Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 15-12-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast  tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 15-12

Sự kiện trong nước

leftcenterrightdel
 

- Ngày 15-12-1964, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế ra đời, gắn với sự kiện Bộ Công an chi viện đợt B10 và B11 cho An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế 50 cán bộ, chiến sĩ và từ đó hình thành nên lực lượng nòng cốt để củng cố và xây dựng lực lượng An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế, tiền thân của Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế sau này.

Trải qua hơn 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, phát huy truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, truyền thống anh Bộ đội Cụ Hồ, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Đảng ủy Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, được nhân dân nuôi dưỡng, giúp đỡ tận tình, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng phát huy phẩm chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của quân đội nói chung và lực lượng Bộ đội Biên phòng nói riêng.

Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm qua, các đơn vị cơ sở, cá nhân Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tuyên dương, tặng thưởng nhiều huân, huy chương và nhiều phần thưởng cao quý.

- Ngày 15-12-1972, Việt Nam và Tunisia thiết lập mối quan hệ ngoại giao ở mức Đại sứ.

- Ngày 15-12-1979, Bộ Tổng Tham mưu ra Quyết định số 940/QĐ-TM đổi tên Trung đoàn 536 thành Tổng kho 15 trực thuộc Cục Vật tư, Bộ Quốc phòng; đến ngày 7-1-1988, đổi tên thành Đoàn Tiếp nhận Cung ứng 15 thuộc Cục Vật tư, Bộ Quốc phòng sau này là Cục Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng.

leftcenterrightdel

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986). Ảnh: tuyengiao.vn 

- Ngày 15-12-1986, Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam tại thủ đô Hà Nội. Dự đại hội có 1.129 đại biểu thay mặt cho hơn 1,8 triệu đảng viên trong cả nước và 37 đại biểu các đảng anh em trên thế giới. Đại hội đã vạch ra phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội trong 5 năm (từ 1986 đến 1990). Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ được cử làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

- 15-12-1998, Tại Hà Nội diễn ra cuộc gặp cấp cao ASEAN VI.

Sự kiện quốc tế

leftcenterrightdel

Olivia de Havilland, nữ diễn viên thủ vai Melanie Hamilton trong bộ phim kinh điển "Cuốn theo chiều gió". Ảnh: People.com 

- Ngày 15-12-1939, Bộ phim Cuốn theo chiều gió lần đầu tiên được công chiếu tại nhà hát Loew's Grand ở Atlanta, Hoa Kỳ.

 -Ngày 15-12-1966, ngày mất của Walt Disney, họa sĩ phim hoạt hình, đạo diễn, nhà kịch bản, nhà sản xuất người Mỹ.

Theo dấu chân Người

Ngày 15-12-1912, với tên ký là “Paul Tất Thành”, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ tìm người cha là Phó bảng Nguyễn Sinh Huy. Đáng chú ý là, thư được gửi từ thành phố New York (Niu Y-oóc). Cũng trong thời gian này, Nguyễn Tất Thành còn gửi thư cho người anh trai là ông Nguyễn Sinh Khiêm đang làm việc tại Tòa Khâm sứ Trung Kỳ đặt vấn đề xin vào học Trường Thuộc địa ở Pari.

Ngày 15-12-1919, mật thám Pháp theo dõi cho biết Nguyễn Ái Quốc vẫn quan hệ với Báo L’ Humanité” (Nhân đạo) của Đảng Xã hội, vẫn đều đặn đến Thư viện Thánh Giơnơvievơ và tiếp xúc với nhiều người Pháp. Ngày 15-12-1921, Nguyễn Ái Quốc dự họp với Đoàn Thanh niên Cộng sản quận 13, ở Pari (Pháp).

leftcenterrightdel
Chỉ thị thành lập Đội Tuyên truyền giải phóng quân. Ảnh: mod.gov.vn 

Khoảng giữa tháng 12-1944, Nguyễn Ái Quốc gửi một bức thư nhỏ đặt trong bao thuốc lá cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đó là bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có ba nội dung chính:

“1. Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền… có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên. Nguyên tắc tổ chức lực lượng là “sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”.

2. Đối với các đội vũ trang địa phương: tập trung huấn luyện… trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.

3. Về chiến thuật: “vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông, mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô hình”. Chỉ thị khẳng định: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.

Từ chỉ thị này, ngày 22-12-1944, lực lượng vũ trang chính quy của cách mạng đã ra đời và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Ngày 15-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới đồng bào ngoại thành Hà Nội với nội dung: “Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi, mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở Thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa. Tôi xin thành thực cảm tạ toàn thể đồng bào nam, phụ, lão, ấu khu vực ngoại thành Hà Nội”.

leftcenterrightdel

Bác Hồ đến thăm Bệnh viện Bạch Mai lần thứ nhất (15-12-1954). Ảnh: bachmai.gov.vn 

Ngày 15-12-1954, Bác đến thăm Bệnh viện Bạch Mai căn dặn cán bộ và nhân viên y tế mới tiếp quản bệnh viện từ phía ban điều hành của Pháp: “Đã là người tự do, người chủ trì thì phải làm thế nào cho xứng đáng. Từ công việc, tư tưởng đến thái độ đều phải có tư cách người chủ”.

