Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 11-12-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 11-12
Sự kiện trong nước
 |
Khu tượng đài Đại Danh y Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh thu hút người dân tới tham quan. |
Hải Thượng Lãn Ông (tên chính là Lê Hữu Trác), người xã Liêu Xá (Hưng Yên), sinh ngày 11-12-1720. Cuộc đời của ông thể hiện rất rõ lòng yêu thương con người. Ông là tấm gương sáng trong việc thực hiện và kế thừa y học dân tộc cổ truyền, đánh dấu một bước tiến mới của sự nghiệp y học cổ truyền Việt Nam. Sự nghiệp của ông cống hiến toàn diện cho đất nước từ y đức đến y thuật.
Năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt, đặt ra yêu cầu cần phải có những trung đoàn chủ lực mạnh, đột phá, tạo chỗ dựa vững chắc cho toàn dân đánh giặc. Ngày 11-12-1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh ra quyết định thành lập Trung đoàn 141, đây là một trong những trung đoàn chủ lực được thành lập đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi được thành lập, Trung đoàn và các đơn vị bạn đã có nhiều thành tích xuất sắc tạo tiền đề cho sự ra đời của Sư đoàn 312, một trong những đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 |
Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 duyệt đội ngũ trong buổi ra quân huấn luyện.
|
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung đoàn 141 tham gia nhiều chiến dịch, chiến đấu trên các chiến trường Trung Du, Đông Bắc, Tây Bắc, lập nhiều chiến công xuất sắc. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hòa Bình (1951), trung đoàn xung kích, tiến công lên núi Ba Vì, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở bình độ 400 và 600.
Trận chiến đấu thắng lợi đã góp phần đưa chiến dịch sang giai đoạn mới. Với chiến thắng oanh liệt, lập công xuất sắc, đơn vị đã được Trung ương Đảng, Bác Hồ, Bộ Tổng tư lệnh gửi thư khen ngợi, thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và tặng danh hiệu Trung đoàn Ba Vì.
Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 141 đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đảng bộ trong sạch vững mạnh, nhiều năm liên tục là đơn vị dẫn đầu các phong trào thi đua của Sư đoàn 312. Trong giai đoạn mới hiện nay, Trung đoàn được Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 và các cấp, các ngành trong và ngoài quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý.
 |
Quần thể di tích Huế là di sản vǎn hóa của nhân loại. Ảnh: Vietpeace.org.vn |
Ngày 11-12-1993, Ủy ban di sản thế giới thuộc tổ chức giáo dục, khoa học và vǎn hóa của Liên hiệp quốc đã có vǎn bản công nhận Quần thể di tích Huế là di sản vǎn hóa của nhân loại.
Sự kiện quốc tế
 |
UNICEF giúp các nước bảo vệ cuộc sống trẻ em trên toàn thế giới tạo mọi điều kiện có thể để trẻ em trở thành những thành viên tích cực trong cộng đồng. Ảnh: Shutterstock.com
|
Ngày 11-12-1946, thành lập Quỹ Nhi đồng của Liên hiệp quốc (UNICEF). Tổ chức này giúp các nước bảo vệ cuộc sống trẻ em trên toàn thế giới, tạo mọi điều kiện có thể được để trẻ em trở thành những thành viên tích cực trong cộng đồng.
Ngày 11-12-1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Công ước về Diệt chủng và Nhân quyền.
Theo dấu chân Người
Ngày 11-12-1919, báo cáo theo dõi của mật thám Pháp cho biết, Nguyễn Ái Quốc thường xuyên đến thư viện Thánh Giơnơvievơ và gặp nhiều người Việt đang sống ở Paris.
 |
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920. Ảnh: Tư liệu |
Ngày 11-12-1920, mật thám Pháp ghi nhận Nguyễn Ái Quốc đã dự cuộc họp của Chi bộ 13 Đảng Xã hội Pháp.
Ngày 11-12-1923, Nguyễn Ái Quốc đang có mặt tại Mátxcơva tạm thời được biên chế vào Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản và tạm trú tại Khách sạn Lux.
 |
Giấy thông hành số 1829, do Đại diện toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga tại Đức cấp cho Nguyễn Ái Quốc, bí danh “Chen Vang”, ngày 16-6-1923. Ảnh: Tư liệu
|
Ngày 11-12-1953, với bút danh “C.B.”, Bác viết bài báo có nhan đề “Một phút đồng hồ” đăng trên báo “Nhân Dân” nhắc nhở: Muốn tiết kiệm thời giờ, mọi người phải chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ và phải có tinh thần phụ trách và phải coi “Một phút đồng hồ, một nén vàng”.
