Thần tốc cơ động, triển khai...

Tháng 5-2021, khi trực tiếp kiểm tra tại tâm dịch Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương Bộ Quốc phòng về tinh thần chủ động, kịp thời hỗ trợ nhân lực, vật lực cho các địa phương PCD Covid-19, với việc triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng; nhanh chóng thiết lập bệnh viện dã chiến truyền nhiễm (DCTN) giúp Bắc Giang, Bắc Ninh sớm khống chế, kiểm soát dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Kết quả đó có được là nhờ quyết tâm chính trị của Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng với việc lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát, diễn tập thuần thục và ban hành mệnh lệnh kịp thời cho các lực lượng làm nhiệm vụ giúp nhân dân chống dịch.

leftcenterrightdel
 Tổ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y tại tâm dịch Bắc Giang (tháng 5-2021). Ảnh: PHÚ SƠN 

Trước đó, tháng 3-2021, Bộ Quốc phòng đã tổ chức diễn tập PCD Covid-19 trên quy mô lớn. Trong đó, diễn tập vận hành cơ chế được triển khai từ Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng đến Ban chỉ đạo PCD của tất cả các sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự các tỉnh và tương đương nhằm thống nhất trình tự, nội dung, phương pháp chỉ huy, điều hành PCD Covid-19 ở các cấp độ từ thấp đến cao.

Nội dung diễn tập gồm 5 vấn đề huấn luyện, tương đương với 5 cấp độ: Cấp độ 1, có trường hợp dịch Covid-19 xâm nhập vào trong nước; cấp độ 2, dịch Covid-19 lây nhiễm thứ phát; cấp độ 3, dịch lây lan trên 20 đến 1.000 người mắc; cấp độ 4, dịch lây lan trong cộng đồng với trên 1.000 đến 3.000 người mắc; cấp độ 5, dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng với trên 3.000 đến 30.000 người mắc, lây lan vào một số đơn vị quân đội.

Diễn tập tổ chức thực hành huấn luyện ở cả hai cấp: Bộ Quốc phòng và các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường...

Từ cấp độ 4, 5, các đơn vị đã thực hành các nội dung, như: Dồn ghép chỗ ở để tiếp nhận, cách ly công dân từ nước có dịch về; thiết lập các bệnh viện DCTN, thực hành thu dung, điều trị các ca mắc bệnh; tiêu tẩy, khử trùng các khu vực; sử dụng máy bay trực thăng vận chuyển tiếp ứng trang bị, vật chất PCD cho một số khu vực biên giới...

Chính từ sự chuẩn bị chu đáo, diễn tập thuần thục nên khi có tình huống, quân đội đã chủ động đi trước một bước, nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ ngay khi có mệnh lệnh. Điển hình như khi đợt dịch thứ tư trở nên phức tạp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, cuối chiều 18-5-2021, Học viện Quân y (HVQY) nhận mệnh lệnh từ thủ trưởng Bộ Quốc phòng triển khai lực lượng vào tâm dịch.

Ngay lập tức, học viện tập hợp lực lượng thực thi nhiệm vụ. Chỉ chưa đầy hai giờ đồng hồ, đội hình của học viện đã rời Hà Nội hướng về điểm nóng Covid-19 lúc bấy giờ. Cũng thời điểm này, Tổng cục Hậu cần huy động lực lượng ngay trong đêm có mặt tại hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Chỉ qua một đêm, sáng 19-5, hai bệnh viện DCTN và hai trung tâm xét nghiệm dã chiến Covid-19 với tổng công suất xét nghiệm hơn 2.000 mẫu/ngày do lực lượng quân đội đảm nhiệm được đưa vào hoạt động. Bệnh viện DCTN số 1 tại Bắc Ninh do các lực lượng được điều động từ Bệnh viện Quân y (BVQY) 354, BVQY 105 (Tổng cục Hậu cần) với quy mô 300 giường; Bệnh viện DCTN số 2 tại Bắc Giang do lực lượng của BVQY 103 (HVQY) phụ trách với quy mô hơn 300 giường.

Toàn bộ trang thiết bị phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 đều do các đơn vị tự bảo đảm. Hai bệnh viện DCTN này cũng sẵn sàng phương án nâng lên quy mô 500 giường nếu diễn biến dịch bệnh phức tạp.

Đánh giá về sự hỗ trợ của lực lượng quân đội trong công tác phòng, chống dịch của địa phương, đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang khẳng định: “Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh nói riêng, quân đội nói chung đã tỏ rõ là lực lượng xung kích đi đầu, luôn sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang, đóng góp hết sức quan trọng trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Trong cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy gian khổ, hiểm nguy này, cán bộ, chiến sĩ thể hiện rõ phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, vì nhân dân phục vụ, khẳng định điểm tựa tin cậy, đồng thời là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang quyết tâm đẩy lùi đại dịch”.

