Ngày 16-10 cũng ghi dấu nhiều sự kiện đáng nhớ như ngày thành lập của Ban Kiểm tra Trung ương và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc, ngày đảo Cồn Cỏ bắn rơi 3 chiếc máy bay giặc Mỹ, ngày nhà hoạt động cách mạng Trần Quốc Thảo hy sinh…

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 16-10

Sự kiện trong nước:

Ngày 16-10-1945, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 12 chiến khu trên cả nước được thành lập, trong đó có Chiến khu 5. Trải qua 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT Quân khu 5 cùng nhân dân đã xây đắp nên truyền thống “Tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, mưu trí sáng tạo, chiến đấu kiên cường, chiến thắng vẻ vang”, góp phần xây dựng và phát huy mạnh mẽ bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. LLVT Quân khu 5 đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 2 lần Huân chương Sao vàng, 12 Huân chương Hồ Chí Minh, nhiều Huân chương Quân công, Chiến công và Huân chương kháng chiến các loại, 392 cá nhân và 898 tập thể được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Ngày 16-10-1948 tại chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Quyết nghị số 29QN/TW về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương. Lãnh đạo Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên gồm các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng; Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ Khu ủy; Hà Xuân Mỹ (Hà Minh Quốc), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy; đồng chí Trần Đăng Ninh được Trung ương cử giữ chức Trưởng ban.

Ngày 16-10-1957, nhà hoạt động cách mạng Trần Quốc Thảo hy sinh tại Sài Gòn. Ông tên thật là Hồ Xuân Lưu, sinh năm 1914 ở tỉnh Quảng Trị. Năm 1936, ông tham gia Mặt trận Dân chủ tại Quảng Trị. 4 năm sau, ông vào Ban thường vụ Xứ uỷ Trung Kỳ. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (tháng 3-1945), ông trở về hoạt động ở quê nhà Quảng Trị và ra Hà Nội phụ trách Báo Lao động một năm sau đó. Năm 1949, ông vào Nam Bộ làm Bí thư Ban công vận Xứ uỷ, năm sau làm Thường vụ Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Đến năm 1957, ông được cử làm Bí thư Khu uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn và đã giúp đưa phong trào đấu tranh chính trị ở nội thành phát triển mạnh mẽ. Cũng trong năm này, ông bị bắt, bị tra tấn tàn nhẫn và đã hy sinh anh dũng.

Ngày 16-10-1968, đảo Cồn Cỏ lập công xuất sắc khi bắn rơi 3 máy bay giặc Mỹ trong vòng chưa đầy 1 giờ.

(Theo Ngày này năm xưa – NXB Lao động, 1998)

Sự kiện quốc tế:

Ngày 16-10-1945, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (viết tắt là FAO) được thành lập tại Hội nghị Quebec (Canada). Tính đến tháng 5-2015, FAO đã có tổng cộng 194 thành viên. Ngày 16-10 cũng đã được chọn làm Ngày Lương thực thế giới từ năm 1981.

FAO được thành lập nhằm tìm cách làm tăng khối lượng và cải tiến hệ thống phân phối nông sản, góp phần nâng cao phúc lợi và điều kiện sống của nông dân.

Chiều ngày 16-10-1945 tại Quebec, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc chính thức được thành lập với hơn 20 thành viên. (Ảnh: fao.org) 

Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác với FAO từ năm 1975. Đến năm 1978, FAO chính thức mở Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Trong thời gian đó, quan hệ hợp tác ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực. Hỗ trợ của FAO đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam một cách có hiệu quả và thu được những thành tựu to lớn. Cho đến nay, FAO đã giúp Việt Nam thực hiện hơn 100 dự án, tập trung vào các lĩnh vực lập chính sách, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, an ninh lương thực, dinh dưỡng. Hiện nay, dù gặp phải nhiều khó khăn nhưng FAO vẫn dành sự giúp đỡ cho Việt Nam ở 4 lĩnh vực chính bao gồm: An ninh lương thực và dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp bền vững, thủy sản và lâm nghiệp và quản lý rừng đầu nguồn.

