Trong quá trình chuẩn bị chống Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, ta dự kiến tương đối sát các thủ đoạn, hành động phong tỏa sông, biển miền Bắc của địch. Nhờ triển khai được hệ thống công tác nắm địch, khi chúng tiến hành phong tỏa, ta nắm chắc các thủ đoạn của địch, nhất là về chiến thuật, kỹ thuật thả thủy lôi, bom từ trường (các kiểu loại máy bay, quy luật hoạt động, khu vực thả...). Trong cuốn “Tổng kết chiến đấu chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường (1965-1973)” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2015) ghi rõ: Những năm 1965-1968, ta phát hiện Mỹ thả hơn 74.700 quả thủy lôi, bom, mìn các loại, trong đó có 6.786 quả ném xuống các cảng, cửa sông và ven biển miền Bắc (gồm 6.680 quả bom từ trường, 106 quả thủy lôi)... Từ ngày 9-5 đến 10-10-1972, ta phát hiện địch thả xuống vùng biển miền Bắc 7.693 quả thủy lôi và bom từ trường. Riêng vùng trọng điểm Hải Phòng, quân Mỹ thả 3.276 quả thủy lôi và bom từ trường... Trên cơ sở nắm chắc những khu vực và số lượng thủy lôi, bom từ trường địch thả xuống, ta tập trung các lực lượng rà phá, nhất là ở những vùng, khu vực trọng điểm.
 |
Cán bộ Đội 8 Công binh (Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân) giới thiệu với lãnh đạo TP Hải Phòng về quả ngư lôi MK-52 được tháo gỡ thành công, ngày 15-5-1972. Ảnh tư liệu
|
Thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, ta tổ chức một lực lượng lớn phòng không ba thứ quân và công binh rà phá bom, mìn, thủy lôi, bao gồm các lực lượng chuyên môn của hải quân, Bộ đội Công binh chủ lực và địa phương, các đội rà phá của dân quân tự vệ ở các vùng ven sông, ven biển miền Bắc. Trong đó, hải quân là lực lượng xung kích đi đầu, làm nòng cốt rà phá bom, mìn, thủy lôi của địch, giải tỏa các luồng vận chuyển quan trọng ở ven biển và đường ra vào các cảng biển. Quân chủng Hải quân đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác, sử dụng nhiều phương tiện, kết hợp hiện đại với thô sơ để rà đi quét lại trên diện rộng hàng nghìn ki-lô-mét vuông, nhất là ở những bãi thủy lôi tập trung, luồng lạch trọng điểm. Quân chủng đã huy động hơn 1.000 lần chiếc tàu rà phá, cùng quân và dân miền Bắc phá hủy 13.346 quả thủy lôi, bom từ trường, giải phóng luồng lạch, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy.
Chống bom, mìn là nhiệm vụ hàng đầu của Bộ đội Công binh, đòi hỏi lực lượng chuyên môn có trình độ kỹ thuật cao và lòng dũng cảm, đồng thời phải có lực lượng rộng rãi trên khắp các địa bàn. Trong đó, công binh chủ lực (Bộ tư lệnh Công binh, công binh các quân khu và đơn vị) đảm nhiệm rà phá bom, mìn ở những nơi mà lực lượng tại chỗ không giải quyết được; hỗ trợ các trang bị và nghiên cứu, rút kinh nghiệm cách rà phá bom, mìn cho các đơn vị, địa phương. Nhờ vậy, lực lượng công binh ba thứ quân hiểu rõ hơn về tính năng, cấu tạo các loại bom, mìn và tìm ra biện pháp rà phá, khắc phục hiệu quả. Kết quả, công binh chủ lực đã rà phá được hơn 3.600 quả bom, mìn; công binh địa phương và dân quân tự vệ tháo gỡ gần 9.100 quả bom, mìn địch thả ở các cửa sông và vùng biển miền Bắc (theo cuốn "Chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ", tập I, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 1982).
Trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường, với tinh thần nỗ lực sáng tạo, ta đã sáng chế ra nhiều khí tài đơn giản và từng bước nghiên cứu, thiết kế, chế tạo được các thiết bị, khí tài hiện đại để rà phá đạt hiệu quả cao, phá được những thủ đoạn chiến thuật và những thay đổi về kỹ thuật, công nghệ vũ khí của địch. Chúng ta đã phát huy cao độ trí tuệ của lực lượng nghiên cứu kỹ thuật Quân đội, của ngành giao thông vận tải và các trường đại học, tiến hành thu thập, phân tích các mẫu vũ khí địch thả xuống sông, biển ở miền Bắc để nghiên cứu, tìm ra các thiết bị, phương tiện rà phá, tháo gỡ. Trong tổng số 12.664 quả bom, mìn đã rà phá được ở miền Bắc, có gần 8.300 quả được rà phá bằng các dụng cụ thông thường và thô sơ (dùng các loại tôn, thép, khung dây phóng từ đơn giản với nguồn điện pin để kích nổ...).
Đối với lực lượng chống thủy lôi, bom từ trường, ngoài phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, ta vận dụng nhiều phương pháp, nhiều loại trang thiết bị để bảo đảm thông luồng, thông đường; mở nhiều luồng, nhiều đường vòng tránh; xây dựng các bến bãi, chân hàng; vận dụng nhiều loại trang bị, máy móc, phương tiện để vận chuyển... Cùng với Bộ đội Hải quân, ta đã huy động công binh của các quân khu và dân quân địa phương, tổ chức các mũi rà phá và tháo gỡ thủy lôi, bom, mìn trên toàn tuyến vận tải, các bến cảng, từ Quảng Ninh, Hải Phòng vào Quảng Bình, Quảng Trị. Ngoài ra, ngành hàng hải huy động toàn bộ lực lượng rà phá thủy lôi của Ty Bảo đảm Hàng hải, công binh cảng Hải Phòng, đội phá thủy lôi cảng Bến Thủy (Nghệ An)... Trong đó, tập trung rà phá thủy lôi, bom từ trường, giải tỏa toàn bộ khu vực trọng điểm ở Hải Phòng (được ví như “Điện Biên Phủ dưới nước”, cuối năm 1972).
Kết quả cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường đã thể hiện sức mạnh tổng hợp mang tính đặc thù của chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thắng lợi này có ý nghĩa chiến lược, là thành công của nghệ thuật chống phong tỏa sông, biển. Nửa thế kỷ đã trôi qua, những bài học quý báu về chống địch phong tỏa sông, biển ở miền Bắc vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển sáng tạo, phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và vùng biển, đảo Tổ quốc hiện nay.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP