Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 18-11-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 18-11:
Sự kiện trong nước
Ngày 18-11-1930, ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
 |
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 12 đến ngày 14-5-1983. Ảnh: TTXVN |
Ngày 18-11-1964, đại đội 3 pháo cao xạ đã bắn rơi 1 chiếc máy bay RF101 và 2 chiếc T28 của Mỹ ở miền Tây tỉnh Quảng Bình.
Trong trận chiến đấu này, hình ảnh chính trị viên Nguyễn Viết Xuân với câu nói động viên chiến sĩ "Nhằm thẳng quân thù, bắn!" đã biểu lộ lòng căm thù giặc sâu sắc và ý chí kiên quyết tiêu diệt địch.
 |
Lời hô “Nhằm thẳng quân thù, bắn” của Anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân đã trở thành khẩu hiệu tiến công trên các trận địa pháo phòng không của bộ đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: baotanglichsu.vn |
Anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (1-1-1967) cùng nhiều huy chương và bằng khen khác. Hiện nay, Hà Nội có một trường học nội trú con liệt sĩ mang tên Nguyễn Viết Xuân.
Ngày 18-11-1971, Trung đoàn xe tăng 201 được thành lập, tiền thân của Lữ đoàn xe tăng 201 ngày nay. Đây cũng được coi là ngày truyền thống của Lữ đoàn xe tăng 201.
Ngay sau ngày thành lập, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Tăng thiết giáp đã giao cho Trung đoàn nhiệm vụ “Khẩn trương xây dựng các đơn vị trong trung đoàn, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu”.
Bằng ý chí, nghị lực và quyết tâm cao với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Trung đoàn 201 đã đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, vừa củng cố xây dựng doanh trại, vừa học tập, huấn luyện.
Chỉ sau 3 tháng làm công tác chuẩn bị, Trung đoàn đã nhận nhiệm vụ lên đường vào Nam chiến đấu, đồng thời tiếp nhận các đơn vị từ chiến trường về để củng cố, xây dựng bảo vệ vững chắc khu đóng quân, sẵn sàng cơ động đánh địch trong mọi tình huống.
 |
Lữ đoàn xe tăng 201, Binh chủng Tăng thiết giáp thực hiện nghiêm công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Qdnd.vn |
Trước yêu cầu cấp thiết của nhiệm vụ xây dựng quân đội, xây dựng Binh chủng Tăng thiết giáp từng bước tiến lên chính quy, hiện đại, ngày 25-10-1973, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 144/QĐ-QP thành lập Lữ đoàn xe tăng 201 trên cơ sở Trung đoàn xe tăng 201.
Đây là thời điểm đánh dấu bước trưởng thành của đơn vị, ghi nhận sự đi lên và là định hướng phát triển lực lượng Tăng thiết giáp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Cũng từ đây Lữ đoàn đảm nhận vai trò quan trọng là “Lữ đoàn xe tăng cơ động dự bị chiến lược của Bộ Quốc phòng”…
Sự kiện quốc tế
Ngày 18-11-1942, Liên Xô kết thúc giai đoạn phòng thủ trong trận Stalingrad.
Ngày 17-7-1942, chiến dịch phòng ngự bắt đầu. Quân đội phát xít cố gắng tiến công thọc hậu từ hai bên sườn bao vây quân đội Liên Xô ở Calaxơ, rồi từ đó tiếp tục tiến công vào Stalingrad. Các tập đoàn quân 62 và 64 Hồng quân đã phòng ngự rất ngoan cường và cùng các tập đoàn quân T4 và 4 liên tục phản kích, làm phá sản ý định ban đầu của địch.
 |
Một số hình ảnh về Hồng quân Liên Xô trong chiến dịch phòng ngự tại chiến trường Stalingrad. Ảnh: (Sputnik News; ww2today.com) |
Ngày 18-11-1942, chiến dịch phòng ngự kết thúc. Hồng quân Liên Xô đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 700.000 tên địch, phá huỷ 2.000 pháo, cối, 1.000 xe tăng và 1.400 máy bay, chặn đứng được cuộc tiến công của địch và chuyển sang phản công.
Theo dấu chân người
Ngày 18-11-1939, Nguyễn Ái Quốc với bí danh là Hồ Quang trở lại Quý Dương (Trung Quốc), một lần nữa tìm cách liên hệ với các đồng chí từ trong nước sang và tìm đường trở về Tổ quốc.
Ngày 18-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vừa ra Thủ đô và bày tỏ mối quan tâm của Chính phủ đối với miền Trung và cao nguyên. Cùng ngày, Bác gặp đại diện của Pháp để tìm giải pháp tháo gỡ những căng thẳng đang có nguy cơ bùng nổ chiến tranh.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp năm 1964. Ảnh tư liệu |
Ngày 18-11-1954, trả lời phỏng vấn của báo Pháp “Regards” (Nhìn Xem), Bác khẳng định quan điểm “muốn lập lại quan hệ với Pháp về kinh tế, văn hóa nhưng bình đẳng, hai bên cùng có lợi và thân thiện”.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhân sĩ trí thức Mỹ phản đối chiến tranh ở Việt Nam (17-1-1967). Ảnh: hochiminh.vn |
Ngày 18-11-1965, Bác Hồ gửi thư cho hai nhân vật nổi tiếng là Bác sĩ Bengiamin Xpớc và Xtiuớt Hiugơ, Chủ tịch “Ủy ban Oasinhtơn đấu tranh cho một chính sách nguyên tử lành mạnh” để cảm ơn các lực lượng tiến bộ Mỹ tích cực đấu tranh chống chiến tranh và ủng hộ nguyện vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010 )
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“… Muốn có hòa bình thật sự thì phải có độc lập thật sự...”