(Theo Ngày này năm xưa – NXB Lao động, 1998)

Theo dấu chân Người

Ngày 16-10-1925, với bút danh Nilốpxki (Nilovsky), Nguyễn Ái Quốc viết báo cáo gửi Quốc tế Nông dân về “Phong trào nông dân tỉnh Quảng Đông”. Báo cáo nêu bật sự phát triển của phong trào nông dân tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) về các mặt tổ chức, hoạt động và đấu tranh, đặc biệt là ở bốn huyện Hải Phong, Quảng Ninh, Hoa Yên và Vệ Hoa. Nguyễn Ái Quốc cho biết, đông đảo nông dân Quảng Đông đã được tập hợp trong các hội nông dân. Hưởng ứng lời kêu gọi của hội, nông dân đã tổ chức lực lượng tự vệ của mình, xuống đường tuần hành đòi giảm tô, giảm tức, tiến hành nhiều cuộc biểu tình bày tỏ tình đoàn kết với anh em công nhân bãi công...

Ngày 16-10-1959, dự Hội nghị sản xuất Đông - Xuân tỉnh Ninh Bình, Bác đã tóm tắt 8 khâu liên hoàn trong kỹ thuật canh tác lúa bằng mấy câu văn vần:

“Nước phải đủ, phân phải nhiều,

Cày sâu, giống tốt, cấy đều dảnh hơn.

Trừ sâu, diệt chuột chớ quên,

Cải tiến nông cụ, là nền nhà nông.

Ruộng nương quản lý ra công,

Tám điều đầy đủ, thóc bông đầy bồ”

Làm theo lời Bác, nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đã ngày một phát triển. (Ảnh: baoninhbinh.org.vn) 

Ngày 16-10-1968, Bác gửi điện mừng tới đồng chí Enver Hoxha, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng lao động Albania nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 của ông. Trong thư Bác thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chúc đồng chí Enver Hoxha sức khỏe để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng Lao động và nhân dân Albania anh em

(Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Sau ngày giải phóng, mặc dù bộn bề bao công việc của Ðảng và Chính phủ để ổn định mọi mặt của Thủ đô sau tám năm “bận việc kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành cho nhân dân Hà Nội sự quan tâm đặc biệt và tình cảm sâu sắc. Chỉ 6 ngày sau ngày tiếp quản Thủ đô 10-10-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp Đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô. Tại sự kiện này, Người lần đầu tiên nói ra mong muốn xây dựng Thủ đô trở thành thành phố gương mẫu, làm đầu tàu cho cả nước: “Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta…”.

Quân và dân Hà Nội trong ngày giải phóng Thủ đô. (Nguồn: Tư liệu TTXVN) 

Trong buổi tiếp, Bác cũng một lần nữa nhấn mạnh: “Đoàn kết là lực lượng mạnh nhất của chúng ta” và để Thủ đô đạt được mục tiêu trở thành đầu tàu cho cả nước thì cần phải “đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ”. Theo Bác, đoàn kết giờ đây không chỉ đoàn kết giữa Chính phủ và nhân dân, giữa các tầng lớp nhân dân với nhau, hay giữa đồng bào toàn quốc, mà phải mở rộng đoàn kết giữa nhân dân ta và nhân dân nước bạn, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Bác cũng tin tưởng: “Đoàn kết chặt chẽ lực lượng trong nước và ngoài nước, chúng ta nhất định khắc phục được mọi khó khǎn một cách thắng lợi”.

Thực hiện mong ước của Người, 67 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã luôn đoàn kết và không ngừng phấn đấu để xây dựng Hà Nội thành thành phố gương mẫu cho cả nước về nhiều mặt. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân Hà Nội đã luôn là tấm gương sáng về sự anh dũng, gan dạ, kiên cường, không chịu khuất phục trước kẻ thù tàn bạo và nhiều lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, từ ngày 15-12-1966 đến 7-11-1967, Bác Hồ đã 4 lần gửi thư khen quân và dân Thủ đô về thành tích bắn rơi máy bay Mỹ để bảo vệ Thủ đô và miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Sau khi đất nước hoàn toàn được giải phóng, Hà Nội đã có nhiều chủ trương, quyết sách để xây dựng Thủ đô thành thành phố mẫu mực trong nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, Hà Nội đã tích cực, gương mẫu trong việc thiết lập quan hệ hợp tác với các thủ đô, thành phố của các nước. Cho đến nay, thành phố đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô, trong đó đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 60 thủ đô, thành phố và có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.... Hà Nội còn là thành viên chính thức có trách nhiệm của nhiều tổ chức quốc tế và được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” và ghi danh vào mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" thế giới.

