Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 21-12-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 21-12
Sự kiện trong nước
Cách đây 67 năm, ngày 21-12-1954 là một ngày đặc biệt đối với ngành Điện lực Việt Nam, hai tháng sau khi tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đã đến thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ và căn dặn cán bộ công nhân viên: “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa”.
Sự kiện này đã trở thành một mốc son lịch sử và ngày 12-10-2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1594/QĐ-TTg lấy ngày 21-12 hằng năm trở thành ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam.
 |
Bác Hồ đã đến thăm cán bộ, nhân viên Nhà máy đèn Bờ Hồ. Ảnh: Tư liệu |
Trong 67 năm qua, ngành Điện lực Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Từ chỗ khi tiếp quản từ chế độ cũ, công suất hệ thống điện ở miền Bắc vào cuối năm 1954 chỉ có 31,5 MW, đến nay hệ thống điện đã có quy mô đứng thứ 2 khu vực Đông - Nam Á, thứ 23 thế giới, trong đó công suất nguồn điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu là hơn 30.000 MW và hệ thống lưới điện vươn rộng toàn bộ đất nước, bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.
Trong nhiều năm qua, ngành Điện lực Việt Nam luôn được gắn liền với những công trình điện lớn, mang tầm quốc tế và khu vực. Đặc biệt, trong giai đoạn một thập kỷ gần đây, EVN đã có những bước phát triển nhanh chóng và có nhiều thành tựu quan trọng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 |
Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu. Ảnh: TTXVN
|
Ngày nay, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Điện nói chung và EVN nói riêng trong thời gian tới là hết sức khó khăn, thách thức, đặc biệt là đối với yêu cầu luôn đi trước một bước để bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Với truyền thống nỗ lực vượt khó vươn lên, EVN sẽ quyết tâm tìm mọi giải pháp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ giao phó.
Ngành Điện lực Việt Nam luôn ghi nhớ và thực hiện những lời căn dặn của Bác Hồ. Tập thể ngành Điện luôn cố gắng, đoàn kết, quyết tâm, vươn lên, phát triển một cách bền vững, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó; thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
Từ ngày 21 đến ngày 26-12-1965 đã diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12. Hội nghị đã định ra nhiệm vụ, chủ trương, phương châm thích hợp với tình hình mới, động viên cả nước kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 12 là một văn kiện lịch sử quan trọng về lý luận cũng như thực tiễn trong cuộc đấu tranh Cách mạng của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ.
Sự kiện quốc tế
Gustave Flaubert là nhà văn hiện thực lớn nước Pháp. Ông sinh ngày 21-12-1821. Sáng tác đầu tay của ông là "Xmar" (1849). Bảy năm sau ông ra đời tiểu thuyết "Bà Bôvary" (1856) và ngay lập tức gây chấn động dư luận đương thời. Ngoài tác phẩm trên ông còn có các tác phẩm "Xalambô" (1862), "Giáo dục tình cảm" (1869) "Ba truyện"(1887).
 |
Bức tường Berlin chia tách thành phố Berlin giữa Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông) và Cộng hòa Liên bang Đức (Tây). Ảnh Cổng Brandenburg đằng sau một phần Bức tường Berlin năm 1961. Ảnh: Tư liệu
|
Ngày 21-12-1972, Đông Đức và Tây Đức ký hiệp định chính thức chấm dứt hai thập kỷ thù địch trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Theo dấu chân Người
Ngày 21-12-1941, Báo Việt Nam Độc lập đăng bài “Thế giới đại chiến và phận sự dân ta” của Nguyễn Ái Quốc. Sau khi phân tích nguy cơ chiến tranh, bài báo nêu câu hỏi “Thế thì dân ta nên làm sao để tránh khỏi cái nạn ấy?” và trả lời: “Dân ta nên làm hai việc: 1 là - Bất kỳ quân đội nào tới gần vùng mình, dân ta phải làm cách “nhà không vườn trống”... Chỉ bao giờ Việt Minh có lệnh giúp cho quân đội nào thì dân ta sẽ giúp cho quân đội ấy. 2 là - Dân ta phải mau mau tổ chức lại. Nông dân phải vào “Nông dân Cứu quốc hội”. Thanh niên phải vào “Thanh niên Cứu quốc hội”. Phụ nữ vào “Phụ nữ Cứu quốc hội”... Các bậc phú hào văn sĩ vào “Việt Nam Cứu quốc hội”... Hỡi đồng bào! Cơ hội giải phóng đến rồi, mau mau đoàn kết lại!!!”.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946. Ảnh: Tư liệu |
Ngày 21-12-1946, hơn một ngày sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ trên cả nước, Bác viết thư “Gửi dân chúng Việt Nam, dân chúng Pháp, dân chúng các nước đồng minh”. Trong đó nêu rõ: “Dân tộc Việt Nam nay bị đặt trước hai đường: một là khoanh tay, cúi đầu trở lại nô lệ; hai là đấu tranh đến cùng để giành lấy tự do và độc lập. Không! Dân tộc Việt Nam không để cho người ta trở lại thống trị nữa. Không! Dân tộc Việt Nam không bao giờ muốn trở lại nô lệ nữa. Dân tộc Việt Nam thà chết chứ không chịu mất độc lập và tự do... Tất cả quốc dân Việt Nam phải đứng dậy bảo vệ Tổ quốc!”.
