Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 7-11-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 7-11

Sự kiện trong nước

- Ngày 7-11-1957, tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam dự cuộc mít tinh và duyệt binh do Trung ương Đảng Cộng sản, Chính phủ Liên Xô tổ chức kỷ niệm lần thứ 40 Cách mạng Tháng Mười thắng lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, tháng 11-1957. Ảnh thuộc bản quyền của Cục Lưu trữ Liên bang Nga, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga cung cấp 

Buổi tối, tại Điện Kremli, Người và các thành viên trong đoàn dự tiệc của Trung ương Đảng Cộng sản, Xô viết tối cao và Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô chiêu đãi các đoàn đại biểu các nước tới Liên Xô dự lễ kỷ niệm lần thứ 40 Cách mạng Tháng Mười.

Cùng ngày, tại thủ đô Moscow, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Tin tưởng và quyết tâm", bút danh Trần Lực, đăng Báo Nhân Dân, số 1357, ngày 26-11-1957. Trong bài viết, Người giới thiệu những bước phát triển trong công cuộc xây dựng trên đất nước Xô viết từ sau Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười. Sau đó, Chiến tranh thế giới thứ hai đã gây cho Liên Xô những tổn thất nặng nề về người và cơ sở vật chất. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, với tinh thần lao động quên mình, nhân dân Liên Xô đã nhanh chóng khôi phục lại đất nước. Đến năm 1950, tổng sản phẩm quốc dân đã tăng gấp ba lần so với năm 1940. Năm 1957, Liên Xô đã phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới, khoa học - kỹ thuật của Liên Xô có bước tiến bộ vượt bậc. Những thành tựu của Liên Xô làm giai cấp công nhân và nhân dân lao động Xô viết và các nước anh em càng thêm tin tưởng và quyết tâm trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đoàn Không quân Sao Đỏ (năm 1967). Ảnh tư liệu  

- Ngày 7-11-1967, Bác gửi thư khen ngợi quân và dân Hà Nội lập công xuất sắc bắn rơi chiếc máy bay thứ 2.500 của Mỹ trên bầu trời miền Bắc, coi đó là thành tích thiết thực kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười.

- Ngày 7-11-1956, Phòng Công trình (tiền thân của Cục Công trình Quốc phòng - CTQP) Binh chủng Công binh được thành lập.

Cục CTQP là cơ quan giúp Bộ tư lệnh Công binh tham mưu cho Bộ Quốc phòng về quản lý CTQP trên phạm vi cả nước và thực hiện chức năng đầu ngành về xây dựng CTQP; chủ trì xây dựng các tiêu chuẩn xây dựng ngành, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật về quản lý chất lượng xây dựng và bảo quản công trình; tham gia thẩm định các dự án, chủ trì thẩm tra, thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán các công trình; chủ trì kiểm tra nắm tình hình, hướng dẫn chỉ đạo kỹ thuật xây dựng, nghiệp vụ quản lý công trình; đề xuất chủ trương, nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu...

Bộ đội Công binh thi công vòm buồng mở rộng của công trình chiến đấu. Ảnh: Nguyễn Hữu

Ngay sau khi thành lập, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục CTQP đã vượt lên mọi khó khăn, gian khổ ác liệt của chiến tranh, mưu trí, dũng cảm, lao động bền bỉ, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cục đã khảo sát, thiết kế, chỉ đạo, thi công xây dựng hàng nghìn công trình đường hầm, hàng vạn công sự trận địa, cùng hệ thống đường cơ động, bến vượt, nhà ga, sân bay, cầu cảng, bể chứa xăng dầu, đường dây thông tin và các công trình khác... Các công trình quốc phòng do cục tham mưu, nghiên cứu thiết kế, chỉ đạo thi công, đưa vào sử dụng trong kháng chiến được đánh giá có giá trị khoa học, kỹ thuật cao, giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, vũ khí trang bị và cơ sở vật chất của ta, góp phần vào thành tích vẻ vang của Binh chủng “Mở đường thắng lợi”, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trải qua 66 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Cục CTQP vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, các cụm công trình: Nghiên cứu giải pháp công nghệ xây dựng công trình phòng thủ bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 1956-1975; các giải pháp khoa học-công nghệ bảo đảm môi trường và xây dựng công trình bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1969-1975, có sự tham gia của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục CTQP đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 7-11-1917, dưới sự lãnh đạo của Bolshevik Nga và Lênin, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đã nổ ra ở nước Nga (theo lịch cũ của nước Nga là ngày 25 tháng 10 nên gọi là Cách mạng Tháng Mười). Cuộc cách mạng này đã đập tan ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản và chế độ phong kiến tồn tại lâu đời ở nước Nga, đưa công nhân, nông dân lên nắm chính quyền, xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa.

V.I. Lê-nin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong Lễ kỷ niệm một năm Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 7-11-1918. Ảnh: Tư liệu TTXVN 

Nhờ có Cách mạng Tháng Mười, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông và phong trào công nhân ở các nước tư bản, đế quốc phương Tây đã có sự gắn bó mật thiết với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Cách mạng Tháng Mười đã đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện vĩ đại mở đầu một thời đại mới - thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Nhà văn Albert Camus (1913 -1960). Ảnh: Getty Images

- Ngày 7-11-1913, ngày sinh nhà vǎn hiện đại Pháp Albert Camus. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, ông tham gia nhóm "Chiến đấu" trong phong trào chống phát xít và là Tổng biên tập Báo Chiến đấu. Ngày 17-10-1957, ông được trao giải Nobel do tác phẩm của ông đã "mang ra ánh sáng những vấn đề hiện nay đang đặt ra trước lương tâm con người ". Ông mất ngày 4-1-1960.

 

HUY ĐÔNG  (Tổng hợp từ Bảo tàng Hồ Chí Minh, Báo Thái Nguyên)