Lá thư định mệnh
Vào một buổi chiều, đại đội của tôi đang sinh hoạt, Chính trị viên Lê Thân gọi tôi: “Đồng chí Ngân ra phòng hành chính có người gặp!”. Tôi mừng quá, tưởng bố đến. Chạy đến nơi, thấy anh ngồi tư lự. Tôi hỏi: “Anh cần gặp tôi à?”. Anh lúng túng như gà mắc tóc, chìa tờ giấy nhỏ vừa lòng bàn tay: “Tôi gửi chị cái này, chị chỉ xem riêng thôi nhé!”. Nói rồi anh ngượng ngùng ra về. Tôi giở thư ra đọc. Thư viết bằng mực xanh trên giấy dó. Đếm đi đếm lại có vài chục chữ. Lời lẽ trong thư mộc mạc. Anh hẹn gặp tôi lúc 6 giờ 30 phút…
Hết giờ làm việc, tôi chạy đi tìm anh trai là bác sĩ Đỗ Xuân Chương để rủ đi cùng. Anh trai nhìn tôi, thủng thẳng trả lời: “Cô cứ đi xem cậu ấy bảo gì. Cậu ấy bảo gặp cô chứ có mời anh đâu!”. Nghĩ ngợi một lúc, tôi đến chỗ hẹn. Đến nơi, anh đã chờ sẵn. Anh chủ động: “Mời chị vào đây ngồi”.
Tôi trả lời: “Không, tôi đứng đây cũng được, anh nói đi để tôi còn về”. Anh tiến lại gần tôi, lúng túng mãi mới thốt nên lời: “Chị giống dì tôi quá, nên tôi quý mến chị, tôi muốn được xây dựng cùng chị”. Lần đầu tiên được nghe người con trai tỏ tình với mình, tôi đỏ bừng mặt, người run bần bật. Tôi đứng lặng, một lúc sau trấn tĩnh lại, tôi nói: “Tôi không trả lời anh ngay được, còn phải về báo cáo, xin ý kiến của bố mẹ đã”. Nói rồi, tôi quầy quả ra về… không biết rằng anh đứng lặng nhìn bóng tôi khuất dần trong tán lá rừng.
 |
Vợ chồng bác sĩ Bích và đồng đội trong ngày cưới 31-10-1951.
|
Bà xúc động, ngừng lời trong giây lát rồi kể tiếp: Tôi nhập ngũ tháng 4-1950, về công tác tại Phòng Huấn luyện, Cục Quân y. Năm 1951, sau khi đi phục vụ chiến dịch Trần Hưng Đạo, tôi được điều về Phân viện 2, đóng quân ở Yên Thế, Bắc Giang. Vào một buổi sáng đầu tuần, như thường lệ, cả đơn vị tập trung làm lễ chào cờ. Chào cờ xong, đồng chí trưởng phòng giới thiệu có đồng chí Vũ Quang Bích, quân y sĩ đến đơn vị thực tập. Đứng ở phía sau, tôi cố nghến cổ nhìn về phía người được giới thiệu. Đó là một thanh niên khỏe mạnh, da ngăm đen, tóc hơi quăn sóng, trước hàng quân, anh đứng nghiêm chào tất cả mọi người.
Công việc của tôi có liên quan đến việc in ấn tài liệu, nên thỉnh thoảng tôi xuống lán làm việc của anh nhận tài liệu. Lúc nào xuống, tôi cũng thấy anh cặm cụi làm việc. Anh vẽ ngược trên đá tranh giải phẫu người từ hai cuốn sách in của tác giả người Pháp Gơ-rê-goa Ô-béc-lanh và Ru-vi-e-rờ. Vẽ trên đá xong in li-tô trên giấy bản phát cho sinh viên học tập. Toàn bộ tranh minh họa giải phẫu trong bài giảng của giáo sư Đỗ Xuân Hợp là do anh vẽ. Rất tiếc, sau này không giữ lại được bản gốc. Mỗi lần gặp tôi, anh chỉ cười, rất tiết kiệm lời, thi thoảng anh hỏi thăm tôi về gia đình, hỏi học hành ở đâu? Một lần anh buột miệng nói với tôi: “Sao chị giống dì tôi quá, từ khuôn mặt, giọng nói. Trông thấy chị, tôi lại nhớ dì tôi”. Còn tôi, rất trẻ con, hồn nhiên trả lời: “Thế tôi làm dì anh nhé!”. Anh cười.
Một lần khác, anh hỏi tôi: Chị có thích tiến bộ không? Tôi trả lời: Sao lại không? Thế là anh cho tôi mượn cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc” của Bác Hồ. Tôi sung sướng đọc đi đọc lại đến thuộc lòng những lời dặn dò của Người về tác phong làm việc.
