Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 16-12-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 16-12

Sự kiện trong nước

Trước yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên tuyến biên giới Tây Nam, chấp hành Chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã quyết định tổ chức một bộ phận lực lượng chủ yếu gồm Sư đoàn 2 đặc công và một số đơn vị của Sư đoàn bộ binh 3, thành Sư đoàn bộ binh 2 (nay là Sư đoàn 302) làm nhiệm vụ thường trực chiến đấu, trực thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 7.

leftcenterrightdel
Đội hình dự Lễ kỷ niệm của Sư đoàn 302, Quân khu 7. Ảnh: Baoquankhu7.vn

Theo đó, ngày 16-12-1977 tại cánh rừng cao su thuộc Làng Hai, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước) ghi dấu sự ra đời của Sư đoàn bộ binh 302 từ những đơn vị uy dũng, lừng lẫy chiến công như Trung đoàn 88 – Đoàn Tu Vũ anh hùng; các đơn vị thuộc Sư đoàn 2 Đặc công, Trung đoàn 205, Trung đoàn 262; Trung đoàn 429 Đặc công, Trung đoàn 271 và Trung đoàn 6.

Được thành lập trong điều kiện vô cùng khẩn trương, khó khăn, phức tạp và ác liệt của chiến trường biên giới Tây Nam, nhưng chỉ sau một tháng xây dựng và chiến đấu, Sư đoàn đã đúc kết, xây dựng được những cách đánh phù hợp, hiệu quả. Qua đó, Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Khôi phục và bảo vệ vững chắc tuyến biên giới Lộc Ninh (Sông Bé).

leftcenterrightdel
Sư đoàn 302, Quân khu 7 diễn tập phòng ngự bờ biển. Ảnh: Baoquankhu7.vn 

Trong hơn 10 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, Sư đoàn 302 trong đội hình Mặt trận 479 đã tỏ rõ bản lĩnh của một đơn vị chủ lực cơ động, vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo tiến công tiêu diệt địch, bảo vệ địa bàn, bảo vệ nhân dân, thực hiện “cứu đói, cứu đau” cho nhân dân Campuchia.

Song song đó, đơn vị tổ chức xây dựng lực lượng giúp bạn để bạn có thể vươn lên tự đảm đương nhiệm vụ. Nhân dân Campuchia mãi mãi ghi nhớ công sức, máu xương của những người lính tình nguyện Sư đoàn 302 đã góp phần làm hồi sinh đất nước Chùa Tháp.

Trong chặng đường 44 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Sư đoàn 302 vinh dự đã có nhiều đồng chí đã phát triển, trở thành tướng lĩnh giữ vai trò chỉ huy, lãnh đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 7, các cơ quan của Bộ Quốc phòng. Với niềm tự hào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 302 hôm nay và mai sau nguyện viết tiếp những trang sử hào hùng của đơn vị - Xứng đáng là thế hệ tiếp nối của Sư đoàn 302 anh hùng.

leftcenterrightdel

Ngày 16-12-1994, Hội đồng di sản thế giới thuộc tổ chức UNESCO đã chính thức quyết định công nhận Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới. Ảnh: Worldnomads

Ngày 16-12-1994, tại kỳ họp thứ 18 tổ chức ở Phukét (Thái Lan), Hội đồng di sản thế giới thuộc tổ chức UNESCO đã chính thức quyết định công nhận vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) là di sản thiên nhiên thế giới.

Sự kiện quốc tế

leftcenterrightdel
Chân dung Beethoven. Ảnh: Classic FM

Ngày 16-12-1770: Ngày sinh Ludwig van Beethoven, nhạc sĩ Đức vĩ đại, đại biểu lỗi lạc của trường phái cổ điển Viên, người đạt thành tựu xuất sắc trong hai thể loại lớn của âm nhạc là giao hưởng và xônát.

Ngày 16-12-2009: Các nhà khoa học Anh lần đầu tiên giải mã thành công sự biến đổi gien. Các nhà khoa học Anh đã giải mã thành công sự biến đổi gien, tác nhân gây ra các bệnh ung thư da và phổi.

Theo dấu chân Người

Ngày 16-12-1927, từ Béclin (Đức), Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân báo tin dự định trở về đất nước, và đề nghị được giúp đỡ.

Ngày 16-12-1945, báo “Chiến Thắng” của Vệ Quốc đoàn đã đăng bài “Hồ Chủ tịch khuyên răn bộ đội”, trong đó, nêu rõ những khuyết điểm mà bộ đội phải sửa ngay: “1. Ham hình thức mà không chú ý đến những điều thiết thực... 2. Không bí mật: phải làm sao cho mình biết địch mà địch không biết mình. 3. Cẩu thả... 4. Công tác chính trị đối với dân chúng rất kém; có đồng chí cố ý tỏ ra là quan, là lãnh cho dân sợ. 5. Hiểu nhầm chữ “tự do”: Quân đội không thể vô chính phủ được, phải có kỷ luật. 6. Làm việc không có kế hoạch...”. Để khắc phục, Bác yêu cầu: “1. Phải gắng sức học tập. 2. Kỷ luật nghiêm: Ai nấy đều phải tuân theo kỷ luật; Không thể trì hoãn, phải làm kiên quyết và mau mắn. 3. Chịu khó chịu khổ… Phải tham gia sản xuất...” .

