Một số sự kiện nổi bật trong nước và quốc tế diễn ra ngày 17-10:

Sự kiện trong nước:

Ngày 17-10-503, Lý Bôn (tức Lý Bí) được sinh ra ở Long Hưng, tỉnh Thái Bình. Ông là người văn võ song toàn và được tôn là thủ lĩnh địa phương. Tháng Giêng năm 542, Lý Bí lãnh đạo nhân dân khởi binh, tấn công quân Lương đô hộ nước ta. Chưa đầy ba tháng, Lý Bí đã chiếm được hầu hết các quận, huyện và thành Long Biên. Tháng 2-544, Lý Bí xưng Hoàng đế, lấy hiệu là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên. Năm 545, nhà Lương lại đưa quân sang đánh, ông tổ chức xây thành, đắp luỹ để chống cự, nhưng sức giặc mạnh, ông lui quân về Tam Nông (nay thuộc Phú Thọ) và đã qua đời tại đây vào năm 548.

Ngày 17-10-1634, Đào Duy Từ qua đời. Đào Duy Từ sinh năm 1572 ở làng Hoa Trai, Ngọc Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Ông thông kinh sử, tinh thông lý số và binh thư đồ trận, được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trọng dụng, phong làm Nội tán. Năm 1630, ông đề xuất việc đắp luỹ Trường Dục ở huyện Phong Lộc, Quảng Bình. Năm sau, ông lại đắp thêm một luỹ nữa từ của biển Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, thị xã Đồng Hới, Quảng Bình (tục gọi là Luỹ Thầy). Ông viết bộ binh thư "Hổ trướng khu cơ" và hai khúc ngâm "Ngọa Long cương vãn" và "Trẻ Dung văn", trong đó, khúc ô ngâm "Ngọa long cương vãn" dài 136 câu lục bát được phổ biến trong lịch sử văn học.

Ngày 17-10-1808 là ngày sinh của Cao Bá Quát. Ông sinh ra tại làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội, là người có tài nhưng bị sự ghen ghét của quan trưởng nên ông chỉ đỗ cử nhân. Bất bình với triều đình về nhiều mặt, năm 1854, ông tham gia phong trào lãnh đạo nông dân khởi nghĩa do Lê Huy Cự làm thủ lĩnh, nổi dậy ở Mỹ Lương (vùng Mỹ Đức, Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay). Cuộc khởi nghĩa thất bại, Cao Bá Quát hy sinh năm 1855.

 

Cao Bá Quát là một nhà thơ lớn. Ông để lại 1353 bài thơ chữ Hán. Thơ của ông thể hiện tình cảm thiết tha gắn bó với quê hương, với người thân, sự đồng cảm với những người nghèo khổ, niềm tự hào với lịch sử dân tộc và thái độ phê phán mạnh mẽ đối với triều chính nhà Nguyễn. Ông nổi tiếng về chữ đẹp và để lại bút tích đến ngày nay.

Ngày 17-10-1957, Trung đoàn Thông tin 303 thuộc Cục Thông tin liên lạc (nay là Binh chủng Thông tin Liên lạc) được thành lập.

Ngày 17-10-1972, chiếc máy bay Mỹ thứ 4 nghìn bị bắn rơi trên miền Bắc. Đây là chiến công tiêu biểu của quân và dân xã Tiền Châu, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay). Trung đội dân quân xã Tiền Châu được thành lập vào tháng 10-1971 gồm 9 chiến sỹ với nhiệm vụ trực chiến phòng, chống máy bay Mỹ tại căn cứ cầu Thịnh Kỷ- tuyến giao thông huyết mạch nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc. Sau khi thành lập, Trung đội được trang bị vũ khí và được được tập huấn các phương án tác chiến. Một năm sau ngày thành lập, ngày 17-10-1972, có lệnh báo động máy bay Mỹ ném bom, cả trung đội nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Chỉ bằng 26 viên đạn súng bộ binh, trung đội đã anh dũng bắn rơi chiếc máy bay được coi là hiện đại nhất của Đế quốc Mỹ khi đó mà không có tổn thất và thương vong nào. Đây là chiếc máy bay thứ 112 bị bắn rơi trên bầu trời Vĩnh Phú và chiếc thứ 4.000 của giặc Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc.

(Theo Ngày này năm xưa – NXB Lao động, 1998; baovinhphuc.com.vn)

Sự kiện quốc tế:

Ngày 17-10-1849, nhà soạn nhạc Ba Lan Frederic Chopin qua đời. Sinh năm 1819, từ nhỏ Chopin đã bắt đầu học đàn. 19 tuổi, ông bắt đầu sáng tác âm nhạc. 20 tuổi, ông rời Ba Lan sang sống ở Pháp làm thầy dạy nhạc. Những tác phẩm của Chopin có nhiều loại: cho dàn nhạc, cho nhạc thính phòng, và chủ yếu cho đàn piano. Những bản nhạc của ông có tính chất lãng mạn dịu dàng, buồn man mác. Ông đã kết hợp truyền thống cổ điển với dân ca Ba Lan. Một số bản nhạc của ông đã nói lên sự phẫn nộ, căm uất và thương nhớ tổ quốc Ba Lan bị nô dịch. Chopin còn là người cách tân phương pháp biểu diễn piano trong lĩnh vực hòa âm và phối khí.

