất Báo Quân đội nhân dân số 2905 ra ngày 22-6-1969 đăng bức điện cảm ơn Hồ Chủ tịch với nội dung như sau: “Chúng tôi lấy làm vinh dự thay mặt 14 triệu đồng bào miền Nam anh hùng, Chánh phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn, nói lên lòng biết ơn sâu sắc đối với Hồ Chủ tịch kính mến và bày tỏ ý chí sắt thép đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, xây dựng miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập và phồn vinh, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước, góp phần tích cực bảo vệ hòa bình thế giới”, từ Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - Chủ tịch Chánh phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trên trang Nhất Báo Quân đội nhân dân số 2905 và số 6834.

Trang Nhất Báo Quân đội nhân dân số 6834 ra ngày 22-6-1980 đăng thông tin về sự kiện Viện sĩ N.Blô-Khin, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Quốc tế Lê-nin Vì củng cố hòa bình giữa các dân tộc viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
 

MINH ANH (tổng hợp)