Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 23-12-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế

Sự kiện trong nước

Ngày 23-12-1972. Mỹ huy động 50 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh ngoại thành Hà Nội, từ Mai Dịch đến trạm Trôi (Hoài Đức, Hà Nội). Đêm đó, có 33 chiếc B52 đánh Đồng Mỏ và Bắc Giang, 41 chiếc máy bay chiến thuật đánh Yên Viên, Giáp Bát, Đa Phúc, Sơn Đồng và các sân bay Nội Bài, Yên Bái. Hướng biển có 7 máy bay Mỹ đánh Uông Bí, Phà Rừng, Đồ Sơn, Sở Dầu, và sân bay Kiến An, ta bắn rơi 4 máy bay Mỹ, trong đó Hải Phòng bắn rơi 2 chiếc B52.

 

leftcenterrightdel
Tổ bắn máy bay chiến thuật của dân quân, tự vệ thành phô Hà Nội trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972. Ảnh tư liệu. 

Cùng ngày, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tuyên dương công trạng quân dân miền Bắc đánh rất giỏi, thắng rất to và đang làm thất bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ.

leftcenterrightdel
Tên lửa phòng không (màu xanh rêu) từng được sử dụng đánh B52 và đống xác máy bay (trong đó có xác B52) đang được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không-Không quân.

Phối hợp chiến đấu với thủ đô Hà Nội trong trận "Điện Biên Phủ trên không", từ 23 đến 29-12-1972, dân quân tự vệ tỉnh Hoà Bình kiên trì bao vây, lùng sục suốt 7 ngày đêm trong rừng sâu, bắt sống được giặc lái, và bắn rơi một máy bay lên thẳng đến cứu tên giặc lái đó.

leftcenterrightdel
Tên thiếu tá phi công Mỹ William Winson bị dân quân xã Hợp Hòa bắt tại đồi Bù ngày 29-12-1972. Ảnh tư liệu 

Sự kiện quốc tế

Ngày 23-12-1964, một trận gió xoáy ở Ceylon, Sri Lanka làm 2000 người thiệt mạng.

Ngày 23-12-1972, ở Nicaragua xảy ra một loạt các cuộc động đất làm 7000 thiệt mạng.

Andrei Tupolev sinh năm 1888, mất ngày 23-12-1972. Ông là Tổng công trình sư chế tạo máy bay nổi tiếng của Liên Xô trước đây.

leftcenterrightdel
Nhà chế tạo máy bay Nga Andrei Tupolev. Ảnh: russiapedia.rt.com 

Ông còn là chuyên gia khí động lực học, lập ra Viện thuỷ khí động lực học, đã thiết kế hơn 100 kiểu máy bay quân sự như ANT-20, phi cơ lớn nhất năm 1933, TU104, phản lực cơ đầu tiên chở khách. Tupolev là Viện sĩ hàn lâm khoa học, đã được nhiều giải thưởng quốc gia trong đó có giải thưởng Lênin.

23-12-1990, Slovenia bỏ phiếu để vùng Tây bắc Cộng hoà Nam Tư trở thành một quốc gia độc lập.

Theo dấu chân Người

Ngày 23-12-1923, trên số báo “Ogniok” xuất bản tại nước Nga Xô viết đã đăng bài báo có nhan đề “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” của nhà thơ Xôviết Êxớp Manđenxtam, thuật lại cuộc gặp gỡ giữa tác giả và Nguyễn Ái Quốc trong đó nhà cách mạng Việt Nam đã bày tỏ: “Thật thú vị là chính quyền Pháp đã dạy cho những người nông dân chúng tôi biết những từ “bônsêvích” và “Lênin”. Chúng lùng bắt những người cộng sản trong dân chúng, trong khi chẳng có người cộng sản nào, hoàn toàn không có ngay cả trong ý niệm, và như vậy chính chúng đã tuyên truyền cho chủ nghĩa bônsêvích và Lênin”. Còn tác giả bài viết thì đưa ra nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai... Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh là đóa sen đẹp nhất của dân tộc Việt Nam và là đóa sen đẹp, thanh cao, mẫu mực của nhân loại. Ảnh tư liệu

Ngày 23-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với các đảng phái bàn về việc thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, cùng đưa ra “Văn kiện 14 điều thoả thuận” trong đó nhất trí “Trong Chính phủ liên hiệp chính thức, Hồ Chí Minh tiên sinh làm Chủ tịch, Nguyễn Hải Thần tiên sinh làm Phó Chủ tịch...”.

