Vậy thực tế kỹ năng TCĐT của quân đội Mỹ vốn được coi là hùng mạnh nhất thế giới hiện như thế nào? Theo tướng Brown, kỹ năng này bị suy giảm sau nhiều năm quân đội Mỹ đối phó với những lực lượng trang bị kém hơn ở Trung Đông và giảm ưu tiên vào những hệ thống TCĐT phức tạp sau Chiến tranh Lạnh.

Theo Defense News, tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ mới đây, Đại tướng Charles Brown Jr. cho rằng quân đội nước này bị “mất dần kỹ năng” trong TCĐT. Trong khi các hoạt động TCĐT rất phong phú, năng lực của Mỹ cùng đồng minh cũng như các đối tác và cả đối thủ trong lĩnh vực này luôn thay đổi. 

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ cảnh báo, lực lượng liên quân Mỹ có thể phải đối mặt với nhiều thách thức để bảo vệ bản thân trước đòn TCĐT của đối phương sở hữu năng lực tiên tiến nhất. Đề cập đáng chú ý của chỉ huy quân sự cấp cao Mỹ được đưa ra trong bối cảnh các cường quốc quân sự khác trên thế giới, bao gồm cả Nga và Trung Quốc đều nỗ lực phát triển năng lực TCĐT và đạt những bước tiến vượt bậc. Năng lực TCĐT của Trung Quốc được đánh giá là đã lấp đầy khoảng trống trước đây. Còn đối với Nga, theo Sputnik, nước này đã phát triển hệ thống TCĐT “tốt nhất trên thế giới”, có khả năng làm gián đoạn liên lạc của tàu vũ trụ trên quỹ đạo địa tĩnh. Các thông tin chi tiết không được tiết lộ nhưng hệ thống mới này của Nga “không chỉ cho phép triệt tiêu mà còn vô hiệu hóa vĩnh viễn thiết bị điện tử của đối phương”. 

leftcenterrightdel

Đại tướng Charles Brown Jr., Tham mưu trưởng Không quân Mỹ. Ảnh: Getty Images 

Thực hiện phương thức TCĐT, các lực lượng vũ trang hiện đại trên thế giới đều dựa vào kết nối không dây để thực hiện mọi hoạt động, từ thông tin liên lạc đến điều khiển vũ khí, điều hướng và đánh lừa đối phương. Lực lượng TCĐT sẽ can thiệp, gây nhiễu làm giảm khả năng vũ khí của đối phương, đồng thời có khả năng duy trì năng lực chiến đấu của các đơn vị bạn. Chẳng hạn quân đội Nga sử dụng hệ thống TCĐT phổ biến nhất là loại gây nhiễu nhằm hạn chế khả năng trao đổi thông tin của đối phương. Hệ thống này sẽ ghi đè lên đường truyền vô tuyến hoặc gửi tín hiệu để ngăn chặn sự phát hiện của radar hoặc khiến thông tin của đối phương bị truyền sai lệch.

Trước những tiến bộ của các nước đối thủ trong lĩnh vực TCĐT, tướng Brown đánh giá quân đội Mỹ còn nhiều công việc liên quan tới TCĐT cần hoàn thành. Tại phiên điều trần, khi trả lời câu hỏi Bộ Quốc phòng đã tích hợp đầy đủ TCĐT vào các khái niệm cũng như những kế hoạch tác chiến chung hay chưa, ông cho biết “đây là công việc đang được tiến hành và trở ngại lớn nhất để thực hiện điều này là thay đổi tư duy”. Tướng Brown khẳng định, các khái niệm và kế hoạch tác chiến chung của quân đội Mỹ đang tiến tới mục tiêu này và vẫn còn không gian để cải thiện tình hình. 

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ nhấn mạnh, TCĐT là phương tiện giúp tiết kiệm chi phí, trong khi vẫn duy trì hiệu quả tác chiến và thậm chí gây sát thương. TCĐT không chỉ là hoạt động hỗ trợ kích hoạt một số tổ hợp vũ khí hoặc năng lực tác chiến khác như mọi người vẫn nghĩ mà trong xung đột hiện đại, TCĐT có thể trở thành nỗ lực chính để đạt hiệu quả mong muốn, đặc biệt trong giai đoạn lý tưởng là ngăn một cuộc xung đột vũ trang ở giai đoạn “từ trong trứng nước”.

Tuy nhiên, việc tích hợp khả năng TCĐT vào các bài huấn luyện gặp phải những thách thức vì một số lý do, bao gồm việc ảnh hưởng tới lĩnh vực dân sự như các máy bay do việc sử dụng thiết bị gây nhiễu. Tướng Brown cho biết, các chỉ huy chiến trường của Mỹ nhận ra tầm quan trọng sống còn của TCĐT và dành ưu tiên trong những cuộc tập trận cấp 1, phù hợp với các mối đe dọa trong khu vực địa lý hoặc họ có chức năng chịu trách nhiệm.

Theo Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, để duy trì ưu thế trong bối cảnh TCĐT tiếp tục phát triển nhanh chóng, quân đội Mỹ cần phải dự báo và cập nhật trước hoạt động đào tạo của mình. Trong đó, việc tạo ra một môi trường huấn luyện mô phỏng có sự tương tác giữa các hệ thống giả lập với hệ thống thực ở nhiều địa điểm khác nhau sẽ rất cần thiết trong nỗ lực này. 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan. 

XUÂN PHONG