(Tiếp theo và hết)

Nhiệm vụ giúp dân PCD cơ bản bàn giao lại cho LLVT địa phương và các đơn vị đóng quân trên địa bàn. Cuộc chia tay giữa quân với dân, giữa các đồng đội diễn ra sâu lắng, cảm động. Các anh về rồi, khúc vĩ thanh ân tình chiến sĩ vẫn ngân vang, lắng đọng trong cảm xúc của mỗi người dân...

Các anh về, ân tình gửi lại

Vậy là đã hơn hai tháng, cả gia đình chị Nguyễn Thị Kiều Mạch ở phường 2, quận 5 được điều trị khỏi Covid-19, trở lại trạng thái bình thường mới. Các thầy thuốc quân y trẻ tuổi đã giúp gia đình chị vượt qua những ngày tháng khó khăn, mà theo chị là “vô cùng khủng khiếp”, cũng đã trở về đơn vị. Mỗi khi nhớ lại khoảng thời gian cách ly, điều trị F0 tại nhà, chị Mạch lại lên mạng xã hội liên hệ, hỏi thăm các ân nhân của mình. Tâm sự với chúng tôi, chị kể: “Cả nhà tôi 4 người đều mắc Covid-19. Chồng tôi bị nhiễm SARS-CoV-2 trong lúc đang đi công tác, được đưa vào điều trị ở bệnh viện. Mẹ con tôi nằm trong “vùng đỏ đậm đặc” của dịch bệnh, được cách ly, điều trị tại nhà. Từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên, tôi vô cùng hoang mang, lo lắng. Đọc thông tin về những bệnh nhân tử vong do Covid-19, tôi bị stress nặng, ngày quên ăn, đêm không thể ngủ.

leftcenterrightdel
 Bộ đội Sư đoàn 3 (Quân khu 1) vận chuyển các suất ăn phục vụ điểm cách ly do Covid-19 tại Bắc Giang. Ảnh: SONG SƠN

Trong hoàn cảnh đó, sự có mặt của tổ quân y lưu động do Đại úy, bác sĩ Nguyễn Trọng Đức, cán bộ Học viện Quân y phụ trách, đã dần giúp tôi lấy lại thăng bằng, bình tĩnh điều trị bệnh theo hướng dẫn. Bác sĩ Đức đã cung cấp cho tôi các loại dụng cụ y tế và thuốc điều trị, hướng dẫn cách sử dụng thiết bị kiểm tra oxy, huyết áp, cách sử dụng thuốc theo triệu chứng, tự tập các bài hít thở, duy trì thể lực, chế độ ăn uống, bồi bổ cơ thể, thường xuyên động viên, khích lệ tinh thần để chúng tôi thêm lạc quan. Các thầy thuốc quân y đã trở thành nguồn động viên, chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp chúng tôi điều trị bệnh thành công. Khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, gặp lại bà con trong khu phố, rất nhiều người có hoàn cảnh như chúng tôi đều nhắc đến các chú bộ đội với tình cảm và sự biết ơn sâu sắc. Các chú đã trở về đơn vị, để lại ân tình sâu đậm trong lòng dân. Mong một ngày được gặp lại các chú để chị em chúng tôi chung tay làm một bữa cơm ấm áp, nói lời cảm ơn, bày tỏ lòng tri ân đến với các chú bộ đội”.

Nhờ tiện ích công nghệ thông minh và mạng xã hội nên “sợi dây” liên lạc giữa quân với dân vẫn được kết nối thường xuyên. Anh Lê Hữu Tuyến, cán bộ Trạm Y tế phường 2, quận 5 cho biết: “Địa bàn phường có nhiều người Hoa sinh sống, tỷ lệ người dân mắc Covid-19 khá cao. Sự có mặt của bộ đội quân y đã góp phần quan trọng chia sẻ áp lực công việc, tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho y tế cơ sở, mang đến cho người dân sự tin tưởng, tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho các bệnh nhân yên tâm điều trị bệnh”.

leftcenterrightdel
Học viên Học viện Quân y tổng hợp mẫu xét nghiệm Covid-19 sau buổi lấy mẫu tại xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng, Bắc Giang). Ảnh: SONG SƠN 

Trên trang Zalo cá nhân, Đại úy, bác sĩ Nguyễn Trọng Đức đăng tải dòng trạng thái sau khi tạm biệt bà con trở về đơn vị: “TP Hồ Chí Minh đã khỏe lại, đó là lúc phải nói lời chia tay, tạm biệt thành phố thân yêu, tạm biệt phường 2, quận 5 với những con người thân thương, giàu tình cảm. Trân trọng lưu giữ lại nơi đây những kỷ niệm gian khó mà đẹp đẽ. Hẹn gặp lại một ngày không xa, để thấy thành phố lộng lẫy hơn xưa và ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Hành trang mà anh và đồng đội mang về đơn vị, ngoài tình cảm lưu luyến, ăm ắp trong tim, là tấm giấy khen gói ghém sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đối với Bộ đội Cụ Hồ.