Nhà soạn nhạc Ba Lan Frederic Chopin (Ảnh: nytimes.com)

Ngày 17-10-1887, Pháp thống nhất Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và Campuchia thành một khối gọi là “Liên hiệp Đông Dương”.

Ngày 17-10-2003, Tháp Đài Bắc 101 tại Đài Loan đã soán ngôi Petronas Towers tại Malaysia để trở thành tòa nhà cao nhất thế giới lúc bấy giờ.

(Theo Ngày này năm xưa – NXB Lao động, 1998)

Theo dấu chân Người

Ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi "Điện văn gửi Tổng thống Mỹ H. Tơruman (Harry Truman)" qua cơ quan đại diện ở Côn Minh (Trung Quốc), nêu rõ lập trường của Chính phủ Việt Nam, về nguyên tắc là ủng hộ việc thành lập Uỷ ban tư vấn đối với khu vực Viễn Đông của Liên hợp quốc; phản đối việc Pháp đại diện cho nhân dân Việt Nam tại uỷ ban này. Người nhấn mạnh chỉ có Việt Nam là đủ điều kiện và cơ sở pháp lý cử đại diện vào Uỷ ban tư vấn này.

Ngày 17-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 263/SL-M, cử ông Phạm Văn Đồng làm Đặc phái viên của Chính phủ tại Nam Trung bộ.

Ngày 17-10-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm đồng bào, cán bộ tỉnh Hà Bắc và dự Đại hội Đảng bộ tỉnh. Phát biểu tại Đại hội, Bác nhấn mạnh vấn đề đoàn kết nhất trí trong Đảng và dặn dò cán bộ phải tuyệt đối tránh địa phương chủ nghĩa, phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm. Bác chỉ thị cho Đảng bộ tỉnh Hà Bắc “Từ nay phải có một sự chuyển biến mạnh dạn, mới mẻ và vững chắc trong mọi công tác để giành lấy những thắng lợi ngày càng to lớn hơn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp lưu niệm với cán bộ và nhân dân tỉnh Hà Bắc khi người tham dự và nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc, tổ chức ngày 17-10-1963. (Ảnh: bacgiang.gov.vn) 

Ngày 17-10-1967, Bác gửi thư khen Trung đội Lão dân quân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá nhân thành tích bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh. Bức thư có đoạn “Tôi nhiệt liệt mừng chiến công vẻ vang của các cụ. Với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù địch sâu sắc, các cụ đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thật là: tuổi cao, chí càng cao. Đây là một gương sáng cho đồng bào cả nước tiến lên đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta đến thắng lợi hoàn toàn”.

Trung đội Lão dân quân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá bắn rơi máy bay (Nguồn: VTC24) 

Ngày 17-10-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 119-LCT, truy tặng 15 Huân chương Chiến công hạng Nhì; 45 Huân chương Chiến công hạng Ba cho 60 liệt sĩ quân đội và dân quân, tự vệ đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu.

(Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã mở ra một trang sử mới cho dân tộc ta; song Chính phủ mới gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi thù trong, giặc ngoài điên cuồng chống phá, tìm mọi cách lật đổ chính quyền còn non trẻ của chúng ta. Nhận thức rõ tầm quan trọng của bộ máy chính quyền đối với sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng và nhiệm vụ xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”. Bức thư được đăng trên Báo Cứu quốc số 69 ra ngày 17-10-1945.

Với một tinh thần nghiêm khắc nhưng rất chân thành, trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch rõ những thói hư tật xấu dễ mắc phải của lớp cán bộ đầu tiên, đó là “Trái phép”, “Cậy thế”, “Hủ hóa”, “Tư túng”, “Chia rẽ”, “Kiêu ngạo”. Người đã chỉ ra rằng:“Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”. Quên mất những khó khăn gian khó trong quá trình hoạt động cách mạng và những đức tính tốt đẹp sẵn sàng hy sinh thân mình vì sự nghiệp cách mạng, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, che chở trong những lúc gặp khó khăn nguy hiểm, một bộ phận những cán bộ đó chỉ biết: “Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra?” Một số bộ phận khác thì “Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài nǎng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài...” “Bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các từng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hoà thuận với nhau”.