Không chỉ tại Bắc Giang, Bắc Ninh, ngay khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nhận định tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 21-7, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 2313/QĐ-BQP về việc thành lập Ban chỉ đạo PCD Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, do Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng ban; thành viên là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Ngay sau khi thành lập, ban chỉ đạo cùng các lực lượng đã khẩn trương cơ động, có mặt tại TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các lực lượng quân đội chống dịch.

Thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật... luôn nắm chắc tình hình mọi mặt, tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đưa ra các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ PCD; điều động lực lượng, phương tiện vào điểm nóng làm nhiệm vụ.

Cuối tháng 8-2021, khi trực tiếp vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh kiểm tra, chỉ đạo công tác PCD, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đặc biệt lưu ý đến các lực lượng cần có quyết tâm mới, trách nhiệm mới để nhanh chóng triển khai và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.

leftcenterrightdel

Tổ quân y cơ động của Học viện Quân y đến tận nhà điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: ĐĂNG DUY

Các phương án sẵn sàng chiến đấu, kể cả tăng cường bệnh viện dã chiến cũng phải chuẩn bị ngay. Nhu yếu phẩm hỗ trợ được sản xuất với cường độ cao hơn để chủ động bảo đảm cho các lực lượng trong tâm dịch.

Việc quyết tâm huy động lực lượng hỏa tốc tham gia chống dịch cũng được Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định rõ qua chỉ đạo: “Chúng ta đã trải qua cuộc trường chinh trong lịch sử để bảo vệ Tổ quốc. Và hôm nay, chúng ta đang đứng trước một cuộc trường chinh mới chống đại dịch Covid-19. Chúng ta phải quyết thắng. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ cần nhanh chóng xác định quyết tâm mới, trách nhiệm mới để chung tay đẩy lùi dịch bệnh!”.

"Ở đâu khó, có Bộ đội Cụ Hồ"

Trong cuộc chiến với “giặc” từ vô hình đến biến hình-Covid-19, các lực lượng quân đội đã triển khai chủ yếu trên 3 mặt trận: Y tế; trung tâm cách ly, hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội cho nhân dân; bảo đảm an ninh trật tự.

Trong đó, 4 mũi “giáp công” chính của ngành quân y là: Bệnh viện DCTN điều trị Covid-19; các trung tâm xét nghiệm dã chiến; các tổ quân y cơ động; các tổ tiêm vaccine lưu động và lấy mẫu xét nghiệm đã minh chứng trình độ, khả năng tác chiến của các thầy thuốc áo lính.

Là một trong những đơn vị có lực lượng xung kích trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 với số lượng lớn, chất lượng chuyên môn cao, trong năm 2021, HVQY đã điều động hơn 2.500 lượt cán bộ, y, bác sĩ, học viên có mặt tại các điểm nóng Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc HVQY, khẳng định: “Cán bộ, y, bác sĩ và đội ngũ học viên đã nhanh chóng nhận nhiệm vụ và tác chiến kịp thời, linh hoạt, hiệu quả trong tâm dịch”.

Ngay từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại Bắc Giang, Bắc Ninh, HVQY đã có 3 lực lượng vào tâm dịch thực hiện 3 nhiệm vụ: Điều trị (bệnh viện DCTN); lấy mẫu (các tổ lấy mẫu lưu động) và xét nghiệm (thành lập hai trung tâm xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay tại Bắc Giang và Bắc Ninh). Khi đợt dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, HVQY cử lực lượng cùng vật chất, trang thiết bị và nhân lực vào TP Hồ Chí Minh trực tiếp tham gia “chiến đấu” với “giặc Covid-19”.

leftcenterrightdel
 Lực lượng quân đội đưa nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân khu vực cách ly do dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: ĐĂNG DUY

Lúc này, ngoài 3 mũi “giáp công” như đã thực hiện ở Bắc Ninh, Bắc Giang, hơn 600 tổ quân y cơ động do HVQY thiết lập đã tỏa xuống khắp các xã, phường, trực tiếp điều trị cho F0 tại nhà, thiết lập mạng lưới y tế chống dịch từ cơ sở, giảm áp lực cho các lực lượng tuyến sau, tạo nên hiệu quả rõ rệt trong PCD Covid-19.

Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết cho rằng: “Hiệu quả công tác chống dịch chính là ở tinh thần sẵn sàng chiến đấu, nhanh chóng tác chiến trong mọi hoàn cảnh của cán bộ, chiến sĩ, giảng viên, học viên. Trong mọi điều kiện đều phải chuẩn bị sớm, chuẩn bị đủ; phải phân chia lực lượng, tác chiến linh hoạt để giành thắng lợi. Mỗi trận đánh phải chuẩn bị trước, trong và bổ sung sau để có thể chiến đấu liên tục, lâu dài”.

Trong thời kỳ cao điểm chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, có mặt trực tiếp tại điểm nóng, Đại tá Nguyễn Vân Giang, Phó cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), khẳng định: “Việc tăng cường kịp thời lực lượng hỗ trợ các địa phương chống dịch theo phương châm “Ở đâu khó, có Bộ đội Cụ Hồ”, lực lượng được đưa vào hỗ trợ chống dịch là đội ngũ y, bác sĩ có phẩm chất chính trị, đạo đức với trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm.

Trước khi vào tâm dịch, cán bộ, chiến sĩ đều được tập huấn về chuyên môn, xác định quyết tâm cao nhất, khắc phục mọi khó khăn, sát cánh cùng nhân dân đẩy lùi dịch bệnh”.

Không chỉ có quân y, các lực lượng thành lập, triển khai trung tâm cách ly cho người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19, các hoạt động an sinh xã hội cũng được quân đội thực hiện nhanh chóng, hiệu quả trong tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh, tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Quân đội đã gắn công tác PCD với quan tâm, chăm lo cuộc sống nhân dân, bảo đảm tốt an sinh xã hội, nhất là đối với những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, lao động bị mất việc làm, người dân trong vùng giãn cách xã hội.

Thời điểm tháng 5-2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Bắc Giang, một số đơn vị của Quân đoàn 2 đã di chuyển toàn bộ quân ra khu vực dã ngoại ngay trong đêm để nhường lại doanh trại phục vụ hoạt động cách ly y tế PCD.

Hay tại TP Hồ Chí Minh, chỉ trong một thời gian ngắn triển khai, hàng trăm xe thồ của bộ đội đã đưa nhu yếu phẩm hỗ trợ kịp thời đến từng ngõ ngách, giúp người dân gặp khó khăn do Covid-19. Nhiều hoạt động an sinh xã hội khác cũng được lực lượng quân đội triển khai gấp rút, hiệu quả như: Các “gian hàng 0 đồng”, "chuyến xe lưu động 0 đồng”, hỗ trợ gói an sinh cho nhân dân; thu hoạch và tiêu thụ nông sản giúp người dân tại các vùng bị cách ly, phong tỏa; hỗ trợ người dân lo công tác hậu sự cho người đã mất do nhiễm Covid-19...

Với sự xung kích của đội ngũ quân y, chung tay với các lực lượng trên tuyến đầu, các điểm nóng trong tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... đã từng bước được kiểm soát, đẩy lùi. Sự có mặt kịp thời của lực lượng quân y, các tổ quân y cơ động và lực lượng quân đội giúp nhân dân đã để lại dấu ấn sâu đậm.

Chia sẻ tại hội nghị trao đổi tình hình kết quả phối hợp PCD Covid-19 giữa Bộ Quốc phòng và tỉnh Bình Dương, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định: “Chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ to lớn, kịp thời, đầy trách nhiệm, nghĩa tình của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và cán bộ, chiến sĩ quân đội. Không thể kể hết sự đóng góp, hy sinh của quân đội đối với tỉnh Bình Dương. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ qua đó càng trở nên gần gũi, thân thương. Cấp ủy, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Dương ghi nhận và gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc đến lãnh đạo Bộ Quốc phòng và cán bộ, chiến sĩ quân đội, đặc biệt là các cán bộ, chiến sĩ đã trực tiếp chi viện, hỗ trợ tỉnh Bình Dương trong quá trình PCD Covid-19!”.

(còn nữa)

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, Bộ Quốc phòng đã kịp thời điều động, tăng cường lực lượng, trang thiết bị, phương tiện cao nhất, tốt nhất, hiện đại nhất hỗ trợ cho các địa phương. Lúc cao điểm nhất trên toàn quốc đã huy động hơn 230.000 bộ đội thường trực và dân quân tự vệ; sử dụng hơn 6.100 chuyến ô tô, 56 toa tàu hỏa, 156 chuyến máy bay và nhiều chuyến tàu thủy, vận chuyển gần 25.500 tấn hàng hóa phục vụ PCD, trong đó có hơn 4.000 tấn vật chất hậu cần, hàng nhu yếu phẩm, nông sản, lương thực thực phẩm... để hỗ trợ nhân dân các địa phương.

Nhóm phóng viên Báo QĐND