Trước thực trạng nhiều học sinh phổ thông còn bối rối, chọn nghề theo cảm tính hoặc bị chi phối bởi áp lực bên ngoài, Công ty TNHH MTV Hải Đăng Định Hướng đã cho ra đời mô hình hướng nghiệp hiện đại. Mục tiêu của mô hình nhằm giúp các bạn trẻ hiểu bản thân mình, hiểu xã hội và đưa ra lựa chọn đúng đắn để lựa chọn ngành, nghề phù hợp cho tương lai.
 |
Chuyên gia Phạm Thị Thu Hà (thứ hai, từ phải sang) - Diễn giả trong chương trình hướng nghiệp “Người dẫn đường” cho học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ năm 2025.
|
Theo chuyên gia Phạm Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hải Đăng Định Hướng, mô hình hướng nghiệp hiện đại được vận hành dựa trên việc sử dụng tích hợp 4 công cụ tâm lý học hiện đại: MBTI, NLP, IKIGAI và Numerology (MBTI được sử dụng để phân loại tính cách; NLP giúp con người thay đổi suy nghĩ và hành vi; IKIGAI tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống và Numerology để phân tích và dự đoán). Vận dụng mô hình là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa khoa học tâm lý hiện đại và triết lý sống nhân văn, qua đó giúp đối tượng tham gia hiểu về bản thân, hiểu ý nghĩa cuộc sống và đưa ra những lựa chọn phù hợp trong tương lai.
Chương trình đặt trọng tâm vào việc khơi dậy tinh thần trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, hun đúc lý tưởng sống vì cái chung, vì xã hội. Đối tượng hướng đến của mô hình là các em học sinh đang học trung học phổ thông.
 |
Các bạn học sinh đã xác định rõ mục đích sống, dám nói lên mục tiêu và quyết tâm hành động sau khi được test bằng MBTI, IKIGAI và khai vấn bằng NLP. |
“Chúng tôi xây dựng chương trình này với mong muốn mỗi em học sinh có thể xác định được hướng đi phù hợp với chính mình, cả về năng lực lẫn mục tiêu sống lâu dài. Qua đó, giúp các em bồi dưỡng lý tưởng sống, hun đúc trách nhiệm công dân với gia đình và xã hội”, bà Phạm Thị Thu Hà cho biết. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi nguồn nhân lực không chỉ có trình độ chuyên môn, mà còn cần bản lĩnh, lý tưởng và tinh thần cống hiến. Hướng nghiệp đúng đắn không chỉ là chuyện cá nhân, mà là cách để mỗi người trẻ bước vào đời với sự chuẩn bị vững chắc, tự tin đảm nhiệm vai trò công dân trong thời đại hội nhập.
Theo đó, khi tham gia chương trình, mỗi em học sinh sẽ trải qua quá trình khám phá bản thân, sau đó được tư vấn bởi đội ngũ chuyên gia bao gồm nhà tâm lý học, chuyên gia hướng nghiệp... Kết quả phân tích giúp học sinh hiểu được: Tính cách cá nhân; hệ giá trị sống và động lực nội tại; xu hướng phát triển cá nhân tiềm ẩn. Tiếp đó, học sinh được xây dựng lộ trình học tập và nghề nghiệp cá nhân hóa; có cơ hội tham gia các buổi chia sẻ trải nghiệm thực tế cùng người đi trước trong từng ngành nghề.
Cũng theo bà Phạm Thị Thu Hà, hiện chương trình đã được triển khai thí điểm tại một số trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình với hơn 3.000 học sinh tham gia. Thời gian tới, đơn vị phát triển chương trình sẽ phối hợp với các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục và hội phụ huynh để mở rộng mô hình đến nhiều tỉnh, thành phố, đồng thời tổ chức các hội thảo hướng nghiệp miễn phí, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của hướng nghiệp cá nhân hóa.
Bài, ảnh: VĂN CHUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.