Suốt mấy tuần qua, các thầy, cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hồ Bốn (Trường Hồ Bốn) và Trường Tiểu học Xéo Dì Hồ xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) phải đội mưa dốc sức vệ sinh trường lớp. Trận mưa lũ chiều 5-8 đã khiến Trường Tiểu học Xéo Dì Hồ bị sạt trượt toàn bộ khu vực bếp ăn và vùi lấp toàn bộ diện tích khoảng 7.000m2 của Trường Hồ Bốn trong đất đá và bùn lầy, gây thiệt hại nhiều cơ sở vật chất và thiết bị dạy, học của nhà trường...

leftcenterrightdel
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hồ Bốn được dọn dẹp, xây mới các phòng học để chuẩn bị đón năm học mới. 

Nhà bị lũ cuốn trôi, thầy Giàng A Che, giáo viên Trường Hồ Bốn phải gửi con cho họ hàng rồi đến trường dọn dẹp cùng đồng nghiệp, vì năm học mới đã cận kề. Theo lời kêu gọi từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải, giáo viên từ các trường khác trong huyện đã đến góp sức hỗ trợ hai trường. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316, Quân khu 2), lực lượng công an, đoàn thanh niên cũng chung tay cùng các thầy cô xúc đất đá, dựng lại phòng học mới, lát từng viên gạch, sơn sửa trường lớp.

Để bảo đảm khôi phục hoạt động của nhà trường trước ngày khai giảng năm học mới, đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái chỉ đạo các lực lượng phối hợp sửa chữa cơ sở vật chất, bổ sung vật dụng, trang thiết bị để khôi phục diện mạo hai trường, chuẩn bị sẵn sàng trường lớp, bếp ăn bán trú; đồng thời hỗ trợ các thầy, cô giáo có nhà bị lũ cuốn trôi. Học sinh cả hai trường cũng được tài trợ toàn bộ sách giáo khoa.

Tại Quảng Ninh, công tác hoàn thiện cho 3 ngôi trường mới là Trường THPT Cẩm Phả, Trường THPT Bình Liêu, Trường THCS-THPT Quảng La cũng đang được gấp rút hoàn thiện để kịp đón học sinh trong năm học mới. Tại Lạng Sơn, các cơ sở giáo dục đã rà soát cơ sở vật chất để kịp thời trình UBND các cấp hỗ trợ kinh phí đầu tư, sắm sửa. Tại Cà Mau, ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho hay, điều phải lo ngay trước mắt là thiếu đội ngũ giáo viên cho năm học mới và tỷ lệ học sinh bỏ học cao. “Hiện tỉnh đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát để đề xuất UBND tỉnh ban hành chính sách thu hút giáo viên, thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên, chính sách với giáo viên mầm non. Tỉnh cũng sẽ nỗ lực bằng nhiều biện pháp để giảm tình trạng học sinh bỏ học, hỗ trợ cho học sinh đến trường trong năm học mới”, ông Luân chia sẻ.

Trong khi đó, tại các thành phố lớn, vấn đề quá tải trường lớp do tăng dân số cơ học nhanh chóng lại là bài toán mà độ khó tăng dần lên mỗi năm. Năm học 2023-2024 tới đây, Hà Nội có hơn 2,2 triệu học sinh, tăng gần 69.000 em so với năm học trước. Để có chỗ học cho học sinh, Thủ đô đã phải xây thêm 34 trường với gần 2.000 phòng học, nâng tổng số trường trên địa bàn lên 2.874 trường (mầm non và phổ thông) với trên 66.000 lớp.

Theo bà Vũ Thu Hà, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, dù số trường, lớp tăng mỗi năm, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu người học. Vì thế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong năm học tới vẫn là phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung triển khai bảo đảm các dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, trong đó có việc xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại, có diện tích 5ha trở lên trên địa bàn.

Bài và ảnh: MAI TÙNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.