 Bác Hồ tiếp các đại biểu nhân dân Thủ đô ngày 16-10-1954. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Là một bộ phận không thể thiếu trong quá trình phát triển của thành phố, trong những năm quan, Lực lượng vũ trang Thủ đô đã luôn gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, “trái tim” của cả nước. Ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, LLVT thành phố đã hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị đóng quân trên địa bàn, huy động hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, lực lượng dân quân tự vệ và hàng nghìn lượt phương tiện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, cháy nổ, sự cố môi trường, cứu hộ, cứu nạn; thực hiện phong trào “Bộ đội và dân quân tự vệ Thủ đô chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tăng cường phối hợp, hợp tác với các ban, bộ, ngành Trung ương; đẩy mạnh hội nhập quốc tế giúp tăng cường vị thế, uy tín và vai trò của Thủ đô trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt, trong các đợt dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn, lực lượng vũ trang Thủ đô đã phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trên tuyến đầu, chủ động phối hợp cùng cả hệ thống chính trị tích cực tham gia phòng, chống dịch, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô ghi nhận.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu kể từ ngày giải phóng Thủ đô, nhưng ở một số lĩnh vực, Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, mong muốn của người dân và bạn bè quốc tế, nhất là nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kinh tế Thủ đô tuy đã có sự tăng trưởng khá về quy mô và tốc độ nhưng chất lượng và tính bền vững chưa cao, những chuyển biến trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ còn chậm. Các Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), hay Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) vẫn còn thấp so với một số tỉnh, thành khác.

 Hình ảnh Thủ đô hiện đại. Ảnh: chinhphu.vn.

Có thể thấy rằng, việc xây dựng và phát triển Hà Nội thành một thành phố gương mẫu như lời Bác dặn không phải là điều đơn giản khi hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, nhất là dịch Covid-19 đang tác động lên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, những gì mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã làm trong 67 năm qua cho thấy, Hà Nội đã, đang và sẽ kiên quyết và nỗ lực để hoàn thành mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh biến Hà Nội thành một thành phố gương mẫu, đầu tàu cho cả nước.

Ngày này năm xưa trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày này năm 1968, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng toàn văn bức thư Bác Hồ gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh các cấp mẫu giáo, phổ thông, bổ túc văn hóa, trung học chuyên nghiệp và đại học nhân dịp khai giảng năm học 1968-1969.

Trong thư Bác bày tỏ vui mừng: “Mặc dầu hoàn cảnh khó khăn, hiện nay miền Bắc nước ta đã có một vạn hai nghìn trường phổ thông, mỗi xã đều có trường cấp 1, nhiều xã đã có trường cấp 2, các huyện đều có ít nhất một trường cấp 3. Số người đi học đã hơn 6 triệu, trong đó có hơn 1 triệu cán bộ và công nông đang học bổ túc văn hóa. Số người vào học các trường đại học và trung học chuyên nghiệp tăng gần gấp 3 lần so với trước chiến tranh chống Mỹ. Hơn 30 trường đại học và 200 trường trung học chuyên nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành và các địa phương, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, tập trung cũng như tại chức".

Số báo ra ngày 16-10-1968 đã đăng toàn văn bức thư Bác Hồ gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh các cấp mẫu giáo, phổ thông, bổ túc văn hóa, trung học chuyên nghiệp và đại học nhân dịp khai giảng năm học 1968-1969. 

Nhân dịp khai giảng năm học, Bác cũng căn dặn đội ngũ giáo viên và học sinh: “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng.

Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn, nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra, và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật.

Các cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn”.    

Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giáo dục, Bác cũng lưu ý cần phải “xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân...”

Cuối thư Bác viết: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chǎm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày hôm đó cũng đăng điện mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới đồng chí Enver Hoxha.

Số báo Quân đội nhân dân ra ngày 16-10-1969 đã trích đăng lời di chúc của Hồ Chủ tịch. 

Trên Báo Quân đội nhân dân số 3019 ra ngày 16-10-1969 đã trích đăng di chúc của Hồ Chủ tịch: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn”.

 

TRẦN HOÀI (Tổng hợp)