Chiều 23-12-1946, Bác thảo văn kiện có nhan đề “Hỏi và trả lời” nhằm giải thích và tuyên truyền cho cuộc kháng chiến toàn quốc mới bùng nổ. Văn kiện viết: “Có người hỏi kháng chiến sẽ bao giờ thắng lợi. Tôi trả lời: Giồng khoai 3 tháng mới có củ, giồng lúa 4 tháng mới được ăn... Thử xem Trung Quốc kháng chiến 8 năm mới thắng lợi... Muốn trị lửa phải dùng nước. Địch muốn tốc chiến, tốc thắng. Ta lấy trường kỳ kháng chiến trị nó, thì địch nhất định thua, ta nhất định thắng...”. Trả lời nhiều câu hỏi như: “toàn dân kháng chiến là thế nào?”, Bác trả lời rồi đưa ra câu thơ:

“Dân ta phải giữ nước ta,

Dân là con nước, nước là Mẹ chung”.

Trả lời câu hỏi: “đồng bào ở hậu phương nên làm việc gì?”, Bác cũng có mấy vần thơ:

“Tiền phương chiến sĩ hy sinh,

Đem xương máu mình giữ nước non ta.

Hậu phương sản xuất tăng gia,

Cũng là kháng chiến, cũng là vẻ vang”

leftcenterrightdel

Hình ảnh giản dị mà cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim của nhân dân Việt Nam. Ảnh: TTXVN

 

Ngày 23-12-1963, trong bài viết có nhan đề “Miền Nam tất thắng”, đăng trên báo “Nhân Dân”, bình luận về cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, Bác nhận định “chúng sẽ đảo lẫn nhau và cuối cùng nhân dân sẽ đảo cả lũ chúng”.

Ngày 23-12-1964, báo “Nhân Dân” công bố trả lời của Bác với Hãng Thông tấn Côplây (Hồng Kông), trong đó khẳng định: “Nếu Mỹ tiến công Bắc Việt Nam, chúng tôi sẽ kiên quyết đánh lại”. Để giải quyết vấn đề Việt Nam “chỉ có một cách là Mỹ phải tôn trọng Hiệp định Giơnevơ..., phải chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam..., chấm dứt những hành động chiến tranh đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

                       “Dân ta phải giữ nước ta,

                        Dân là con nước, nước là mẹ chung”.

(Hồ Chí Minh: Toàn tập,  Sđd, t.4, tr.539.)

Là câu thơ do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm và đọc chiều ngày 23 tháng 12 năm 1946 trong văn kiện có nhan đề “Hỏi và trả lời” nhằm giải thích và tuyên truyền cho cuộc kháng chiến toàn quốc mới bùng nổ. Với quyết tâm: “...Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”; bởi Tổ quốc là Tổ quốc chung, Tổ quốc độc lập thì ai cũng được tự do. Nếu mất nước thì ai cũng phải làm nô lệ. Mỗi người đều phải có bổn phận với đất nước, khi Tổ quốc lâm nguy thì mọi tầng lớp người Việt Nam đều có chung một kẻ thù, một nhiệm vụ là đứng lên chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện Lời kêu gọi của Người, toàn quân, toàn dân đã đồng lòng, quyết tâm đứng lên với tinh thần: “Ai có súng dùng súng, ai có gương dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân, cứu nước” đã chiến đấu, chiến thắng cuộc chiến tranh dài ngày nhất của thực dân Pháp xâm lược. Thắng lợi đó được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

leftcenterrightdel
 Bác Hồ dùng thử máy cấy tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội, năm 1960. Ảnh tư liệu

Trọng dân, gần dân, thân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì nhân dân quên mình, chăm lo đến lợi ích của dân, dân chủ với dân, thật sự tôn vinh nhân dân làm chủ xã hội là một tư tưởng lớn, mang tính văn hóa, nhân văn, nhân đạo cao cả và tính cách mạng, tính nhân dân sâu sắc của Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước quán triệt, thực hiện trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Với chủ trương xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân, thực hiện nhất quán phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã trực tiếp tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giữ vững độc lập, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

leftcenterrightdel
Bộ đội trung đoàn 82 về giúp người dân xã Nậm Vì, Mường Nhé, Điện Biên.  

Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, làm nòng cốt cùng toàn Đảng, toàn dân chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù hùng bạo. Cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn giữ vững và phát huy tốt mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, thực hiện “quân với dân một ý chí” đã trở thành mối quan hệ mẫu mực được ví như “cá - nước”, được nhân dân tin tưởng, yêu mến và tặng cho danh hiệu cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 23-12-1964 đăng tin: Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân. Bộ Quốc phòng mở tiệc chiêu đãi trọng thể. Hồ Chủ tịch đã đến dự và khen ngợi: Quân đội ta nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

leftcenterrightdel
 


leftcenterrightdel
 

DUY HOÀN (Tổng hợp)