Kyodo News đưa tin, ngày 12-1 (giờ địa phương), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tiếp người đồng cấp Nhật Bản Hamada Yasukazu tại Lầu Năm Góc. Tại cuộc gặp, hai bên nhất trí ngay lập tức tiến hành thảo luận chuyên sâu về vai trò, nhiệm vụ của mỗi nước trong liên minh quân sự Mỹ-Nhật, dựa trên việc củng cố khả năng phòng thủ và xây dựng hiệu quả năng lực phản công của Nhật Bản. Ngoài ra, hai bên còn ký các thỏa thuận thúc đẩy hợp tác phát triển trang thiết bị quân sự và công nghệ mới, đồng thời bảo đảm chuỗi cung ứng quốc phòng.

Theo AFP, phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày, Chuẩn tướng Pat Ryder, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc cho biết, Bộ trưởng Austin đã nêu rõ cam kết vững chắc của Mỹ đối với việc bảo vệ Nhật Bản. “Hai bên tái khẳng định quan hệ đồng minh trước những thách thức và góp phần thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, AFP dẫn lời Chuẩn tướng Ryder.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tiếp người đồng cấp Nhật Bản Hamada Yasukazu tại Lầu Năm Góc. Ảnh: AP 

Trước đó một ngày, Mỹ và Nhật Bản tiến hành cuộc đối thoại an ninh 2+2. Tại đối thoại, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Austin cùng những người đồng cấp Hayashi Yoshimasa và Hamada Yasukazu của Nhật Bản cũng cam kết tăng cường năng lực răn đe và nhất trí mở rộng phạm vi của hợp tác an ninh giữa hai nước sang lĩnh vực không gian. Theo đó, hai bên thống nhất có thể sẽ kích hoạt Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, điều khoản phòng thủ chung của hiệp ước, trong trường hợp có các cuộc tấn công tới từ không gian hoặc trong không gian. Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng đã đưa ra tầm nhìn về một liên minh hiện đại hóa để sẵn sàng thắng thế trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược mới, cũng như tuyên bố liên minh Mỹ-Nhật là nền tảng hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Cũng tại đối thoại, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của hai nước thống nhất vào năm 2025 sẽ triển khai thêm một đơn vị thủy quân lục chiến phản ứng nhanh của Mỹ, mặc dù tổng số binh sĩ Mỹ tại Nhật Bản được cho là không thay đổi, có thể tiến hành các hoạt động phòng thủ cả trên biển và trên không tại đảo Okinawa nằm ở phía Nam Nhật Bản. Theo Reuters, Mỹ và Nhật Bản đạt thỏa thuận này sau gần một năm đàm phán.

Những hoạt động trên diễn ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 13-1 (giờ địa phương) tại thủ đô Washington DC. Reuters đưa tin, Nhà Trắng thông báo cuộc gặp này nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ giữa chính phủ, nền kinh tế và nhân dân hai nước. Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo sẽ trao đổi các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm.

Trước đó, Nội các Nhật Bản thông qua bản cập nhật Chiến lược an ninh quốc gia và hai văn kiện quan trọng khác về quốc phòng vào trung tuần tháng 12-2022, trong đó đề cập đến việc sở hữu khả năng phản công để đối phó với cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo. Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng việc có khả năng phản công sẽ đóng vai trò răn đe ngăn cản kẻ thù tấn công. Các tài liệu trên cũng nêu lên kế hoạch của nước này tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai với ước tính 43.000 tỷ yên (khoảng 320 tỷ USD), tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho giai đoạn 2023-2027, vượt qua giới hạn chi tiêu 1% tự đặt ra từ nhiều thập kỷ qua. Mặt khác, những chiến lược mới đang thể hiện rõ cam kết của Tokyo trong việc đầu tư nâng cao năng lực để đảm nhận vai trò mới cũng như thúc đẩy hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn nữa với đồng minh Mỹ và các đối tác chung của hai nước.

VĂN HIẾU