Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 12-9-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 12-9

Sự kiện trong nước

- Ngày 12-9-1921: Ngày sinh Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (còn gọi là Huỳnh Minh Siêng) quê ở Ô Môn, Cần Thơ. Ông là ngôi sao sáng của nền âm nhạc cách mạng với nhiều bài hát đi vào lòng người: Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên, Giải phóng miền Nam, Dưới cờ Đảng vẻ vang, Thanh niên ba sẵn sàng, Tiến về Sài Gòn, Tình Bác sáng đời ta… Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn là một nhà lãnh đạo, nhà quản lý tâm huyết. Ông từng giữ các chức vụ: Phó giám đốc Công binh xưởng Nam Bộ, Tổng Thư ký Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam, Phó trưởng phòng Bộ Nội vụ, Trưởng đoàn Tuyên truyền xung phong thiếu nhi nghệ thuật ở khu 10 và khu 1 thuộc Bộ Giáo dục, giáo viên, Giám đốc Trường Văn hóa thiếu nhi, Trưởng ban thường vụ Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam, cán bộ phụ trách sản xuất đĩa hát Việt Nam ở Thượng Hải, Trưởng ban nghiên cứu âm nhạc, Vụ trưởng Âm nhạc và Múa của Bộ Văn hóa, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mất ngày 8-6-1989. (Nguồn: nhandan.vn)

- Ngày 12-9-1927: Ngày sinh Thiếu tướng tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Ẩn, tên thật là Phạm Văn Thành là một Thiếu tướng tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cuộc đời hoạt động của ông gắn liền với các biệt danh X6, Trần Văn Trung hay Hai Trung... Ông từng là nhà báo và phóng viên cho các tờ Reuters, tạp chí TIME, New York Herald Tribune, The Christian Science Monitor... Ông được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 15-01-1976.

Ngoài ra ông còn được Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương cao quý khác trong đó có: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Chiến công (1 hạng Nhất; 2 hạng Nhì; 1 hạng Ba); Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. (Nguồn: hcmcpv.org.vn)

Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nguồn: Ảnh tư liệu

- Ngày 12-9-1945: Ngày truyền thống ngành Cơ yếu Việt Nam

Ngày 12-9-1945, tổ chức mật mã đầu tiên được thành lập, gọi là Ban Mật mã quân sự (tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam ngày nay), đặt tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trải qua 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, ngành Cơ yếu Việt Nam đã phát huy truyền thống vẻ vang, luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời, thông tin thông suốt phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang qua các giai đoạn cách mạng, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Ðảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý.

Ngày 12-9-2020, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (nay là Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) tặng hoa chúc mừng Ban Cơ yếu Chính phủ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Cơ yếu Việt Nam. Ảnh: qdnd.vn 

- Ngày 12-9-1947: Bác viết “Thư gửi đồng bào Khu III”. Trong thư Bác căn dặn: “Cũng như đường xa, đi đến nơi thì thường nhọc mệt, sự nghiệp kháng chiến gần đến lúc thành công thì càng nhiều nỗi gian nan. Vậy chúng ta đã đoàn kết, càng phải đoàn kết chặt chẽ thêm, đã tiến bộ càng phải cố gắng mãi... Phải luôn luôn cẩn thận, luôn luôn cố gắng…”. Những lời căn dặn của Bác không chỉ có ý nghĩa với đồng bào Khu III trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà trong tất cả các giai đoạn cách mạng. (Nguồn: Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 212.)

- Ngày 12-9-1951: Nhân Tết Trung thu, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các cháu nhi đồng, mở đầu là lời thơ: “Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/Sau đây Bác viết mấy dòng/Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”. Thư có đoạn: “… Ngày nay các cháu là nhi đồng. Ngày sau, các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới. Các cháu đoàn kết thì thế giới hòa bình và dân chủ, sẽ không có chiến tranh... Các cháu biết ghét, biết yêu, biết gắng, các cháu đoàn kết và thi đua như thế thì kháng chiến sẽ chóng thắng lợi, thì Trung thu sẽ vui vẻ hơn...”. (Nguồn: Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 299, 300-301)

 Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Sự kiện quốc tế

 - Ngày 12-9-2014: Tại thành phố Mi-lan (I-ta-li-a) diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính lần thứ 11 của ASEM với chủ đề “Một liên minh chiến lược mới tạo tăng trưởng bền vững và sinh lợi”.

Tại Hội nghị, các bộ trưởng trao đổi ý kiến về tình hình phát triển kinh tế hiện nay tại châu Âu và châu Á, hoan nghênh chính sách kích thích tăng trưởng của châu Âu cũng như sự phục hồi bền vững và diễn biến tích cực ở các nền kinh tế châu Á nói chung. Người đứng đầu ngành tài chính các thành viên ASEM cũng khẳng định sự hợp tác kinh tế giữa châu Âu và châu Á tiếp tục là động cơ chính cho tăng trưởng khu vực và toàn cầu. (Nguồn: tapchicongsan.org.vn)

- Ngày 12-9-2018: Hàn Quốc xóa bỏ chế độ Thiết quân luật. (Nguồn: baotintuc.vn)

 

PHẠM LANH (tổng hợp)