"Người thầy thuốc cần phải hội tụ 5 tố chất được thể hiện bằng 5 từ tiếng Anh đứng đầu bằng chữ H: Head: "Đầu hay": Phải có suy nghĩ tốt, đọc nhiều, đúc rút kinh nghiệm để chẩn đoán đúng; Hand: "Tay giỏi": Không chỉ dừng lại ở chẩn đoán đúng, người thầy thuốc phải rèn luyện kỹ năng để có đôi bàn tay khéo léo, thực hành giỏi; Heart: "Tâm sáng": Lương y phải như từ mẫu, người thầy thuốc phải tâm niệm chữa bệnh không vì mục đích vụ lợi; Health: "Sức khỏe tốt": Người thầy thuốc phải khỏe về tinh thần và thể lực mới có thể chẩn đoán chính xác cho bệnh nhân, có thể thực hiện những kỹ thuật hoặc những cuộc phẫu thuật quan trọng kéo dài mười mấy tiếng đồng hồ; Hard: "Quyết đoán, chịu khó": Không những phải chăm chỉ học hỏi, nghiên cứu, người thầy thuốc cần phải có sự quyết đoán trước những ca bệnh khó, khẩn cấp nhằm cứu sống tính mạng của người bệnh". Và để đạt được điều đó, là một quá trình bền bỉ, phấn đấu, học tập rèn luyện không mệt mỏi. Đó là ước mơ, khát vọng được dấn thân, dâng hiến và thể hiện mình của Đại úy, Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Lê Trung Hiếu - Khoa Phẫu thuật Gan mật tụy, Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khi chia sẻ với chúng tôi.

Tốt nghiệp thủ khoa tại Học viện Quân y và đạt danh hiệu thủ khoa xuất sắc của Thành đoàn Hà Nội, năm 2012 bác sĩ trẻ Lê Trung Hiếu bén duyên với chuyên ngành ghép tạng, một trong những chuyên ngành đòi hỏi sự tỉ mỉ, tìm tòi và học hỏi không ngừng. Sau đó, anh theo học Bác sĩ nội trú Ngoại khoa tại Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức với sự hướng dẫn trực tiếp của PGS,TS Nguyễn Quang Nghĩa (Giám đốc Trung tâm Ghép tạng). Tại đây, anh có cơ hội được tham gia nhiều ca ghép gan, chứng kiến sự hồi sinh của người bệnh sau mỗi ca ghép anh cảm thấy đó là động lực để mình bước tiếp. Khi ấy, trong suy nghĩ của người bác sĩ trẻ đã sáng bừng lên hy vọng, anh đã tìm ra con đường mà mình sẽ bước đi trong tương lai để thỏa mãn đam mê.

Bác sĩ Hiếu trong khóa học về Robot tại Trường Phẫu thuật Nancy, Cộng hòa Pháp năm 2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm – Được học tập là niềm hạnh phúc!

Năm 2013 tại một hội nghị về chuyên ngành ghép tạng, bác sĩ Hiếu nhận được sự chia sẻ của TS, bác sĩ Lê Văn Thành, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan mật tụy về ước mơ triển khai và phát triển chuyên ngành ghép gan trong quân đội, sau đó anh đã quyết định xin về công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Được sự quan tâm ủng hộ của Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện, lãnh đạo chỉ huy khoa nên các bác sĩ trẻ trong đó có bác sĩ Hiếu đều được tạo cơ hội để được cử đi học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn tại những trung tâm y tế hàng đầu trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là trong chuyên ngành ghép tạng. Hiện nay anh cũng đang tiếp tục là nghiên cứu sinh của Viện Nghiên cứu khoa học Y dược lâm sàng 108 với đề tài về ghép gan từ người hiến sống.