Ngày 16-12-1949, Bác chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ, biên bản ghi nhận: “Sang năm mới, nhân dân Việt Nam, mọi người, mọi ngành, mọi nơi đều phải ra sức thi đua chuẩn bị đầy đủ, để mau chuyển sang tổng phản công, để chơi cho giặc Pháp một nước pháo trùng, thì giặc Pháp nhất định sẽ hoàn toàn thất bại, kháng chiến nhất định sẽ hoàn toàn thành công”.

leftcenterrightdel
Bác Hồ thăm một đơn vị miền Nam tập kết năm 1957. Ảnh: Tư liệu

Ngày 16-12-1954, Bác viết “Thư gửi các đơn vị miền Nam tập kết”, thăm hỏi và căn dặn: “Các chú cần phải đoàn kết hơn nữa, đoàn kết chặt chẽ giữa chiến sĩ với nhau, giữa cán bộ với nhau, giữa chiến sĩ và cán bộ, giữa quân và dân. Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi. Cần phải giữ vững truyền thống anh dũng, tác phong đúng đắn, tinh thần chịu đựng gian khổ, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ. Nói tóm lại: giữ vững và phát triển đạo đức cách mạng của Quân đội nhân dân...”.

Ngày 16-12-1965, Bác dự họp của Bộ Chính trị trao đổi ý kiến về việc Mỹ tuyên bố ngừng tạm thời việc ném bom miền Bắc nước ta. Bác đề nghị: “Ta nên có tuyên bố trả lời Mỹ. Nói thế nào cho cứng cỏi nhưng dễ nghe, trong đó nêu rõ ra là nhân dân Việt Nam muốn hoà bình, cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ kết cục cả hai bên đều thiệt hại... Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố rằng: Chỉ khi nào Chính phủ Mỹ chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện các cuộc ném bom... công nhận lập trường 4 điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chứng tỏ bằng việc làm thì mới có thể tính đến một giải pháp chính trị về vấn đề Việt Nam”.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch (đứng bên trái Bác) thăm Trạm xá Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc TP. Hà Nội), ngày 21-03-1960. Ảnh: Tư liệu

Ngày 16-12-1968, Bác đến Hội trường Ba Đình, Hà Nội dự lễ truy điệu Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Y tế đầu tiên của Việt Nam hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ tại mặt trận phía Nam.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là xây dựng đời sống no ấm và hạnh phúc cho nhân dân. Muốn ăn quả thì phải trồng cây. Muốn có quả ngon thì phải ra sức săn sóc cho cây tốt…”. Đây là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm và nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thanh Hóa ngày 16-12-1961.

leftcenterrightdel

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm, "Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học… Ảnh: Tư liệu

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm, "Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ … Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội".

Tư tưởng của Người về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân được thể hiện rõ qua mong ước cháy bỏng: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

leftcenterrightdel
Là vị Cha già kính yêu của dân tộc, Bác luôn dành tình cảm yêu thương cho tất cả mọi người, đặc biệt là các em thiếu nhi. Ảnh tư liệu 

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, suốt những năm tháng qua, Đảng ta luôn lấy lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc và nhân dân Việt Nam làm mục tiêu phấn đấu của mình. Càng những lúc khó khăn, gian khổ, tinh thần “lấy dân làm gốc” của Đảng càng được thể hiện nhất quán thông qua những việc làm thiết thực để góp phần hiện thực hóa mục tiêu “Tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân”.

Ấm no, hạnh phúc của nhân dân là thước đo giá trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, không gắn bó với nhân dân và không thật sự chăm lo cho ấm no, hạnh phúc của nhân dân thì Đảng không còn lý do để tồn tại.

leftcenterrightdel
“Dân giàu, nước mạnh” là giá trị và mục tiêu của phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ảnh: Tuyengiao.vn

Chính vì lẽ đó, Văn kiện Đại hội XIII, từ thực tiễn 35 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, 5 bài học kinh nghiệm quý báu đã được đúc kết, trong đó bài học thứ hai là: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm dân là gốc; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 516, ngày 16-12-1958 đưa tin “Khóa họp Quốc hội lần thứ 9 đã thành công rực rỡ”. Nhân dịp này, Bác Hồ đã nhờ các đại biểu Quốc hội chuyển lời khen tới các cán bộ và chiến sĩ quân đội, nhắc nhở chúng ta cần cố gắng hơn nữa, không tự mãn, tự túc.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 516, ngày 16-12-1958. 

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2013, ngày 16-12-1966 đăng trang trọng Thư Bác Hồ gửi quân và dân Thủ đô Hà Nội.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2013, ngày 16-12-1966. 

 

leftcenterrightdel
 

ĐOÀN TRUNG (tổng hợp)