Sự có mặt của các anh trên khắp các mặt trận, từ công tác y tế đến chăm lo an sinh xã hội đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân...

Từ trụ cột y tế chống dịch...

Ngày 17-11, tại TP Hồ Chí Minh, Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đã gặp gỡ thân mật cán bộ, chiến sĩ quân y các đơn vị phía Bắc hoàn thành nhiệm vụ tăng cường PCD Covid-19. Đây là lực lượng rời vùng tâm dịch trở về muộn nhất sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, để lại trong lòng nhân dân những tình cảm sâu đậm.

Trong thời gian dài bám địa bàn giúp dân PCD, cán bộ, chiến sĩ quân y các đơn vị phía Bắc đã phục vụ điều trị tại nhà cho hơn 76.000 F0; hỗ trợ tiêm vaccine cho hơn 523.000 người; lấy mẫu phẩm, xét nghiệm PCR cho hơn 2,4 triệu lượt người và hỗ trợ các khu điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại các phường, xã, thị trấn... Trong suốt hành trình chống dịch, thủ trưởng Bộ Quốc phòng luôn thấu hiểu, chia sẻ những áp lực, khó khăn, gian khổ mà cán bộ, chiến sĩ phải đối mặt. Chính sự chung sức, đồng lòng ấy đã góp phần khống chế dịch bệnh thành công bước đầu, giúp các địa phương vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đưa đời sống nhân dân từng bước thích ứng an toàn với Covid-19.

leftcenterrightdel

Nhân viên Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga làm việc trong xe labo xét nghiệm SARS-CoV-2 lưu động tại tâm dịch Bắc Giang. Ảnh: SONG SƠN 

Chị Võ Thu Hương, công tác ở Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, ngụ tại khu chung cư trên địa bàn phường Tân Thuận Đông, quận 7, đã dành những tình cảm thân thương, trân quý để nói về những chiến sĩ quân y trong tâm dịch. Khu phố nơi chị sinh sống có nhiều F0 điều trị tại nhà. Hai chiến sĩ quân y là Nguyễn Xuân Quân và Nguyễn Văn Khang (lớp DH50A, Hệ 4, Học viện Quân y) đảm nhiệm điều trị Covid-19 cho các F0, phối hợp giải quyết các tình huống y tế về dịch bệnh tại khu chung cư nơi gia đình chị Hương sinh sống. Quân và Khang còn rất trẻ nhưng đã vào vai, vào việc một cách đầy trách nhiệm, nhiệt huyết.

Chị Hương xúc động kể: “Khó khăn nhất là tư vấn, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho các F0 cao tuổi. Hai chiến sĩ đã thể hiện thái độ lễ phép, nhẹ nhàng, cần mẫn, tỉ mỉ và rất giỏi chuyên môn. Có những lúc nửa đêm về sáng, bệnh nhân khó thở, người nhà gọi điện thoại, chỉ sau ít phút các chiến sĩ có mặt, tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời. Có những phụ nữ mang thai cách ly tại nhà, khi đau bụng cũng phải gọi các chiến sĩ. Chứng kiến các chiến sĩ hỗ trợ đưa các chị đến bệnh viện và sẵn sàng phương án đỡ đẻ dọc đường, chị em chúng tôi không cầm được nước mắt. Quân đội đào tạo, giáo dục con người tuyệt vời quá!”.

Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh trong những lần đi kiểm tra công tác PCD ở cơ sở, chứng kiến cách làm việc của lực lượng quân y, đã bày tỏ sự yên tâm và niềm tin tưởng tuyệt đối. Người đứng đầu UBND thành phố nói rằng, sự có mặt của cán bộ, chiến sĩ quân y làm việc trong hệ thống bệnh viện, khu cách ly và mô hình Tổ Quân y cơ động đã tăng cường sức mạnh, tiềm lực to lớn cho thành phố chống dịch, giúp TP Hồ Chí Minh thực hiện thành công mô hình cách ly, điều trị F0 tại nhà.

Đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao cách thức tổ chức, duy trì hoạt động của hệ thống bệnh viện dã chiến truyền nhiễm. Nhiều đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã nhường doanh trại, cơ sở vật chất cho ngành y tế thành lập bệnh viện DCTN. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị tham gia phục vụ người dân, bệnh nhân ngay tại các bệnh viện ấy. Việc làm này vừa thể hiện tính chủ động, sáng tạo, vừa khẳng định sinh động tinh thần vì nhân dân phục vụ của Bộ đội Cụ Hồ.

leftcenterrightdel

Vùng 2 Hải quân sử dụng lực lượng, phương tiện vận chuyển hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm hỗ trợ TP Hồ Chí Minh trong đợt cao điểm chống dịch Covid-19. Ảnh: MINH THẮNG. 

Đến chăm lo an sinh xã hội

Ngày 28-10, tại trụ sở Bộ Quốc phòng diễn ra Hội nghị trao đổi tình hình, kết quả phối hợp PCD Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, do Bộ Quốc phòng và Thành ủy TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố bày tỏ tình cảm tri ân sâu sắc đến Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã nhanh chóng triển khai các lực lượng theo đề nghị của thành phố trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát phức tạp.

