Lễ tổng kết, trao giải càng thêm ý nghĩa khi diễn ra trong không khí cả nước đang hân hoan tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2024) và 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024). Đây là dịp tôn vinh, lan tỏa các tấm gương tiêu biểu Bộ đội Cụ Hồ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực; qua đó góp phần nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt, thiết thực đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đến dự chương trình có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Bế Xuân Trường, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban tổ chức cuộc thi; các đồng chí tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân; đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương; đại biểu các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và đại biểu lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị; đại diện các nhà tài trợ, đồng hành của cuộc thi; cùng các tác giả, nhân vật trong các tác phẩm đoạt giải cuộc thi và đông đảo người dân Thủ đô Hà Nội...

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cùng Ban tổ chức và các tác giả, nhân vật trong tác phẩm đoạt giải của cuộc thi. Ảnh: TUẤN HUY 

Tỏa sáng khí phách anh hùng

Mở đầu buổi lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết diễn ra trong không gian nghệ thuật hào hùng, như khắc họa những chiến công hiển hách của Quân đội ta từ những ngày đầu thành lập, qua ca khúc “Quân đội ta-Quân đội anh hùng” của Văn An, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” của Huy Thục, do các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội thể hiện.

Rất nhiều người có mặt trong buổi lễ xúc động khi thấy Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, ngồi dưới hàng ghế đại biểu. Những ngày gần đến lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước tích cực tập luyện để chuẩn bị sức khỏe đến dự chương trình. Ông là nhân vật trong tác phẩm “Dũng tướng uy danh trận mạc, tài đức vẹn toàn” của tác giả Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, đoạt giải A của cuộc thi. Khi đại diện Ban tổ chức cuộc thi đến nhà thăm và gửi giấy mời, ông không khỏi xúc động, hẹn sẽ bằng tình cảm và trách nhiệm của mình cố gắng đến dự bằng được, đến để gặp gỡ đồng đội từng vào sinh ra tử, để chứng kiến thế hệ trẻ đang vững vàng tiếp bước cha ông... Với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, đây là sự kiện rất ý nghĩa, bởi năm nay ông đã 98 tuổi. Ông cũng là nhân vật nhiều tuổi nhất được tôn vinh trong cuộc thi năm nay. Ở ông, như Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu đã viết: “Ở cốt cách con người anh, trí dũng đã hòa quyện với nhân văn”.

Trước ngày diễn ra lễ tổng kết, trao giải cuộc thi, đông đảo tác giả, nhân vật của cuộc thi từ các tỉnh, thành phố đã về Thủ đô Hà Nội. Thượng tướng, PGS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, đã từ miền Trung ra Hà Nội từ nhiều ngày trước. Ông là nhân vật trong tác phẩm “Thượng tướng Võ Tiến Trung: Nguyện cống hiến trọn đời vì cách mạng” của nhóm tác giả Nguyễn Hồng Hải, Phạm Hoàng Hà, Hoàng Liên Việt, được trao tặng giải A của cuộc thi. Trong bữa cơm thân mật giữa cán bộ, phóng viên của Báo QĐND và tác giả, nhân vật của cuộc thi, được trò chuyện, tiếp xúc với ông, chúng tôi càng cảm nhận đúng như lời Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ phát biểu trong Lễ báo công dâng Bác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng 6-12, những người như ông luôn là niềm cảm hứng sâu xa cho tinh thần, khí phách Việt Nam, tiêu biểu cho một thế hệ Bộ đội Cụ Hồ oai phong lẫm liệt trước kẻ thù và rất gần gũi, khiêm nhường với nhân dân, đồng đội.