Gần 10.000 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân y trong toàn quân chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch đều mang những tâm tư, tình cảm như Đại úy, bác sĩ Nguyễn Trọng Đức khi rời phương Nam thân yêu trở về đơn vị. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, cuộc chia tay những đoàn quân vào Nam chống “giặc Covid-19” trở về đơn vị không tổ chức quy mô lớn, tập trung đông người, mà diễn ra âm thầm, lặng lẽ. Cũng chính vì thế, bất cứ hộ dân nào được bộ đội giúp đỡ, phục vụ, cũng đều mong muốn có dịp được gặp lại những chiến sĩ yêu quý của mình...

Có bộ đội, dân yên tâm hơn

Trong cuộc chiến chống dịch, cứu dân, toàn quân đã điều động hơn 130.000 bộ đội, dân quân hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, nhà ở đường Cao Thắng, quận 10, TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Nguyên quán tôi ở TP Hải Phòng. Từ nhỏ, học sinh chúng tôi đã được học thuộc lòng bài thơ “Chú đi tuần” của tác giả Trần Ngọc, sáng tác năm 1956, tặng các cháu học sinh miền Nam học nội trú gần cảng Hải Phòng. Hình ảnh chú bộ đội mang súng đi tuần trong đêm đông buốt giá để canh cho giấc ngủ bé thơ trọn vẹn, giữ bình yên cho thành phố cảng những ngày mới giải phóng đã neo vào tâm khảm thế hệ học sinh, đi theo chúng tôi đến trọn cuộc đời. Nay đã gần 80 tuổi, nhưng tôi vẫn nhớ từng câu, từng chữ của bài thơ ấy, vẫn nhớ mãi hình ảnh các chú bộ đội mà tôi được gặp sau ngày giải phóng Hải Phòng. Vào miền Nam sinh sống hơn 40 năm nay, tôi rất xúc động khi gặp lại cảm xúc từ những hình ảnh quá đỗi thân thương của Bộ đội Cụ Hồ trong tâm dịch. Nhiều đêm không ngủ, tôi đứng bên ô cửa sổ nhìn xuống đường. Bộ đội đi tuần tra, gác chốt, đẩy xe thồ đi chợ sớm... khiến tôi lại nhớ về hình ảnh của chú đi tuần năm xưa. Tôi mong muốn các văn nghệ sĩ hôm nay sẽ nắm bắt cảm xúc này, hình tượng hóa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 để văn học Việt Nam có thêm những “chú đi tuần” của thời đại mới".

leftcenterrightdel
Trung đoàn 935, Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không-Không quân) điều động lực lượng lên đường giúp dân chống dịch. Ảnh: ĐĂNG DUY 

Dưới góc nhìn kinh tế, chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng (Viện Đào tạo lãnh đạo và Phát triển bền vững-ISDLT) cho rằng, cuộc điều quân lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam kể từ sau chiến tranh để chi viện cho phía Nam chống dịch mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Sự đoàn kết, thống nhất và tính kỷ luật, tinh thần xả thân của bộ đội có tác động lớn đến niềm tin, bản lĩnh của cộng đồng doanh nghiệp và môi trường sản xuất, kinh doanh. Hiệu quả từ các nguồn lực xã hội phục vụ nhiệm vụ PCD và chăm lo an sinh xã hội do Ban chỉ đạo PCD Covid-19 Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, Quân khu 9, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh... huy động, với tổng trị giá hàng nghìn tỷ đồng, hàng vạn tấn hàng hóa, lương thực, thực phẩm, vật chất, thiết bị y tế, nhu yếu phẩm... đã chứng minh sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm đối với Bộ đội Cụ Hồ là rất lớn. “Chúng ta có nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích để tái hồi phục kinh tế nhìn từ cách tổ chức giúp dân chống dịch của Bộ đội Cụ Hồ”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng khẳng định.

Đánh giá về vai trò của Bộ đội Cụ Hồ trong PCD, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta đã vượt qua thử thách rất lớn, đem lại cuộc sống bình thường mới cho nhân dân, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Để có được thành công này, chúng ta đã phải đánh đổi bằng rất nhiều công sức và cả sự mất mát, hy sinh. Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào của dịch bệnh, người dân thành phố và các tỉnh phía Nam cũng có Bộ đội Cụ Hồ sẻ chia, giúp đỡ. Khi Đảng cần, nhân dân cần, chính quyền cần, các đồng chí đều có mặt. Khi có bộ đội bên cạnh, chính quyền và nhân dân các địa phương cảm thấy yên tâm hơn...”.

Có lệnh là đi, đã đi là chiến thắng

Theo sát bước chân đồng đội trên tuyến đầu liên tục nhiều tháng trời, một số cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã mắc Covid-19, được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Quân y (BVQY) 7A (Quân khu 7). Nằm cạnh giường bệnh của chúng tôi là một cựu chiến binh gần 70 tuổi. Ông là Thượng tá Vũ Quang Sơn, nguyên cán bộ Tổng cục II. Thời trai trẻ, ông Sơn là chiến sĩ Đoàn Cao Bắc Lạng, cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam. Vết thương do đạn bom và những trận sốt rét rừng ác tính đã để lại di chứng nặng nề cho sức khỏe của ông. Nhiều lần xét nghiệm đã âm tính với virus SARS-CoV-2, nhưng bệnh sốt rét tái phát, lặp đi lặp lại. Chính vì vậy, thời gian ông nằm viện lâu hơn nhiều so với những bệnh nhân khác. Ngày được ra viện, ông nắm chặt tay từng bác sĩ, nhân viên y tế, giọng nghẹn ngào: “Trước khi vào bệnh viện, bác rất lo lắng, bất an. Bác không bao giờ dám nghĩ sẽ được chăm sóc, điều trị tận tình như thế. Các cháu là những ân nhân tuyệt vời của bác”.