Khi nhắc lại những kỷ niệm trong thời gian học tập tại nước ngoài, bác sĩ Hiếu chia sẻ về một ngày đặc biệt đáng nhớ. Đó là ngày 11-8-2016 trong khóa học về ghép gan tại Hàn Quốc, anh gọi đó là “Ngày của những lần đầu tiên”. Lần đầu tiên, anh được tham gia một ca ghép gan từ người hiến sống, trong khi trước đây khi ở trong nước anh mới chỉ được tham gia những ca ghép gan từ người hiến chết não. Cũng trong ca ghép đó, lần đầu tiên anh được chứng kiến tận mắt kỹ thuật mới trong ghép gan từ người hiến sống của người thầy mình là GS Chong Woo Chu, phương pháp mà trước đây anh mới chỉ được đọc trên các tài liệu khoa học. Ngay sau đó, cũng là lần đầu tiên anh được tham gia một ca ghép gan xuyên Hàn Quốc khi cùng kíp lấy tạng chết não của Bệnh viện Đại học Quốc gia Pusan bay đến Seoul để lấy tạng về ghép cho bệnh nhân bị suy gan ở Pusan.

Bác sĩ Hiếu trình bày báo cáo tại Phiên Sĩ quan Quân y trẻ Đông Nam Á tại Philippines năm 2016. Ảnh:Nhân vật cung cấp

Bác sĩ Hiếu nhớ lại, ca phẫu thuật đó giống như là một cuộc chạy đua, khi mà bác sĩ phải chạy đua với thời gian để giành lại sự sống cho người bệnh từ bàn tay tử thần. Và một điều vinh dự rằng, Bệnh viện Asan nơi mà anh tham gia phẫu thuật lấy tạng chết não lần đầu tiên tại Hàn Quốc cũng là bệnh viện đạt kỷ lục Guinness về số lượng ca ghép gan nhiều nhất trên thế giới với 5.000 bệnh nhân (cho đến tháng 11-2018). Trong thời gian là bác sĩ nội trú và học tập ở Pháp, anh cũng thấy mình cũng rất may mắn khi luôn nhận được hướng dẫn, chỉ bảo, quan tâm tạo mọi điều kiện trong cả học tập và cuộc sống của các giáo sư nước ngoài như GS L.Bresler (Bệnh viện Brabois, Pháp) và GS O.Soubrane (Bệnh viện Beaujon, Paris, Pháp). Anh luôn tâm niệm rằng: "Trong hành trình cuộc đời, mỗi người chúng ta gặp đều vì là có duyên và ai cũng có điều khiến anh cần học hỏi. Tài sản của tôi đem về sau những ngày tháng học tập ở nơi đây là một thân thể và một tâm hồn được tắm mát trong bao trải nghiệm quý báu về chuyên môn, văn hóa và tình bạn. Đó là tài sản vô giá". “Không thầy đố mày làm nên”, nhận được sự kỳ vọng, tin yêu của những người thầy, cũng trở thành một phần của động lực phấn đấu của anh trong hành trình học tập hoàn thiện bản thân, bác sĩ Hiếu chia sẻ.

Tự hào về truyền thống gia đình

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống 3 đời làm nghề y, cả ông và cha của anh đều là những vị tướng quân y đã miệt mài cống hiến, mang lại hạnh phúc cho nhiều người bệnh… Đại úy, Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Lê Trung Hiếu cũng được thừa hưởng những phẩm chất của người lính, người bác sĩ quân y từ ông cha. Cũng thật hữu duyên khi cả 3 thế hệ của gia đình bác sĩ Hiếu đều gắn bó với chuyên ngành ghép tạng. Ông nội của anh, Thiếu tướng GS, Tiến sĩ khoa học, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thế Trung – nguyên Giám đốc Học viện Quân y, Chủ tịch Danh dự của Hội Ghép tạng Việt Nam cũng là người chỉ huy ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam năm 1992.