Lực lượng của quân đội hỗ trợ TP Hồ Chí Minh được phân công về cơ sở, trực tiếp tham gia thực hiện các nhiệm vụ, lao vào tâm dịch phục vụ nhân dân. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ có mặt ở khắp các mặt trận, từ thực hiện công tác y tế trong PCD đến bảo đảm công tác an sinh xã hội... đã để lại trong lòng dân những tình cảm, ấn tượng vô cùng sâu đậm. Đây là sự ủng hộ, chi viện chí tình, chí nghĩa với trách nhiệm cao nhất, sẵn sàng nhất của Bộ Quốc phòng dành cho TP Hồ Chí Minh.

Lời phát biểu của đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh là cái nhìn bao quát, tình cảm bao trùm của Đảng bộ, nhân dân Thành phố mang tên Bác nói riêng, các tỉnh phía Nam nói chung đối với Bộ đội Cụ Hồ. Tình cảm ấy được kết tinh từ hàng vạn hình ảnh, hàng triệu việc làm của những tấm gương bình dị mà cao quý Bộ đội Cụ Hồ trong các vùng tâm dịch.

Trong cao điểm chống dịch, các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ có tăng cường nhiều nội dung phong tỏa, kiểm soát dịch bệnh, đồng bào được khuyến cáo, yêu cầu “ai ở đâu, ở yên đấy”. Sự có mặt của cán bộ, chiến sĩ trên từng tuyến đường, góc phố đã làm yên lòng các tầng lớp nhân dân.

Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lấy trụ sở, trường học, cơ quan quân sự địa phương... làm điểm trú quân, phối hợp với chính quyền và các lực lượng chức năng địa phương chăm lo an sinh xã hội. Bộ đội thường xuyên có mặt trong từng con hẻm, tòa chung cư, đi chợ mua sắm, vận chuyển hàng hóa, cung cấp túi an sinh... cho từng hộ dân. Ở các huyện vùng ven, bộ đội chia thành từng tổ, nhóm về các hộ gia đình giúp dân thu hoạch lúa và hoa màu...

Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7 nhớ lại: “Khi dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp, Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã chỉ đạo mở chiến dịch cao điểm giúp dân; phát động Phong trào thi đua đặc biệt “Chống dịch, cứu dân”; phát triển chủ trương “Đơn vị, địa phương tuyến sau hỗ trợ, giúp đỡ đơn vị, địa phương tuyến trước” thành “Đơn vị, địa phương ngoài vùng dịch hỗ trợ, giúp đỡ đơn vị, địa phương trong vùng dịch; vùng có dịch ít giúp đỡ vùng có dịch nhiều”.

Cán bộ, chiến sĩ đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, trực tiếp tuyên truyền, vận động kết hợp với thư tay, tờ rơi, sổ tay PCD, các thông tin, số điện thoại hỗ trợ nhu yếu phẩm kèm với “túi an sinh”, “túi y tế”. LLVT Quân khu 7 đã vận động, tiếp nhận hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân (gồm tiền mặt, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế...). Các đơn vị phối hợp tổ chức hoạt động giúp dân với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, như: “Tất cả vì tuyến đầu chống dịch”, “nhà trọ không đồng”, “gian hàng không đồng”, “phiên chợ không đồng”, “cây ATM gạo nghĩa tình”, “cây ATM khẩu trang”, “hũ gạo tình thương”, “bữa cơm nghĩa tình”...

Chỉ tính riêng LLVT Quân khu 7, trong cuộc chiến “chống dịch, cứu dân” đã huy động gần 87.000 cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ, huy động các nguồn lực được gần 812 tỷ đồng chăm lo cho nhân dân và các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.

Làm nhiệm vụ trong tâm dịch, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã nén đau thương khi cha, mẹ, người thân qua đời nhưng không thể về chịu tang. Rất nhiều bàn thờ được lập vội tại các địa điểm trên tuyến đầu để các chiến sĩ bái vọng đấng sinh thành, để đồng đội cùng thắp nhang chia sẻ. Những hình ảnh ấy đã chạm đến trái tim, lay động miền xúc cảm sâu xa của hàng triệu người Việt Nam.

Chúng tôi đã có những lần theo lực lượng công tác đặc biệt làm nhiệm vụ xử lý thi hài nạn nhân tử vong do Covid-19. Họ lặng lẽ, âm thầm thực hiện các phần việc cẩn trọng với tinh thần trách nhiệm và sự thôi thúc của trái tim. Đại úy QNCN Lê Minh Sang, lái xe của Phân đội Thiết giáp (Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh), thành viên của lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt này, tâm sự: “Bố mẹ đẻ và bố vợ của tôi đều qua đời do Covid-19 nhưng tôi không thể về chịu tang, dù nhà cách đơn vị không xa.

