Chọn đường Tây Trường Sơn
Ngày 31-3-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Thế Bôn, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 1 (lúc này đồng chí Nguyễn Hòa, Tư lệnh Quân đoàn và đồng chí Hoàng Minh Thi, Chính ủy Quân đoàn đã vào Sở chỉ huy phía trước của Quân đoàn tại Quảng Trị): “Quân đoàn 1 (trừ Sư đoàn 308) có nhiệm vụ tổ chức hành quân gấp vào miền Đông Nam Bộ, hiệp đồng với các đơn vị bạn tham gia trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn-Gia Định”.
Nhận nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng giao, Quân đoàn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn lớn là hành quân xa hàng nghìn cây số, nhưng đường hành quân chưa được Bộ xác định, mà giao cho Quân đoàn quyết định. Trong khi đó, thông tin về tình hình các tuyến đường mà Quân đoàn có thể chọn lại rất hạn chế. Thời gian làm công tác chuẩn bị cho hành quân ngắn. Lực lượng của Quân đoàn đang ở rất xa nhau: Một phần đã đứng chân ở Quảng Trị, phần còn lại đang ở hai tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa.
 |
Đội hình Quân đoàn 1 cơ động vào miền Nam chiến đấu. Ảnh tư liệu.
|
Với tinh thần vượt qua trở ngại, đạp bằng mọi khó khăn, tại Quảng Trị, Bộ tư lệnh (BTL) Quân đoàn họp bàn kế hoạch tổ chức hành quân. Sau khi nghiên cứu, xem xét tình trạng đường sá một cách khách quan, khoa học, BTL Quân đoàn thống nhất khẳng định: Lúc này trên cả 3 trục đường (đường số 1, đường Đông Trường Sơn và đường Tây Trường Sơn) đều có những khó khăn và thuận lợi. Đường số 1 tuy ngắn nhất và tốt nhất nhưng khi địch bị ta tiến công, quá trình rút chạy, chúng đã cho nổ mìn đánh sập nhiều cầu lớn. Còn tuyến đường Đông Trường Sơn do Đoàn 559 mới mở, các đơn vị vận tải chiến lược đang tập trung vận chuyển vật chất hậu cần cho chiến dịch. Tuy đang là mùa khô nhưng do địa hình và khí hậu khu vực nên thời tiết Đông Trường Sơn đã bắt đầu có những đợt mưa, tuyến đường trở nên chật chội và lầy lội; đường dốc, trơn khó đi; nhất là đối với các loại xe một cầu, xe kéo pháo. Trong khi đó, tuyến đường Tây Trường Sơn tuy có nhiều đèo dốc và là đường xa nhất (vì phải vòng qua đất bạn Lào) nhưng thời tiết đang còn hanh khô nên toàn bộ lực lượng Quân đoàn có thể cơ động tốt, vừa không bị ùn tắc, vừa giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ.
 |
Tuổi trẻ Quân đoàn 1 hào hứng vào miền Nam chiến đấu. Ảnh tư liệu. |
Trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình thuận lợi, khó khăn của các tuyến đường, BTL Quân đoàn quyết định: Quân đoàn sẽ hành quân trên đường Tây Trường Sơn. Đây là một quyết định táo bạo và chính xác, có ý nghĩa lớn với chiến thắng của Quân đoàn. Căn cứ vào yêu cầu hành quân cơ giới và ý định sử dụng lực lượng tác chiến, BTL Quân đoàn quyết định tổ chức đội hình hành quân theo các khối: Khối 1, gồm Sư đoàn Bộ binh 320B, Sư đoàn Phòng không 367, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Pháo binh 45; Tiểu đoàn 6, Tiểu đoàn 3 và cơ quan Lữ đoàn Công binh 299 cùng một số phân đội bảo đảm hậu cần-kỹ thuật. Từ các vị trí đứng chân tại Đông Hà, Cam Lộ, Quảng Trị, khối 1 cơ động bằng ô tô của đơn vị và ô tô của Trung đoàn Vận tải 51, Sư đoàn 571, BTL Trường Sơn theo đường số 9 vào đường Tây Trường Sơn qua Hạ Lào, Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột đến Đăk Tô, Gia Nghĩa (Đắk Lắk) vào tập kết ở Đồng Xoài (riêng Tiểu đoàn 66, Lữ đoàn 202 xuất phát từ Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên qua Đà Nẵng lên Khâm Đức, Tây Nguyên vào đường 14 và vào thẳng Đồng Xoài).
Khối 2, gồm Sư đoàn Bộ binh 312, Lữ đoàn Xe tăng 202 (thiếu Tiểu đoàn Xe tăng thiết giáp 66), Lữ đoàn Pháo binh 45 (thiếu Tiểu đoàn Pháo binh 2) và Lữ đoàn Công binh 299 (thiếu Tiểu đoàn 6 và Tiểu đoàn 3), Trung đoàn Thông tin 140, cơ quan Quân đoàn, các trạm sửa chữa kỹ thuật Z7, Z8, Z9 và một số phân đội hậu cần, quân y... Khối 2 xuất phát từ vị trí đứng chân ở các huyện Hà Trung, Cẩm Thủy, Triệu Sơn, Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa); Nho Quan, Yên Mô (tỉnh Ninh Bình)... cơ động bằng xe ô tô của Trung đoàn 10, Cục Vận tải Tổng cục Hậu cần và xe đơn vị theo đường số 1 vào Cam Lộ; sau đó chuyển sang xe của Trung đoàn Vận tải 52, Sư đoàn 571 và Sư đoàn Vận tải 471, BTL Trường Sơn từ Cam Lộ đến Binh trạm 15 rồi theo đường 14 vào vị trí tập kết tại Đồng Xoài.
