Đầu năm 1967, đế quốc Mỹ cho không quân, hải quân thả thủy lôi phong tỏa hầu hết các cửa sông, hải cảng trên miền Bắc nhằm ngăn chặn quân ta vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam.
Thủy lôi địch thả ngày càng nhiều làm cho tàu, thuyền của ta bị tổn thất nghiêm trọng. Trong khi đó, các phương tiện phá thủy lôi của ta hầu như chưa có gì ngoài mấy chiếc tàu vỏ sắt trọng tải 50 tấn (chỉ rà quét được thủy lôi chạm nổ).
Trước tình hình trên, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân yêu cầu phải tìm cách khắc phục tình trạng này. Đồng chí Trương Thế Hùng, Đội phó Đội 8 Công binh thuộc Phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân, được giao nhiệm vụ nghiên cứu, rà phá thủy lôi. Với vốn kiến thức cơ bản do chuyên gia Liên Xô hướng dẫn, Đội phó Hùng và đồng đội đã "mổ bụng" 2 quả thủy lôi MK-52 và MK-50 để nghiên cứu.
 |
Đồng chí Trương Thế Hùng "phẫu thuật" quả thủy lôi MK-52 để nghiên cứu, năm 1967. Ảnh tư liệu |
Hiểu rõ cấu tạo, tính năng, nguyên lý hoạt động của thủy lôi, Đội phó Hùng đề xuất chế tạo tàu phóng từ để phá. Đề xuất được Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân nhất trí và giao Xưởng 46 phối hợp chế tạo, sản xuất tàu phóng từ. Trong thời gian này, giặc Mỹ đánh phá ác liệt khu vực Hải Phòng, Xưởng 46 phải đi sơ tán, Đội phó Hùng liên hệ với Hợp tác xã cơ khí Thăng Long (chuyên sản xuất khung xe đạp) đặt làm vỏ tàu. Các chi tiết khác, một số đồng chí trong Đội 8 Công binh phối hợp với công nhân Xưởng 46 chế tạo. Sau 3 tháng miệt mài nghiên cứu, chiếc tàu phóng từ đầu tiên đã hoàn thành mang ký hiệu "H.DL.9".
Tháng 1-1968, tàu phóng từ được thử nghiệm. Đề phòng quân Mỹ đánh phá, Đội 8 Công binh tiến hành rà phá vào ban đêm. Hai đồng chí Trịnh Thanh Tơ và Ngô Tấn Khoa xung phong thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm này và đã thành công. Tháng 4-1968, Đội 8 Công binh đã rà phá được 18 quả thủy lôi, bom từ trường, khoảng cách nổ cách xa từ 50 đến 100m, bảo đảm an toàn cho người và tàu.
Kết quả chế tạo tàu phóng từ giúp việc rà phá thủy lôi đạt hiệu quả, từ đó hình thành ý tưởng chế tạo thiết bị phóng từ hiệu quả cao hơn như ống phóng từ, thiết bị HT.5...
CHÍ PHAN
Trưa 3-7-1966, tổ trinh sát của Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66 (Sư đoàn 1, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam) trên đường đi tuần, phát hiện lực lượng Mỹ có khoảng một đại đội từ đồn Đức Vinh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) nống ra, chúng đang dừng lại ăn trưa ở bên bìa rừng.
Trưa 27-10-1967, Tiểu đoàn 42, Trung đoàn 236, Sư đoàn 361 (sau này Tiểu đoàn 42 thuộc Trung đoàn 263, Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân) nhận lệnh vào cấp 1 và tổ chức đánh hai trận, phóng 4 quả đạn tên lửa, tiêu diệt một chiếc máy bay A-4 của địch.