Tôi biết, có rất nhiều đồng đội ở các đơn vị khác cũng có chung nỗi đau thương, mất mát như tôi. Phận làm con, khi đấng sinh thành từ trần không thể về nhà chịu tang, buồn lắm, day dứt lắm! Nhưng trước nhiệm vụ chính trị thiêng liêng chống dịch cứu dân thì người quân nhân phải biết nén nỗi đau để toàn tâm, toàn ý với công việc”. Đại úy QNCN Lê Minh Sang cũng chia sẻ thêm: “Hơn ai hết, tôi rất thấu hiểu nỗi đau của các gia đình có người thân tử vong. Khi được giao thực hiện nhiệm vụ này, tôi luôn tâm niệm, những thi thể người ra đi cũng như người ruột thịt của mình. Nghĩa tử là nghĩa tận. Mình làm việc này không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là sự thôi thúc của lương tri, của bổn phận người quân nhân, vì nhân dân phục vụ...”.

leftcenterrightdel
Chiến sĩ dân quân phun khử khuẩn khu vực Bệnh viện dã chiến số 3 tỉnh Đồng Nai. Ảnh: ĐĂNG DUY 

Vượt mọi gian nan, kiên trì bám chốt

Ngay từ những ngày đầu đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, các phóng viên của Báo QĐND đã bám theo các đồng đội tham gia PCD trên các tuyến biên giới. Những ngày được “cùng ăn, cùng ở, cùng trải nghiệm chống dịch” với đồng đội, chúng tôi vỡ ra rất nhiều điều. Hằng ngày, đồng đội phải thích ứng với sự xoay vần đến chóng mặt của thời tiết kiểu “bốn mùa trong một ngày” trên tuyến biên giới Tây Nam. Ban ngày nắng nóng gay gắt, chiều tối mưa như trút nước, đêm khuya về sáng thì trời lại lạnh căm căm. Buổi tối và ban đêm, muỗi bay như vòi rồng thổi qua bãi cát.

Cắm chốt bám đường biên, kiểm soát chặt các đường mòn, lối mở... hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ bộ đội và dân quân phải vất vả chống chọi với thứ “giặc” đặc trưng của miền rừng khắc nghiệt. Nhiều khu vực anh em lập chốt, trạm dã chiến ngăn chặn người nhập cảnh trái phép, bị mưa bão, lốc xoáy đánh sập, cuốn phăng. Áo quần, tư trang, lương thực... bị ướt, toàn thân run rẩy vì rét, đồng đội chia nhau miếng lương khô, nhai mì gói, uống nước suối, vượt mọi gian nan kiên trì bám chốt, ngăn chặn Covid-19 xâm nhập từ đường biên.

Đặc biệt, nhiều cán bộ, chiến sĩ trong quá trình làm nhiệm vụ đã đối mặt với những thời khắc sinh tử ngặt nghèo. Binh nhất Võ Ngọc Nguyện, chiến sĩ Ban CHQS huyện Châu Thành (Tây Ninh) là một ví dụ điển hình. Anh được tăng cường cho Đồn Biên phòng Cửa khẩu Phước Tân, làm nhiệm vụ canh trực, chốt chặn tại Chốt kiểm soát số 10. Ngày 14-5-2021, trời đổ mưa lớn. Lo ngại các đối tượng nhập cảnh trái phép lợi dụng mưa gió che khuất tầm nhìn của lực lượng chức năng để xâm nhập nội địa, Nguyện leo lên mô đất cao, căng mắt quan sát. Bất ngờ, một tia lửa xé toang màn trời xẹt xuống, tiếp đó là tiếng nổ long trời lở đất. Sét đánh ngay vào mô đất Nguyện đang đứng, hất anh văng ra xa.

Khi đồng đội ào đến thì Nguyện đã nằm bất tỉnh trên nền đất. Sau khi sơ cứu tại chỗ, anh được chuyển đến Trạm y tế xã Thành Long cấp cứu, sau đó chuyển anh về Bệnh xá Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh điều trị. Nguyện trở về từ cõi chết. Sau khi bình phục, dù được chỉ huy cho ở lại đơn vị nghỉ ngơi nhưng anh lại tiếp tục xung phong trở lại biên giới cùng đồng đội chống dịch. Gặp chúng tôi, người chiến sĩ có gương mặt trẻ măng nói vui: “Dù có gặp phải thiên lôi thì tôi vẫn kiên quyết tham gia ngăn chặn virus SARS-CoV-2”. Tinh thần lạc quan cũng chính là nhân tố làm nên bản lĩnh, sức mạnh Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19” đầy cam go, khốc liệt...

Thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine toàn quốc, tính đến ngày 14-10-2021, Cục Vận tải (TCHC) đã sử dụng 80 chuyến xe tải, vận chuyển hơn 47 triệu liều vaccine (khoảng 352 tấn). Các quân khu, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội sử dụng 323 chuyến xe tải, 1 chuyến máy bay vận chuyển hơn 27,6 triệu liều vaccine (167 tấn). Ngoài ra, Cục Vận tải và các quân khu, quân đoàn, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội cũng đã sử dụng hơn 700 chuyến xe tải, tham gia vận chuyển nhiều loại vật tư, trang thiết bị y tế khác phục vụ công tác PCD Covid-19.

(còn nữa)

Nhóm phóng viên Báo QĐND