* Nga phát triển mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực mới trang bị pháo 152mm

Mới đây, một nhóm kỹ sư thuộc Đại học Kỹ thuật Quốc gia Yuri Gagarin (Nga) đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho mẫu thiết kế xe tăng chiến đấu chủ lực mới, được nâng cấp từ các nền tảng xe tăng hiện có như T-72, T-80, T-90 và T-14.  

Theo mô tả, mẫu xe tăng mới này được tích hợp pháo nòng ngắn cỡ 152mm với bộ hãm đầu nòng, cho phép nâng góc bắn lên tới 60 độ, phù hợp với hỏa lực cầu vồng và tác chiến ở không gian hẹp. Thiết kế này khắc phục nhược điểm của pháo chính trên xe tăng chiến đấu chủ lực hiện nay, vốn chỉ đạt góc nâng khoảng 15 độ, không đủ để tiêu diệt các mục tiêu trên cao như tầng thượng hay địa hình đồi núi.

Xe được tích hợp trạm vũ khí điều khiển từ xa nhằm đối phó với các mối đe dọa khác nhau. Ảnh: Đại học Kỹ thuật Quốc gia Yuri Gagarin

Hiệu quả tấn công của nền tảng này được tăng lên nhờ đạn nổ phân mảnh 152mm, được đánh giá là hiệu quả hơn gấp 2,5-3 lần so với đạn 125mm. Xe cũng có khả năng bắn đạn dẫn đường, tấn công các mục tiêu bọc thép nhờ các thiết bị tìm kiếm mục tiêu bằng radar/hồng ngoại giúp tăng độ chính xác.

Để hỗ trợ bắn cầu vồng và nâng cao nhận thức tình huống, mẫu xe tăng mới được miêu tả có gắn hệ thống trinh sát-hỏa lực, bao gồm máy bay không người lái (UAV) trinh sát và cột cảm biến quang-điện tử cho phép phát hiện mục tiêu và truyền tọa độ về hệ thống điều khiển. Sau khi nhận được dữ liệu mục tiêu, xe có thể phóng đạn dẫn đường với đầu dò tích hợp để tự tìm diệt mục tiêu ở giai đoạn cuối.

Về vũ khí, nền tảng này được trang bị một trạm vũ khí điều khiển từ xa gắn trên nóc tháp pháo, tích hợp pháo tự động 30mm và súng phun lửa. Với khả năng xoay 360 độ và góc nâng rộng, trạm vũ khí này có thể tiêu diệt mục tiêu trên không như UAV, trực thăng bay thấp, cũng như mục tiêu nằm trong nhà cao tầng, trên núi hoặc địa hình hiểm trở. Hệ thống này vừa có thể hoạt động độc lập với pháo chính, vừa có khả năng phối hợp với các hệ thống phòng thủ chủ động như Arena-M hoặc Drozd-2 để tiêu diệt tên lửa chống tăng tấn công từ trên cao và đạn tuần kích.

Một điểm nổi bật khác là hệ thống laser chủ động tích hợp vào trạm vũ khí, vừa có chức năng định vị mục tiêu, đo khoảng cách, vừa gây nhiễu hệ thống dẫn đường của tên lửa hoặc UAV đang bay tới.  

* Mỹ phóng thử thành công hệ thống tên lửa Typhon

Theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Mỹ, Lực lượng đặc nhiệm đa miền số 3 của Lục quân Mỹ đã thực hiện thành công vụ phóng thử đầu tiên với hệ thống tên lửa mặt đất tầm trung Typhon trong cuộc diễn tập Talisman Sabre 25 tại Australia.

Hệ thống vũ khí mới này được tích hợp 2 loại tên lửa là SM-6 và Tomahawk. Được Lockheed Martin phát triển trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa hỏa lực tầm xa, Typhon được thiết kế để lấp khoảng trống giữa tên lửa tấn công chính xác và hệ thống tên lửa siêu vượt âm.