Thẳng tiến vào Đồng Xoài
Do yêu cầu hành quân thần tốc, BTL Quân đoàn đề ra 5 biện pháp để chỉ đạo cụ thể từng đơn vị: “Một là, các xe chạy liên tục trên đường 18-20 giờ/ngày. Hai là, bộ đội ăn ngủ ngay trên xe. Mỗi xe là một đơn vị tự quản giúp đỡ nhau về mọi mặt. Ba là, mỗi xe phải có 2 người lái thay nhau, ưu tiên việc ăn, ngủ đối với lái xe. Bốn là, các xe giữ tốc độ trung bình 30km/giờ; cự ly 20m/xe. Các xe, các khối hành quân nối tiếp nhau. Không xe nào được làm cản đường hoặc tắc đường. Khi xảy ra sự cố dọc đường từng xe, từng khối chủ động khắc phục. Năm là, trung đoàn là đơn vị cơ sở thực hiện các biện pháp trên. Cơ quan và phân đội kỹ thuật, quân y các cấp chia thành nhiều tổ công tác đi cùng các khối hành quân để sửa chữa xe pháo và cứu thương kịp thời khi có sự cố xảy ra”.
Nói về những vất vả và quyết tâm trên chặng đường hành quân, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể lại: Khi chuẩn bị vượt đèo Nứa, có một đoạn đường lầy lội, nhiều xe bị trơn trượt, sa lầy, tốc độ hành quân chậm hẳn. Thiếu tướng Nguyễn Hòa, Tư lệnh Quân đoàn lệnh cho tôi-lúc đó tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B: “Trung đoàn 27 mở gấp một đoạn đường vòng tránh...”. Tôi đã hội ý nhanh trong Ban chỉ huy Trung đoàn, rồi ra lệnh cho các phân đội dùng xẻng, cuốc, dao tông... đồng loạt triển khai phát tuyến, chặt cây, bạt đồi và hoàn thành đoạn đường trong 2 giờ.
 |
Đội hình Quân đoàn 1 hành quân thần tốc vượt cầu phao sông Bạc - Đường Trường Sơn vào tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4-1975. Ảnh tư liệu |
Ngày 13-4, các đơn vị đi đầu đội hình hành quân của Quân đoàn đã tới ngã ba Đông Dương-ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia. Các phân đội được lệnh “tăng tốc”. Tạm biệt đường Tây Trường Sơn, tạm biệt những miền đất Hạ Lào đầy nắng gió, đội hình chiến đấu của Quân đoàn tiếp tục tiến qua Tây Nguyên vừa giải phóng, theo đường 14 tiến xuống phía Bắc Sài Gòn. Trong khi lực lượng cơ bản của Quân đoàn đang “thần tốc” tiến về miền Đông Nam Bộ thì ở phía sau, Sư đoàn 308 cũng được lệnh xuất phát rời doanh trại thực hiện cuộc nghi binh chiến lược. Các đơn vị thông tin vô tuyến của Sư đoàn vẫn đều đặn phát tín hiệu lên không trung vào các giờ đã định. Đối phương không thể ngờ được Sư đoàn 308 đã lặng lẽ hành quân bí mật vào chiếm lĩnh vị trí ở khu vực Tam Điệp-Bỉm Sơn, sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc và cơ động chi viện chiến trường. Đến ngày 14-4, các Sư đoàn 320B, 312; các Lữ đoàn 202, 299, 45; Trung đoàn Thông tin 140 và các cơ quan, phân đội hậu cần-kỹ thuật... lần lượt vào vị trí tập kết tại Đồng Xoài. Hoàn thành xuất sắc cuộc hành quân thần tốc, trước thời gian quy định.
Tại Đồng Xoài, Thiếu tướng Nguyễn Hòa và Thiếu tướng Hoàng Minh Thi, Chính ủy Quân đoàn 1 nhận nhiệm vụ từ Sở chỉ huy chiến dịch: Dùng một sư đoàn phối hợp với bộ đội địa phương tiêu diệt hoặc bao vây quân địch ở Phú Lợi; bao vây, tiến công tiêu diệt các điểm Bình Dương, Lai Khê, Bến Cát, Tân Uyên; ngăn chặn, tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 5 của địch, không cho chúng co cụm về Sài Gòn. Tổ chức một lực lượng đột kích binh chủng hợp thành mạnh cỡ sư đoàn tăng cường, thọc sâu đánh thẳng vào nội đô, chiếm mục tiêu chủ yếu là Bộ Tổng Tham mưu ngụy, các BTL binh chủng ngụy ở Gò Vấp, các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, hợp điểm ở Dinh Độc Lập. Tiếp tục tiêu diệt các cụm đề kháng, bảo vệ các mục tiêu đã chiếm, bảo vệ trật tự an ninh trong phạm vi phụ trách, nhanh chóng củng cố làm lực lượng dự bị chiến lược, sẵn sàng cơ động phát triển về Đồng bằng sông Cửu Long khi có lệnh.
QUANG THẮNG - HÀ TRƯỜNG
(còn nữa)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.