Cuối thư, Người ân cần và kiên quyết: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa…

Lời Bác dạy đội ngũ "công bộc" của dân cách đây hơn 7 thập kỷ vẫn còn nguyên giá trị 

Lời căn dặn của Bác năm xưa đã khẳng định chân lý của thời đại mới, thời đại nhân dân làm chủ, Đảng muốn mạnh, chính quyền muốn vững thì đội ngũ “công bộc” phải thực sự là những người dũng cảm, biết nhận sai lầm và ra sức sửa chữa khuyết điểm, sai lầm để xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Thông qua tự phê bình mới gột rửa được những hạn chế, yếu kém, những thói hư tật xấu, làm cho dân tin tưởng, từ đó mới có thể xây dựng một chính quyền “của dân, do dân, vì dân”. Thực tế lịch sử cho thấy, không hiếm những chính quyền chỉ tồn tại được một thời gian ngắn vài ba tháng, thậm chí vài ba ngày đã bị lật đổ. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do chính quyền đó không được lòng dân.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 76 năm qua, những tầng lớp “công bộc” của dân đã luôn phấn đấu làm tròn bổn phận, giữ gìn đạo đức, tư cách, luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình để xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, rất tiếc đâu đó vẫn còn bộ phận "không nhỏ” người có chức, có quyền sa ngã, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng sự sơ hở của tổ chức để tham ô, lãng phí, gây thiệt hại lớn về kinh tế của quốc gia, làm tổn hại thanh danh của Đảng và Nhà nước nhưng không thành khẩn nhận khuyết điểm, không tự giác nhận kỷ luật. Thời gian gần đây, nhiều cán bộ phạm những lỗi lầm nghiêm trọng, làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân, đã bị xử lý kỷ luật, truy tố trước pháp luật.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân đã luôn phát huy tinh thần“Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa”. Từ việc xem xét điểm mạnh-điểm yếu, cái đúng-cái sai, cái gì làm được và cái gì chưa làm được, mỗi cá nhân đã tìm ra những biện pháp để phát huy những ưu điểm, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, từ đó ngày càng hoàn thiện bản thân. Việc thẳng thắn nhận khuyết điểm và quyết liệt khắc phục khuyết điểm của mỗi cán bộ, chiến sĩ đã góp phần làm tăng niềm tin của nhân dân vào Quân đội nhân dân Việt Nam.  

Thực tế cho thấy, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư gửi Ủy ban nhân dân các cấp từ những ngày đầu xây dựng chính quyền đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Mỗi cán bộ, đảng viên từ trung ương đến địa phương phải cố gắng giữ gìn bản thân trong sạch, khi có sai sót thì phải nghiêm túc, thẳng thắn nhận sai sót và sửa chữa khuyết điểm. Có như thế, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền mới ngày càng được củng cố và tăng cường, làm cơ sở để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.   

Ngày này năm xưa trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày này năm 1958, trên trang nhất Báo quân đội nhân dân số 491 (từ ngày 17-10 đến 20-10-1958) có đăng tin: “Hồ Chủ tịch tặng thưởng Huy hiệu cho 6 đồng chí lập được thành tích đột xuất trong phong trào tiến nhanh ở nông trường”.

Cụ thể, sau khi xem báo Quân đội nhân dân về “Phong trào tiến nhanh tại hai nông trường V và Đ”, Hồ Chủ tịch đã ngỏ lời khen ngợi đơn vị và tặng huy hiệu cho 6 cán bộ, chiến sĩ đã lập được thành tích đột xuất trong phong trào tiến nhanh ở nông trường.

Tin "Hồ Chủ tịch tặng thưởng Huy hiệu cho 6 đồng chí lập được thành tích đột xuất trong phong trào tiến nhanh ở nông trường” đăng trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 491

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3020 ra ngày 17-10-1969 đăng ảnh Hồ Chủ tịch thăm trường thương binh hỏng mắt năm 1955. Trong ảnh là nụ cười rạng rỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói chuyện với các đồng chú thương binh bị hỏng mắt.

Trên trang 3 số báo ra ngày hôm đó cũng đăng bài: “Tưởng nhớ và biết ơn Bác: Ngành quân y ra sức phục vụ tốt thương binh, bệnh binh”. Trong bài có trích “Thư Hồ Chủ tịch gửi cán bộ và nhân viên quân y” (viết ngày 31-7-1967). Trong đó Bác căn dặn đội ngũ cán bộ và nhân viên quân y phải: “- Đoàn kết chặt chẽ, nêu cao tinh thần tập thể, thi đua học tập và công tác để tiến bộ không ngừng về chính trị, tư tưởng, về chuyên môn kỹ thuật.

- Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là như người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khỏe của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn...”

Báo Quân đội nhân dân số 3020 ra ngày 17-10-1969  trích đăng "Thư Hồ Chủ tịch gửi cán bộ và nhân viên quân y” (ngày 31-7-1967)

Cách đây 75 năm ngày 25-3-1946, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 34/SL tổ chức lại Bộ Quốc phòng, trong đó có Cục Quân y. Căn cứ sắc lệnh trên, ngày 16-4-1946, Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định số 12/NĐ quy định nhiệm vụ và tổ chức Cục Quân y. Trong những năm qua, ngành Quân y đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội, cứu chữa thương binh, bệnh binh, tham gia bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

TRẦN HOÀI (Tổng hợp)