Tháng 12-1958, nói chuyện với “Lớp nghiên cứu khóa I và Lớp bổ túc văn hóa khóa VI Trường Công an Trung ương”, Bác căn dặn: “Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong người còn khó khăn hơn. Vì vậy phải nâng cao kỷ luật, tính tổ chức, chống ba phải, nể nang. Công tác phải đi sâu và thiết thực. Làm việc phải có điều tra, nghiên cứu, không được tự kiêu, tự đại. Phải toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân thì khuyết điểm mới có thể khắc phục được và ưu điểm mới có thể phát huy được. Phải đi đường lối quần chúng thì nhân dân mới tin yêu, giúp công an và công an mới thành công được. Phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết với nhân dân và với các ngành khác thì công việc mới thắng lợi”.
 |
Sinh thời Bác luôn căn dặn, "người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được
nhiệm vụ cách mạng vẻ vang". Ảnh: Tư liệu
|
Cũng trong tháng 12-1958, trên Tạp chí “Học Tập” cơ quan lý luận của Đảng, với bút danh “Trần Lực”, Bác viết bài “Đạo đức cách mạng” trình bày hệ thống quan điểm của mình về một vấn đề được coi là “nền tảng” của sự nghiệp cách mạng. Bài báo có đoạn viết: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Cuối năm 1964, đầu năm 1965, trước sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” - một “cuộc chiến tranh tàn bạo nhất trong lịch sử loài người” bằng việc đưa quân viễn chinh ồ ạt vào tham chiến trên chiến trường chính miền Nam Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Đây là bước leo thang chiến tranh rất nghiêm trọng, đặt dân tộc Việt Nam trước một thử thách hiểm nghèo.
Ngày 11-12-1965, Bác dự họp của Bộ Chính trị thảo luận về tính chất cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Trong ý kiến trao đổi, Bác giải thích về những thuật ngữ như “chiến tranh cục bộ”, “chiến tranh đặc biệt” - đó là cách nói chữ của Mỹ. Còn ta cứ nói là “chiến tranh xâm lược”... Dù với hình thức chiến tranh nào, nhân dân ta cũng quyết đánh, quyết thắng”.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn động viên, khích lệ toàn dân, toàn quân ta sẵn sàng chiến đấu bảo vệ toàn vẹn "non sông gấm vóc" dân tộc ta. Người khẳng định "dù với hình thức chiến tranh nào, nhân dân ta cũng quyết đánh, quyết thắng".
|
Lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự kết tinh của truyền thống dựng nước và giữ nước từ ngàn đời của dân tộc ta, là tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn dân, toàn quân ta trên con đường đấu tranh, thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm sắt đá và khát vọng cao cả của dân tộc Việt Nam rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Lời tuyên bố đanh thép ấy cũng chính là “Lời thề giữ nước” của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới ngọn cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, một quyết tâm sắt đá phải giữ vững được chính quyền cách mạng, bảo vệ độc lập, tự do của đất nước và thực hiện khát vọng phồn vinh, hạnh phúc.
Ý chí độc lập, tinh thần quyết đánh và quyết thắng bảo vệ toàn vẹn “non sông gấm vóc” là nguồn sức mạnh vô địch để dân tộc ta vượt qua khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, xứng đáng với lời ngợi ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước.
Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
 |
Quân đội ta ngày càng lớn mạnh, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới. |
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, lớp lớp cán bộ, đảng viên trong Quân đội luôn không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện và là tấm gương sáng về tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua.
Truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam là hạt nhân cốt lõi cấu thành truyền thống anh hùng của Quân đội, là sự kết tinh, hội tụ lòng gan dạ, mưu trí, bất khuất, sẵn sàng chấp nhận hy sinh vượt qua khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 35, ngày 11-12-1951. |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 35, ngày 11-12-1951 đăng Công điện của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô J. Staline cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Điện mừng nhân dịp kỷ niệm 34 năm Cách mạng xã hội vĩ đại tháng Mười.
Trên trang nhất số báo này cũng đăng thư Hồ Chủ tịch khen ngợi, căn dặn và khích lệ tinh thần chiến sĩ tiếp tục cố gắng đánh thắng nhiều trận hơn nữa.
ĐOÀN TRUNG (tổng hợp)