Ngày 21-12-1951, Báo Cứu Quốc đăng bài “4 thành 0, 6 thành 4” của Bác kêu gọi: “Quân ta hăng hái thi đua giết giặc lập công. Dân ta hăng hái thi đua nộp thuế nông nghiệp để nuôi bộ đội giết giặc. Thì giặc Pháp sẽ hết ngõ, cùng đường”.
Ngày 21-12-1954, Bác viết bài “Đế quốc Mỹ ráo riết phá Hội nghị Giơnevơ nhưng chúng đã thất bại nhục nhã” đăng trên Báo Nhân Dân, khẳng định: “Thành công của Hội nghị Giơnevơ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Đông Dương, nhân dân Pháp và nhân dân thế giới” .
 |
Bác Hồ đã sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến phương tiện sử dụng phục vụ công việc hàng ngày. Đây là hình ảnh bữa cơm đạm bạc của Bác Hồ và các chiến sỹ ở Tân Trào. Ảnh: Tư liệu
|
Ngày 21-12-1960, Báo Nhân Dân đăng bài có nhan đề “Tiết kiệm” của Bác với lời kết luận: “Thực hành tiết kiệm tức là trực tiếp góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Đồng bào ta nên luôn luôn ghi nhớ điều đó!”.
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân là một việc làm cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất độc lập, dân chủ và giàu mạnh".
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân là một việc làm cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất độc lập, dân chủ và giàu mạnh". Ảnh: Tư liệu
|
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi đồng bào thị xã Phát Diệm và các xã Vĩnh Khang, Tam Cường, Diễn Liên, Liên Sơn, Người viết ngày 21-12-1956; Báo Nhân Dân đăng số 1024, ngày 24-12-1956.
 |
Trong tư tưởng của Người, con người có đạo đức, trí tuệ, văn hoá, sức khoẻ vừa là động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng. Ảnh: Tư liệu |
Văn hóa hiểu một cách chung nhất chính là sự hiểu biết, tài năng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, tâm hồn,... của con người và của mỗi cộng đồng quốc gia, dân tộc trong mối quan hệ với xã hội và tự nhiên. Vì văn hóa là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội; vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nên trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, soi đường cho sự phát triển, tiến bộ của xã hội, của mỗi quốc gia, dân tộc trong hành trình xây dựng và phát triển.
Trong giai đoạn hiện nay, lời Thư của Bác năm xưa vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với cách mạng nước ta. Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa, Nghị quyết Đại hội XIII đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
 |
Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc". Ảnh: Tuoitre.vn |
Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển; yêu cầu về giá trị văn hóa không chỉ có trình độ học vấn cao, mà đòi hỏi phải bồi dưỡng, xây dựng những chuẩn mực con người mới Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đối với cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, văn hóa Bộ đội Cụ Hồ đã có nền tảng ngay từ khi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nét đẹp nền tảng văn hóa đó được giữ gìn, trao truyền qua nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Mỗi quân nhân không chỉ có đầy đủ những chuẩn mực chung về con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mà còn phải thực sự tiêu biểu về văn hóa, nhân cách, đạo đức, trí tuệ, phát huy cao độ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; nêu cao cảnh giác nhận diện và đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng với mọi biểu hiện phản văn hóa, không để văn hóa xấu độc thâm nhập vào đơn vị…
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 305 ra ngày 21-12-1956 có đăng thư của Hồ Chủ tịch gửi Quân đội nhân dân Việt Nam nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân. Trong thư Bác căn dặn, “Quân đội ta cần phải phát huy truyền thống cách mạng anh dũng và vẻ vang, nâng cao chí khí phấn đấu, giữ vững kỷ luật, đoàn kết trên dưới, đoàn kết quân dân, ra sức làm tròn mọi nhiệm vụ do Đảng và Chính phủ giao phó cho”.
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 305 ra ngày 21-12-1956 |
ĐOÀN TRUNG (tổng hợp)