Quả ngọt từ mùa huấn luyện đầu tiên
Chấp hành mệnh lệnh của Tổng Tham mưu trưởng, Nghị quyết Hội nghị Đảng ủy lần thứ 2 và Chỉ lệnh huấn luyện chiến đấu năm 1974 của Tư lệnh Quân đoàn, các đơn vị trong Quân đoàn khẩn trương bước vào mùa huấn luyện đầu tiên với khẩu hiệu hành động “Toàn Quân đoàn là một trường huấn luyện”; “Toàn Quân đoàn xây dựng giỏi để đánh thắng quân thù”.
Theo Thượng tướng, Tiến sĩ, Viện sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1: Đầu năm 1974, số chiến sĩ mới nhập ngũ vào các đơn vị trong Quân đoàn nhiều nên Bộ tư lệnh (BTL) Quân đoàn đã chỉ đạo các đơn vị chú trọng huấn luyện phân đội nhỏ, huấn luyện chiến sĩ thuần thục các động tác cơ bản, biết chiến đấu độc lập và chiến đấu trong đội hình trung đội, đại đội, cả trong chiến đấu tiến công và chiến đấu phòng ngự. Cùng với đó, Quân đoàn phát động Phong trào thi đua “Rèn luyện tốt, lập công lớn” gắn với thực hiện Phong trào Thi đua Quyết thắng do Quân ủy Trung ương khởi xướng. Quán triệt các nội dung, chỉ tiêu thi đua do cấp trên phát động, trên các thao trường, bộ đội đều miệt mài hăng say luyện tập.
Để thực hiện mục tiêu “huấn luyện giỏi”, Quân đoàn chỉ đạo rút kinh nghiệm ở Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312) và Tiểu đoàn 198 (Lữ đoàn 202); đồng thời, tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật bắn súng bộ binh. Tháng 5-1974, sau khi kết thúc chương trình huấn luyện giai đoạn 1, BTL Quân đoàn chỉ đạo các đơn vị tổ chức diễn tập chỉ huy-cơ quan nhằm đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm để tổ chức huấn luyện giai đoạn 2. Tại Sở chỉ huy Quân đoàn, từ ngày 21 đến 24-5-1974, BTL Quân đoàn tổ chức diễn tập chỉ huy-tham mưu cơ quan 2 cấp (Quân đoàn-sư đoàn, lữ đoàn) với đề mục: “Quân đoàn thực hành tiến công quân địch lâm thời phòng ngự ở đồng bằng, đô thị”. Diễn tập đạt kết quả tốt, đánh dấu bước trưởng thành nhanh về năng lực tổ chức thực hành diễn tập và kết quả huấn luyện chỉ huy-tham mưu của các đơn vị từ khi về đội hình Quân đoàn. Trong giai đoạn huấn luyện 2 năm 1974, các đơn vị tập trung vào huấn luyện chiến thuật từ cấp đại đội đến trung đoàn, tạo sự thống nhất cao về chỉ huy và thực hành tác chiến trong toàn Quân đoàn. Để đánh giá kết quả huấn luyện giai đoạn 2 của năm 1974, cuối tháng 10-1974, BTL Quân đoàn tổ chức cuộc diễn tập thực binh cấp trung đoàn với đề mục: “Trung đoàn bộ binh tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc ở địa hình rừng núi” tại khu vực Rịa (Nho Quan, Ninh Bình). Lần lượt, các Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320B), Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308) được tăng cường một số đơn vị binh chủng xe tăng, pháo binh, phòng không... thực hành diễn tập. Đây là cuộc diễn tập hiệp đồng binh chủng có thực binh đầu tiên kể từ khi thành lập Quân đoàn, được lãnh đạo Bộ Quốc phòng đánh giá cao.
Kết quả huấn luyện năm 1974 của các đơn vị trong Quân đoàn đã bảo đảm độ chắc chắn, góp phần quan trọng để đầu tháng 2-1975, BTL Quân đoàn tổ chức diễn tập chỉ huy-cơ quan 2 cấp (Quân đoàn-sư đoàn) đạt kết quả tốt. Trong diễn tập, Quân đoàn đồng thời sử dụng nhiều cách đánh, tiến công bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, giải quyết đồng thời nhiệm vụ đột phá cụm cứ điểm vòng ngoài và thọc sâu vào thị xã; tiến công nhanh, mạnh, không để địch kịp co cụm, tiêu diệt địch ngay trong sào huyệt của chúng. Đó chính là một trong những phương hướng tác chiến chiến dịch điển hình mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng dự kiến sẽ áp dụng trong các chiến dịch tiến công tổng hợp năm 1975. Thông qua cuộc diễn tập, trình độ kỹ thuật, chiến thuật trong chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên; bộ đội tin tưởng vào khả năng chiến đấu của đơn vị, tin vào cách đánh mới-cách đánh hiệp đồng binh chủng trong những điều kiện mới.
