Họ là những thầy, cô không đơn thuần chỉ hành nghề dạy học mà còn là người truyền cảm hứng, khơi dậy những ước mơ và khát vọng cho thế hệ tương lai bằng tất cả tình yêu thương và trách nhiệm. Ở giữa TP Hồ Chí Minh phồn hoa, hiện đại, vẫn có những tấm lòng nhân ái đã và đang đứng trên bục giảng của "lớp học i tờ".
Hành động cao cả từ những nhà giáo tình nguyện
Hình ảnh cô giáo Nguyễn Thị Anh (sinh năm 1951, TP Hồ Chí Minh) là một minh chứng sống động cho tinh thần, ý chí vượt khó. Ở tuổi ngoài 70, lẽ ra cô có quyền nghỉ ngơi, hưởng thụ những thành quả suốt cuộc đời đã cống hiến. Nhưng không! Vì tình yêu nghề, yêu trò, cô đã trở lại với bục giảng bằng việc mở lớp học tình thương, “lớp học i tờ giữa phố thị”, để thắp lên những tia sáng cho hàng nghìn trẻ em nghèo, cơ nhỡ, không nơi nương tựa trong suốt hơn một thập kỷ. Cô không chỉ dạy các em biết chữ mà còn dạy kỹ năng sống, giáo dục giới tính và rèn luyện tính tự tin, biết nuôi dưỡng ước mơ cho tương lai. Với những cống hiến không mệt mỏi cho ngành giáo dục, cô Nguyễn Thị Anh được TP Hồ Chí Minh vinh danh tại lễ tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả" trong phong trào thi đua yêu nước, trở thành biểu tượng của lòng nhân ái và sự hy sinh trong sự nghiệp “trồng người.”
 |
Quang cảnh vui nhộn tại lớp học tình nguyện cho trẻ em khó khăn, cơ nhỡ tại TP Hồ Chí Minh của võ sư Phạm Đức Thái.
|
Hay lớp dạy võ cho trẻ em nghèo của võ sư Phạm Đức Thái (sinh năm 1966, TP Hồ Chí Minh), người cũng được vinh danh “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TP Hồ Chí Minh. Để tránh việc các em nhỏ không được đến trường, hằng ngày lang thang, la cà nơi đầu đường xóm chợ, suốt hơn 8 năm qua, võ sư Thái vẫn miệt mài làm đủ mọi công việc từ giao hàng, bê vác… nhằm kiếm thêm thu nhập trang trải cho lớp học. Từ những bộ võ phục, dụng cụ luyện tập, đồ ăn liên hoan, thậm chí là hỗ trợ cả học phí cho các em đang đi học, võ sư Phạm Đức Thái luôn chăm chút, cố gắng trao tặng cho từng em học sinh của mình. “Tôi cũng rất cảm ơn chính quyền các cấp, cũng như những tấm lòng hảo tâm đã hỗ trợ cho lớp, nếu không có những trái tim ấm nóng kịp thời, có lẽ lớp học đã khó duy trì được tới ngày nay. Được hỗ trợ tôi tuyệt đối không lấy tiền, chỉ xin nhận vật dụng có thể xây dựng cho lớp”, võ sư Phạm Đức Thái chia sẻ.
Ở các tỉnh miền núi và biên giới xa xôi như: Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Tây Ninh, Bình Phước... biết bao thầy, cô quên ăn, quên ngủ vượt núi, băng đèo, lội suối đi bộ hàng chục km đến với từng gia đình, vận động từng em học sinh đi học. Những nhà giáo không chỉ là người dạy chữ mà còn như cha, mẹ học sinh, lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ, quần áo, sách vở học hành. Không ít bản làng, thầy, cô phải hy sinh cả tinh thần, vật chất, sức lực tự dựng trường, dựng lớp cho các em đến học...
Đồng hành cùng những trái tim hết mực yêu thương học trò
Nghề giáo vất vả là thế, cống hiến hy sinh nhiều như thế nhưng lại luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn như áp lực từ chương trình giảng dạy, những kỳ vọng không thực tế từ phụ huynh, sự cạnh tranh trong giáo dục, điều kiện dạy học hạn chế ở nhiều địa phương cũng đè nặng lên vai các thầy, cô... Thế rồi, không ít giáo viên tình nguyện đã phải buồn bã bỏ nghề do không chịu nổi khó khăn, áp lực. Dù những chính sách hỗ trợ đến các nhà giáo tình nguyện luôn có, nhưng vẫn còn tồn đọng nhiều khó khăn; vì nếu thầy, cô lớn tuổi sẽ thường gặp vấn đề về sức khỏe, còn với người trẻ tuổi thì còn đó nỗi lo sinh nhai, gia đình… khó lòng duy trì lớp học.
Bày tỏ mong muốn để những “ngọn lửa” của ngành giáo dục tiếp tục cháy sáng, cô Lê Hương Thảo (phụ huynh học sinh tại lớp học của võ sư Phạm Đức Thái) chia sẻ: “Tôi cảm thấy nên chú trọng việc tăng lương và phụ cấp dành cho các nhà giáo tình nguyện. Song song đó, cần chung sức xây dựng, ủng hộ cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học để bảo đảm môi trường dạy và học tốt hơn".
 |
Học sinh tại "lớp học i tờ" của cô Nguyễn Thị Anh trao tặng hoa tới người giáo viên đáng mến của lớp nhân dịp 20-11. Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
Ngoài ra, những chương trình vinh danh kịp thời như lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”, đã trở nên vô cùng thiết thực và kịp thời. Sẽ tiếp thêm động lực để giáo viên gắn bó với nghề; đồng thời, thúc đẩy sự chung tay vì nhân ái của xã hội, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn trong giáo dục. Nếu chúng ta cùng chung tay, những nhà giáo sẽ không còn đơn độc trên hành trình gieo mầm tri thức.
Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.