Những ngày công tác ở Phân viện 2 là những ngày vui vẻ nhất trong đời tôi. Ngoài giờ làm việc ra, chúng tôi: Bích, Ngân, Dung, Thân và các anh chị trong cơ quan ra bãi sau tập khiêu vũ, đánh bóng chuyền. Anh Bích có tài phát bóng bằng tay trái “điệu” như múa. Không chỉ thế, anh còn là một y tá trưởng giỏi, một tay ghi-ta cừ khôi và một giọng hát không chuyên nhưng cảm hóa được lòng người, trong đó có tôi. Lá thư vẻn vẹn có vài chục chữ của anh là lá thư định mệnh đã gắn kết cuộc đời tôi với anh…
Tôi mê cô gái Hà thành ngay từ cái nhìn đầu tiên
Quê tôi ở Phúc Yên. Nhà nghèo, tôi chỉ được học hết lớp nhất thời Pháp tương đương với lớp 6 bây giờ. Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi nhập ngũ làm trinh sát viên của Chi đội giải phóng quân Vĩnh Phúc. Đầu năm 1946, tôi thi đỗ lớp y tá Vệ Quốc đoàn. Năm 1949, tôi là y tá trưởng được lệnh đi phục vụ Mặt trận Đường số 4, Lạng Sơn. Năm 1950, tôi thi đỗ lớp Quân y sĩ khóa 2, năm 1951 về Phân viện 2 thực tập. Tôi có chút năng khiếu về hội họa nên được phân công vẽ tranh giải phẫu người, phục vụ giáo sư Đỗ Xuân Hợp giảng bài.
Có một cô gái thường đến lán của tôi nhận tài liệu. Cô có khuôn mặt tròn, đôi mắt trong veo, giọng nói nhỏ nhẹ. Chao ơi sao giống dì tôi đến thế. Ngay từ lần gặp đầu, tôi đã có cảm tình. Sau này, tìm hiểu, tôi được biết cô sinh năm Canh Ngọ, 1930, kém tôi 2 tuổi, trong một gia đình trí thức, nho giáo ở phố Hàng Đào. Bố là Đỗ Xuân Dung, kỹ sư thủy lợi. Năm 1945, được Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa giao nhiệm vụ phụ trách vấn đề đê điều. Chú ruột của cô là bác sĩ Đỗ Xuân Hợp, Viện trưởng Phân viện 2 (sau này là Thiếu tướng, Giáo sư, Anh hùng LLVT nhân dân, tác giả của 125 công trình nghiên cứu khoa học).
Các anh trai, chị gái của cô đều tham gia kháng chiến, là bác sĩ, kỹ sư. Từ nhỏ, cô được gia đình cho học tại trường Lu-i Pát-xtơ, sau đó tiếp tục vào học tại trường Phan Chu Trinh ở Hà Nội cho đến ngày toàn quốc kháng chiến. Trong quá trình công tác, được tiếp xúc, làm việc cùng, tôi càng cảm mến cô. Bản tính vốn nhút nhát nhưng được sự giúp đỡ của mọi người, tôi mạnh dạn đặt vấn đề với cô qua lá thư đầu tiên.
Gần 60 năm, lá thư vẫn nguyên màu mực, vẫn ấm nóng tình cảm của tôi với người con gái tôi yêu. Nó là kỷ vật về mối tình đầu, duy nhất của tôi. Cảm ơn trời đất đã cho tôi người vợ hiền thảo. Những năm tôi đi chiến trận, bà vừa là mẹ, vừa là cha dạy dỗ, nuôi nấng các con tôi nên người. Sự nghiệp thành đạt của tôi có công lớn của bà. - Ông xúc động kể.
 |
Đôi vợ chồng trẻ Vũ Quang Bích - Đỗ Thị Chu Ngân những ngày ở Yên Thế, Bắc Giang.
|
Tấm giấy mời và đám cưới tập thể bằng hạt dẻ
59 năm trước, ngày 31-10-1951, lễ cưới của ông bà được ấn định. Ngày 30-10-1951, trước ngày cưới một ngày, “thiệp mời” được gửi tới mọi người. Một thiệp mời gửi bác sĩ Giới, không đến tay người nhận. Hôm đó ông đi vắng. Nó trở thành kỷ vật kháng chiến. Giấy mời cưới đánh máy bằng mực tím, không có dấu. Nguyên văn nội dung:
Thưa bác sĩ
Được phép của gia đình và cơ quan, chúng tôi sẽ làm lễ thành hôn vào ngày 31-10-1951 tại Quân y Phân viện 2.
Vậy trân trọng báo bác sĩ biết để vui mừng cùng chúng tôi và tới dự bữa cơm gia đình vào 17 giờ ngày 31-10-1951.
