* Mỹ tăng cường sản xuất UAV giá rẻ
Bộ Quốc phòng Mỹ đang triển khai kế hoạch tăng tốc sản xuất và triển khai các loại thiết bị bay không người lái (UAV) giá rẻ nhằm củng cố ưu thế tác chiến trên chiến trường. Theo tuyên bố ngày 16-7-2025, sáng kiến mới này thể hiện quyết tâm của Lầu Năm Góc trong việc nhanh chóng tích hợp các công nghệ UAV tiên tiến do các công ty của Mỹ phát triển vào hoạt động quân sự thực tế.
 |
Các mẫu UAV cỡ nhỏ của Mỹ trong buổi trưng bày tại Washington DC. Ảnh: militarnyi.com |
Trong buổi trưng bày 18 nguyên mẫu UAV tại Washington DC, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết các UAV này được thiết kế bằng linh kiện điện tử có sẵn, có thể được sản xuất nhanh chóng với chi phí thấp. Ông nhấn mạnh: “Đây là minh chứng cho tư duy đột phá, thể hiện cách tiếp cận linh hoạt của quân đội trong bối cảnh chiến tranh hiện đại đang thay đổi chóng mặt”.
Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách Nghiên cứu và Kỹ thuật, ông Emil Michael tiết lộ rằng các nguyên mẫu UAV được phát triển trong thời gian trung bình chỉ 18 tháng, một tốc độ khá nhanh trong lĩnh vực quốc phòng. Một trong những UAV nổi bật được giới thiệu là LUCAS, mẫu UAV tấn công có thiết kế tương đồng với UAV Shahed của Iran.
Trước đó, ngày 10-7, Bộ trưởng Pete Hegseth đã ký ban hành văn bản chính thức dỡ bỏ các chính sách hạn chế và cản trở việc sản xuất UAV tại Mỹ. Ông nhấn mạnh UAV là đổi mới quân sự quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay, đồng thời cho rằng Quân đội Mỹ đang thiếu hụt các dòng UAV tấn công cỡ nhỏ cần thiết để duy trì ưu thế tác chiến.
Bản kế hoạch hành động của Lầu Năm Góc đề ra các mục tiêu trọng tâm như ưu tiên mua sắm UAV và linh kiện sản xuất tại Mỹ, tận dụng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân; trang bị cho các đơn vị chiến đấu các loại UAV giá rẻ do các kỹ sư và chuyên gia trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Mỹ phát triển; tổ chức huấn luyện sử dụng UAV trong các tình huống sát thực tế chiến trường.
* Australia lần đầu khai hỏa hệ thống NASAMS
Lực lượng Quốc phòng Australia đã đạt một cột mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa năng lực phòng không mặt đất khi lần đầu tiên khai hỏa thành công hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS trong khuôn khổ cuộc diễn tập Talisman Sabre 2025. Diễn ra từ ngày 13-7 đến 4-8, cuộc diễn tập đa quốc gia này chứng kiến hệ thống tên lửa NASAMS hoạt động thực tế trong môi trường tác chiến hỗn hợp, qua đó khẳng định khả năng phát hiện, theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu trên không của hệ thống này.
 |
Hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS. Ảnh: Bộ Quốc phòng Australia |
Hệ thống NASAMS được đưa vào biên chế Lục quân Australia từ cuối năm 2023 theo Dự án LAND 19 Giai đoạn 7B, do công ty Raytheon Australia phối hợp công ty quốc phòng Kongsberg (Na Uy) triển khai. Hệ thống hiện được vận hành bởi Trung đoàn 16 của Lực lượng Pháo binh Hoàng gia Australia đóng quân tại Woodside, Nam Australia. Với hai khẩu đội đã triển khai, hệ thống NASAMS giúp Lục quân Australia tăng cường năng lực phòng không tầm gần, sẵn sàng đối phó với nhiều loại mục tiêu, từ máy bay có người lái, UAV, tên lửa hành trình, đến đạn dẫn đường chính xác.
Là hệ thống phòng không tầm trung, NASAMS có thiết kế linh hoạt dưới dạng mô-đun, có thể triển khai trong mọi điều kiện thời tiết và địa hình. Tên lửa đánh chặn chính của hệ thống NASAMS là AIM-120 AMRAAM, có tầm bắn từ 25 đến 30km và trần bắn lên tới 15.000m, tùy theo biến thể và loại mục tiêu. Khi sử dụng phiên bản tên lửa AMRAAM-ER, tầm bắn của hệ thống NASAMS mở rộng trên 40km, giúp tăng cường khả năng đánh chặn từ xa để bảo vệ các mục tiêu trọng yếu.
NASAMS có thể đối phó hiệu quả với nhiều loại vũ khí tấn công đường không, nhờ tổ hợp cảm biến tiên tiến gồm radar quét mảng pha chủ động, thiết bị quang - điện tử và hệ thống đầu dò thụ động. Trung tâm điều phối hỏa lực (FDC) tích hợp và xử lý dữ liệu mục tiêu theo thời gian thực cho phép phối hợp tác chiến nhanh chóng giữa các đơn vị tên lửa, kể cả khi được bố trí phân tán trên diện rộng.
* Hàn Quốc cân nhắc phát triển tàu ngầm hạt nhân
Theo nhật báo Hankyoreh đăng ngày 18-7-2025, ông Cho Hyun, ứng viên Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, tuyên bố trong phiên điều trần trước Quốc hội rằng, nếu được phê chuẩn, ông sẽ theo đuổi việc sửa đổi Thỏa thuận Hợp tác hạt nhân dân sự (gọi tắt là “Thỏa thuận 123”) với Mỹ, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển hoặc mua sắm tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hiện tại, thỏa thuận này cấm Hàn Quốc làm giàu hoặc tái xử lý nhiên liệu hạt nhân cho mục đích quân sự.
 |
Mô phỏng một tàu ngầm hạt nhân. Ảnh: Army Recognition |
Ông Cho nhấn mạnh rằng việc vận hành tàu ngầm hạt nhân có thể giúp Hàn Quốc tăng cường năng lực răn đe chiến lược. Ông cũng cho biết trở ngại lớn về quyền sở hữu trí tuệ giữa hai nước gần đây đã được giải quyết, mở đường cho các dự án hợp tác công nghệ cao, bao gồm phát triển nhiên liệu uranium làm giàu thấp cho các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) - yếu tố có thể đặt nền móng cho các hệ thống động cơ hạt nhân hải quân trong tương lai.
Nghị sĩ Yu Yong-weon thuộc Đảng Quyền lực nhân dân cũng kêu gọi chính phủ Hàn Quốc sẵn sàng đưa ra đề nghị để Mỹ đồng ý sửa đổi thỏa thuận hạt nhân. Ông Cho tán thành đề xuất này và khẳng định mọi hoạt động làm giàu uranium của Hàn Quốc vẫn sẽ nằm trong giới hạn dưới 20% và phục vụ mục đích dân sự, theo đúng phiên bản sửa đổi năm 2015 của Thỏa thuận 123.
TRUNG THÀNH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.