Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Mỹ diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về khả năng xảy ra các vụ thử tên lửa đạn đạo tiếp theo của Triều Tiên, sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc và chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Theo tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, lãnh đạo hai bên đã nhất trí thảo luận về việc mở rộng "phạm vi và quy mô" của các cuộc tập trận và huấn luyện quân sự xung quanh bán đảo Triều Tiên.

“Trong nhiều thập kỷ, liên minh của chúng ta là cơ sở chính cho hòa bình khu vực, tăng trưởng và thịnh vượng... Ngày nay, sự hợp tác của chúng ta là điều cần thiết để duy trì sự ổn định trên toàn cầu... Chúng ta đang làm việc cùng nhau để đón nhận cả cơ hội và thách thức trong thời điểm hiện tại: Tiếp tục chống lại đại dịch Covid-19, bảo đảm chuỗi cung ứng, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường hợp tác an ninh để đáp ứng các thách thức khu vực, bảo đảm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực tự do và rộng mở", Yonhap dẫn tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

leftcenterrightdel

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong cuộc họp báo chung ngày 21-5 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP 

Cũng tại hội nghị này, hai tổng thống nhấn mạnh tầm quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu. “Vấn đề bảo đảm chuỗi cung ứng nguyên liệu cần thiết cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta và sản xuất công nghiệp có liên quan trực tiếp đến nền kinh tế, sinh kế của người dân, nên vấn đề này cần được giải quyết trên cơ sở an ninh quốc gia và an ninh quân sự", Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu. Theo đó, các nhà lãnh đạo hai nước đã nhất trí tăng cường quan hệ đối tác trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng khu vực quốc phòng, phát triển và sản xuất chung, đồng thời thảo luận về một thỏa thuận mua sắm quốc phòng song phương.

Hợp tác công nghệ nổi lên như một trụ cột quan trọng của mối quan hệ song phương Hàn Quốc-Mỹ khi ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới thăm nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Samsung Electronics tại Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi. Tập đoàn Samsung hồi cuối năm ngoái đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn trị giá 17 tỷ USD tại bang Texas, Mỹ.

Hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc-Mỹ cũng nhất trí làm việc cùng nhau để phát triển Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), một sáng kiến do Mỹ khởi động nhằm bảo đảm khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, thiết lập các quy tắc của nền kinh tế kỹ thuật số, đầu tư vào năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng. IPEF dự kiến được chính thức công bố trong thời gian Tổng thống Joe Biden thăm Nhật Bản-chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du châu Á của nhà lãnh đạo Mỹ. Hai bên nhất trí rằng Seoul sẽ tổ chức một văn phòng điều phối an ninh y tế toàn cầu, hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để đạt được các mục tiêu về giảm khí nhà kính và trung hòa carbon.

Ngày 22-5, Tổng thống Joe Biden đã rời Hàn Quốc bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ (QUAD). Dư luận quốc tế đánh giá chuyến công du châu Á kéo dài 5 ngày của Tổng thống Joe Biden là một phần trong nỗ lực nhằm trấn an các đồng minh về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và rằng việc tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol lên nắm quyền là một cơ hội quan trọng để Mỹ thắt chặt quan hệ đồng minh hơn nữa với Hàn Quốc. Qua đó cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc tiếp tục chuyển trọng tâm chiến lược của mình về phía Đông.

PHƯƠNG THẢO