* Đức sắp hoàn tất thỏa thuận với Mỹ để cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine

Trong chuyến thăm chính thức Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết Đức sắp hoàn tất thỏa thuận mua sắm quốc phòng lớn với Mỹ để chuyển giao 2 hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine.

Các hệ thống Patriot do Đức cung cấp đã được triển khai tại Ukraine. Ảnh: Chính phủ Ukraine

Thỏa thuận này đánh dấu một bước mở rộng đáng kể vai trò của Đức trong việc cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến của phương Tây cho Ukraine.

Kể từ tháng 4-2023, Ukraine đã nhận được ngày càng nhiều hệ thống tên lửa phòng không Patriot thông qua hợp tác đa quốc gia. Hệ thống này đã trở thành nòng cốt của năng lực phòng không tầm xa của Ukraine, được triển khai tại các khu vực ưu tiên như Kiev, các căn cứ không quân lớn và trung tâm hậu cần. 

Song song với việc mua và nhanh chóng chuyển giao 2 hệ thống Patriot, Đức cũng đã khởi động dây chuyền sản xuất tên lửa đánh chặn Patriot trong nước. Tuy nhiên, các lô hàng đầu tiên dự kiến sẽ không sẵn sàng trước năm 2026 hoặc đầu năm 2027. 

* Tàu hộ vệ BRP Miguel Malvar của Philippines bước vào giai đoạn thử nghiệm

Theo Thông tấn xã Philippines (Philippine News Agency), Hải quân Philippines đã bắt đầu tiến hành các cuộc kiểm tra năng lực và sẵn sàng tác chiến (ORACT) đối với tàu hộ vệ tên lửa mới nhất BRP Miguel Malvar (FFG-06), trước khi tàu chính thức đi vào hoạt động. Các cuộc thử nghiệm này nhằm đánh giá nghiêm ngặt năng lực tác chiến toàn diện của tàu và thủy thủ đoàn trong mọi lĩnh vực chiến tranh hải quân, phù hợp với tiêu chuẩn vận hành của Hải quân Philippines.

Tàu hộ vệ tên lửa BRP Miguel Malvar của Hải quân Philippines chuẩn bị cho việc triển khai tác chiến. Ảnh: Hải quân Philippines

Quy trình ORACT bao gồm 4 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là kiểm tra toàn diện tất cả các hệ thống tác chiến và hỗ trợ trên tàu, đánh giá trình độ chuyên môn của thủy thủ đoàn và xác nhận tính hiệu quả của các chiến thuật, quy trình tác chiến. Giai đoạn thứ hai nhằm phát hiện các thiếu sót về hệ thống hoặc quy trình thông qua các cuộc diễn tập và mô phỏng chiến đấu. Trong giai đoạn ba, các nhà sản xuất cùng các đơn vị hỗ trợ của Hải quân Philippines sẽ xử lý các hạn chế kỹ thuật và quy trình đã được xác định. Giai đoạn cuối cùng tích hợp tất cả các biện pháp khắc phục vào một hệ thống tổng thể, nhằm đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất và duy trì ổn định trong dài hạn.

BRP Miguel Malvar là tàu hộ vệ tên lửa do công ty HD Hyundai Heavy Industries của Hàn Quốc đóng. Về mặt kỹ thuật, BRP Miguel Malvar là bước phát triển vượt bậc so với lớp tàu hộ vệ Jose Rizal trước đó. Tàu có chiều dài 118m với thiết kế thân tàu có khả năng tàng hình cao hơn, hệ thống quản lý tác chiến tích hợp tốt hơn và khả năng sống sót cao hơn trước các mối đe dọa đa lĩnh vực.

Tàu được trang bị hải pháo Oto Melara 76mm Super Rapid, tên lửa đối hạm C-Star, ngư lôi chống ngầm Blue Shark, cùng khả năng tích hợp hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS) và bệ phóng thẳng đứng (VLS). Tàu còn có nhà chứa và sàn đáp cho trực thăng, cho phép phối hợp tác chiến chống ngầm và giám sát biển hiệu quả với lực lượng không quân hải quân.

* Nga lần đầu triển khai pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A nâng cấp

Mới đây, một đoạn video đăng tải trên mạng đã xác nhận việc lần đầu tiên Nga triển khai đưa vào tác chiến hệ thống pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A Solntsepyok được gắn trên khung gầm xe tăng T-80.

Mặc dù thông tin về cấu hình đã xuất hiện từ tháng 8-2024, nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có hình ảnh chiến trường nào được công bố. Đoạn video mới cho thấy hệ thống đang di chuyển vào vị trí và phóng loạt đạn nhiệt áp. Điều này cũng xác nhận rằng nhà máy Omsktransmash đang sản xuất các xe phóng TOS dựa trên cả khung gầm T-72 và T-80.

Khung gầm xe tăng T-80 của pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A Solntsepyok cung cấp công suất 1.250 mã lực nhờ động cơ GTD-1250 và đạt tốc độ lùi 11 km/giờ, một cải tiến đáng kể so với khung gầm T-72 vốn chỉ đạt 840 mã lực và tốc độ lùi 4 km/giờ. Ảnh: Military Leak

Biến thể được ghi nhận trong đoạn video được trang bị các biện pháp phòng vệ chống máy bay không người lái (UAV) như lưới chống UAV (lattice screens), thiết bị tác chiến điện tử chủ động cùng giáp phản ứng nổ Relikt được lắp trên khung gầm. Biến thể này vẫn sử dụng bệ phóng Object 634B quen thuộc của TOS-1A, nay được đặt trên thân xe sử dụng động cơ tua-bin khí. Theo chuyên gia, T-80 cung cấp công suất 1.250 mã lực nhờ động cơ GTD-1250 và đạt tốc độ lùi 11 km/giờ - một cải tiến rõ rệt so với T-72 với 840 mã lực và tốc độ lùi chỉ 4 km/giờ. Hệ thống động lực dạng mô-đun của T-80 cũng cho phép thay thế nhanh hơn ngoài thực địa so với động cơ hộp số truyền thống của T-72.

Quân đội Nga vẫn đang tiếp tục hiện đại hóa các hệ thống pháo phản lực nhiệt áp TOS. Phiên bản TOS-2 Tosochka được giới thiệu với tầm bắn 15km, sử dụng khung gầm bánh lốp Ural-63706, tích hợp cần cẩu tiếp đạn tự động và hệ thống điều khiển hỏa lực cải tiến.

TOS-3 Drakon ra mắt năm 2024, sử dụng giàn phóng mới với 15 ống, có hệ thống chế áp điện tử và giáp lồng chống UAV. Hệ thống này có tầm bắn 15-20km. Mặc dù số lượng ống phóng giảm xuống, nhưng nhờ sử dụng đạn mạnh hơn, hệ thống có thể đạt mức công phá tương đương hoặc vượt trội so với loạt bắn 24 rocket từ TOS-1A. Hiện tại, biến thể TOS-1A trên khung gầm T-80 vẫn chưa được đặt tên mới và vẫn giữ định danh Object 634B, sử dụng cùng cấu trúc bệ phóng như phiên bản gốc.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.