Cha của anh, Thiếu tướng GS,TS, Nhà giáo Ưu tú Lê Trung Hải, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân y, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cũng là phẫu thuật viên tham gia vào ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam năm 2004, cả ông và cha anh đều đã có những đóng góp rất đáng tự hào trong chuyên ngành ghép tạng. Các đồng nghiệp trong ngành luôn nhắc đến hai cha con vị tướng quân y với lòng yêu mến, trân trọng về tấm gương người thầy thuốc gương mẫu, tận tụy với công việc, hết lòng với bệnh nhân và đã có những đóng góp đáng tự hào, làm rạng danh dấu son ngành Y Việt Nam.

Bác sĩ Hiếu đang thực hiện 1 ca phẫu thuật cấp cứu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hiện nay, bác sĩ Hiếu cũng đã trở thành phẫu thuật viên của Khoa Phẫu thuật Gan mật tụy (B3-B), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đây cũng là trung tâm có số lượng ghép gan nhiều nhất Việt Nam. Vào tháng 11-2021, anh cũng vinh dự tham gia vào ca phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép gan phải từ người hiến sống đầu tiên của Việt Nam. Được thừa hưởng truyền thống từ gia đình, đó vừa là “áp lực” nhưng cũng là động lực giúp Đại úy Lê Trung Hiếu luôn tích cực phấn đấu và học hỏi để tiếp bước cha ông. Anh luôn tâm niệm: “Mỗi ngày mới đến, chúng ta lại tiếp tục bước đi trên con đường của những người khổng lồ đã mở lối”.

Thấm nhuần y đức và sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc, kế thừa truyền thống của ông cha, bác sĩ Lê Trung Hiếu luôn trăn trở, nỗ lực sáng tạo, dấn thân trong chuyên ngành, miệt mài đem tâm sức mình vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, vẹn toàn y đức “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Hiện nay, anh là Phó tổng Thư ký Phân hội Phẫu thuật Gan mật tụy Việt Nam, phụ trách công tác đối ngoại, thành viên của Hội Phẫu thuật Gan mật tụy thế giới và châu Á-Thái Bình Dương. Từ những ngày đầu thành lập, anh đã luôn cùng lãnh đạo của Hội tích cực kết nối với các Hội Quốc tế, các Trung tâm, Bệnh viện trong khu vực và trên thế giới với mục đích tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ đào tạo để nâng cao trình độ của các phẫu thuật viên gan mật Việt Nam đồng thời cũng để báo cáo những kết quả, thành tựu của chuyên ngành đã đạt được. Năm 2021, anh được mời làm Chủ tọa phiên khoa học và đạt giải thưởng Báo cáo xuất sắc Nhất tại Hội nghị Phẫu thuật Gan mật tụy châu Á-Thái Bình Dương tổ chức tại Bali, Indonesia. Anh cũng là thành viên Ban Biên tập Tạp chí Quốc tế Frontiers in Enterology có chỉ số uy tín cao trong lĩnh vực tiêu hóa, gan mật. Bên cạnh đó, bác sĩ Hiếu cũng có nhiều lần tham dự và có báo cáo chuyên ngành tại các Hội nghị quốc tế ở Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines.

Mang trên mình danh dự, trách nhiệm của người thầy thuốc quân y

Trong thời điểm tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, hình ảnh quen thuộc của bác sĩ quân dân y là những kíp trực liên ca ở khu điều trị bệnh nhân Covid-19 ở các bệnh viện dã chiến. Những ngày Tết Nhâm Dần, khi nhà nhà sum họp và quây quần bên nhau để đón Tết, bác sĩ Lê Trung Hiếu cùng đồng nghiệp nhận nhiệm vụ tăng cường cho khu điều trị bệnh nhân Covid-19 của bệnh viện. Anh đã có nhiều kỷ niệm và cảm xúc đặc biệt khi thực hiện nhiệm vụ. Chia sẻ về công việc trong những ngày trên “tuyến lửa” chống dịch Covid-19, bác sĩ Hiếu cho biết, khi nhận nhiệm vụ tại Trung tâm, nơi chỉ có bác sĩ và người bệnh, ngoài việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, anh còn là người động viên, chia sẻ với họ, để họ có thêm niềm tin vượt qua và chiến thắng, sớm đoàn tụ với gia đình.

