Là một nhà văn - chiến sĩ công tác trong lực lượng quân hàm xanh, tôi may mắn có cơ hội tiếp cận thực tế cuộc sống với vai trò là người trong cuộc trong mảng đề tài rất đa dạng, phong phú là địa bàn biên giới và sự cống hiến, hy sinh của quân dân vùng biên qua những chặng đường lịch sử cách mạng. Tôi luôn có lòng tin là những người đồng đội đang giữ vai trò “khiên thép trấn biên” nơi địa đầu của tôi đã và sẽ luôn là những chất liệu đầy nhân văn và hào sảng cho các sáng tác của tôi từ trước tới nay và cả sau này. Chính đồng đội và đồng bào các dân tộc trên biên giới đã gợi mở cho tôi sức nghĩ, sức viết, sự tinh nhạy và nguồn cảm xúc ấm áp, thúc đẩy tôi luôn quyết tâm làm bằng được những điều mình yêu thích và tin tưởng.
 |
Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương và tác giả Phạm Vân Anh nhận kỷ niệm chương và bằng chứng nhận đoạt giải B Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 15. |
Đặc biệt, đối với Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đây là một nhân vật mang lại cho tôi nhiều cảm xúc khó quên. Ông không chỉ là người Thủ trưởng hiểu biết sâu rộng, đáng kính mà còn là một người anh gần gũi, luôn quan tâm đến đồng chí, đồng đội từ những điều nhỏ nhất. Lần đầu tiên tôi gặp ông vào năm 2016, khi đó ông đang giữ cương vị Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh và đang quyết liệt triển khai hoạt động Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia lần đầu tiên. Tôi đã rất ấn tượng trước tác phong làm việc quyết đoán nhưng cũng rất khoan hòa, ấm áp cùng trình độ hiểu biết sâu sắc của ông trên nhiều lĩnh vực.
Tiếp xúc và làm việc với vị tướng này, mọi người đều thấy tin tưởng, có cảm xúc đặc biệt và như được truyền nhiệt huyết từ tình yêu cuộc sống, trách nhiệm người lính và khát vọng cống hiến của ông. Những năm tháng sau này, có dịp tháp tùng ông dự nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có các cuộc làm việc với lãnh đạo các lực lượng bảo vệ biên giới phía đối diện, tôi nhận thấy ông đã gây dựng được những tình cảm hết sức gắn bó, thân thiết với lãnh đạo các cấp cũng như nhân dân Campuchia. Vì thân tình nên ông đã giải quyết nhiều khúc mắc nảy sinh ở biên giới một cách ổn thỏa, vừa có tình, có lý, vừa phù hợp tập quán cư dân hai bên biên giới và đúng với thông lệ quốc tế.
Và còn nhiều câu chuyện về vị tướng biên phòng đã có hơn 40 năm gắn bó với biên cương. Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; Chính phủ Campuchia tặng Huân chương Hữu nghị; Quốc vương Norodom Sihamoni tặng Huân chương Hợp tác Hữu nghị đặc biệt... Trong suy nghĩ của Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, phần thưởng quý giá nhất chính là một dải biên cương tươi đẹp, hòa bình mà biết bao thế hệ đã dày công bảo vệ, dựng xây đang ngày một phát triển. Ở đó những người lính biên phòng đang miệt mài cống hiến để làm sáng đẹp hơn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên biên giới yêu thương...
Chính từ sự ngưỡng mộ và trân trọng những cống hiến rất đáng ghi nhận của Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, tôi đã cùng nhà báo Dương Thu Hòa viết bút ký về ông và gửi tham dự cuộc thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Báo Quân đội nhân dân phát động. Đối với tôi, đây là một cuộc thi có ý nghĩa chính trị đặc biệt và hết sức hiệu quả trong việc tôn vinh những cống hiến, hy sinh của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Quân đội; là một hoạt động nhân văn, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và làm sáng đẹp hơn vẻ đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”; là điểm nhấn ấn tượng trong hàng loạt các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân. Qua đó truyền tải thông điệp về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và quân đội; thông điệp về sự cống hiến, hy sinh không quản ngại cùng vẻ đẹp trí tuệ, bản lĩnh, nghị lực của những người Cộng sản, người quân nhân cách mạng thời kỳ mới.
SƠN THẢO (ghi)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" xem các tin, bài liên quan.