Giá dầu thế giới

Giá dầu thô giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 18-7 khi thị trường phản ứng trước loạt thông tin trái chiều về kinh tế và thuế quan tại Mỹ, cùng những lo ngại về nguồn cung dầu sau khi Liên minh châu Âu (EU) công bố gói trừng phạt mới nhằm vào Nga vì cuộc chiến tại Ukraine.

Theo Reuters, kết thúc phiên giao dịch ngày 18-7, giá dầu Brent giảm 24 cent/thùng, tương đương 0,3%, xuống còn 69,28 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng giảm 20 cent/thùng, tương đương 0,3%, xuống còn 67,34 USD/thùng.

Tại Mỹ, hoạt động xây dựng nhà ở đơn lập trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng qua, do lãi suất thế chấp cao và bất ổn kinh tế làm “chùn bước” người mua, cho thấy đầu tư vào bất động sản nhà ở tiếp tục suy giảm trong quý II.

Tuy nhiên, một báo cáo khác lại phản ánh tâm lý người tiêu dùng tại Mỹ đã cải thiện trong tháng 7 và người dân cũng kỳ vọng lạm phát tiếp tục giảm. Lạm phát hạ nhiệt sẽ tạo điều kiện để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, giúp giảm chi phí vay mượn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu tiêu thụ dầu.

 Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 18-7. Ảnh minh họa: Bizz Buzz

Trong một diễn biến khác, tờ Financial Times đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn áp mức thuế tối thiểu từ 15% đến 20% trong mọi thỏa thuận với EU. Ngoài ra, chính quyền Mỹ còn cân nhắc áp thuế đối ứng trên 10%, kể cả khi hai bên đã đạt được thỏa thuận.

“Với các mức thuế đối ứng đang được tính toán, cùng các loại thuế theo ngành đã công bố, thuế suất hiệu dụng của Mỹ có thể vượt quá 25% - mức cao chưa từng thấy kể từ thập niên 1930. Trong vài tháng tới, các mức thuế này sẽ dần phản ánh vào chỉ số lạm phát”, các nhà phân tích của Citi Research nhận định.

Lạm phát gia tăng có thể đẩy giá cả tiêu dùng lên cao, làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và kéo theo nhu cầu dầu mỏ giảm.

Tại châu Âu, EU đạt thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga liên quan đến chiến sự Ukraine, với loạt biện pháp nhắm vào ngành dầu mỏ và năng lượng.

“Thị trường phản ứng khá “nhẹ” trước các lệnh trừng phạt mới của Mỹ và EU đối với dầu mỏ Nga trong tuần qua. Điều này phản ánh sự hoài nghi của giới đầu tư về việc liệu Tổng thống Donald Trump có thực hiện các lệnh đe dọa hay không, đồng thời nghi ngờ hiệu quả của các biện pháp trừng phạt mới từ châu Âu”, nhóm chuyên gia tại Capital Economics nhận xét.

  Ảnh minh họa: Thoughtco 

Theo Reuters đưa tin, EU cũng sẽ ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế có nguồn gốc từ dầu thô Nga. Cao ủy Chính sách Đối ngoại EU Kaja Kallas cho biết EU đã đưa nhà máy lọc dầu lớn nhất tại Ấn Độ của Công ty dầu mỏ nhà nước Rosneft (Nga) vào danh sách trừng phạt.

Theo dữ liệu từ Kpler, Ấn Độ hiện là nước nhập khẩu dầu từ Nga lớn nhất, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ ba.

“Động thái này cho thấy thị trường đang lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu diesel vào châu Âu, do Ấn Độ từng là một nguồn cung đáng kể”, ông Janiv Shah, Phó chủ tịch phụ trách thị trường dầu mỏ của Rystad Energy nhận định.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 19-7, cụ thể như sau:

- Xăng E5RON92: Không cao hơn 19.481 đồng/lít.

- Xăng RON95-III: Không cao hơn 19.925 đồng/lít.

- Dầu diesel 0.05S: Không cao hơn 18.799 đồng/lít.

- Dầu hỏa: Không cao hơn 18.429 đồng/lít.

- Dầu mazut 180CST 3.5S: Không cao hơn 15.478 đồng/kg.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giá bán lẻ xăng dầu từ 15 giờ chiều 17-7. Theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 178 đồng/lít, xăng RON95-III giảm 165 đồng/lít; giá dầu diesel giảm 38 đồng/lít; dầu hỏa tăng 58 đồng/lít; giá dầu mazut giảm 85 đồng/kg.

Kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.

Cũng theo liên bộ, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của các yếu tố chủ yếu như: Tồn kho dầu thô của Mỹ giảm, trong khi tồn kho sản phẩm chưng cất tăng; OPEC+ dự báo nhu cầu dầu tiếp tục tăng trong quý III; thông tin về chính sách thuế nhập khẩu mới của Mỹ đối với hàng hóa của các đối tác thương mại; xung đột quân sự giữa Nga với Ukraine vẫn tiếp diễn… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua biến động lên, xuống tùy từng mặt hàng.

ĐỨC AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.