Đại úy, Bác sĩ Lê Trung Hiếu- Khoa Phẫu thuật Gan mật tụy báo cáo tại Lễ trao giải Tuổi trẻ Sáng tạo trong Quân đội lần thứ 22.

Gần đây nhất, vào tháng 3 năm 2022, bác sĩ Hiếu khám cho một bệnh nhân 60 tuổi, được chẩn đoán ung thư gan tái phát giai đoạn cuối. Ông đã đi nhiều bệnh viện đều nhận được câu trả lời “Ung thư giai đoạn cuối, không thể điều trị triệt để” nhưng may mắn thay, khi ông đến với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và phép màu đã đến với bệnh nhân và gia đình. Bệnh nhân đã được điều trị khỏi bằng phương pháp ghép gan và ra viện khỏe mạnh. Niềm vui của gia đình cũng là niềm vui của mỗi bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện. Nhưng đặc biệt hơn cả, người vui nhất là bác sĩ trẻ Lê Trung Hiếu, bác sĩ trực tiếp điều trị cho ông khi nhận được những dòng tin nhắn cảm kích, tri ân của bệnh nhân và gia đình. Khi đứng trước lằn ranh giữa sự sống và cái chết, bác sĩ chính là cầu nối mang lại “hy vọng” cho người bệnh. Hy vọng không thể đánh mất, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đó cũng chính là động lực trong hành trình trên con đường y nghiệp của bác sĩ Hiếu.

“Ở cương vị công tác nào, bác sĩ Hiếu cũng luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong ứng xử với đồng nghiệp, bệnh nhân, Đại úy trẻ luôn giữ thái độ đúng mực, thân thiện, gần gũi, ham học hỏi”, Đại tá, TS, bác sĩ Lê Văn Thành – Phó viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa kiêm Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan mật tụy cho biết.

Với những nỗ lực không ngừng, Đại úy, bác sĩ Lê Trung Hiếu đã vinh dự được các cấp, ngành, đơn vị biểu dương, khen thưởng. Anh có 7 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2012, 2 bằng khen cấp Bộ Quốc phòng và 1 bằng khen cấp Bộ Y tế. Giải Xuất sắc Hội nghị Khoa học và công nghệ các trường Đại học, Cao đẳng Y dược Việt Nam năm 2014. Năm 2019, anh đạt giải Nhất Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ Ngành Y tế khu vực Hà Nội. Đặc biệt, năm 2022, anh được trao giải Nhất Giải thưởng Tuổi trẻ Sáng tạo trong Quân đội và anh được vinh dự chọn là một trong hai báo cáo trong tổng số 700 đề tài, sáng kiến được trình bày trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của riêng anh mà của cả tuổi trẻ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Ngoài công tác chuyên môn, bác sĩ Lê Trung Hiếu còn là một Bí thư Đoàn năng nổ, nhiệt huyết. Với những đóng góp của mình anh đã vinh dự được trao tặng giải thưởng “Sao Tháng Giêng” của Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và danh hiệu Cán bộ Đoàn xuất sắc tiêu biểu. Và như Đại tá Lê Văn Thành chia sẻ: “Cậu ấy thực sự là một tấm gương tiêu biểu, mà có nhiều điều chúng tôi cũng phải học”.

Tiếp nối truyền thống ngành y và danh dự của một người quân nhân, Đại úy, bác sĩ Lê Trung Hiếu khẳng định trong chặng đường tiếp theo luôn học tập, rèn luyện để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, luôn giữ vững được phẩm chất người chiến sĩ, bác sĩ quân y “vừa hồng, vừa chuyên”.

AN NGỌC