Trong lịch sử, Canada luôn là điểm đến được lựa chọn cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của các đời Tổng thống Mỹ, ngoại trừ hai ông Jimmy Carter và Donald Trump. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã hai lần ngăn cản ông Biden thực hiện chuyến thăm. Mặc dù chuyến đi lần này được xem là muộn màng, nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để xem xét các vấn đề cấp bách mà cả hai nước đang đối mặt.

Ngay khi đặt chân đến Ottawa, Tổng thống Mỹ đã có cuộc gặp riêng với Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau tại dinh thự Thủ tướng. Dự kiến trong chuyến thăm kéo dài hai ngày, lãnh đạo Mỹ và Canada sẽ thảo luận một loạt vấn đề, như: Quốc phòng, an ninh, năng lượng, thương mại và di cư. Đồng thời, Tổng thống Mỹ sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Canada.

leftcenterrightdel
Tổng thống Joe Biden và đệ nhất phu nhân Jill Biden (ngoài cùng, bên trái) cùng Thủ tướng Canada Justin Trudeau và phu nhân Sophie Gregoire Trudeau. Ảnh: AP 

Một số nguồn tin cho biết, ngoài những vấn đề toàn cầu đáng quan tâm, hai bên cũng sẽ tập trung vào việc làm thế nào để tăng cường sức mạnh cho nhau. Cuộc xung đột tại Ukraine đang khiến vấn đề phòng thủ khu vực Bắc Mỹ trở thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Canada từng cam kết chi 40 tỷ CAD trong 20 năm tới để hiện đại hóa Bộ chỉ huy phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD), trong đó có việc tiếp nhận chuyển giao từ Mỹ hệ thống radar vượt tuyến và mua sắm máy bay chiến đấu F-35.

Hợp tác giữa Mỹ và Canada nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư cũng là vấn đề hai bên đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hai quốc gia Bắc Mỹ đang phải chịu áp lực giải quyết vấn đề nhập cư trái phép ngày càng tăng. Politico dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, Washington và Ottawa đã đạt được thỏa thuận cho phép cả hai nước từ chối những người vượt biên bất hợp pháp để xin tị nạn. Dự kiến, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Justin Trudeau sẽ thông báo về thỏa thuận này sau khi hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp song phương tại Ottawa.

Dòng người xin tị nạn từ Mỹ vào Canada đã tăng đột biến, tới gần 40.000 người trong năm ngoái, nhiều người đi qua cửa khẩu không chính thức như đường Roxham. Theo số liệu thống kê từ phía Mỹ, số người tìm cách vượt biên trái phép từ Canada vào xứ cờ hoa cũng tăng gấp đôi trong thời gian qua.

Khơi thông dòng chảy thương mại tự do giữa Canada và Mỹ cũng là vấn đề quan trọng đối với cả hai nước. Mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Canada lâu nay vẫn tồn tại nhiều bất đồng, trong đó có việc Washington khấu trừ thêm thuế cho các loại ô tô điện do các công nhân Mỹ chế tạo, Canada áp thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ đa quốc gia, mức thuế Mỹ áp với gỗ xẻ mềm nhập khẩu từ Canada...

Tuy nhiên, những bất đồng này đã bị lu mờ trước những thách thức lớn trên toàn cầu mà hai nước đang phải đối mặt. Bởi thế, Hiệp định Thương mại tự do Mỹ-Canada-Mexico (USMCA) được cho là một "trụ cột cơ bản" trong nỗ lực của Washington và Ottawa thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung.

Canada mong muốn tăng cường hợp tác với Mỹ trong một số lĩnh vực như xe điện, ô tô, khoáng sản... Canada hiện phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ thương mại với Mỹ. Mối quan hệ này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động. Thêm vào đó, thúc đẩy thương mại khu vực Bắc Mỹ giúp các nước trong khu vực giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là linh kiện bán dẫn từ các quốc gia châu Á.

Có quá nhiều vấn đề cần bàn thảo giữa hai láng giềng, hai đối tác Mỹ-Canada, nhưng trên hết, chuyến đi này sẽ mang lại cơ hội để hai bên cùng đánh giá và đi tới cải thiện các mối quan hệ. Như Thủ tướng Trudeau từng phát biểu khi đề cập tới chuyến thăm của ông Biden rằng: “Canada và Mỹ là đồng minh, láng giềng và quan trọng nhất là bạn bè”. Đối mặt với những thách thức khó lường hiện nay, mối quan hệ càng gắn kết sẽ càng giúp hai đồng minh có nhiều cơ hội phối hợp để cùng bảo vệ các giá trị chung.

HÙNG HÀ