Không ngừng học tập và lao động

Tôi hẹn gặp CCB Nguyễn Văn Sửu nhưng ông khất mấy lần vì bận công việc. Rồi ông cũng thu xếp được thời gian để trò chuyện cùng tôi. Năm 1965, chàng thanh niên Nguyễn Văn Sửu nhập ngũ, làm nhiệm vụ trực chiến tại biển Cửa Sót, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đến năm 1969, Nguyễn Văn Sửu được điều động vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.

Tuy nhiên, trên đường hành quân, chiến sĩ Nguyễn Văn Sửu bị chảy máu dạ dày nên đơn vị chuyển về bệnh viện để điều trị. Sau đó, Nguyễn Văn Sửu về quê đi học Trường Trung cấp Sư phạm Hà Tĩnh và trở thành giáo viên công tác tại Trường THCS Thạch Bằng (huyện Thạch Hà, nay là huyện Lộc Hà). Năm 1991, do yêu cầu tinh giản biên chế, thầy giáo Nguyễn Văn Sửu được nghỉ hưu khi mới 45 tuổi. Ở tuổi tứ tuần, ông Sửu tiếp tục đăng ký đi học chuyên tu ngành giao thông vận tải tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An. 

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sửu.

Trong một lần họp mặt đồng hương, ông kêu gọi đồng đội, bạn hữu đã nghỉ hưu góp vốn cùng làm ăn. Với uy tín của mình, ông được 11 đồng đội tin tưởng góp vốn ủng hộ. Năm 1992, Công ty TNHH Giao thông và Thủy lợi Nghệ An ra đời với vốn điều lệ 2 tỷ đồng, đến năm 2000 đổi tên thành Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng miền Trung, đảm nhận thi công nhiều công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, công trình giao thông vận tải, thủy lợi...

Phẩm chất của người lính và nhà giáo hội tụ, công ty của ông đã tạo được uy tín trên thị trường xây dựng lúc bấy giờ. Công ty liên tục trúng nhiều gói thầu lớn. Tổng doanh thu liên tục tăng theo từng năm, thời điểm cao nhất lên tới 300 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 70 công nhân.

Nghỉ hưu rồi mới chuyển sang làm kinh tế ở độ tuổi không còn trẻ, nên những ngày đầu thành lập, công ty của ông Sửu gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn, thị trường biến động... Nhiều công trình ông phải lấy công làm lãi. Tuy nhiên, ông Sửu vẫn kiên định, quyết tâm vượt khó, từng bước đưa công ty phát triển.

Theo ông Sửu, chất lượng công trình chính là “chìa khóa” giúp ông thành công. Sau nhiều năm gắn bó với các công trình xây dựng, nay tuổi đã cao, ông chọn về quê (xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà) đầu tư trang trại để chăn nuôi lợn thương phẩm với quy mô hơn 4.000 con trên diện tích 6,3ha. Ông tâm sự: “Tôi muốn ở quê lúc tuổi già, làm trang trại phù hợp với sức khỏe của bản thân, cũng là góp sức xây dựng kinh tế cho quê hương. Hơn nữa, tôi muốn lao động, học tập để không bị lạc hậu với thời cuộc”.

Giàu lòng trắc ẩn

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo nên trong tâm khảm ông Sửu đầy lòng trắc ẩn với những cảnh nghèo, ông luôn tâm niệm phải sẻ chia, giúp đỡ những người không may mắn và khó khăn hơn. Từ khi thành lập doanh nghiệp, ông tích cực tham gia hoạt động từ thiện, an sinh xã hội như làm nhà tình nghĩa, đóng góp vào các quỹ: “Vì người nghèo”, “Nạn nhân chất độc da cam”, “Khuyến học”, tham gia xây dựng nông thôn mới... Nhận công trình nào, ở đâu, ông cũng trích một phần lợi nhuận để tri ân các gia đình chính sách, giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh.

Ông Sửu đã bỏ ra hàng tỷ đồng cùng xây dựng 63 nhà tình nghĩa. Ông chẳng nhớ rõ họ tên, địa chỉ cụ thể những người mình đã giúp đỡ. Nhiều gia đình chủ động tìm số điện thoại, hỏi địa chỉ của ông để tới nói lời cảm ơn.

Hai chị em bà Chu Thị Lan và Chu Thị Quế ở thôn Đại Đồng, xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) mỗi lần nhắc đến ông Sửu đều bày tỏ lòng cảm kích, biết ơn. Cách đây 5 năm, hai người phụ nữ đơn thân, già yếu từng sống trong một căn nhà đã xuống cấp, sau mỗi trận mưa bão, căn nhà càng thêm xơ xác. Khoảng thời gian đó, ông Nguyễn Văn Sửu đang thi công một công trình trên địa bàn xã Cương Gián. Nghe người dân kể về hoàn cảnh đáng thương của hai chị em bà Lan, ông ngỏ ý muốn xây dựng căn nhà tặng hai bà. Bài Quế nhớ lại: “Bác Sửu đưa toàn bộ công nhân, vật liệu đến làm nhà, xong hoàn chỉnh thì bàn giao chìa khóa cho chúng tôi vào ở luôn. Thỉnh thoảng bác ấy còn gửi gạo, gửi quà cho hai chị em. Dạo trước, tôi thường gọi điện hỏi thăm sức khỏe bác ấy, nhưng chiếc điện thoại cũ đã hỏng, mất số nên không cách nào liên lạc được. Cô có số điện thoại của bác Sửu, lưu vào máy giúp tôi với!”.

