Đặt người học vào vị trí trung tâm

Tại Lớp 21C, khóa 21 Học viện Chính trị - đào tạo ngắn hạn chính ủy trung (lữ) đoàn, giảng chuyên đề: “Phương pháp cách mạng của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân”, Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sự, Khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (HVCT) không lên lớp một chiều theo phương pháp truyền thống mà đặt câu hỏi đối với học viên theo từng vấn đề của bài giảng.

Sau đó học viên nghiên cứu trả lời và đặt câu hỏi ngược lại để giảng viên và học viên cùng nghiên cứu, trao đổi. Việc "trao đi, đổi lại" khiến buổi học sôi nổi, hấp dẫn. Tranh thủ giờ giải lao, anh Sự nói với chúng tôi: "Trước đây, phương pháp giảng dạy là thầy “trao” kiến thức, trò ghi nhớ, tái hiện. Hiện nay, HVCT vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực, trong mô hình lớp học "đảo ngược" mang lại hiệu quả rõ rệt.

 Mô hình lớp học “đảo ngược” đang được vận dụng hiệu quả ở Học viện Chính trị.

Theo anh Sự, lớp học “đảo ngược” không phải là mô hình mới. Nhiều nước tiên tiến áp dụng mô hình này và chứng minh tính hiệu quả trong phát huy năng lực người học, đưa người học vào vị trí trung tâm. Các hoạt động đặc trưng của lớp học “đảo ngược” là: Trước khi lên lớp, học viên tự nghiên cứu tìm hiểu, nắm nội dung bài học, phát hiện các vấn đề chưa rõ, chưa hiểu để trao đổi, tranh luận trên lớp, giảng viên định hướng, kết luận; qua đó củng cố, bổ sung, hoàn chỉnh kiến thức cho học viên.

Với việc tìm hiểu nội dung bài học trước khi đến lớp, nguồn kiến thức không chỉ được đưa ra từ giảng viên mà người học cũng trở thành nguồn kiến thức ở cả phương diện lý luận và thực tiễn. Qua thảo luận, lượng kiến thức đưa ra phong phú, đa dạng giúp học viên vừa thẩm thấu lý luận, vừa rèn luyện kỹ năng, trau dồi kinh nghiệm, vừa phát triển năng lực tư duy, nhất là năng lực tư duy phản biện.

Thiếu tướng Vũ Đức Long, Phó chính ủy HVCT cho biết: “Năm học 2024-2025, Đảng ủy HVCT xác định đột phá “Nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng phương pháp dạy học tích cực”. Thực hiện đột phá này, Học viện tổ chức giới thiệu, tập huấn, yêu cầu giảng viên vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, như: Phương pháp dạy học nêu vấn đề, phương pháp dạy học hợp tác và mô hình lớp học “đảo ngược”. Có thể thấy, mô hình lớp học “đảo ngược” đã chuyển trọng tâm từ ghi nhớ, hiểu kiến thức sang phát triển năng lực, vận dụng linh hoạt, sáng tạo kiến thức, tiếp thu kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đặc biệt, mô hình này giúp học viên phát triển năng lực tư duy, nhất là tư duy đổi mới, sáng tạo, khuyến khích học viên thể hiện năng lực bản thân...

Cần sự chủ động của các chủ thể

Theo Thượng tá, PGS, TS Thân Văn Quân, Chủ nhiệm bộ môn, Khoa Sư phạm quân sự (HVCT), mô hình lớp học “đảo ngược” đòi hỏi người dạy và người học phải có sự phối hợp thống nhất, từ giai đoạn chuẩn bị đến giai đoạn thực hành trên lớp. Giảng viên phải có kiến thức toàn diện, kỹ năng, kinh nghiệm sư phạm phong phú, có khả năng lập luận, gợi mở, định hướng và tổng hợp khoa học. Giảng viên phải chủ động cập nhật kiến thức thực tiễn để vận dụng vào bài giảng; tạo ra các tình huống, dẫn dắt, định hướng, hỗ trợ học viên trong quá trình học tập. Học viên là chủ thể trong hoạt động học tập, chủ động nghiên cứu nội dung, soi vào thực tiễn nghề nghiệp để trao đổi, giải quyết vấn đề.

Trung tá Đặng Vũ Hoàng Thái, học viên Lớp 21C, Hệ 3, cho hay: “Với mô hình lớp học “đảo ngược”, học viên phải phát huy tối đa kiến thức, kinh nghiệm, tranh thủ thời gian tự học, tự nghiên cứu và tăng cường tương tác với giảng viên, học viên. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng mô hình này cần nguồn tài liệu phong phú và định hướng về nội dung của giảng viên để học viên có thời gian nghiên cứu trước".

Bên cạnh đó, để mô hình lớp học “đảo ngược” có tính khả thi cao, cần đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập phù hợp. Đây là khâu cuối cùng của quá trình dạy học, nhưng có vai trò quan trọng quyết định đến chất lượng giáo dục-đào tạo.

Thực tế, HVCT đã chủ động triển khai nội dung này trong năm học 2023-2024, với yêu cầu 40% nội dung câu hỏi thi, kiểm tra đáp ứng chuẩn đầu ra; 60% nội dung câu hỏi thi, kiểm tra còn lại là liên hệ vận dụng, xử lý tình huống, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tuy nhiên, hệ thống câu hỏi nên thiết kế có độ "mở" nhiều hơn; yêu cầu học viên phải tích cực, chủ động, sáng tạo hơn trong quá trình học tập; thi, kiểm tra không còn đơn thuần là số lượng kiến thức như trước đây mà đánh giá khả năng vận dụng sáng tạo trong thực tiễn, hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao mới là điều quan trọng nhất.

Bài và ảnh: HOÀI ĐÔNG - VIỆT ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.