* Hải quân Mỹ tiếp nhận tàu tác chiến ven bờ USS Pierre

Hải quân Mỹ đã chính thức tiếp nhận tàu USS Pierre từ nhà máy Austal USA ở thành phố Mobile (Alabama). Đây là tàu thứ 19 và cũng là tàu cuối cùng thuộc biến thể Independence của lớp tàu tác chiến ven bờ, khép lại hơn 2 thập kỷ triển khai chương trình phát triển biến thể tàu tác chiến ven bờ này. 

Biến thể Independence của lớp tàu tác chiến ven bờ là loại tàu chiến tốc độ cao, mớn nước nông, thiết kế mô-đun, sử dụng cấu trúc ba thân hoàn toàn bằng vật liệu nhôm, giúp tăng độ ổn định và mở rộng không gian sàn bay. Tàu dài khoảng 127m, lượng giãn nước khoảng 3.200 tấn, sử dụng hệ thống động lực lai diesel và tua-bin khí, cho phép đạt tốc độ hơn 74km/giờ và tầm hoạt động 7.963km ở tốc độ 33km/giờ.

Thiết kế mô-đun cho thực hiện nhiều nhiệm vụ như tác chiến mặt nước, chống thủy lôi hoặc chống ngầm. Trang bị gồm pháo chính Mk 110 cỡ nòng 57mm, bệ phóng tên lửa RAM phòng thủ tầm gần, nhiều súng hạng nặng, sàn bay và nhà chứa máy bay hỗ trợ trực thăng MH-60R/S và máy bay không người lái (UAV) MQ-8 Fire Scout.

USS Pierre trong cuộc thử nghiệm trên biển vào tháng 6-2025. Ảnh: Austal USA 

USS Pierre đã tạo dấu ấn khi đạt điểm đánh giá chất lượng cao nhất trong các tàu tác chiến ven bờ 15 năm qua trong đợt thử nghiệm nghiệm thu đầu tháng 6-2025. Tàu sẽ gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương trong mùa thu năm nay, đóng tại San Diego (California), góp phần duy trì hiện diện và bảo đảm an ninh hàng hải tại các khu vực trọng yếu.

Lớp tàu tác chiến ven bờ gồm biến thể ba thân Independence và thân đơn Freedom, được thiết kế để có tốc độ cao, hoạt động ở vùng nước nông và linh hoạt các nhiệm vụ. Tàu có thể thực hiện các nhiệm vụ chống ngầm, phá thủy lôi và tác chiến mặt nước, đồng thời phối hợp nhịp nhàng với các chiến hạm lớn hơn trong đội hình hải quân phức hợp.

Việc hoàn tất đóng tàu lớp Independence được đánh giá là bước chuyển tiếp để Hải quân Mỹ ứng dụng các bài học kinh nghiệm vào thiết kế tàu chiến nhỏ và năng lực không người lái thế hệ tiếp theo.

* Pháp trình làng xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc XLR hiện đại tại lễ diễu binh

Tại lễ diễu binh mừng Quốc khánh Pháp diễn ra ngày 14-7 tại Paris, Quân đội Pháp sẽ lần đầu tiên trình làng xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc XLR, phiên bản nâng cấp toàn diện của dòng Leclerc. Sự kiện này đánh dấu việc Leclerc XLR chính thức được biên chế và thể hiện vai trò then chốt trong chiến lược hiện đại hóa lực lượng lục quân, đồng thời khẳng định năng lực quân sự tiên tiến của Pháp trước công chúng và bạn bè quốc tế.

Leclerc XLR là trụ cột trong sáng kiến đầy tham vọng nhằm tái cấu trúc và số hóa toàn diện lực lượng lục quân Pháp. Được phát triển bởi Nexter, Leclerc XLR được nâng cấp toàn diện so với phiên bản gốc, với hệ thống thông tin chỉ huy, mạng kết nối tác chiến nâng cấp và các hệ thống phòng vệ hiện đại. Những cải tiến này cho phép xe hoạt động đồng bộ với các phương tiện chiến đấu khác trong sáng kiến này như thiết giáp Jaguar EBRC và Griffon VBMR, từ đó đảm bảo khả năng chia sẻ dữ liệu nhanh chóng và phối hợp hỏa lực hiệu quả trong tác chiến cường độ cao.

Xe tăng dễ nhận biết nhờ tháp pháo T2 điều khiển từ xa, súng máy 7,62mm, giáp tăng cường, hệ thống điều khiển hỏa lực thế hệ mới và cảm biến phát hiện mối đe dọa tiên tiến. Leclerc XLR còn được nâng cấp khả năng chống mìn, thiết bị nổ tự chế và trang bị các công cụ nhận thức tình huống hiện đại. Hệ truyền động và hệ thống cơ động được cải tiến giúp xe cơ động tốt hơn trên nhiều địa hình.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc XLR mới của Quân đội Pháp xuất hiện trong buổi tổng duyệt cho lễ duyệt binh mừng Quốc khánh Pháp tại Paris. Ảnh: Army Recognition 

Sự xuất hiện của Leclerc XLR tại sự kiện cấp quốc gia thể hiện cam kết chiến lược quốc phòng của Pháp và năng lực công nghiệp quốc phòng của nước này. Với hàng chục chiếc đã bàn giao, Quân đội Pháp đang bước vào một kỷ nguyên mới trong tác chiến tăng thiết giáp.

Về mặt kỹ thuật, Leclerc XLR cải tiến nhiều so với phiên bản Leclerc S2, tập trung vào khả năng sống sót, kết nối và tương tác trên chiến trường. Trọng tâm của chương trình hiện đại hóa là hệ thống quản lý chiến trường số, cho phép chia sẻ dữ liệu thời gian thực, từ đó nâng cao nhận thức tình huống và khả năng phản ứng.

Pháo chính 120mm được giữ nguyên, nhưng hệ thống điều khiển hỏa lực đã được số hóa toàn bộ, giúp tăng xác suất bắn trúng ngay phát đầu, cải thiện khả năng bám và tiêu diệt mục tiêu nhanh hơn. Tháp T2 nâng cao phòng vệ tầm gần mà không lộ kíp lái. Hệ thống bảo vệ được nâng cấp bằng cách lắp thêm giáp mô-đun bao phủ 360 độ, gia cố phần bụng chống mìn và tích hợp hệ thống Barage, một biện pháp chế áp điện tử chống thiết bị nổ tự chế và UAV.

Ngoài ra, xe được trang bị camera lùi và thiết bị ảnh nhiệt thế mới. Chỉ huy và pháo thủ sử dụng cảm biến đa phổ hiện đại, giúp tăng khả năng phát hiện và độ chính xác nhận dạng mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết. Hệ thống điện và làm mát cũng được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của thiết bị điện tử mới và cảm biến hiện đại.

TRẦN HOÀI (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.