Đây là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nội dung trả lời phỏng vấn nhà báo Phêlích Gơrin (nhà báo người Anh), ngày 18-11-1965, để giải thích về lập trường của Việt Nam trước đề nghị thương lượng của phía Mỹ; Báo Nhân dân đăng trên số 4266, ngày 9-12-1965.
Suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam buộc phải đứng lên đấu tranh chống kẻ thù xâm lược cũng chỉ với khát khao đất nước được độc lập, nhân dân được sống trong hòa bình, tự do.
Từ khát vọng cháy bỏng đó mà nhân dân Việt Nam đã không tiếc mồ hôi, nước mắt, máu xương của biết bao thế hệ cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, no ấm, hạnh phúc của mình.
Lời khẳng định “... Muốn có hòa bình thật sự thì phải có độc lập thật sự...” của Bác như là một chân lý, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại sâu sắc. Đó không chỉ là tư tưởng mà còn là lẽ sống, là một giá trị to lớn trong học thuyết cách mạng của Hồ Chí Minh.
Đó là mục tiêu chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp vĩ đại đấu tranh vì độc lập, tự do, vì sự tồn tại và phát triển của dân tộc.
 |
Cách mạng Tháng Tám 1945: Mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử. Nguồn: tuyengiao.vn |
Thấu triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giá trị to lớn của hòa bình và điều kiện tiên quyết để có được hòa bình thực sự, Đảng ta chủ trương phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước là lợi ích cao nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nội lực, tranh thủ tối đa các thuận lợi từ bên ngoài, kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, vừa hợp tác vừa đấu tranh, gia tăng hợp tác, tránh xung đột đối đầu, tránh bị cô lập, lệ thuộc...
Đối với Quân đội ta, phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thường xuyên nắm chắc tình hình, đánh giá chính xác, tham mưu sắc bén cho Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành trung ương, các lực lượng và các địa phương chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
 |
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng tạo nguồn lực quan trọng để xây dựng quân đội hiện đại, góp phần bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Ảnh: Qdnd.vn |
Nhận thức sâu sắc những bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Tám và các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đã và đang thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong bảo vệ Tổ quốc. “Dĩ bất biến” trong kiên định đường lối, mục tiêu độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, môi trường hòa bình và “ứng vạn biến” bằng sách lược mềm dẻo, phương thức linh hoạt, đối phó hiệu quả với sự biến động phức tạp của tình hình; sự đan xen, chuyển hóa phức tạp giữa đối tác và đối tượng; với mọi âm mưu, thủ đoạn, tình huống của các thế lực thù địch, phản động, nhằm đạt mục tiêu cao nhất.
Chúng ta cũng xác định vừa hợp tác, vừa đấu tranh, theo tinh thần thêm bạn, bớt thù; giữ cân bằng, tận dụng tối đa quan hệ với các nước lớn, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế rộng rãi. Lấy đối ngoại quốc phòng làm công cụ quan trọng giải quyết tranh chấp, bất đồng, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia; tạo lợi thế chính trị trong mọi biến động của tình hình, đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực.
Chúng ta cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh trên cơ sở nắm vững, tận dụng luật pháp quốc tế, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, không để xảy ra xung đột, chiến tranh; không để bạo loạn kéo dài, lan rộng; không sử dụng lực lượng vũ trang giải quyết mâu thuẫn nội bộ nhân dân, mắc mưu khiêu khích, tạo cớ cho thế lực thù địch can thiệp quân sự; không để thế lực có tham vọng lãnh thổ lợi dụng hoặc thỏa hiệp với thế lực thù địch…
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1676 ra ngày 18-11-1965 đăng bài viết với tiêu đề “Đoàn đại biểu Anh hùng và chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đến chào Hồ Chủ tịch” và đăng tin với tiêu đề “Các cô, các chú và đồng bào càng đánh thắng giặc Mỹ, Bác càng mạnh khỏe, sống lâu”.
Ngoài ra, cũng trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 18-11-1965 trích thư Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Nam Bộ ngày 31-5-1946 với nội dung: “Đồng bào Nam Bộ là dân của nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi” và trích báo cáo của Hồ Chủ tịch tại Hội nghị chính trị đặc biệt ngày 27/28-3-1964 với nội dung: “Chúng ta vô cùng tự hào với miền Nam anh hùng của dân tộc ta. 10 năm qua ở miền Nam là 10 năm đấu tranh oanh liệt, 10 năm thắng lợi vẻ vang. Suốt 20 năm trời, đồng bào miền Nam ta không ngừng đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc. Hết chống thực dân Pháp lại chống đế quốc Mỹ, lực lượng yêu nước miền Nam đã vượt qua mọi gian khổ khó khăn càng đánh càng mạnh, càng mạnh càng thắng. Thật xứng đáng với danh hiệu Thành đồng Tổ quốc”.
 |
Dấu ấn của Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân ngày 18-11-1965. |
HOÀNG TRƯỜNG (tổng hợp)