Ngày 15-12-1966, Bác gửi thư khen ngợi quân dân Thủ đô đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.600 trên miền Bắc và tặng Hà Nội lá cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Vào khoảng giữa tháng 12-1944, Nguyễn Ái Quốc gửi một bức thư nhỏ đặt trong bao thuốc lá cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Trong đó là bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với một trong những nội dung chính là: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền… có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên”.

(Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 539)

Việc lãnh tụ Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là dấu mốc lịch sử trọng đại của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nội dung của Chỉ thị là sự kết tinh, kế thừa có tính nhất quán, sáng tạo tư tưởng, đường lối chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng ta từ khi thành lập (3-2-1930). Tuy văn phong giản dị, ngắn gọn, nhưng bức thư hàm chứa đầy đủ nội dung của một Cương lĩnh quân sự lịch sử, có tính định hướng cho sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.

Hơn 75 năm đã đi qua, nhưng Chỉ thị thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân của Bác Hồ vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; tiếp tục soi rọi cho sự nghiệp xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” nói riêng; sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung. Nền nếp, chế độ, quy định công tác tuyên truyền được thực hiện khoa học, thống nhất trong toàn quân. Đội ngũ cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên, phóng viên, biên tập viên,... không ngừng được củng cố, tăng cường về số lượng, nâng cao chất lượng, có trình độ hiểu biết về pháp luật, kỷ luật. Các cơ quan báo chí trong Quân đội duy trì thường xuyên chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phản ánh hoạt động phổ biến, tuyên truyền trong toàn quân.

leftcenterrightdel

Ảnh trái: Phóng viên Kim Đồng trong chiến dịch giải phóng Kon Tum năm 1972. Ảnh tư liệu; Ảnh trên bên phải: Phóng viên Đoàn Công Tính tại căn cứ Tân Lâm (Quảng Trị), tháng 3- 1972. Ảnh tư liệu; Ảnh dưới bên phải: Tổ phóng viên Báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Bắc Quảng Trị (gồm các đồng chí: Nguyễn Đức Toại, Nguyễn Ngọc Nhu, Lê Đình Dư). Trong chuyến đi, hai đồng chí: Lê Đình Dư (phải) và Nguyễn Ngọc Nhu (giữa) đã hy sinh trong trận đánh tại Lâm Xuân Đông (bờ Nam sông Bến Hải năm 1968). Ảnh tư liệu 

Năm 1950, vào giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định sáp nhập 2 tờ báo “Vệ Quốc quân” và “Quân du kích” thành một tờ báo thống nhất của quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam; ra số đầu tiên tại Thủ đô kháng chiến: Thôn Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên vào ngày 20-10-1950.

Từ ngôi nhà số 7 Phan Đình Phùng, bao nhà báo chiến sĩ đã xung trận để bám sát cuộc sống, chiến đấu anh dũng của quân dân miền Nam trên các chiến trường, nhiều phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã hy sinh anh dũng, hoặc bị thương và nhiễm chất độc hóa học.

Tinh thần quả cảm, xông pha trận mạc của những nhà báo - chiến sĩ đã làm cho tờ Báo Quân đội nhân dân luôn hào hùng khí thế tiến công, góp phần động viên, cổ vũ quân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh đi đến ngày toàn thắng 30-4-1975. Sau đó, phóng viên của Báo tiếp tục theo sát các cánh quân để phản ánh, cổ vũ, động viên quân dân ta hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả, giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới.

leftcenterrightdel

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ( khi đó là Thủ tướng Chính phủ ) đến thăm và làm việc với Báo Quân đội nhân dân vào ngày 22-12-2018. 

Đến thăm và làm việc với Báo Quân đội nhân dân vào ngày 22-12-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đó và Chủ tịch nước hiện nay, khẳng định, Báo Quân đội nhân dân là cầu nối, là kênh thông tin quan trọng, có uy tín để cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ hiểu, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, Quân đội; cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ tin tưởng vào Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Các đồng chí là người bạn không chỉ với cán bộ, chiến sĩ toàn quân mà còn của cán bộ các cấp và nhân dân cả nước. Trong đó, tôi đánh giá cao các đồng chí luôn có những cây bút uy tín, những bài viết sắc sảo, hấp dẫn, giàu sức thuyết phục để lên án các thế lực phản động, cơ hội, chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội ta.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 15-12-1974, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng hình ảnh Hồ Chủ tịch với các anh hùng, chiến sĩ thi đua lực lượng vũ trang (1956) của Bảo tàng quân đội.

leftcenterrightdel

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 15-12-1974 đã đăng hình ảnh Hồ Chủ tịch với các anh hùng, chiến sĩ thi đua lực lượng vũ trang (1956)

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 6647 ngày 15-12-1979 đăng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Nguyễn Chí Thanh thăm một đơn vị bộ đội miền nam (6-1957) với câu nói của Hồ Chủ tịch: “Quân đội ta có tinh thần yêu nước chân chính, lại có tinh thần quốc tế vô sản cao cả, luôn luôn đoàn kết với nhân dân và quân đội các nước xã hội chủ nghĩa anh em, với nhân dân các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới”.

leftcenterrightdel

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 15-12-1979 đăng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Nguyễn Chí Thanh thăm một đơn vị bộ đội miền nam (6-1957) 

Số báo ra ngày 15-12-1986 của Báo Quân đội nhân dân đăng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng lần thứ 3 (1960).

leftcenterrightdel

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 15-12-1986 đăng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng lần thứ 3 (1960) 

leftcenterrightdel
 

THÙY ANH (tổng hợp)