Lần đầu tiên, cuộc thi trao giải Đặc biệt cho tác phẩm viết về một nhân vật đặc biệt, đó là Đại tướng Phạm Văn Trà, nhân vật trong tác phẩm “Dấu chân Đại tướng Ba Trà” của tác giả Trần Hoàng Tiến. Đi qua hai cuộc trường chinh của dân tộc ta, 53 năm quân ngũ, dấu chân Đại tướng Phạm Văn Trà đã in khắp các chiến trường, mưu trí sáng tạo, anh dũng tuyệt vời, được đồng đội tôn vinh, Đảng và Nhà nước vinh danh là Anh hùng LLVT nhân dân. Thời bình, ông vẫn tiếp nối phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, đi khắp mọi miền Tổ quốc làm việc thiện, việc nghĩa, chăm lo các vấn đề kinh tế và văn hóa cho đồng bào ta, để tinh thần của Đảng, để nét đẹp văn hóa dân tộc ta mãi mãi sâu rễ bền gốc trong nhân dân. Được thấy các tướng lĩnh, anh hùng như các ông trên sân khấu buổi lễ, thế hệ hôm nay như được tiếp thêm niềm tự hào về truyền thống cha ông và nguyện viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc.

Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: TUẤN HUY 

Tôn vinh những cống hiến thầm lặng

Ngồi dưới hàng ghế đại biểu, vợ chồng Thiếu tá QNCN Giàng Thị Tâm, y sĩ Bệnh xá Quân dân y, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 379, Quân khu 2 không giấu được sự xúc động khi từ Nậm Pồ (Điện Biên) về dự chương trình. Giàng Thị Tâm là nhân vật trong tác phẩm “Nữ quân y người Mông hơn 20 năm chữa bệnh, cứu người ở Nậm Pồ” của tác giả Đào Duy Tuấn, đoạt giải C của cuộc thi. Thiếu tá QNCN Giàng Thị Tâm kể, vì vợ chồng chị cùng đơn vị nên khi nhận được giấy mời của Ban tổ chức cuộc thi, anh chị đã báo cáo chỉ huy để được cùng về Hà Nội dự chương trình. Đây không chỉ là niềm vui của chị Tâm mà còn là niềm tự hào của anh, người chồng, người đồng đội đã gắn bó cùng chị từ những ngày gian khó.

Trong những tấm gương bình dị mà cao quý được cuộc thi năm nay phát hiện, tôn vinh, có rất nhiều nhân vật là quân nhân, cựu chiến binh đang ngày đêm cống hiến, đóng góp tâm sức nơi vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc. Ví như ở nơi biên cương Tây Bắc của Tổ quốc có Đại tá Tao Văn Khứn, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lai Châu (trước đây), nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên, nhân vật trong tác phẩm “Ông đại tá của bản Pá Có” của tác giả Phan Thị Hương. Sau 35 năm quân ngũ, ông trở về với quê hương Nậm Pồ nghèo khó, làm phó bí thư chi bộ, rồi lại làm trưởng bản. Một đại tá, trưởng bản, một đảng viên miệng nói tay làm, tích cực học tập và làm theo Bác mẫu mực ở cơ sở.

Tiếp nối và đồng hành với những tấm gương cha anh, cuộc thi cũng phát hiện, tôn vinh nhiều nhân vật là những cán bộ, sĩ quan, hạ sĩ quan trẻ đang âm thầm và đầy nhiệt huyết cống hiến tài năng, sức lực của mình trên các lĩnh vực. Đó là Thượng sĩ Lê Đức Chính, học viên chuyên ngành sĩ quan chỉ huy-tham mưu thông tin hải quân, Trường Sĩ quan Thông tin-nhân vật trẻ tuổi nhất của cuộc thi viết lần này, 21 tuổi, với thành tích học tập rất đáng tự hào, là nhân vật trong tác phẩm “Chàng thượng sĩ 3 lần đoạt giải Olympic Toán học toàn quốc” của nhóm tác giả Vũ Duy Hiển, Hoàng Tuấn Anh. Đó là chàng sĩ quan trẻ sinh năm 1996 Lê Huỳnh, Trung tâm 286, Bộ tư lệnh 86, được mệnh danh là "cây sáng kiến" của đơn vị với nhiều đề tài nghiên cứu mang tính đột phá trong bảo đảm an toàn thông tin, nhân vật trong tác phẩm “Đội trưởng với biệt tài vá lỗ hổng, trị “nhện độc” của tác giả Đặng Trung Kiên.