Khi chúng tôi đang thực hiện loạt bài này thì nhận được điện thoại của ông Sơn. Giọng ông sốt sắng: “Tôi vừa gọi điện hỏi thăm các bác sĩ, nhân viên y tế ở BVQY 7A. Hóa ra tôi và các chú ra viện đã hai tháng rồi mà họ vẫn còn ở lại đơn vị công tác, thực hiện nhiệm vụ. Thế là có những người từ tháng 5-2021 đến nay chưa được về nhà, dù chỉ làm việc cách nhà vài ba cây số. Càng nghĩ càng thương, càng khâm phục các cháu ấy!”.

Cảm xúc của ông Sơn cũng là tình cảm chung của hàng vạn bệnh nhân Covid-19 được các thầy thuốc quân y điều trị, từ các bệnh viện tuyến đầu đến hệ thống bệnh viện dã chiến truyền nhiễm và các tổ quân y lưu động trong thời gian qua. Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc BVQY 175 cho hay, khi đời sống xã hội thích ứng, chung sống an toàn với Covid-19, thì bên trong các bệnh viện, việc thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 vẫn diễn ra rất cam go, áp lực đối với đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế vẫn rất lớn. Số liệu do Bộ Y tế công bố hằng ngày về số ca nhiễm và lưu lượng bệnh nhân F0 nhập viện, số người tử vong đã chứng minh điều đó.

Với phương châm lấy y tế là trụ cột để lo cho dân thích ứng, chung sống an toàn với Covid-19, thì hệ thống y tế nói chung, lực lượng quân y nói riêng vẫn phải hằng ngày, hằng giờ căng sức trên tuyến đầu. Đại úy, bác sĩ Phạm Đình Duy, phụ trách Phân khoa điều trị Covid-19, BVQY 7A tâm sự: “Từ khi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam từng bước trở lại trạng thái bình thường mới, lưu lượng bệnh nhân Covid-19 vào BVQY 7A điều trị có xu hướng tăng cao. Phân khoa của chúng tôi luôn kín giường bệnh. Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên luôn trong tình trạng làm việc quá tải. Những người bị lây nhiễm SARS-CoV-2 từ bệnh nhân được điều trị tại chỗ, sau khi âm tính lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi đã quen với áp lực nên cố gắng làm hết sức mình để tăng hiệu quả điều trị, giảm đến mức thấp nhất bệnh nhân tử vong...”.

Sau khi lực lượng chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam PCD trở về đơn vị, Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phải thường xuyên chủ động nắm bắt, dự báo chính xác tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, rà soát, bổ sung, điều chỉnh kịp thời các kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Thực hiện chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, các đơn vị vẫn đang duy trì hơn 2.400 cán bộ, chiến sĩ quân y, triển khai 170 tổ quân y cơ động, 7 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 hỗ trợ các địa phương PCD.

Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh khẳng định, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là nguy cơ xâm nhập của biến chủng mới Omicron. Là một trong những lực lượng nòng cốt trên tuyến đầu PCD, LLVT thành phố đã xây dựng kế hoạch, lên phương án ứng phó chủ động với các tình huống, cấp độ dịch.

Cuộc chiến thời bình của Bộ đội Cụ Hồ trên tuyến đầu chống dịch, cứu dân vẫn tiếp tục trong trạng thái mới. Cán bộ, chiến sĩ luôn trong tư thế sẵn sàng, chủ động, có lệnh là đi, đã đi là phải chiến thắng...

 Khi mọi thứ qua đi thì văn hóa luôn ở lại. Bộ đội Cụ Hồ hoàn thành nhiệm vụ trở về đơn vị, cũng là lúc các giá trị văn hóa trong cuộc chiến chống dịch, cứu dân lắng đọng, tỏa sáng, khúc vĩ thanh ân tình chiến sĩ được ngân lên. Thông qua cuộc điều quân lớn nhất kể từ sau chiến tranh và những hình ảnh cảm động chống dịch, cứu dân, các giá trị văn hóa thể hiện bản chất Bộ đội Cụ Hồ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu... tiếp tục được rèn giũa, bồi đắp, tỏa sáng, gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, góp phần củng cố và tăng cường sức mạnh nội sinh của nền quốc phòng toàn dân, xây dựng "thế trận lòng dân" ngày càng vững chắc...

(TS Văn hóa học NGUYỄN THỊ KIM LIÊN, Học viện Chính trị Khu vực II)

 

 Nhóm phóng viên Báo QĐND

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ)