Khi tới tham quan không gian trưng bày Bảo tàng số 3D về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam thực hiện, với vai trò khách tham quan, chúng tôi ấn tượng hiệu quả của công nghệ thực tế ảo hết sức sống động; đồng thời chứa đựng nhiều thông tin trực quan dành cho người xem.

Phụ trách giới thiệu thông tin tại không gian trưng bày, Thượng úy QNCN Phạm Thùy Linh chia sẻ, bảo tàng công nghệ số mới tích hợp hơn 500 tài liệu, hình ảnh, hiện vật và với những cụm di tích lịch sử tiêu biểu gắn liền với Đại tướng đã được số hóa bằng giải pháp công nghệ với những hình ảnh ba chiều. Sản phẩm công nghệ cao trên cũng đã được triển khai tại tỉnh Quảng Bình và trưng bày phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

leftcenterrightdel

Thượng úy QNCN Phạm Thùy Linh giới thiệu tới khách tham quan về bảo tàng số 3D về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Nói về các giải pháp công nghệ được áp dụng trong bảo tàng số đặc biệt này, Trung úy Phạm Đăng Tuấn Linh, Phòng Tuyên truyền-Giáo dục Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, hệ thống công cụ và phần mềm 3D hỗ trợ khách tham quan cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngoài những chuyên mục về kỷ vật, thân thế sự nghiệp của Đại tướng trong quá trình hoạt động cách mạng được thể hiện trực quan, còn có những địa danh, di tích liên quan tới Đại tướng được quét ba chiều và sử dụng công nghệ ảo hóa để mô phỏng lại giống như thật. Ví dụ như tại ngôi nhà cũ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá (Lệ Thủy, Quảng Bình), người xem có thể tương tác tới từng khu vực trong căn nhà để có trải nghiệm thực tế nhất về không gian với tất cả đồ dùng, nội thất được tái hiện như thật và có cảm giác như chúng ta đang được tham quan tại chỗ.

Cùng với đó, công nghệ cũng giúp người tham quan có thể hòa mình vào cảnh vật như đang ở thực địa, thậm chí có lợi thế hơn nhờ các góc quan sát từ trên cao. Điều này có thể thấy dễ dàng khi khách tham quan trải nghiệm tại các khu vực rộng lớn như tại di tích Hầm Sở chỉ huy tại Điện Biên Phủ. Ngoài lựa chọn di chuyển trên mặt đất, khách tham quan có thể chọn góc nhìn từ trên cao để có cái nhìn toàn cảnh nhất về sự vượt khó của quân và dân ta trong 56 ngày đêm tại lòng chảo Điện Biên Phủ.

Trung úy Phạm Đăng Tuấn Linh còn cho biết thêm: “Công nghệ mới còn giúp khách tham quan có thể tra cứu nhiều kỷ vật của Đại tướng bằng công nghệ ba chiều như: Huân chương Sao Vàng, quân phục và nhiều kỷ vật khác… Về cơ bản, công nghệ hiện đại giúp khách tham quan có cái nhìn bao quát và cụ thể nhất về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà không cần phải tới tận nơi tham quan trực tiếp”.

leftcenterrightdel
Toàn bộ "bảo tàng số" được tích hợp nhỏ gọn trên màn hình cảm ứng cỡ lớn.  

Với sự thành công của Bảo tàng số 3D về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong tương lai, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ tiếp tục áp dụng công nghệ này đối với các hiện vật trưng bày tại bảo tàng, cũng như về các danh nhân văn hóa, nhân vật lịch sử để làm giàu thêm kho dữ liệu số của phần mềm.

Thiếu tá Phạm Hoàng Long, Trung tâm 586, Bộ tư lệnh 86, Bộ Quốc phòng, phụ trách gian trưng bày các sản phẩm công tác chính trị tại hoạt động trưng bày sản phẩm, giới thiệu kết quả chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng đánh giá, sản phẩm Bảo tàng 3D khá nổi bật với những công nghệ được ứng dụng và khả năng tùy biến cao khi công nghệ lõi và lập trình phần mềm đều do cán bộ Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam nghiên cứu, làm chủ.

“Gian trưng bày về sản phẩm Bảo tàng số 3D về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam nghiên cứu và thực hiện mang nhiều tính đột phá về công nghệ và ứng dụng thực tiễn”, Thiếu tá Phạm Hoàng Long chia sẻ.

Bài, ảnh: TUẤN SƠN