Tiếp tục nhân lên những “bông hoa đẹp”

Những con người bình dị với những việc làm hết sức cao quý đi vào những trang viết của Cuộc thi viết lần thứ 15 đã phản ánh một cách toàn diện, sinh động, sâu sắc hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ; góp phần khẳng định truyền thống của Quân đội anh hùng và không ngừng bồi đắp, tô thắm, lan tỏa phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình. Bên cạnh đó, thành công của Cuộc thi viết lần thứ 15 là đã thu hút lượng tác giả, tác phẩm lớn tham dự, với cách thể hiện hấp dẫn, công phu, đầu tư kỹ lưỡng. Càng sâu sắc hơn khi trong số các tác giả tham dự cuộc thi năm nay, có rất nhiều tác giả là quân nhân viết về chính đồng đội của mình. Bởi vậy, như một lẽ tự nhiên, họ viết về các nhân vật vốn gần gũi hằng ngày với sự mộc mạc nhất nhưng cũng chân thật, sinh động, ý nghĩa hơn ai hết.

Phát biểu tại buổi lễ tổng kết, trao giải cuộc thi, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ghi nhận, biểu dương Báo QĐND cùng các cơ quan, đơn vị đã tổ chức tốt và duy trì cuộc thi liên tục trong suốt 15 năm qua (toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo hôm nay).

15 lần tổ chức là một minh chứng sinh động cho sức sống, ý nghĩa, sự lan tỏa của cuộc thi. Và càng về sau, năng lượng, nội lực của cuộc thi càng nhiều, những tấm gương ngày càng mang tính thuyết phục cao. Dù có viết thế hay nhiều hơn nữa thì những tấm gương người tốt, việc tốt trên đất nước ta vẫn không bao giờ vơi cạn, nhiệm vụ của báo chí là phải có mắt sáng, lòng trong, bút sắc để phát hiện, tôn vinh, lan tỏa rộng rãi hơn. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của báo chí trong giai đoạn hiện nay. Với ý nghĩa ấy, để tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phát huy kết quả đạt được qua 15 lần tổ chức, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ thay mặt Ban tổ chức phát động Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 16 (năm 2024-2025).

Buổi lễ tổng kết, trao giải khép lại trong giai điệu ca khúc “Hát mãi khúc quân hành”, nhưng sức sống, sức lan tỏa của cuộc thi sẽ tiếp tục được bồi đắp, thổi bùng lên khát vọng cống hiến, nhân lên những "bông hoa đẹp" trong vườn hoa người tốt, việc tốt rực rỡ của đất nước.

“Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 15 với chủ đề “Dấu ấn bộ đội thời bình” đã thành công rất tốt đẹp. Trong vườn hoa người tốt, việc tốt rực rỡ của đất nước ta lại có thêm nhiều tấm gương tiêu biểu vừa được tôn vinh. Sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, khát vọng dân tộc hùng cường vươn mình bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc ta sẽ thành hiện thực khi có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, có sự đồng lòng của toàn dân, có những việc lớn lao mang tầm thời đại, có những người, những việc sẽ được nhân dân ghi tạc muôn năm. Cùng với đó, sự nghiệp cách mạng cũng rất cần sự chuyển động từ mỗi công dân, những việc làm bình dị và thường nhật như những giọt nước li ti âm thầm tích tụ thành suối, thành sông, thành biển. Nhiều bông hoa đẹp sẽ thành vườn hoa đẹp. Nhiều người tốt, việc tốt góp lại sẽ thành phong trào cách mạng của toàn dân.

Bác Hồ muôn vàn kính yêu thường căn dặn: Một chương trình nhỏ mà làm được đến nơi đến chốn có giá trị hơn rất nhiều những chương trình, kế hoạch to tát mà kết quả thì chỉ là những báo cáo rất kêu. Những việc làm của 35 tấm gương vừa tôn vinh hôm nay chưa đại diện hết cho những điều bình dị mà cao quý trên khắp đất nước ta, nhưng đó là những người, những việc thiết thực và lặng lẽ, kiên trì và bền bỉ hoàn thiện bản thân và mang lại những điều thiện lành cho xã hội. Cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhõm và thanh thản hơn, đất nước sẽ yên bình và vững mạnh hơn từ mỗi công dân, mỗi gia đình, mỗi bản làng, khu phố, nếu những tấm gương bình dị mà cao quý tiếp tục được lan tỏa và nhân rộng”.

(Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 15  với chủ đề “Dấu ấn bộ đội thời bình”)

DƯƠNG THU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" xem các tin, bài liên quan.