Phấn khởi, tự hào với những thành tích đã đạt được trong huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 mài sắc ý chí chiến đấu, với tinh thần “Hướng ra mặt trận, huấn luyện giỏi, lập công lớn”.
 |
Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 luyện tập sẵn sàng chiến đấu năm 1974. Ảnh tư liệu |
Chủ động phương án cơ động lực lượng
Đến cuối năm 1974, tình hình chiến trường miền Nam đã có những chuyển biến rất căn bản, những điều kiện cho việc giải phóng miền Nam đang chín muồi. Sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng cơ động lực lượng vào chiến trường là đòi hỏi, là yêu cầu bức thiết của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1. Khác với đơn vị bạn, Quân đoàn đứng chân ở miền Bắc (tháng 3-1975 một phần lực lượng ở miền Trung) nên việc sẵn sàng chiến đấu và cơ động lực lượng phải được nghiên cứu, chuẩn bị theo nhiều phương án, để khi cần thiết có thể lên đường làm nhiệm vụ được ngay trên mọi chiến trường, có thể cơ động từ Bắc vào Nam và đến các chiến trường nước bạn làm nhiệm vụ quốc tế.
Với tinh thần trên, cuối năm 1974, đầu năm 1975, Bộ Tham mưu Quân đoàn cử nhiều đoàn cán bộ chủ động đi nghiên cứu trước tình hình đường sá cơ động, nghiên cứu hình thái địch-ta trên chiến trường nhằm chuẩn bị kế hoạch, xây dựng các phương án chiến đấu của Quân đoàn. Cục Chính trị và cơ quan chính trị các cấp có nhiều biện pháp triển khai nhanh và hiệu quả các nghị quyết của Đảng ủy Quân đoàn, chỉ thị của cấp trên; đồng thời, hướng dẫn cấp dưới tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị; tăng cường giáo dục tư tưởng, phát huy dân chủ quân sự và rèn luyện kỷ luật bộ đội. Ngành hậu cần-kỹ thuật khẩn trương chuẩn bị các kế hoạch bảo đảm hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, xăng dầu, quân y, quân trang và vũ khí, đạn dược, vật tư kỹ thuật, đặc biệt là toàn bộ xe ô tô, xe tăng, xe xích, xe kéo đặc chủng... cho các đơn vị sẵn sàng cơ động và chiến đấu; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị dồn sức kiểm tra hiệu chỉnh toàn bộ súng, pháo và khí tài hiện có; sửa chữa và khôi phục những hỏng hóc thông thường (chú trọng các bộ phận, thiết bị hành quân của các loại pháo mặt đất, pháo cao xạ). Cùng với đó, các đơn vị trong Quân đoàn nghiêm túc triển khai và thực hiện kế hoạch huấn luyện bổ sung.
Đầu tháng 3-1975, trong khi các đơn vị ở chiến trường khẩn trương chuẩn bị và tác chiến tạo thế, Bộ Tổng Tham mưu dự báo cho Quân đoàn 1 chuẩn bị cơ động một nửa lực lượng vào Nam Khu 4 (cũ) sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu. Căn cứ vào ý định và phương hướng sử dụng của Bộ Quốc phòng, BTL Quân đoàn quyết định chuyển toàn Quân đoàn vào trạng thái sẵn sàng cơ động chiến đấu. Các khóa đào tạo và bổ túc cán bộ, đào tạo tiểu đội trưởng và nhân viên hậu cần, kỹ thuật... của các trường: Quân chính, Hạ sĩ quan, Văn hóa, Hậu cần-Kỹ thuật được lệnh kết thúc trước thời hạn. Toàn bộ học viên nhanh chóng trở lại đơn vị nhận nhiệm vụ. Tất cả các loại xe pháo, khí tài, vũ khí, trang bị kỹ thuật được mở niêm kiểm tra và sửa chữa khôi phục đồng bộ. Các khu vực tập kết, triển khai lực lượng cơ động của các đơn vị được chuẩn bị rất khẩn trương. Quân đoàn yêu cầu Sư đoàn Bộ binh 312, Sư đoàn Phòng không 367 và các lữ đoàn binh chủng vừa huấn luyện vừa sẵn sàng cơ động chiến đấu.
Công tác chuẩn bị hành quân chiến đấu đường dài của Quân đoàn vừa triển khai khẩn trương, vừa được hiệp đồng chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan, giữa cơ quan với đơn vị, cấp trên với cấp dưới. Hằng ngày, có hàng chục đoàn cán bộ của Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần Quân đoàn xuống cơ sở nắm tình hình, truyền đạt chỉ thị của BTL Quân đoàn và giúp đỡ các đơn vị trong công tác chuẩn bị hành quân. Hàng chục cán bộ các ngành dân vận, tác chiến, vận tải, công binh... bằng đủ các loại phương tiện như xe đạp, ô tô, tàu hỏa được phái đến các tỉnh, các đơn vị bạn và các cơ quan dân-chính-đảng để liên hệ, hiệp đồng phương tiện chuẩn bị cho bộ đội lên đường vào Nam tham gia trận quyết chiến chiến lược.
(còn nữa)
QUANG THẮNG - HÀ TRƯỜNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.