Hệ thống được đánh giá cao với khả năng triển khai nhanh chóng, với tầm bắn khoảng 500-1.800km tùy loại đạn. Trong vụ phóng thử này, Typhon sử dụng tên lửa SM-6 để đánh chặn mục tiêu hải quân, thể hiện khả năng linh hoạt trong tác chiến trên cả đất liền và biển.

Typhon đã tiêu diệt mục tiêu bằng tên lửa SM-6 trong khuôn khổ diễn tập Talisman Sabre 25. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

SM-6 là sản phẩm của Raytheon, thường được phóng từ tàu chiến có hệ thống tác chiến phòng không Aegis. Với tầm bắn hơn 370km, tên lửa này có khả năng đánh chặn mục tiêu trên không và trên biển như tên lửa hành trình, máy bay, tên lửa đạn đạo giai đoạn cuối và tàu mặt nước.

Typhon hiện thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia. Mới đây, Đức đã bày tỏ mong muốn sở hữu hệ thống này trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa hỏa lực tầm xa và củng cố năng lực răn đe chung của NATO. Với khả năng tác chiến đa miền, Typhon mang đến một nền tảng linh hoạt, hỗ trợ chiến lược răn đe tích hợp và tăng khả năng sống sót trong môi trường xung đột cường độ cao.

* Nhật Bản chính thức tích hợp UAV vào lực lượng hải quân

Theo Sách trắng Quốc phòng 2025 công bố ngày 16-7, Nhật Bản sẽ tích hợp UAV vào lực lượng hải quân để tăng cường năng lực phòng thủ hàng hải trong môi trường an ninh khu vực phức tạp.

Trong năm tài khóa 2025, Tokyo dự kiến mua 6 UAV cỡ nhỏ để triển khai trên tàu chiến. Dù Sách trắng không nêu cụ thể loại UAV, nhưng theo nguồn tin từ FlightGlobal, Shield AI của Mỹ đã xác nhận rằng, mẫu UAV V-BAT của công ty này đã được chọn cho tàu chiến Nhật.

Ngoài lực lượng hải quân, Nhật Bản cũng sử dụng UAV ở các quân, binh chủng khác. Cụ thể, Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản vận hành RQ-4B Global Hawk cho nhiệm vụ trinh sát, trong khi Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) sử dụng MQ-9B SeaGuardian cho nhiệm vụ tuần tra biển. UAV tầm trung như ScanEagle cũng được sử dụng cho nhiệm vụ trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo.

V-BAT là dòng UAV cất-hạ cánh thẳng đứng, trang bị động cơ nhiên liệu nặng, hoạt động hơn 13 giờ và phù hợp với môi trường không có GPS. Thiết kế quạt gió bọc kín giúp vận hành an toàn trên tàu. UAV này có thể mang tải trọng 18kg, triển khai trong vòng 30 phút.  

V-BAT là dòng UAV cất-hạ cánh thẳng đứng, được thiết kế cho các nhiệm vụ trinh sát, giám sát và chỉ thị mục tiêu. Ảnh: Shield AI

Nhật Bản cũng dự định mua dòng UAV tấn công cỡ nhỏ với khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất, để hoạt động cùng với các nền tảng có người lái hoặc không người lái khác. Một dự án UAV khác cũng đang được tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries triển khai, bao gồm máy bay chở hàng không người lái có khả năng chở tối đa 200kg hàng hóa.

Nước này cũng đang phát triển mẫu UAV chiến đấu có khả năng hỗ trợ tiêm kích thế hệ thứ 6, dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2035. Ngoài ra, cơ quan mua sắm quốc phòng của Nhật Bản cũng đang thử nghiệm 8 UAV cỡ nhỏ được bàn giao trong năm 2025, nhằm tăng khả năng phối hợp giữa máy bay có người lái và không người lái.

TRẦN HOÀI (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.