Vào năm 2022, nhà thờ cúng liệt sĩ Phan Văn Mạch ở thôn Tân Thượng, xã Tân Lộc đã hoàn thành và đưa vào thờ tự. Ngôi nhà rộng khoảng 50m2, trị giá gần 140 triệu đồng, trong đó CCB Nguyễn Văn Sửu ủng hộ 80 triệu đồng. Gia đình liệt sĩ Phan Văn Mạch có hai chị em, chị gái đi lấy chồng xa tận Đắk Lắk. Phan Văn Mạch vì lên đường nhập ngũ, vào chiến trường nên cưới vợ chỉ qua thư từ, chưa kịp gặp mặt vợ thì đã hy sinh.

Sau khi chồng mất, người vợ đi thêm bước nữa. Lâu nay, việc thờ tự, giỗ chạp liệt sĩ Phan Văn Mạch do các cháu nội tộc thực hiện ở bàn thờ chung. Vì vậy, khi được chính quyền các cấp và các nhà hảo tâm giúp đỡ xây nơi thờ phụng riêng, gia đình liệt sĩ Phan Văn Mạch rất xúc động. Bà Phan Thị Phận, chị gái của liệt sĩ Phan Văn Mạch khi trở về đã không cầm được nước mắt vì sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương và đặc biệt là CCB Nguyễn Văn Sửu đã giúp em trai bà có nơi thờ tự đàng hoàng.

Dù đã 93 tuổi nhưng bà Phận vẫn nhờ con cháu tìm gặp ông Sửu cho bằng được để nói lời cảm ơn. Về đến quê, bà Phận mang theo một giỏ quà, bảo là chút quà quê cảm ơn nhưng ông Sửu kiên quyết không nhận. Đến hôm chuẩn bị trở vào Đắk Lắk, bà lại một lần nữa đến chào tạm biệt ông. Ông Sửu tâm sự: “Tình cảm và sự chu đáo của mọi người khiến tôi thực sự rất cảm động, dù thấy rằng sự giúp đỡ của mình chưa có gì nhiều...”. Nói rồi, mắt ông Sửu ngấn lệ. Dường như, người đàn ông từng trải, kinh qua chiến trường và thương trường này đầy lòng trắc ẩn và dễ xúc động.

Đang dở câu chuyện, điện thoại của CCB Nguyễn Văn Sửu đổ chuông, đó là cuộc gọi của một người bạn trong Hội CCB. Ông Sửu ân cần nói: “Ông cứ lo việc cho vợ chu toàn đi. Số tiền còn thiếu tôi, khi nào trả cũng được”. Tình cờ nghe cuộc điện thoại đó, tôi mới hay, ông Sửu có người bạn CCB tên là TL. Một thời gian dài vợ ông TL mắc bệnh nan y, bao nhiêu tiền của trong nhà ông phải gom góp, chạy chữa cho vợ. Có mấy ao nuôi trồng thủy sản nhưng cũng chẳng còn vốn liếng để đầu tư. Thấy hoàn cảnh của bạn khó khăn, ông Sửu đã cho ông TL vay 400 triệu đồng, không lấy lãi để đầu tư nuôi tôm. Sau hai vụ tôm, ông T.L đã dần ổn định cuộc sống, có tiền chữa bệnh cho vợ, trang trải cuộc sống. Ông TL là một trong số nhiều CCB khó khăn được CCB Nguyễn Văn Sửu giúp đỡ. 

Đồng chí Nguyễn Duy Đoàn, Chủ tịch UBND xã Tân Lộc cho biết: “Mới đây, ông Sửu đã hỗ trợ ông Ngô Đức Diệu, CCB có hoàn cảnh khó khăn 120 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Ông Sửu cũng đóng góp hàng trăm triệu đồng giúp xã làm đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng để xây dựng nông thôn mới, đóng góp các hoạt động an sinh xã hội... CCB Nguyễn Văn Sửu làm kinh tế giỏi nhưng hơn hết, ông có tấm lòng thơm thảo, sẻ chia với cộng đồng”.

Là người làm kinh tế giỏi, lại có uy tín nên khi Hội Doanh nhân CCB tỉnh Hà Tĩnh được thành lập, CCB Nguyễn Văn Sửu đã được tín nhiệm bầu giữ chức Phó chủ tịch và nay là Chủ tịch Hội. Dưới sự kết nối của ông Sửu, các hội viên tích cực giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Tổng doanh thu hằng năm của các hội viên đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động, trong đó có nhiều con em CCB. Với những đóng góp tích cực của mình, năm 2016, CCB Nguyễn Văn Sửu vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" xem các tin, bài liên quan.