Biết tôi là người cùng quê nên vị tướng già như gần gũi hơn khi chia sẻ về những kỷ niệm thời quân ngũ của mình. Trong câu chuyện của ông, luôn có bóng dáng tào khang đồng hành, ủng hộ. “Tôi phải vượt qua nhiều “vệ tinh” mới lọt vào mắt xanh của bà ấy đấy”, ông cười bảo, trong khi bà nhẹ nhàng phân trần: “Ngày ấy mình từ chối những lời bày tỏ vì tuổi còn trẻ và muốn theo đuổi lý tưởng cách mạng”.

Thiếu tướng Nguyễn Diệp và vợ. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Tìm hiểu thêm, tôi được biết, chiến sĩ cách mạng Nguyễn Diệp ngay từ năm 16 tuổi đã tích cực tham gia phong trào Hướng đạo sinh. Năm 1945, ông được đồng chí Hoàng Đạo Thúy-thủ lĩnh của phong trào Hướng đạo Việt Nam giới thiệu đi học lớp vô tuyến điện đầu tiên. Còn bà Nguyễn Sỹ Nga sinh ra trong một gia đình có nhiều đời sinh sống ở Hà Nội.

Ngay từ nhỏ, cô nữ sinh Đồng Khánh Nguyễn Sỹ Nga với dáng người bé nhỏ, thanh thoát lại nhanh nhẹn, giỏi giang nên được nhiều nam thanh niên để ý. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946, bà lên Chiến khu Việt Bắc, tham gia lớp báo vụ viên do Trung ương mở. Vừa là thầy giáo, vừa là đồng chí, người thanh niên sở hữu gương mặt thư sinh, hiền lành Nguyễn Diệp khiến không ít học viên nữ quý mến. Riêng nữ sinh Nguyễn Sỹ Nga do đã xác định nhiệm vụ từ trước nên chẳng hề bận tâm tới chuyện tình cảm nam nữ, chỉ chú tâm học tập, tiếp thu kiến thức do lớp đàn anh truyền thụ.

Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947 kết thúc thắng lợi. Đồng chí Nguyễn Diệp có thành tích bảo vệ xưởng sản xuất và sửa chữa vô tuyến điện nên được tặng giấy khen. Hôm đó, không hiểu vì lý do gì mà Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy lại chỉ định Nguyễn Sỹ Nga trao giấy khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký tặng đồng chí Nguyễn Diệp khiến cả người trao và người nhận đều bất ngờ, bối rối.

Nhưng cũng chính từ lần ấy, Nguyễn Diệp bắt đầu để ý đến cô. Sau nhiều tháng tương tư xen lẫn bối rối, để thổ lộ cũng như thăm dò ý tứ của Nga với mình, ông quyết định viết những tình cảm, suy nghĩ, quan niệm của mình về tình yêu, lý tưởng sống... vào một cuốn sổ nhỏ rồi nhờ cô bạn gái tên Mai cùng lớp học báo vụ chuyển cho Nga.

Điều đặc biệt là ngay từ lần đầu thổ lộ, ông đã sử dụng các thuật ngữ mà mình từng giảng trên lớp. Một tháng chờ đợi trôi qua trong im lặng. Khi sự bồn chồn, thấp thỏm sắp chuyển thành thất vọng thì Nguyễn Diệp nhận được mẩu giấy với dòng tin nhắn, ngụ ý nhận lời dành thời gian để hai người tìm hiểu vì: “Quan niệm về tình yêu đối với Nga là phải hiểu nhau, phải hợp nhau. Biết đâu trong thời gian trao đổi ý kiến có những điểm anh không thể yêu Nga cũng như Nga không thể yêu anh”.

Nhận được hồi âm, niềm hy vọng rực cháy trong lòng chàng thanh niên Nguyễn Diệp. “Không thể diễn tả nỗi vui mừng của tôi lúc đó khi biết Nga đã “giải mã” hết những tâm tư của mình. Từ đó, để giữ bí mật, chúng tôi không viết thư cho nhau mà dùng luôn cuốn sổ của tôi làm công cụ liên lạc. Chúng tôi viết suy nghĩ của mình vào đó rồi nhờ chị Mai chuyển đi chuyển lại giúp. Tất cả đều được “mã hóa” bằng những ký hiệu riêng mà chỉ hai chúng tôi mới dịch được”, ông kể.

Đúng ngày 2-9-1948, trong buổi mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc khánh ở đơn vị, Nguyễn Diệp và Nguyễn Sỹ Nga quyết định báo cáo tổ chức để tính chuyện tương lai lâu dài. Tháng 2-1951, một đám cưới giản dị nhưng vô cùng ấm áp đã diễn ra tại Chiến khu Việt Bắc. Chú rể Nguyễn Diệp trong bộ quân phục giản dị, còn cô dâu Sỹ Nga với tấm áo màu hồng hạnh phúc sánh đôi trước sự chứng kiến của đồng đội, hôn trường là căn nhà mái cọ đơn sơ, ấm áp. Lần lượt 4 người con của họ chào đời đều trong những năm tháng chiến tranh.

Khi ông cùng đồng đội đi phục vụ chiến đấu trên các chiến trường cho đến ngày miền Nam giải phóng thì một mình bà ở nhà xoay xở, thay chồng nuôi dạy con cái và chăm sóc hai bên nội ngoại. Cũng là một người lính nên bà rất hiểu công việc của ông, chưa một lần bà than phiền về những vất vả một mình phải vượt qua khi không có chồng bên cạnh.

Nghe chuyện của ông bà, tôi càng đặc biệt ấn tượng khi biết hai người là mối tình đầu cũng là mối tình duy nhất của nhau. Hơn hai phần ba thế kỷ nên duyên chồng vợ, tháng 7-2021, do tuổi cao bệnh trọng bà đã về cõi tạm trước ông. Nhưng cuốn sổ ngày nào cùng nhiều kỷ vật của mình với người vợ hiền thảo ông vẫn nâng niu, giữ gìn với tình cảm vẹn tròn như thuở ban đầu. 

Bài và ảnh: SONG THANH