Ngày 30 tháng 10 năm 1951
Vũ Quang Bích
Đỗ Thị Chu Ngân
Đám cưới không chỉ có đôi Bích - Ngân mà còn thêm một đôi nữa là Lê Thân - Đỗ Hoàng Dung (viết thêm bằng mực xanh đen) trong giấy mời. Lê Thân là Chính trị viên Phân viện 2 còn Đỗ Hoàng Dung là em họ của bà Ngân.
Ông bà nhớ lại: Dạo đó là mùa hạt dẻ. Hạt dẻ rụng đầy gốc cây. Đơn vị phân công mấy anh chị vào rừng quét hạt dẻ để làm cỗ cưới. Loáng một buổi sáng, các anh chị đã quét được mấy thúng hạt dẻ đầy. Họ đưa về, hí húi luộc, rang để chuẩn bị liên hoan mừng cô dâu, chú rể. Hai cô dâu mới là Ngân và Dung được phân công quẩy quang gánh đi Nhã Nam mua kẹo vừng và kẹo bột. Áo cưới của cô dâu bằng voan màu hồng có nơ buộc trông rất điệu... nhưng không phải vải mới, các chị y tá may bằng cách cắt chiếc áo dài voan màu hồng mang từ Hà Nội lên, may thành áo ngắn. Sân khấu, bàn ghế trong hội trường được đóng bằng tre, nứa, hoa làm bằng giấy, ánh sáng dùng bằng đèn măng-xông. Phòng cưới thật lộng lẫy, sáng choang...
Ăn cơm chiều xong, anh chị em trong đơn vị và thương binh, bệnh binh đã có mặt đông đủ trên hội trường, có dễ mấy trăm người. Có phần tuyên bố lý do, gia đình, đơn vị phát biểu, cô dâu mặc áo voan hồng ôm hoa cùng chú rể mặc quân phục mới tinh bước ra sân khấu trong tiếng nhạc tưng bừng. Đi sau là phù dâu, phù rể và các diễn viên không chuyên vừa múa hát vũ điệu Trung Quốc... Các tiết mục múa, hát của bộ đội và thương binh kéo dài đến khuya. 12 giờ đêm, chúng tôi mới dọn dẹp xong, trở về buồng cưới. Đơn vị dành cho chúng tôi gian nhà lợp lá. Ở đó đã kê sẵn hai giường cá nhân ghép lại, hai màn đơn ghép lại thành đôi... Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ ngày đó, nhớ về buồng cưới của chúng tôi nép dưới tán cây rừng, nhớ bình hoa giấy, đôi chim bồ câu trắng ai cắt dán thật khéo...
Kể đến đây, mắt bà rưng rưng: Những ngày gian khổ, vất vả đó có biết bao kỷ niệm. Sau này, mỗi lần giở những kỷ vật thời ấy ra, tôi lại nhớ chuyện xưa. Đây là bản nhạc “Trăng trên sông Vân” và “Mưa biên khu” ông sáng tác năm 1949, tại bờ sông Vân Mịch thơ mộng ở Lạng Sơn. Bài hát ca ngợi người chiến sĩ Vệ Quốc đoàn đang chiến đấu dũng cảm ở biên giới, nó có sức lan tỏa rộng, được bộ đội, thương binh và nhân dân địa phương nơi đóng quân đón nhận, từ người lớn đến trẻ nhỏ ai cũng thuộc bài hát này. Vì vậy được đơn vị khen ngợi, cho ấn hành rộng rãi. Bài hát góp phần động viên bộ đội chiến đấu tại mặt trận Đường số 4 rực lửa và các chiến dịch lớn sau này. Ông đi chiến trường, những kỷ vật của ông để lại dù phải đi sơ tán, bom đạn là thế, tôi vẫn cố giữ, người còn là vật còn. Địa bàn, dao găm… những kỷ vật ông sử dụng ở chiến trường Tây Nguyên suốt 10 năm để cứu chữa thương binh và xây dựng Viện Quân y 211 ở Tây Nguyên, tôi trân trọng giữ gìn. Những kỷ vật đó gắn với ông nhiều kỷ niệm sâu sắc nơi chiến trận, nó là chung của hai người.
Đại tá, Phó giáo sư, bác sĩ Vũ Quang Bích, nguyên Phó viện trưởng Viện Quân y 103 và Thiếu tá, bác sĩ Đỗ Thị Chu Ngân, nguyên Trưởng ban Vi sinh vật, Khoa Hóa, Viện Quân y 103 đã có 60 năm là vợ chồng, trong đó có 23 năm xa cách nhau vì nhiệm vụ, người Bắc, người Nam. Về già họ mới được sống cùng nhau và tham gia những công việc ở địa phương. Các con trai, gái, dâu, rể, các cháu nội, ngoại của ông bà đều thành đạt. Trong mỗi dịp sum họp gia đình, câu chuyện tình yêu của ông bà, vẫn được con cháu trân trọng nhắc đến…
TRẦN THANH HẰNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.